YouMed

Tinh dầu khuynh diệp: công dụng, cách dùng và lưu ý

Thạc sĩ Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh
Tác giả: ThS.BS Dư Thị Cẩm Quỳnh
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Tinh dầu khuynh diệp đang được sử dụng rộng rãi như dầu bôi ngoài, thuốc giảm ho,… Tinh dầu này được nghiên cứu và sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Dư Thị Cẩm Quỳnh sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về loại tinh dầu này.

Tinh dầu khuynh diệp là gì?

Cành lá khuynh diệp sau khi được phơi khô, đem đi nghiền nát và chưng cất để chiết ra tinh dầu. Tinh dầu này màu vàng nhạt, rất lỏng, mùi thơm đặc trưng. Vị lúc đầu mát về sau nóng.1

Thành phần hóa học tìm thấy trong tinh dầu khuynh diệp chủ yếu là 1,8-cincole chiếm khoảng 73%, tiếp đến là α-pinene, α-terpinol, linalool, bicostol và một số thành phần khác.2

Cây khuynh diệp trong tự nhiên
Hình ảnh cây khuynh diệp trong tự nhiên

Tinh dầu khuynh diệp có tác dụng gì?

Y học cổ truyền từ lâu đã ghi nhận tinh dầu này được dùng trong trường hợp nhiễm trùng, cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi, đau nhức, cứng khớp, đau dây thần kinh.

Tác dụng với tóc

1. Trị chấy, rận ở trẻ em3

Tinh dầu khuynh diệp đã được chứng minh là có hiệu quả hơn gấp đôi trong việc chữa chấy trên đầu so với phương pháp điều trị có chứa pyrethrins, piperonyl butoxide.

Sau khi sử dụng tinh dầu, người ta thấy lượng chấy đã được giảm đáng kể. Cách sử dụng là bôi tinh dầu này lên tóc khi ướt, áp dụng ba lần với một tuần, theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Loại tinh dầu này có thể trị được cả trứng chấy.

Các tác dụng ngoại ý thường nhẹ, thoáng qua, và tự khỏi. Một vài dấu hiệu phổ biến là ngứa, châm chích, rát da và không có tác dụng phụ nghiêm trọng, toàn thân nào được ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn có tỷ lệ thất bại nhỏ có thể là do trứng chấy còn sót lại trên da đầu, hoặc có thể là do tái nhiễm.

2. Nấm tóc không triệu chứng4

Piedra là một bệnh nhiễm nấm Trichosporon ovoides. Bệnh không có triệu chứng ở thân tóc, mà hình thành các nốt có độ cứng khác nhau trên tóc bị nhiễm bệnh. Tinh dầu khuynh diệp đã được chứng minh là có hiệu quả nhất đối với nấm này.

Đối với bệnh đường hô hấp và kháng viêm2 5

Thành phần 1,8-cineole trong tinh dầu này được sử dụng để điều trị các bệnh hô hấp, giảm ho, giúp tống chất nhầy và thư giãn cơ hô hấp. Ngoài ra, 1,8-cineole là chất ức chế mạnh các cytokine thích hợp để điều trị lâu dài chứng viêm ở các bệnh được chỉ định sử dụng steroid.

Tinh dầu khuynh diệp được sử dụng trong y học dân gian để điều trị các vấn đề về đường hô hấp bao gồm cảm lạnh, ho, sổ mũi, đau họng, hen suyễn, nghẹt mũi, viêm phế quản và viêm xoang.

Trong nhiều năm trở lại đây, khuynh diệp đã được sử dụng trong nhiều loại thuốc ho không kê đơn cùng với các thành phần dược liệu giảm ho khác.

Tinh dầu khuynh diệp được thêm vào thuốc giảm ho tự nhiên
Tinh dầu khuynh diệp được thêm vào thuốc giảm ho tự nhiên

Kháng dị ứng2 5

Histamine là nguyên nhân chính gây ra phản ứng dị ứng ở người. Các phản ứng này thường là ngứa, nổi mề đay, hắt hơi, thậm chí nặng hơn là khó thở, hen suyễn. Ở Indonesia, tinh dầu này là một phương pháp điều trị bổ sung để điều trị dị ứng. Khoa học đã chứng minh rằng tinh dầu ức chế sự giải phóng histamine phụ thuộc IgE từ các tế bào RBL-2H3.

