YouMed

Những lưu ý cần chú trọng khi sử dụng thuốc trị suy tim

bác sĩ vũ thành đô
Tác giả: ThS.BS Vũ Thành Đô
Chuyên khoa: Tim - Thận - Khớp - Nội tiết

Bệnh suy tim khi đã mắc phải cần dùng thuốc suốt cả cuộc đời. Có nhiều loại thuốc trị suy tim với những ưu, nhược điểm khác nhau đang tồn tại trên thị trường. Tùy thuộc vào mức độ suy tim, bệnh lý mắc phải mà mỗi người sẽ dùng loại thuốc khác nhau. Cùng ThS.BS Vũ Thành Đô tìm hiểu thông tin về các loại thuốc này nhé!

Tổng quan về bệnh lý suy tim ở người

Bệnh lý suy tim là gì?

Suy tim là một hội chứng lâm sàng do biến đổi cấu trúc, chức năng tim do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hậu quả là tăng áp lực trong buồng tim, giảm cung lượng tim khi gắng sức hay khi nghỉ.1

Suy tim bao gồm những mức độ nào?

Theo NYHA – Hiệp hội tim mạch New York, suy tim bao gồm 4 cấp độ:1

  • Độ I: Không hạn chế. Hoạt động thể lực thông  không gây mệt, khó thở hay hồi hộp.
  • Độ II: Hạn chế nhẹ. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi. Vận động thể lực thông thường dẫn đến mệt, hồi hộp, khó thở
  • Độ III: Hạn chế nhiều. Bệnh nhân khỏe khi nghỉ ngơi, nhưng chỉ cần vận động nhẹ đã mệt, hồi hộp, khó thở.
  • Độ IV: Không vận động thể lực nào mà không gây khó chịu. Xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi. Khi ận động thể lực nhẹ cũng làm triệu chứng cơ năng gia tăng.

Suy tim gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người
Suy tim gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người

Các triệu chứng của bệnh suy tim1

Các triệu chứng cơ năng của suy tim điển hình:

  • Khó thở.
  • Cơn khó thở kịch phát về đêm.
  • Giảm khả năng gắng sức.
  • Mệt mỏi.
  • Tăng thời gian nghỉ hồi phục giữa hai lần gắng sức.
  • Phù mắt cá chân.

Các triệu chứng thực thể của suy tim đặc hiệu:

  • Tĩnh mạch cổ nổi.
  • Phản hồi gan – tĩnh mạch cổ dương tính.
  • Tiếng ngựa phi.
  • Tăng diện đập của mỏm tim.

Thuốc trị suy tim nhóm ức chế men chuyển angiotensin (ACE)

Thuốc ức chế men chuyển có tác dụng gì?1 2

Loại thuốc này là lựa chọn tối ưu trong việc điều trị suy tim. Nó không chỉ làm các triệu chứng suy giảm mà còn cải thiện được tiên lượng bệnh một cách đáng kể.

Ức chế enzym xúc tác chuyển Angiotensin I thành Angiotensin II làm giảm nồng độ Angiotensin II, đồng thời làm tăng nồng độ Bradykinin, một chất tác dụng gần như ngược chiều với Angiotensin II. Kết quả thuốc sẽ tác động điều chỉnh hệ RAA gây giãn mạch. Dẫn tới làm giảm cả tiền tải và hậu tải, giảm gánh nặng cho tim. Thuốc giúp cải thiện tiên lượng và giảm triệu chứng ở bệnh nhân suy tim mạn.

Lưu ý khi sử dụng

Khi sử dụng loại thuốc này cần lưu ý:1 2

  • Việc sử dụng thuốc sẽ làm tăng tổng hợp Bradykinin, dẫn đến tác dụng phụ là ho khan nhiều. Do đó, khi người bệnh dùng thuốc và gặp phải tình trạng này phải lập tức thông báo cho bác sĩ điều trị.
  • Thuốc chống chỉ định đối với bệnh nhân hẹp động mạch thận hai bên và phụ nữ đang mang thai.
  • Cần tuyệt đối thận trọng khi sử dụng thuốc ức chế men chuyển cho bệnh nhân bị cao huyết áp, hoặc khi dùng cùng với các loại thuốc lợi tiểu giữ kali.

