YouMed

Những loại thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng đầu

Bác sĩ NGUYỄN MINH THÚY
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Minh Thúy
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Ba tháng đầu là thời kỳ mà mẹ bầu phải đối mặt rất nhiều khó khăn của thai nghén. Trong khi đó, thức ăn của mẹ cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ. Thấu hiểu được những điều trên, Bác sĩ Nguyễn Minh Thúy sẽ giới thiệu cho mẹ bầu các khuyến cáo về thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng đầu, để các mẹ sẽ tự tin có một thai kỳ khỏe mạnh.

Những chất dinh dưỡng, thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng đầu

Trên thực tế, các mẹ bầu cần ăn đầy đủ các nhóm dưỡng chất thiết yếu bao gồm: đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, có một số chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng trong thai kỳ sẽ được liệt kê dưới đây:

1. Acid folic, folate – phòng ngừa dị tật bẩm sinh

Folate là vitamin B giúp giảm nguy cơ dị tất ống thần kinh – một bất thường nghiêm trọng đối với não bộ và tủy sống. Folate sau khi chuyển hóa sẽ trở thành acid folic, một trong những chất đã được chứng minh giảm nguy cơ sinh non của thai nhi.

Mỗi thai phụ cần 400- 1000 mcg folate hoặc acid folic mỗi ngày trong suốt thai kỳ.

2. Canxi – Chắc khỏe xương

Cả bà bầu và thai nhi đều cần canxi cho xương và răng chắc khỏe. Canxi cũng giúp hệ tuần hoàn, cơ và hệ thần kinh hoạt động trơn tru và khỏe mạnh.

Mỗi thai phụ cần 1000mg canxi mỗi ngày trong suốt thai kỳ, đối với mẹ bầu trong tuổi “teen” cần 1300 mg.

3. Vitamin D – Tăng sức mạnh cho xương

Vitamin D cũng góp phần hình thành xương và răng cho trẻ

Mỗi thai phụ cần 600 IU (đơn vị quốc tế) mỗi ngày

4. Chất đạm – Thúc đẩy tăng trưởng

Chất đạm rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ trong suốt thai kỳ

Lượng chất đạm cần mỗi ngày là 71 g.

5. Sắt – Ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt

Trong khi mang thai, bà bầu cần gấp đôi lượng sắt mà phụ nữ bình thường cần. Việc tăng cường chất sắt này góp phần tạo ra nhiều máu hơn để cung cấp oxy cho em bé.

Thiếu máu do thiếu sắt trầm trọng khi mang thai có thể làm cho các mẹ bầu trở nên mệt mỏi, đồng thời cũng làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ cân và trầm cảm sau sinh.

Lượng sắt cần mỗi ngày là 27 mg.

6. Vitamin tổng hợp – Hỏi và tham khảo ý kiến bác sĩ

Ngay cả khi bạn ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, bạn có thể bỏ lỡ các chất dinh dưỡng quan trọng. Các bác sĩ khuyến cáo uống vitamin tổng hợp dành cho bà bầu trước khi sinh hàng ngày – lý tưởng nhất là bắt đầu ít nhất ba tháng trước khi có thai.

Những loại thực phẩm tốt cho bà bầu trong 3 tháng đầu

1. Tháng thứ nhất

Trong tháng đầu tiên của thai kỳ, ống thần kinh được phát triển, đó là lý do tại sao việc bổ sung axit folic là rất quan trọng.

Nguồn thức ăn chứa nhiều acid folic: ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, trái cây họ cam quýt và các loại đậu là rất tốt trong tháng đầu thai kỳ.

Các thực phẩm giàu acid folic cho bà bầu 3 tháng đầu
Các thực phẩm giàu acid folic cho bà bầu 3 tháng đầu

Bảng thành phần acid folic trong một số thực phẩm:

Thực phẩm Khối lượng Lượng chứa acid folic hoặc folate
Ngũ cốc 3/4 cup (15 đến 60 g) 100 đến 700 mcg
Rau chân vịt 1/2 cup (95 g) 131 mcg
Đậu 1/2 cup (89 g) 90 mcg
Măng tây 60 g 89 mcg
Cam 1 trái nhỏ (96 g) 29 mcg
Đậu phộng rang khô 1 oz (28 g) 27 mcg

Nguồn: Cơ sở dữ liệu dinh dưỡng quốc gia của Hoa Kỳ

*01 cup tương ứng 237 ml.

2. Tháng thứ hai

Các triệu chứng thai nghén như nôn, buồn nôn,.. thường xuất hiện vào tháng thứ hai, vì vậy mẹ bầu cần bổ sung một số thực phẩm giúp giảm ốm nghén để ăn được nhiều món bổ dưỡng cho cơ thể.