Tính kháng khuẩn, kháng virus2

Eucalyptone G trong tinh dầu khuynh diệp ghi nhận tính kháng khuẩn trên các chủng vi khuẩn Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, nấm Trichophyton mentagrophytes và đặc biệt kháng mạnh ở vi khuẩn Escherichia coli. Tính kháng khuẩn này phụ thuộc vào nồng độ tinh dầu sử dụng.

Tinh dầu này được ghi nhận ức chế hoạt động của các chủng virus Epstein-Barr, Herpes simplex virus (HSV-1, HSV-2), Rotavirus Wastrain, Coxsackievirus B4.

Một số chất trong tinh dầu khuynh diệp có đặc tính kháng khuẩn
Một số chất trong tinh dầu khuynh diệp có đặc tính kháng khuẩn

Tác dụng thư giãn cơ, giảm đau

Terpineol trong tinh dầu khuynh diệp giúp chặn dẫn truyền tín hiệu đau ở dây thần kinh tọa của chuột. Một nghiên cứu cho thấy rằng xoa bóp bằng tinh dầu để ngăn chặn tình trạng viêm, các triệu chứng do kết tập các bạch cầu neutrophile và phù nề.

Một thành phần khác là cineole trong tinh dầu này hoạt động như một loại thuốc giảm đau tự nhiên và giữ cho vùng bệnh không bị nhiễm trùng, giúp tăng tốc độ chữa bệnh. Vì vậy, những bệnh nhân bị đau nhức, xơ hóa, thấp khớp, đau thắt lưng, bong gân và dãn dây chằng, co cứng cơ, thậm chí đau dây thần kinh có thể sử dụng tinh dầu khuynh diệp.2 5

Chống oxy hóa, hạ đường huyết2 5

Đây là nguồn chứa chất chống oxy hóa dồi dào. Vì vậy, tinh dầu khuynh diệp có thể hỗ trợ giảm lượng đường trong máu, giảm sự sản sinh không cần thiết của các gốc tự do, thông qua quá trình glycation của protein. Tác dụng hạ đường huyết của tinh dầu này là kết quả của cơ chế tăng cường insulin từ các tế bào β hiện có của tiểu đảo tụy Langerhans

Hiện chưa có nhiều bằng chứng lâm sàng thuyết phục hơn. Vì vậy, bạn nên cẩn trọng và hỏi ý kiến của bác sĩ về chỉ số đường huyết của bản thân và cách điều trị.

Chữa lành vết thương

Tinh dầu lá khuynh diệp có đặc tính kháng khuẩn và khử trùng đã liệt kê trên nên có tác dụng điều trị vết thương, vết bỏng, vết cắt, vết loét và vết xước. Hiện nay tinh dầu khuynh diệp thường được thêm vào một số loại thuốc mỡ bôi ngoài, muối tắm chữa bệnh và dầu bôi lên vết cắn, vết đốt của côn trùng.5

Kháng kí sinh trùng sốt rét, đuổi trừ các loài muỗi

Thuốc xịt DEET là chất xua đuổi muỗi phổ biến nhất, nhưng chúng được làm bằng hóa chất mạnh. Là một giải pháp thay thế hiệu quả cho những người không thể sử dụng DEET, nhiều nhà sản xuất đã thêm tinh dầu khuynh diệp trong thành phần.

