Tiêu chảy do kháng sinh: Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
Nội dung bài viết
Kháng sinh thường được bác sĩ kê đơn cho trẻ sử dụng trong các trường hợp sốt, nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, trẻ khi sử dụng kháng sinh lại có thể gặp phải tác dụng phụ không mong muốn của thuốc như tiêu chảy. Vì sao tình trạng này lại xảy ra? Nhận biết như thế nào? Và khi trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy thì phải xử lý như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu với Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hồng Vân Khánh trong bài viết dưới đây nhé.
Vì sao trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy?
Một số loại kháng sinh có thể gây tiêu chảy, đây không được xem là một phản ứng dị ứng. Tiêu chảy do kháng sinh thường xảy ra trong hoặc sau khi sử dụng kháng sinh.
Sinh lý bệnh học của tình trạng này hiện vẫn chưa được hiểu rõ và có thể gây ra bởi nhiều cơ chế khác nhau. Thuốc kháng sinh có tác dụng điều trị nhiễm trùng. Tuy nhiên, thuốc cũng có thể làm thay đổi sự cân bằng tự nhiên của hệ vi khuẩn trong đường tiêu hóa.
Sự rối loạn hệ vi sinh vật đường ruột gây giảm chuyển hóa các acid béo, làm thay đổi pH và áp suất thẩm thấu tại ruột. Ngoài ra, việc sử dụng kháng sinh dẫn đến thay đổi quá trình chuyển hóa carbohydrate của các vi khuẩn, do đó cũng có thể gây ra tình trạng tiêu chảy ở trẻ.1
1. Một số loại kháng sinh thường gây tiêu chảy
Một số kháng sinh có nguy cơ gây tiêu chảy cao hơn so với các kháng sinh khác. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ gây tiêu chảy của kháng sinh gồm có: các kháng sinh tác động mạnh trên vi khuẩn hiếu khí, dùng đường uống, phổ kháng khuẩn rộng.1 Những kháng sinh thường gây tiêu chảy có thể kể đến như:2
- Nhóm macrolide như clarithromycin.
- Nhóm cephalosporin như cefdinir và cefpodoxime.
- Nhóm fluoroquinolone như ciprofloxacin và levofloxacin.
- Nhóm penicillins như amoxicillin và ampicillin.
2. Tiêu chảy do kháng sinh liên quan đến Clostridioides difficile2 3
Clostridioides difficile (C.difficile) là một loại vi khuẩn tồn tại trong đất, nước, không khí, ruột, phân người và động vật. Loại vi khuẩn này có thể lây từ người sang người, qua đường phân miệng, hoặc tiếp xúc trực tiếp với môi trường bị nhiễm C.difficile.
Nhiễm Clostridioides difficile có thể gây các vấn đề nghiêm trọng ở đường tiêu hóa như tiêu chảy, viêm ruột, thậm chí là tử vong.
Hầu hết các trường hợp tiêu chảy khi sử dụng kháng sinh là do C.difficile gây ra.
Đường tiêu hóa của người bình thường chứa hàng triệu vi khuẩn, đây là hệ vi khuẩn thường trú có vai trò bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Như đã đề cập ở trên, thuốc kháng sinh có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn ở đường tiêu hóa.
Vì thế, việc sử dụng kháng sinh có thể tiêu diệt các vi khuẩn có lợi, cho phép vi khuẩn C.difficile phát triển và phóng thích độc tố tấn công niêm mạc ruột. Từ đó gây tiêu chảy, đau bụng, sốt, nôn ói và một số triệu chứng khác.
Nhận biết tiêu chảy do uống kháng sinh ở trẻ như thế nào?
Trong đa số các số các trường hợp, các triệu chứng của tiêu chảy do dùng kháng sinh ở trẻ thường là:
- Phân lỏng.
- Nhu động ruột tăng. Đây là tình trạng ruột tăng hoạt động và kèm theo những âm thanh lớn như sôi bụng.
Tình trạng này có thể xảy ra trong vòng vài ngày sau khi sử dụng kháng sinh hoặc thậm chí có thể xuất hiện nhiều tuần sau đó. Đa phần tình trạng tiêu chảy do uống kháng sinh ở trẻ xảy ra ở mức độ nhẹ; không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ.2
Đối với tiêu chảy do kháng sinh liên quan C.difficile, bên cạnh việc gây ra tình trạng đi tiêu phân lỏng thường xuyên thì người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng sau:2
- Tiêu chảy trầm trọng và mất nước.
- Đau bụng dưới và các cơn đau quặn thắt.
- Sốt.
- Nôn ói.
- Ăn không ngon.
Tiêu chảy ở trẻ bú mẹ là như thế nào?
