YouMed

Tiểu buốt ở nữ là bệnh gì? Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Thạc sĩ, Bác sĩ TRẦN QUỐC PHONG
Tác giả: ThS.BS Trần Quốc Phong
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Tiểu buốt ở nữ là bệnh gì? Đây là câu hỏi phổ biến khi các chị em gặp các vấn đề về đường tiểu. Hiện tượng này gây cảm giác khó chịu, khiến người bệnh gặp khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày. Trong bài viết dưới đây, ThS.BS Trần Quốc Phong sẽ giải đáp về thắc mắc này.

Tiểu buốt ở nữ là bệnh gì và nguyên nhân

Tiểu buốt là một trong những triệu chứng của bệnh lý đường tiết niệu. Có rất nhiều nguyên nhân liên quan đến tình trạng này. Dưới đây là một số nguyên nhân giải đáp cho câu hỏi tiểu buốt ở nữ là bệnh gì?

Xem thêm: Tiểu buốt: Những nguyên nhân mà bạn có thể gặp

Viêm đường tiết niệu1

Đây là hiện tượng viêm nhiễm xảy ra tại đường tiết niệu. Hiện tượng này có thể gặp ở cả nam lẫn nữ. Tác nhân gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn, vi nấm, sỏi tiết niệu. Bình thường nước tiểu không có vi khuẩn. Khi gặp một số điều kiện thuận lợi, có thể có vi khuẩn trong nước tiểu. Nhiễm trùng tiểu được định nghĩa là khi trong nước tiểu có lớn hơn 1 triệu khúm vi khuẩn.

Xem thêm: Nhiễm trùng đường tiết niệu (Nhiễm trùng tiểu)

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu ở nữ giới ví dụ như:

  • Nữ giới có sỏi đường tiết niệu.
  • Bị ứ trệ nước tiểu do đái tháo đường, suy giảm miễn dịch,…
  • Quan hệ tình dục không an toàn với người bị viêm đường tiết niệu.
  • Viêm bàng quang tái phát nhiều lần.
  • Phụ nữ mãn kinh do thay nội tiết tố, thay đổi pH nước tiểu.
Viêm đường tiết niệu ở nữ thường gây đau âm ỉ vùng bụng dưới, tiểu buốt
Viêm đường tiết niệu ở nữ thường gây đau âm ỉ vùng bụng dưới, tiểu buốt

Nhiễm trùng qua đường tình dục

Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) đều có thể ảnh hưởng đến đường tiết niệu và dẫn đến triệu chứng tiểu buốt.

Bệnh thường gặp ở nữ trong độ tuổi 15-24 do quan hệ tình dục không an toàn. Nếu không điều trị có thể gây viêm hậu môn, viêm họng, thai ngoài tử cung, viêm màng não, vô sinh, HIV/AID,…

Tùy từng bệnh có thể đi kèm thêm các triệu chứng khác nhau. Đối với bệnh lậu, có thể có các triệu chứng khác như:

  • Tiểu rắt, đau rát khi đi tiểu, tiểu mủ đặc màu vàng sẫm chảy ra.
  • Vùng âm hộ, âm đạo nhiều khí hư màu vàng hoặc xanh có mùi hôi khó chịu.
  • Cảm giác đau âm ỉ vùng bụng dưới, vùng hố chậu, hạ vị.
  • Ngứa rát quanh âm hộ.
  • Có thể kèm theo sốt, buồn nôn hoặc nôn.

Sỏi thận

Sỏi thận là tập hợp các vật chất bị lắng đọng ở thận. Các vật chất đó thường là canxi hoặc axit uric, tích tụ thành sỏi. Điều này có thể gây ra tiểu buốt. Ngoài chứng khó tiểu, tiểu buốt, sỏi thận có thể gây ra các triệu chứng sau:1

  • Đau ở hông lưng.
  • Nước tiểu có màu đỏ (tiểu máu) hoặc nâu.
  • Nước tiểu đục.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Có thể kèm sốt, ớn lạnh.
  • Tiểu ít, tiểu lắt nhắt.
Sỏi thận là một trong những nguyên nhân gây ra tiểu buốt
Sỏi thận là một trong những nguyên nhân gây ra tiểu buốt

U nang buồng trứng1

U nang buồng trứng là hiện tượng khối u nang ở buồng trứng chèn ép bên ngoài bàng quang gây ra hiện tượng đi tiểu buốt.

U nang buồng trứng có thể phát triển ở một hoặc cả hai buồng trứng.1 Người bị u nang buồng trứng có thể gặp thêm các triệu chứng như:

  • Chảy máu âm đạo bất thường.
  • Đau vùng xương chậu.
  • Cảm giác ngực căng.
  • Đau âm ỉ ở phần lưng dưới.

Xem thêm: Tổng quan về buồng trứng và các bệnh lý thường gặp

Viêm âm đạo2

Viêm âm đạo ở nữ thường do nhiễm trùng roi Trichomonas. Đây cũng có thể là câu trả lời cho các chị em thắc mắc tiểu buốt ở nữ là bệnh gì.

Các triệu chứng có thể đi kèm với tiểu buốt khi bị bệnh viêm âm đạo là:

  • Tiết dịch âm đạo có mùi hôi hoặc bất thường.
  • Âm đạo bị kích ứng.
  • Đau khi giao hợp.

Viêm bàng quang kẽ

Viêm bàng quang kẽ là một tình trạng gây kích thích bàng quang mãn tính kéo dài từ 6 tuần trở lên mà không có nhiễm trùng cơ bản.