Mùi thơm của tinh dầu tác động lên các loài muỗi như Aedes aegypti và Culexquinque fasciatus. Đây là 2 loài muỗi thường gặp quanh nhà, gây ra một số bệnh theo mùa như sốt xuất huyết Dengue, viêm não,… Ngoài ra, loại tinh dầu này còn có khả năng ức chế 50% kí sinh trùng sốt rét Plasmodium falciparum phát triển sau 24 và 72 giờ đồng hồ.2 5

Trong nha khoa

Bên cạnh bạc hà, đinh hương, tinh dầu khuynh diệp cũng được sử dụng hiệu quả trong việc hỗ trợ giảm triệu chứng ở các trường hợp sâu răng, mảng bám răng, viêm lợi và các bệnh nhiễm trùng răng miệng khác do khả năng diệt khuẩn của nó. Tinh dầu này thường được thêm vào thành phần trong nước súc miệng, kem đánh răng, các sản phẩm vệ sinh răng miệng khác.2 5

Nước súc miệng, kem đánh răng
Tinh dầu khuynh diệp được thêm vào nước súc miệng, kem đánh răng

Hạn chế khi sử dụng tinh dầu khuynh diệp

Tinh dầu nào cũng có khả năng xảy ra phản ứng dị ứng, đặc biệt trên cơ địa người dị ứng, hen suyễn,… Nếu bạn đã dị ứng với khuynh diệp trong tự nhiên thì cần cẩn trọng khi sử dụng tinh dầu. Bởi vì tinh dầu thường có nồng độ đậm đặc hơn, có thể gây phản ứng dị ứng nặng hơn.

Nên thử bôi với một lượng nhỏ tinh dầu đã pha loãng với dầu nền trên vùng da nhỏ. Theo dõi phần da được bôi trong ít nhất 24 giờ để đảm bảo rằng bạn không bị ngứa ngáy, nổi mề đay, bóng nước.5

Cách dùng tinh dầu khuynh diệp

Các ứng dụng thương mại ngày nay của tinh dầu khuynh diệp rất phổ biến. Ví dụ như dầu bôi vết cắn côn trùng, nước hoa, xà phòng, chất tẩy rửa,… Dùng tinh dầu này đơn giản, ít tốn kém, thân thiện với môi trường vì có thể phân hủy sinh học.5

Nếu bôi ngoài da, bạn nên trộn 2 – 3 giọt tinh dầu cùng với 20 giọt dầu nền. Dùng hỗn hợp này xoa bóp cơ thể thư giãn, giảm đau cơ.5

Nếu bị nấm da đầu, sử dụng miếng gạc bông vô trùng thấm hỗn hợp dầu trên để phủ lên vùng da bị tổn thương. Đảm bảo rằng bạn chỉ chạm vào vùng da bị bệnh, để không lây lan nấm sang vùng da lành. Bạn có thể thoa dầu hai đến ba lần mỗi ngày tùy theo tình trạng bệnh và trong khoảng thời gian vài tuần để thấy được kết quả.4

Cho vài giọt tinh dầu vào máy khuếch tán, bạn có thể diệt khuẩn, diệt nấm, đuổi một số loài côn trùng, làm cho không khí trong nhà trong lành hơn.5

Bạn có thể xoa bóp thư giãn cơ thể bằng tinh dầu
Bạn có thể xoa bóp thư giãn cơ thể bằng tinh dầu

Hiện nay, tinh dầu khuynh diệp có rất nhiều ứng dụng trong đời sống con người. Tuy nhiên, việc sử dụng tinh dầu cần có hiểu biết nhất định để tránh những tác dụng không mong muốn mà tinh dầu gây ra.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học. Trang 742 – 744.

  2. Biological, medicinal and toxicological significance of Eucalyptus leaf essential oil: a reviewhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/28758221/

    Ngày tham khảo: 05/01/2022

  3. The efficacy of Australian essential oils for the treatment of head lice infestation in children: A randomised controlled trialhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6001441/

    Ngày tham khảo: 05/01/2022

  4. Inhibitory effect of essential oils against Trichosporon ovoides causing Piedra Hair Infectionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3769027/

    Ngày tham khảo: 05/01/2022

  5. 9 Unexpected Benefits of Eucalyptus Oilhttps://www.healthline.com/health/9-ways-eucalyptus-oil-can-help

    Ngày tham khảo: 05/01/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người