1. Khi nào phân của trẻ là bất thường?
Một số trẻ có thể tiêu phân màu vàng hoặc xanh. Phân của trẻ sơ sinh được bú sữa mẹ được xem là bất thường khi có chất nhầy hoặc máu, mùi hôi tanh. Số lần đi tiêu không giúp ích nhiều trong việc chẩn đoán liệu một trẻ bú mẹ có bị tiêu chảy hay không.
Trẻ sơ sinh bú mẹ trong những tháng đầu tiên, thường đi tiêu phân sệt nhiều lần trong ngày. Tuy nhiên, nếu số lần đi tiêu hoặc lượng phân của trẻ tăng đột ngột, có thể con bạn bị tiêu chảy. Những dấu hiệu khác có thể gợi ý là trẻ bú giảm, lừ đừ và sốt.
2. Nguyên nhân
Tiêu chảy ở trẻ bú mẹ thường do nhiễm siêu vi, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Thỉnh thoảng, trẻ sơ sinh có thể bị dị ứng với thực phẩm hoặc đồ uống được tiết qua sữa mẹ. Khi đó, bạn nên thay đổi chế độ ăn để giảm nguy cơ cho trẻ. Lợi ích từ sữa mẹ là giúp bảo vệ lớp niêm mạc ruột tránh tác động của vi khuẩn.
3. Tiêu chảy thường kéo dài trong bao lâu?
Tiêu chảy do vi khuẩn hoặc virus thường kéo dài từ vài ngày đến 2 tuần. Mục tiêu chính của điều trị là ngăn ngừa tình trạng mất nước. Con bạn cần bú tăng cường sữa mẹ để bù lại lượng chất lỏng bị mất khi tiêu chảy.
Một chất nào đó trong chế độ ăn uống của mẹ có thể khiến trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn đi phân lỏng. Ví dụ như cà phê hoặc trà thảo dược. Nếu bạn nghi ngờ điều này, hãy thay đổi chế độ ăn và theo dõi quá trình tiêu chảy của trẻ.
Tiêu chảy ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Vậy đó là những nguyên nhân gì? Nhận biết trẻ bị tiêu chảy qua phân như thế nào? Các phương pháp chăm sóc trẻ tại nhà ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp qua bài viết Tiêu chảy ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh: Cách chăm sóc con đúng cách của YouMed. Quý phụ huynh có thể tham khảo bài viết để có thêm thông tin về tình trạng tiêu chảy ở trẻ nhé!
Bé bị tiêu chảy do uống kháng sinh có nguy hiểm không?
Đa số trường hợp trẻ bị tiêu chảy do kháng sinh thường nhẹ, trẻ sẽ ít khi bị mất nước hoặc hạ cân. Do đó, phụ huynh không cần quá lo lắng về vấn đề này.
Tùy vào tình trạng của trẻ mà bác sĩ có thể xem xét nên điều trị tiếp hay đổi một loại kháng sinh khác. Phân có thể trở lại bình thường sau 1 đến 2 ngày khi trẻ ngưng điều trị với kháng sinh. Một số trường hợp tình trạng tiêu chảy ở trẻ thường kéo dài vài ngày đến vài tuần sau khi sử dụng kháng sinh.
Tuy nhiên, nếu trẻ gặp phải tình trạng: sốt cao, phân có máu hoặc chất nhầy, đau bụng dữ dội, suy nhược nặng,… phụ huynh cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ kịp thời.3
Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy phải làm sao?
Trong đa số các trường hợp, tình trạng tiêu chảy sẽ tự hết trong vòng vài ngày. Một số trường hợp con bạn không cần ngừng dùng kháng sinh.
Bổ sung thêm dịch và thay đổi chế độ ăn uống là điều trị chính trong bệnh tiêu chảy. Trẻ có thể tiêu lỏng thêm vài ngày để tống xuất hết vi khuẩn ra khỏi cơ thể. Vậy nên, thuốc cầm tiêu chảy không phải là lựa chọn điều trị khi trẻ tiêu chảy. Bạn có thể tham khảo một vài lời khuyên dưới đây để giúp bé cải thiện tình trạng này:
- Uống nhiều nước hoặc bú sữa nhiều hơn để tránh tình trạng mất nước có thể xảy ra. Tránh cho trẻ uống các loại nước ép trái cây và đồ uống có ga.
- Ăn nhiều thực phẩm có chứa tinh bột. Thực phẩm giàu tinh bột giúp trẻ dễ tiêu hóa khi bị tiêu chảy. Ví dụ như ngũ cốc, bánh mì, bánh quy, cơm, cháo…
- Một số trường hợp, trẻ cần bổ sung thêm nước điện giải (dung dịch Oresol). Trong trường hợp trẻ mất nước nặng và không thể bú, khi đó nhập viện là cần thiết. Bạn có thể phải ngừng cho con bú tạm thời. Trẻ cần được truyền dịch tĩnh mạch để điều trị mất nước. Lúc này, bạn có thể cần hút sữa để duy trì lượng sữa được tiết ra. Việc này có thể kéo dài cho đến khi trẻ bú lại được (thường trong vòng 12 giờ).