Viêm bàng quang kẽ gây ra các triệu chứng sau:

  • Tăng áp lực ở khu vực xung quanh bàng quang.
  • Đau khi giao hợp.
  • Đau ở âm hộ hoặc âm đạo.
  • Tiểu ít, tiểu lắt nhắt, tiểu nhiều lần.

Ung thư bàng quang

Cảm giác đau khi đi tiểu thường không phải là triệu chứng ban đầu của tình trạng này.1 Thay vào đó, người bị ung thư bàng quang thường xuất hiện triệu chứng đầu tiên là tiểu máu. Các triệu chứng khác gồm:

  • Tiểu nhiều lần, khó đi tiểu hoặc đi tiểu ra dòng nước tiểu yếu.
  • Đau vùng hông lưng dưới.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân, chán ăn, thường xuyên mệt mỏi.
  • Có thể có triệu chứng phù ở chi dưới.
Phụ nữ ung thư bàng quang có thể có triệu chứng tiểu buốt
Phụ nữ ung thư bàng quang có thể có triệu chứng tiểu buốt

Cách chữa đi tiểu buốt tại nhà cho nữ

Nếu tình trạng tiểu buốt ở nữ xuất hiện do nguyên nhân sinh lý thì có thể sử dụng các phương pháp tại nhà để hỗ trợ điều trị. Chẳng hạn như:

  • Dùng phượng vĩ thảo, có tính lạnh, vị ngọt nhạt hơi đắng. Phượng vĩ thảo có tác dụng thanh nhiệt, chữa tiểu rắt tiểu buốt.
  • Rau mồng tơi. Mồng tơi vị chua ngọt, tính lạnh có tác dụng giải độc nhuận tràng và thanh nhiệt. Không sử dụng cho người bị lạnh bụng, đại tiện phân lỏng.
  • Bột sắn dây. Sắn dây có vị ngọt, tính hàn, quy kinh phế, bàng quang và tỳ. Chúng có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, thông đường tiết niệu, trị tiểu đường.

Trong trường hợp chứng tiểu buốt ở nữ là nguyên nhân bệnh lý thì nên nhanh chóng đi thăm khám. Không nên tự chẩn đoán, tự điều trị tại nhà.

Nếu nguyên nhân là các bệnh lý viêm nhiễm thì bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc đặc trị. Mục tiêu là đẩy lùi tác nhân gây bệnh, chống viêm và điều trị triệu chứng. Bác sĩ cũng có thể sử dụng kháng sinh đồ và kháng sinh kết hợp.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Tiểu buốt có thể gặp ở tất cả mọi người, không chỉ riêng ở phụ nữ. Nếu cơn đau xuất hiện liên tục và đi kèm thêm một số triệu chứng, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay. Các triệu chứng đó có thể là:

  • Tiểu ra máu, thường có màu đỏ, hồng, hoặc thậm chí là màu nâu.
  • Đau ở bên hông lưng.
  • Cơn đau kéo dài trên 24 giờ.
  • Tiết dịch bất thường ở âm đạo.
  • Sốt, nhất là khi sốt cao hơn 39°C thì cần chăm sóc y tế khẩn cấp.

Chúng ta không nên bỏ qua triệu chứng đau khi đi tiểu. Đến gặp bác sĩ sớm để có thể xác định nguyên nhân và phương pháp điều trị giảm đau thích hợp.

Tiểu buốt là căn bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng với mọi lứa tuổi
Tiểu buốt là căn bệnh có thể gặp ở tất cả mọi đối tượng với mọi lứa tuổi

Cách phòng ngừa tiểu buốt ở nữ

Để hỗ trợ điều trị và phòng ngừa chứng tiểu buốt ở nữ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Uống nhiều nước, 1,5-2 lít/ ngày.
  • Bổ sung nhiều rau củ quả tươi. Đồng thời xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dương chất, lành mạnh.
  • Tập thói quen giữ vệ sinh vùng kín luôn khô thoáng. Nhất là giữ vệ sinh vùng kín trong kì kinh nguyệt. Thay băng vệ sinh thường xuyên trong kỳ kinh nguyệt.
  • Không mặc quần lót ẩm ướt hoặc khi bộ phận sinh dục chưa khô.
  • Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đặc biệt là sau khi quan hệ tình dục.
  • Hạn chế sử dụng dung dịch vệ sinh gây kích ứng và có chứa chất tẩy rửa mạnh.
  • Hạn chế thụt rửa sâu âm đạo hoặc phun nước trực tiếp vào âm đạo.
  • Tránh nhịn tiểu thường xuyên.
  • Xây dựng lối sống tình dục lành mạnh, an toàn.
  • Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe bản thân.

Trên đây là chia sẻ của ThS.BS Trần Quốc Phong về chủ đề tiểu buốt ở nữ. Mong rằng qua bài viết này, bạn đã có lời giải đáp cho câu hỏi tiểu buốt ở nữ là bệnh gì. Nhìn chung, tiểu buốt ở nữ giới là hiện tượng không hiếm gặp. Nhưng nếu tình trạng này kéo dài thì nguy cơ mắc nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vì vậy, khi cơ thể xuất hiện bất kỳ các triệu chứng bất thường nào, nhất là ở đường tiết niệu và sinh dục. Người bệnh nên nhanh chóng đến gặp bác sĩ để được thăm khám để tìm ra nguyên nhân và được điều trị sớm.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. What can make urination painful?https://www.medicalnewstoday.com/articles/323105#when-to-see-a-doctor

    Ngày tham khảo: 11/11/2021

  2. Painful urination (dysuria)https://www.mayoclinic.org/symptoms/painful-urination/basics/causes/sym-20050772

    Ngày tham khảo: 11/11/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người