Trẻ sơ sinh mất ngủ: Nguyên nhân và cách khắc phục
Nội dung bài viết
Giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Giấc ngủ chất lượng sẽ tác động tích cực đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Nếu trẻ sơ sinh mất ngủ sẽ gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy nguyên nhân gây mất ngủ ở trẻ sơ sinh là gì? Cách khắc phục như thế nào? Mời bạn cùng bác sĩ chuyên khoa Nội tổng quát Nguyễn Lâm Giang tìm hiểu chủ đề này qua bài viết sau.
Giấc ngủ quan trọng với trẻ sơ sinh ra sao?
Chúng ta đều biết, giấc ngủ đều rất quan trọng với tất cả mọi người. Đối với trẻ sơ sinh, giấc ngủ càng quan trọng và cần thiết hơn hết. Vì hầu hết sự phát triển của não bộ đều xảy ra khi trẻ ngủ. Đây cũng là lúc các kết nối thần kinh giữa các bán cầu não được hình thành.1
Ngoài ra có khoảng 1 triệu tế bào thần kinh hình thành mỗi giây trong 3 năm đầu đời của trẻ.1 Và quá trình này xảy ra trong lúc ngủ. Giấc ngủ cũng là lúc não thực hiện chức năng hình thành và lưu giữ ký ức. Giấc ngủ có ý nghĩa cả về mặt thể chất và mặt phát triển trí tuệ của trẻ sơ sinh.
Giấc ngủ còn ảnh hưởng đến tâm trạng, ăn uống, hành vi,… của con bạn. Đây là lý do tại sao nếu một đứa trẻ bị thiếu ngủ sẽ rất hay quấy khóc. Trẻ sơ sinh ngủ đủ giấc nhìn chung sẽ ăn ngon hơn (điều này rất quan trọng cho sự phát triển), ít quấy khóc, dễ dỗ dành hơn. Vì bất kỳ lý do gì, trẻ sơ sinh mất ngủ có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng. Chẳng hạn như vấn đề về nhận thức, trẻ bị chậm phát triển,…
Trẻ sơ sinh ngủ bao lâu là đủ?
Chúng ta đều đã từng nghe qua, người trưởng thành cần ngủ 6 – 8 tiếng mỗi ngày. Đối với trẻ sơ sinh, chúng cần nhiều hơn thế. Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo trẻ sơ sinh từ 4 – 12 tháng tuổi nên ngủ từ 12 – 16 giờ trong khoảng thời gian 24 giờ.2 Thời gian ngủ của từng trẻ khác nhau sẽ khác nhau. Và tùy thuộc vào độ tuổi, thời gian ngủ của trẻ cũng thay đổi. Cụ thể như sau:
- Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi cần ngủ ít nhất 11 giờ mỗi ngày. Nhưng không nên để trẻ ngủ quá 19 giờ.
- Trẻ sơ sinh từ 4 – 11 tháng tuổi cần ngủ ít nhất 10 giờ và không quá 18 giờ.2
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh mất ngủ
Trẻ sơ sinh mất ngủ do nguyên nhân sinh lý
Giấc ngủ có 2 giai đoạn là REM và non-REM. Giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement) là giấc ngủ có cử động mắt nhanh. Ở trẻ sơ sinh, giai đoạn non-REM và REM chiếm thời gian gần như bằng nhau (50/50). Khác với người trưởng thành, non-REM chiếm khoảng 75% tổng thời gian ngủ. Do đó, trẻ sơ sinh dễ bị đánh thức hơn vì giai đoạn REM nhiều hơn so với người lớn. Điều này có thể khiến trẻ hay bị thức giấc trong đêm và gây ra tình trạng thiếu ngủ. Ngoài ra, trẻ sắp bò, sắp mọc răng, sắp ngồi, hoặc vận động quá nhiều cũng ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
Trẻ sơ sinh mất ngủ – Do bệnh lý
Trong một số trường hợp, trẻ sơ sinh mất ngủ có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như sau:
Thiếu vi chất
Trẻ sơ sinh thiếu vi chất có thể khiến trẻ bị mất ngủ. Thiếu vi chất cũng khiến trẻ dễ mắc phải một số bệnh lý như còi xương. Trẻ bị còi xương sẽ luôn cảm thấy mệt mỏi, ngủ không sâu giấc, hay ngủ gà vào ban ngày.