Thuốc trị suy tim nhóm ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin II (ARB)

Tác dụng của thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin II1 2

Được chỉ định khi bệnh nhân không dung nạp với thuốc ACE-I hoặc không có khả năng điều trị với ARNI.

Gần giống ACE-I, các thuốc ARB tác dụng lên hệ RAA dẫn tới giãn mạch, cải thiện chức năng tâm thất…Tuy nhiên, chúng không gây ra triệu chứng ho khan như thuốc ức chế men chuyển bởi không làm tăng Bradykinin.

Lưu ý khi sử dụng thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin1 2

Điểm đặc biệt cần lưu ý khi sử dụng loại thuốc trị suy tim này là thuốc chống chỉ định đối với người bị hẹp động mạch thận hai bên. Bên cạnh đó, không dùng thuốc đối với phụ nữ có thai.

Thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin chống chỉ định với phụ nữ có thai
Thuốc ức chế thụ thể AT1 của Angiotensin chống chỉ định với phụ nữ có thai

Thuốc trị suy tim nhóm ức chế kép thụ thể Angiotensin/Neprilysin (ARNI)

Tác dụng của thuốc ARNI

  • Các loại thuốc trị suy tim thuộc nhóm này bao gồm Sacubitril/Valsartan, chúng được dùng để điều trị cho bệnh nhân mắc suy tim. Thuốc ức chế kép thụ thể thay thế cho nhóm ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể Angiotensin nếu chúng không đáp ứng được cho bệnh nhân.
  • Có thể cân nhắc Sacubitril/Valsartan cho bệnh nhân suy tim mạn cũng như suy tim cấp đã ổn định ngay mà không cần bắt buộc phải sử dụng ức chế men chuyển hoặc ức chế thụ thể trước.
  • Chống chỉ định với bệnh nhân có tiền sử phù mạch với thuốc ACEI, suy thận, hẹp động mạch thận hai bên, phụ nữ có thai…

Lưu ý khi sử dụng

  • Đối với những bệnh nhân có tiền sử phù mạch với thuốc ức chế men chuyển, bệnh nhân bị suy thận, hẹp động mạch hai bên và phụ nữ có thai nên thận trọng khi sử dụng loại thuốc trị suy tim này.2
  • Ngưng thuốc ACEI ít nhất 36 giờ (nếu đang dùng) trước khi khởi trị thay thế bằng ARNI.

Thuốc trị suy tim thuộc nhóm thuốc chẹn beta

Tác dụng của nhóm thuốc chẹn beta1

  • Hạn chế sự kích thích thái quá của hệ thần kinh giao cảm, một cơ chế điều hòa ngược trong suy tim mạn.
  • Giúp cải thiện sống còn, giảm tái nhập viện do đợt cấp và giảm đột tử do tim.
  • Hiện tại có 4 loại thuốc chẹn beta được sử dụng trong việc điều trị bệnh suy tim trên thị trường gồm carvedilol, bisoprolol, metoprolol và nevibolol.

Lưu ý khi sử dụng thuốc chẹn beta1 2

Khi dùng loại thuốc trị suy tim này phải thực hiện đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ và xem xét kỹ hướng dẫn sử dụng. Ban đầu khi uống thuốc nên dùng với liều lượng thấp, theo dõi thường xuyên và tăng dần liều theo thời gian một cách chậm rãi.

