Chuyên gia trả lời câu hỏi “Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng một ngày?”
Nội dung bài viết
Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh phụ thuộc vào từng giai đoạn lớn của trẻ, thông thường khoảng từ 11 đến 19 giờ mỗi ngày. Giấc ngủ rất cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Vì vậy cha mẹ cần quan tâm đặc biệt đến giấc ngủ của bé. Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng một ngày? Hãy cùng Bác sĩ chuyên khoa Nội tổng quát Nguyễn Lâm Giang tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Thông tin về giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Tìm hiểu về giấc ngủ của trẻ
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Thời gian bé ngủ mỗi ngày không phải là yếu tố duy nhất quyết định chất lượng giấc ngủ của trẻ mà là vấn đề trẻ ngủ có ngon giấc hay không. Chính vì vấn đề này, thay vì cố gắng cho con ngủ nhiều giờ mỗi ngày thì phụ huynh cần theo dõi con ngủ có ngon, có sâu giấc hay không.
Ở trẻ em, nhu cầu ngủ cao hơn người lớn, giấc ngủ có liên quan mật thiết đến hormone tăng trưởng. Theo các nghiên cứu y học, khi ngủ cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng cao gấp 4 lần so với khi thức. Do vậy nó sẽ liên quan đến tầm vóc của trẻ sau này.
Sinh lý giấc ngủ của trẻ sơ sinh
Giấc ngủ của trẻ sơ sinh là sự luân phiên của 2 loại giấc ngủ. Bao gồm giấc ngủ chuyển động mắt không nhanh NREM và giai đoạn giấc ngủ chuyển động mắt nhanh REM trong suốt thời gian ngủ. Ở NREM bao gồm 4 giai đoạn
- Giai đoạn 1:. Dấu hiệu đặc trưng của giai đoạn này là cử động và phản ứng của cơ thể giảm.
- Giai đoạn 2: Đây được xem như sự bắt đầu của giấc ngủ thực sự.
- Giai đoạn 3 và 4: 2 giai đoạn này gần như là như nhau. Lúc này tư thế của cơ thể thoải mái, thở chậm và nhịp nhàng.
Giấc ngủ REM được đặc trưng bởi các chuyển động nhanh của mắt. Tuy nhiên, hoạt động của điện não lại tương tự như trạng thái khi tỉnh táo. Giai đoạn này cũng được xem là khi não bộ “học hỏi” những kinh nghiệm trong ngày. Tỷ lệ giấc ngủ REM cao nhất trong giai đoạn sơ sinh (khoảng 55%). Và tỷ lệ này sẽ giảm xuống khoảng 20% đến 25% khi bé 5 tuổi.
Trẻ sơ sinh cần ngủ bao nhiêu tiếng một ngày?
Cũng giống như người lớn, giấc ngủ của trẻ nhũ nhi và trẻ sơ sinh là khác nhau. Ngay từ khi sinh ra, một số trẻ cần ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn những trẻ khác. Đây là thời điểm trẻ sau sinh đến 28 ngày tuổi. Ở giai đoạn này giấc ngủ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của não bộ và cơ thể.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng từ sơ sinh đến 3 tuổi, trẻ dành nhiều thời gian để ngủ hơn tất cả các hoạt động thức cộng lại. Tổng thời gian ngủ hàng ngày của mỗi bé là khác nhau. Nhưng thông thường giấc ngủ có thể từ 8 đến 16 hoặc 18 giờ mỗi ngày. Bé sẽ thức dậy để ăn giữa các giấc ngủ ngắn. Quá nóng hoặc quá lạnh cũng có thể dẫn đến làm rối loạn giấc ngủ của bé.
Trên đây là thông tin cần thiết cho giấc ngủ của trẻ thông thường. Tuy nhiên, giấc ngủ của trẻ còn phụ thuộc vào thời điểm trẻ ra đời thiếu tháng hay đủ tháng. Bởi vì não của trẻ sinh non chưa được phát triển đầy đủ như những trẻ sơ sinh đủ tháng. Vì vậy, những bé này sẽ ngủ nhiều hơn nhưng thời gian một giấc ngủ lại ngắn hơn.
Giấc ngủ của trẻ rất quan trọng trong sự tăng trưởng của trẻ. Do đó trẻ cần được ngủ ngon, yên tĩnh trong nhiều giờ. Trẻ sinh non cần ngủ từ 16 đến 20 giờ mỗi ngày. Cha mẹ cần lưu ý đánh thức trẻ dậy để bú, tránh việc bé ngủ nhiều bỏ ăn.
Cần làm gì khi giấc ngủ của trẻ sơ sinh quá ngắn hoặc quá dài?