Gừng đã được chứng minh giúp giảm co thắt dạ dày, giảm buồn nôn, nôn. Chính vì thế, mẹ bầu trong ba tháng đầu có thể dùng gừng cho vào các món ăn hoặc uống nước gừng để giảm cảm giác thai ghén.

Bên cạnh đó, thai phụ cần làm phong phú các món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng kể trên để tăng cảm giác thèm ăn và cung cấp cho bé sự phát triển toàn diện. Ví dụ như ăn nhiều loại chất đạm khác nhau như: thịt heo nạc, thịt bò, thịt gia cầm, cá, trứng, các loại hạt, đậu.

Thực phẩm cho bà bầu 3 tháng đầu
Thực phẩm cho bà bầu 3 tháng đầu

3. Tháng thứ ba

Khi tình trạng thai nghén đã giảm đáng kể, bà bầu tiếp tục ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, trong đó có rau xanh và không quên cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Mỗi ngày, thai phụ có thể uống sữa, uống ép trái cây như nước cam, nước dâu, sinh tố bơ,… để tăng cường dưỡng chất cho mẹ và bé.

Những thực phẩm mẹ bầu cần tránh

Bên cạnh các thực phẩm tốt cho bà bầu 3 tháng đầu đã nêu trên. Có một số thực phẩm có hại trong 3 tháng đầu thai kì mà các mẹ bầu nên tránh:

1. Các thức ăn mà mẹ bầu nên tránh trong 3 tháng đầu

  • Các đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn như pizza, thịt hộp, xúc xích, lạp xưởng,… sẽ làm tăng cảm giác khó tiêu, đầy bụng, tăng cân nhanh và gây ra một số bệnh tim mạch.
  • Ăn nhiều một số loại rau như: rau răm, rau ngải cứu, rau ngót, rau sam,..  có thể làm co cơ trơn ở tử cung, co thắt tử cung dẫn đến sảy thai. Đặc biệt bà bầu nên tránh đu đủ xanh vì có thể gây sảy thai.
  • Mẹ bầu nên tránh ăn gan động vật, các viên uống có hàm lượng vitamin A cao. Bởi vì trong gan chứa hàm lượng vitamin A rất cao ở dạng retinol, một chất có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh cho bé.
  • Các thực phẩm không được chế biến sạch sẽ, còn tươi sống thì không nên ăn vì sẽ gây rối loạn tiêu hóa, nhiễm độc cho cơ thể bà bầu. Ví dụ như trứng sống, sữa tươi chưa tiệt trùng rau sống, cá sống,… nên hạn chế ăn trong suốt thai kỳ.
  • Các loại cá có nhiều thủy ngân sẽ ảnh hưởng đến phát triển hệ thống thần kinh của bé. Vì thế mẹ bầu không nên ăn cá nhiều thủy ngân như cá ngừ đóng hộp, cá kiếm,…

2. Các đồ uống mà mẹ bầu nên tránh trong 3 tháng đầu

Các đồ uống chứa chất kích thích, chứa cồn nên tránh vì tăng nguy cơ sinh non, sảy thai. Bên cạnh đó, lượng caffein tối đa được khuyến cáo là bé hơn 200mg mỗi ngày. Lượng caffein trong các thực phẩm như sau:

  • 1 tách cà phê 240 ml : 95 mg.
  • 1 tách trà 240 ml: 47 mg.
  • 1 lon cola 360 ml : 33 mg.
  • 100g sô cô la sữa: 20 mg.

Xem thêm bài viết về các loại thực phẩm cụ thể trong thai kỳ:

10 loại thực phẩm mẹ bầu nên ăn

Mẹ bầu nên ăn gì để tốt cho bé?

Thai kỳ là khoảng thời gian vô cùng đặc biệt đối với người phụ nữ. Người mẹ nào cũng muốn đem lại những điều tốt nhất cho con của mình. Hy vọng các mẹ sẽ áp dụng hiệu quả để có một thai kỳ khỏe mạnh nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Pregnancy diet: Focus on these essential nutrientshttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy-nutrition/art-20045082

    Ngày tham khảo: 30/01/2021

  2. Nutrition Recommendations in Pregnancy and Lactationhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5104202/

    Ngày tham khảo: 30/01/2021

  3. Foods to Avoid in Pregnancyhttps://www.webmd.com/baby/foods-avoid-pregnancy

    Ngày tham khảo: 30/01/2021

  4. Pregnancy nutrition: Foods to avoid during pregnancyhttps://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/pregnancy-nutrition/art-20043844

    Ngày tham khảo: 30/01/2021

  5. Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho thai phụhttps://suckhoedoisong.vn/che-do-dinh-duong-hop-ly-cho-thai-phu-n178250.html

    Ngày tham khảo: 30/01/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người