Thuốc chống say xe Nautamine (diphenhydramine): Cách dùng và các lưu ý
Nội dung bài viết
Thuốc Nautamine (diphenhydramine) là thuốc dùng cho những người hay bị say tàu xe. Vậy thuốc Nautamine là thuốc gì, được dùng như thế nào, có tác dụng phụ và những lưu ý gì? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây của Dược sĩ Trần Vân Thy.
Tên thành phần hoạt chất: (diacefyllin) diphenhydramine.
Tên biệt dược tương tự: Dramotion.
Thuốc Nautamine điều trị bệnh gì?
Thuốc Nautamine được chỉ định dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi để phòng ngừa và điều trị say tàu xe.
Dùng thuốc Nautamine như thế nào để có hiệu quả?
1. Cần uống bao nhiêu viên Nautamine để có tác dụng?
- Người lớn và trẻ em > 12 tuổi: Mỗi lần dùng 1 – 1,5 viên Nautamine và lặp lại sau 6 giờ (nếu cần). Không được dùng quá 6 viên/ngày.
- Trẻ em 6 – 12 tuổi: Mỗi lần dùng 1 viên Nautamine và lặp lại sau 6 giờ (nếu cần). Không được dùng quá 4 viên/ngày.
- Trẻ em từ 2 đến 6 tuổi: Mỗi lần dùng 1/2 viên Nautamine và lặp lại sau 6 giờ (nếu cần). Không được dùng quá 2 viên một /ngày. Bạn phải lưu ý nghiền nát 1/2 viên Nautamine và hòa với một ít nước trước khi cho trẻ dưới 6 tuổi dùng thuốc.
2. Uống Nautamine như thế nào là đúng cách?
- Uống thuốc Nautamine với một lượng nước vừa đủ.
- Nên uống thuốc 30 phút trước khi đi tàu xe.
Ai không được dùng thuốc Nautamine?
Nautamine chống chỉ định cho các đối tượng sau:
- Trẻ em dưới 2 tuổi (do dạng thuốc không phù hợp dùng cho bé).
- Bệnh tăng nhãn áp (glaucoma).
- Tiểu khó (do bệnh lý tuyến tiền liệt hoặc do các nguyên nhân khác).
- Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.
- Không nên dùng Nautamine cho phụ nữ trong thời kỳ đang cho con bú hoặc khi bạn đang điều trị với kháng sinh enoxacin, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.
Cần lưu ý gì khi dùng thuốc Nautamine?
- Các bệnh nhân có vấn đề về bệnh lý gan, thận kéo dài lâu ngày, cần báo cho bác sĩ để được điều chỉnh liều dùng.
- Đối với người già, chỉ nên dùng thuốc sau khi tham vấn ý kiến của bác sĩ vì Nautamine có thể gây táo bón, chóng mặt hoặc ngủ gật. Bên cạnh đó, cần thận trọng khi dùng thuôc cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh về tuyến tiền liệt.
Thuốc Nautamine có những tác dụng phụ nào?
1. Phản ứng dị ứng
- Phát ban ngoài da (ban đỏ, chàm, ban xuất huyết, mày đay).
- Phù Quincke: mày đay (phát ban) và sưng đột ngột ở mặt và cổ, có thể dẫn đến khó thở.
- Sốc quá mẫn.
2. Giảm bạch cầu
Có thể xuất hiện với các biểu hiện như sốt tái diễn, có hoặc không kèm các dấu hiệu nhiễm trùng.
3. Giảm tiểu cầu
Có thể xuất hiện với các biểu hiện như chảy máu cam, chảy máu nướu răng.
4. Các tác dụng không mong muốn khác
- Giảm trí nhớ, giảm tập trung, chóng mặt (thường gặp ở người già).
- Lơ mơ, giảm tỉnh táo, run, điều khiển máy móc kém.
- Lẫn lộn, ảo giác, loạn thị.
- Khô miệng, bí tiểu, táo bón.
- Đánh trống ngực, hạ huyết áp.
- Các dấu hiệu kích thích: lo âu, bồn chồn, mất ngủ (hiếm gặp).
Nautamine có thể gây chóng mặt, lơ mơ, giảm tỉnh táo, đặc biệt là khi dùng chung với rượu. Vì vậy, bạn không được uống rượu hoặc các loại thức uống, các loại thuốc có chứa cồn trong thời gian dùng Nautamine.
Cần lưu ý tác dụng phụ này nếu là tài xế hoặc là người cần tập trung lái xe và vận hành máy móc.
Phụ nữ có thai và cho con bú có được sử dụng Nautamine không?
Đối với phụ nữ mang thai:
Vẫn có thể dùng Nautamine trong thời gian mang thai nhưng chỉ nên dùng trong vài ngày theo liều khuyến cáo. Cuối thai kỳ, nếu sử dụng quá mức Nautamine có thể gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Đối với phụ nữ cho con bú:
Thuốc bài tiết được qua sữa mẹ, vì vậy không dùng Nautamine trong thời gian đang cho con bú.
Như một nguyên tắc chung, bạn phải luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng Nautamine hay bất kỳ thuốc gì trong thời gian mang thai và cho con bú.
Ngoài dùng thuốc Nautamine, mẹ bầu cũng nên lưu ý khi uống các loại thuốc khác trong thai kỳ. Xem thêm bài viết: Thuốc chống trầm cảm: Có an toàn khi mang thai?
Cách xử trí khi bị quá liều thuốc Nautamine?
Khi quá liều, nhất là khi dùng chung Nautamine với rượu hay thuốc nhóm phenothiazine có thể xuất hiện triệu chứng ức chế thần kinh trung ương như chóng mặt, co giật, ức chế hô hấp, tiểu khó. Triệu chứng ngoại tháp, tăng nhịp xoang, block nhĩ – thất, kéo dài khoảng QT… có thể xuất hiện muộn.
Xử trí
Liên hệ với bác sĩ hoặc đến ngay với cơ sở y tế gần nhất nếu bạn nghi ngờ mình đã quá liều Nautamine. Các biện pháp sơ cứu bao gồm rửa dạ dày, dùng than hoạt, gây nôn. Có thể xem xét điều trị hỗ trợ tuần hoàn – hô hấp nếu cần. Điều trị bằng diazepam trong trường hợp co giật. Khi có triệu chứng ảo giác nặng, có thể dùng physostigmine.
Thuốc Nautamine có giá bao nhiêu?
Hiện nay trên thị trường, giá tham khảo của Nautamine nằm trong khoảng 2.000 – 3.500 đồng/viên.
Cách bảo quản thuốc Nautamine?
Bảo quản thuốc dưới 30°C, nơi tránh ẩm và ánh sáng.
Nautamine là thuốc chống say tàu xe dạng uống có hoạt chất diphenhydramine. YouMed đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về thuốc Nautamine là gì, tuy nhiên việc sử dụng thuốc nên được dùng sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ, dược sĩ. Bạn hãy đến các phòng khám và bệnh viện nếu có những triệu chứng lạ xảy ra trong quá trình sử dụng thuốc.
Video chia sẻ thông tin chi tiết về các thuốc say tàu xe:
Biên tập bởi: Thạc sĩ, Dược sĩ Phan Tiểu Long
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Nautaminehttps://drugbank.vn/thuoc/Nautamine&VD-29364-18
Ngày tham khảo: 07/12/2019