Vào giai đoạn đầu khi vừa mới sinh ra, trẻ sơ sinh dành hầu hết thời gian trong ngày để ngủ. Thông thường thời gian ngủ của bé sẽ chiếm khoảng 16 giờ mỗi ngày. Khoảng thời gian này được chia đều vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Ban ngày bé sẽ ngủ từ 8 đến 9 tiếng và ban đêm sẽ là 8 tiếng. Mỗi giấc ngủ của trẻ kéo dài khoảng 2 đến 3 tiếng.
Lý do để trẻ thức giấc chủ yếu là để bú mẹ và sau khi bú no bé lại tiếp tục đi ngủ. Hầu hết, trẻ sơ sinh sẽ có thời gian ngủ giống nhau. Tuy nhiên, một số bé lại có sự khác biệt. Vì vậy, để có thể xác định được trẻ sơ sinh ngủ ít hay nhiều cần dựa vào tổng thời gian ngủ một ngày của bé thì mới có thể kết luận.
Trường hợp trẻ sơ sinh ngủ quá ngắn
Trẻ sơ sinh ngủ ít hơn 10 tiếng thì có thể bé đang gặp phải vấn đề ngủ ít. Vấn đề này sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển và nhận thức của trẻ. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngủ ít ở trẻ có thể là:
- Do tác động từ môi trường xung quanh: Trẻ thường nhạy cảm với những tiếng động hay tiếng ồn. Không gian ngủ bí bách, nóng nực. Ngoài ra, ánh sáng quá mạnh cũng là một nguyên do của môi trường khiến trẻ thức giấc sớm.
- Tã ẩm ướt, bị bẩn: Trong một khoảng thời gian dài nếu cha mẹ không thay tã, bé sẽ cảm thấy khó chịu và thức giấc.
- Trẻ bị đói: Dạ dày của trẻ sơ sinh rất nhỏ. Vì vậy, bé thường phải bú nhiều lần mới đủ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Nếu trẻ không được bú đủ sẽ dẫn đến bé bị đói và thức giấc đòi ăn.
- Thiếu chất như canxi, kẽm.
- Bệnh lý: Bé có thể đang mắc phải các bệnh lý như cảm sốt, ốm,.. Vì vậy phụ huynh cần lưu ý đặc biệt đến nguyên nhân này.
Xem thêm: Trẻ sơ sinh bị sốt: Mẹ cần xử trí như thế nào?
Các biện pháp khắc phục có thể là:
- Giúp trẻ làm quen dần và phân biệt giữa ngày và đêm.
- Đảm bảo rằng trẻ đã bú no trước khi ngủ.
- Tạo không gian ngủ thoải mái cho bé: Không gian thông thoáng, mát mẻ và yên tĩnh.
Trường hợp trẻ sơ sinh ngủ quá nhiều
Với trường hợp này trẻ thường ngủ lên đến 20 giờ một ngày. Nguyên nhân tình trạng ngủ nhiều của trẻ là:
- Bé đang bị cảm lạnh, cảm cúm: Trẻ có biểu hiện như ho nhiều, hắt hơi, chảy nước mũi. Đồng thời bé có thể sốt cao dẫn đến cơ thể mệt mỏi và rơi vào trạng thái ngủ nhiều.
- Trẻ đang bị tiêu chảy, mất nước: Tình trạng này khiến trẻ mệt mỏi, bỏ bú và ngủ nhiều hơn so với bình thường,
- Trước đó bé ngủ không đủ giấc.
- Trẻ sinh non, sinh thiếu tháng sẽ ngủ nhiều hơn so với trẻ bình thường khác.
Các biện pháp khắc phục trong trường hợp này là:
- Cha mẹ cần đánh thức bé dậy nhẹ nhàng để bé không bỏ bú.
- Cần tập cho quan khoảng thời gian ngủ để giúp bé duy trì sự khoa học trong giấc ngủ.
- Nếu bé ngủ nhiều, li bì do bệnh lý. Phụ huynh cần đưa bé đến bác sĩ Nhi khoa để nhận được tư vấn tốt nhất.
Trên đây là thông tin về “Trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng một ngày?”. Qua bài viết này YouMed cùng bác sĩ Nguyễn Lâm Giang hy vọng rằng sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về thời gian ngủ của con mình. Để từ đó có những phương pháp điều chỉnh khoa học, tạo tiền đề cho sự phát triển của bé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Helping your baby to sleephttps://www.nhs.uk/conditions/baby/caring-for-a-newborn/helping-your-baby-to-sleep/
Ngày tham khảo: 08/10/2021