Nhiễm khuẩn đường hô hấp
Ở trẻ sơ sinh, sức đề kháng của trẻ còn yếu, nên dễ bị nhiễm khuẩn nếu có vi khuẩn xâm nhập. Nhiễm khuẩn đường hô hấp là một trong nhiều bệnh phổ biến ở nhóm này. Các nhiễm khuẩn hô hấp như viêm mũi, viêm phổi, viêm tiểu phế quản có thể khiến trẻ khó thở, khò khè… Tình trạng này kéo dài sẽ làm trẻ sơ sinh mất ngủ và quấy khóc mẹ.
Xem thêm: Nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ, các mẹ chớ chủ quan
Nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh mất ngủ như:
- Trẻ hay bị giật mình, tỉnh giấc vào giữa đêm.
- Trẻ quấy khóc, không chịu ngủ do tã, bỉm bị ướt, hoặc không chịu nằm yên trong tư thế ngửa để ngủ.
- Ánh sáng, nhiệt độ, môi trường xung quanh không thích hợp cũng dễ làm cho trẻ giật mình tỉnh giấc.
- Trẻ ngủ nhiều vào ban ngày nên sẽ rất khó ngủ vào ban đêm.
- Trẻ bú ít, nên nhanh đói và hay thức giấc, quấy khóc để bú mẹ.
- Trẻ quen được mẹ bế bồng hoặc đưa võng khi ngủ. Nếu không được bế ẵm hoặc không được nằm nôi thì trẻ sẽ khó đi vào giấc ngủ.
Bí quyết khắc phục cho trẻ sơ sinh mất ngủ
Nếu trẻ sơ sinh thức quá lâu sẽ khiến cơ thể mệt mỏi và khó đi vào giấc ngủ. Vì vậy, mẹ nên nhận biết các dấu hiệu buồn ngủ của con như: ngáp, kéo tai, mắt lim dim, chớp liên tục… Khi bé có những dấu hiệu này, mẹ nên đặt con vào nôi hoặc giường và ru ngủ.
Mẹ không nên để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày. Khi trẻ còn thức, mẹ nên chơi với trẻ càng nhiều càng tốt. Lúc cho trẻ bú, mẹ cũng nên nói chuyện và hát cho bé nghe. Vào ban đêm, mẹ nên cho trẻ bú đủ trước khi ngủ để trẻ không thức giấc. Đồng thời, giữ yên tĩnh và điều chỉnh ánh sáng thích hợp để trẻ dễ ngủ hơn.
Khi bé buồn ngủ, mẹ có thể bế và hát ru hoặc cho bé nghe nhạc. Đến lúc bé thiu thiu ngủ thì đặt bé xuống giường. Mẹ sẽ tạo thói quen xấu nếu để bé ngủ trên tay mình rồi mới đặt xuống. Hoặc mẹ đưa võng, lắc nôi khi bé ngủ. Vì khi không được bế bồng hoặc đu đưa bé sẽ quấy khóc và không chịu ngủ.
Xem thêm: Bạn đã biết cách quấn tã cho trẻ sơ sinh ngủ ngon?
Trên đây là bài viết của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang về chủ đề trẻ sơ sinh mất ngủ. Hy vọng qua bài viết trên, mẹ đã hiểu được nguyên nhân và một số cách khắc phục cho trẻ. Nếu cha mẹ vẫn còn lo lắng về giấc ngủ của trẻ, hãy đến gặp bác sĩ nhi khoa để được khám và tư vấn cụ thể hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Sleep & brain development: an important connectionhttps://www.nestedbean.com/blogs/zen-blog/sleep-brain-development-for-babies
Ngày tham khảo: 31/12/2021
-
AAP Supports Childhood Sleep Guidelineshttps://web.archive.org/web/20210127104325/https://www.healthychildren.org/English/news/Pages/AAP-Supports-Childhood-Sleep-Guidelines.aspx
Ngày tham khảo: 31/12/2021