- Duy trì chế độ dinh dưỡng. Thực phẩm chứa nhiều tinh bột sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa hơn các loại khác. Nếu con bạn trên 6 tháng tuổi, hãy tiếp tục cho trẻ ăn dặm với thức ăn đặc.
- Phụ huynh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng probiotic (men vi sinh) cho trẻ. Một nghiên cứu đã cho thấy probiotic có hiệu quả trong việc làm giảm tiêu chảy do kháng sinh.4
- Nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn trong ngày để tránh trẻ bị nôn.
Khi nào nên đưa trẻ đi khám?
Đưa trẻ đến gặp Bác sĩ NGAY LẬP TỨC nếu trẻ có các dấu hiệu sau:
- Có dấu hiệu mất nước (không đi tiểu trong hơn 8 giờ, môi khô, mắt trũng sâu, trẻ khóc không có nước mắt).
- Trẻ tiêu phân kèm máu.
- Tiêu chảy hơn 8 lần trong 8 giờ qua (ở trẻ lớn).
- Tiêu chảy với phân toàn là nước VÀ nôn liên tục.
- Con bạn bắt đầu biểu hiện rất ốm yếu như lừ đừ, quấy khóc liên tục, bỏ bú.
Đưa trẻ đến gặp Bác sĩ ngay khi có thể nếu như:
- Trẻ đi tiêu phân nhầy.
- Kèm theo sốt kéo dài hơn 3 ngày.
- Tiêu chảy vẫn còn sau hơn 2 tuần.
- Bạn có những lo lắng hoặc câu hỏi khác về tình trạng của trẻ.
Lưu ý khi chăm trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy
Khi chăm sóc trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy, phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:
- Đảm bảo cấp nước đầy đủ cho trẻ.
- Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc nên tiếp tục sử dụng, hoặc dừng, hoặc thay thế kháng sinh cho trẻ.
- Cho trẻ ăn chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng và lành mạnh.
- Không cần thiết sử dụng các thuốc điều trị tiêu chảy cho trẻ. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc tiêu chảy để được tư vấn phù hợp nhất cho tình trạng của mỗi bé.
- Tiêu chảy rất dễ lây lan. Do đó, luôn rửa tay trước và sau khi chăm sóc trẻ, nhất là sau khi thay tã. Điều này rất quan trọng để giảm nguy cơ tiêu chảy cho trẻ và các thành viên khác trong gia đình.
- Đôi khi tiêu chảy gây ra hăm đỏ vùng da xung quanh hậu môn của trẻ. Vì thế, bạn nên vệ sinh vùng da bị kích thích bằng nước. Sau đó, thay tã hoặc quần thoáng mát cho trẻ.
Qua bài viết này, hy vọng đã cung cấp cho bạn những kiến thức cần thiết về vấn đề tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ. Bên cạnh bổ sung thêm nước và chất dinh dưỡng, bạn cũng nên đảm bảo vệ sinh khi chăm sóc trẻ. Đó là những phương pháp quan trọng giúp trẻ tránh được nguy cơ dẫn đến tiêu chảy nặng.
Có thể bạn quan tâm:
Tiêu chảy là một trong những bệnh thường gặp vào mùa hè, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Tiêu chảy ở trẻ có thể do nhiễm khuẩn, dị ứng thức ăn, hoặc do dùng kháng sinh kéo dài. Trong trường hợp trẻ bị tiêu chảy, bố mẹ cần biết chăm sóc đúng cách giúp bé mau khỏi bệnh. Và bạn có thể tìm hiểu về vấn đề này với bài viết: “Tiêu chảy ở trẻ: Nên cho trẻ ăn gì và khi nào cần đi khám bác sĩ“
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Antibiotic-Associated Diarrhea in Children: How Many Dirty Diapers?https://journals.lww.com/jpgn/Fulltext/2003/07000/Antibiotic_Associated_Diarrhea_in_Children__How.2.aspx
Ngày tham khảo: 15/02/2023
-
Antibiotic-associated diarrheahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/antibiotic-associated-diarrhea/symptoms-causes/syc-20352231
Ngày tham khảo: 15/02/2023
-
Clostridioides Difficilehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK431054/
Ngày tham khảo: 15/02/2023
-
Probiotics in the treatment of diarrheal diseaseshttps://oce.ovid.com/article/00129424-200002000-00014
Ngày tham khảo: 15/02/2023