Chống chỉ định: suy tim đang ở giai đoạn mất bù, nhịp chậm, hen phế quản

Thuốc trị suy tim nhóm lợi tiểu kháng Aldosterone Thuốc ức chế thụ thể Mineralocorticoid (MRA)

  • Hay còn gọi là thuốc lợi tiểu kháng Aldosterone, ngoài lợi tiểu, MRA còn hạn chế tác dụng thái quá của tăng aldosterone trong suy tim nặng, kết quả làm giảm co mạch đồng thời với tình trạng giữ muối nước, phì đại cơ tim, suy thận, rối loạn chức năng nội mạc…1
  • Thuốc làm giảm tỷ lệ tử vong và tỉ lệ nhập viện ở những bệnh nhân suy tim nặng.1
  • Thuốc chống chỉ định và thận trọng với bệnh  suy thận nặng, tăng kali máu.1

Các nhóm thuốc khác

Thuốc lợi tiểu (ngoài nhóm kháng aldosterone)1

  • Thuốc tăng thải muối nước, giúp giảm triệu chứng ứ huyết do suy tim, có thể chỉ định cho tất cả các giai đoạn của suy tim nếu có ứ huyết.
  • Nhóm thuốc lợi tiểu lên quai Henle: Furosemide có hiệu quả đặc  trong điều trị bệnh nhân suy tim nặng hoặc bị phù phổi cấp.
  • Nhóm thuốc lợi tiểu thiazide: Hydrochlothiazide, Indapamide…

Thuốc glucosid trợ tim1

  • Digoxin liều thấp (khoảng 0,125 mg/ngày) giúp giảm triệu chứng và tái nhập viện trong suy tim mạn.
  • Liều cao digoxin có thể làm tăng tử vong và hiện nay không còn được khuyến cáo.
  • Chỉ định ở các trường hợp:
    • Suy tim với bệnh cơ tim giãn có nhịp xoang nhanh, cung lượng tim thấp.
    • Suy tim kèm theo các rối loạn nhịp trên thất, đặc biệt là cuồng nhĩ hay rung nhĩ với đáp ứng tần số thất nhanh.
  • Chống chỉ định: Nhịp tim chậm, rối loạn nhịp thấp, bệnh cơ tim phì đại tắc nghẽn, hội chứng Wolff – Parkinson – White, hẹp van động mạch chủ hoặc hẹp van động mạch phổi nặng.
Nhóm Glucosid trợ tim dành cho bệnh nhân có cung lượng tim thấp
Nhóm Glucosid trợ tim dành cho bệnh nhân có cung lượng tim thấp

Thuốc chẹn kênh f (Ivabradine)1

  • Ivabradine có tác dụng làm giảm tần số nhịp xoang.
  • Khuyến cáo trên bệnh nhân suy tim có triệu chứng (NYHA II-IV), EF < 35%, nhịp xoang, tần số tim > 70 ck/phút dù đã tối ưu hóa liều chẹn beta giao cảm hoặc khi bệnh nhân không dung nạp với chẹn beta giao cảm.
  • Thuốc đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong do nguyên nhân tim mạch và tái nhập viện do suy tim.
  • Chống chỉ định với bệnh nhân nhịp tim chậm.

Thuốc kết hợp Hydralazine và Isosorbide dinitrate1

  • Chỉ định: bệnh nhân suy tim (bệnh nhân da đen) EF < 35% hoặc EF < 45% có kèm giãn buồng tim trái, triệu chứng NYHA III-IV dù đã tối ưu hóa điều trị suy tim bằng các thuốc nền tảng.
  • Điều trị thay thế trong trường hợp không dung nạp hoặc có chống chỉ định ACEi.

Suy tim là giai đoạn cuối của các bệnh lý về tim mạch, do đó cần thận trọng khi dùng bất cứ loại thuốc nào để điều trị. Thuốc trị suy tim rất đa dạng, nhiều chủng loại dành cho nhiều bệnh lý suy tim khác nhau, do đó bạn nên có sự hiểu biết cơ bản về chúng để có cách dùng đúng. Hi vọng những thông tin trên đã phần nào giúp ích cho bạn trong việc sử dụng thuốc trị suy tim cho bản thân và những người xung quanh nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị suy timhttps://kcb.vn/upload/2005611/20220722/1857_Huong_dan_suy_tim_signed_8e519ed3f9.pdf

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

  2. Drugs for Heart Failurehttps://www.msdmanuals.com/professional/cardiovascular-disorders/heart-failure/drugs-for-heart-failure

    Ngày tham khảo: 05/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người