Triệu chứng rối loạn đường huyết và những khuyến cáo mới nhất
Nội dung bài viết
Đường hay glucose là nguồn năng lượng chính yếu của cơ thể. Rối loạn đường huyết là bất thường xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của chuyển hóa đường. Vậy bệnh có nguy hiểm không và triệu chứng rối loạn đường huyết là gì? ThS.BS Vũ Thành Đô sẽ cùng bạn tìm hiểu vấn đề trên qua bài viết sau đây.
Đường huyết và rối loạn đường huyết
Đường là một trong ba hợp chất hữu cơ quan trọng bên cạnh chất đạm và béo. Glucose được chuyển hóa liên tục trong cơ thể nhờ hoạt động của tuyến tụy tiết ra hormone insulin và glucagon. Sự mất cân bằng sản xuất và đào thải hai hormone này gây ra rối loạn đường huyết.
Nếu điều này kéo dài thường xuyên sẽ tạo ra bệnh lý và người bệnh mắc những triệu chứng của tăng đường huyết hay hạ đường huyết. Bệnh lý rối loạn đường huyết thường mắc nhất hiện nay là đái tháo đường, với các triệu chứng kinh điển.
Đường huyết không cố định trong máu mà luôn thay đổi tùy theo thời gian, bữa ăn, vận động trong ngày. Các trị số thể hiện đường huyết bình thường khi:
- Đường huyết được đo bất kỳ thời điểm nào luôn > 70 mg/dl và < 200 mg/dl.
- Đường huyết sau nhịn ăn 8h luôn > 70 mg/dl và < 126 mg/dl.
Hiểu được các giá trị này kết hợp với theo dõi triệu chứng rối loạn đường huyết giúp bạn có hướng xử trí hợp lý nếu có bất thường.
Các triệu chứng rối loạn đường huyết thường gặp
Triệu chứng mắc phải của người bệnh phụ thuộc vào loại rối loạn đường huyết đang mắc. Hơn nữa, mức độ bệnh, thời gian xét nghiệm cũng có thể ảnh hưởng nhiều đến kết quả. Do đó, người bệnh phải luôn xem xét kết quả đường huyết trong hoàn cảnh môi trường tương ứng.
Các triệu chứng hạ đường huyết và nguyên nhân
- Chóng mặt, choáng váng, mất định hướng, suy nghĩ kém.
- Đói bụng, dù bạn vừa ăn.
- Lú lẫn, lo lắng, kích thích, thay đổi thái độ.
- Đổ mồ hôi nhiều, da ẩm, tay chân lạnh.
- Cảm xúc thất thường.
Các triệu chứng rối loạn đường huyết do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Đa phần chúng xuất phát từ sự thay đổi hành vi của người bệnh như:
- Ăn ít, không đủ lượng đường để cung cấp năng lượng, từ đó đường máu thấp.
- Bỏ bữa cũng làm cho người bệnh ăn thiếu chất.
- Vận động thể lực gắng sức gây đường máu bị tiêu thụ nhanh hơn làm tụt đường huyết.
- Uống rượu nhiều làm giảm chuyển hóa đường.
- Tiêm quá liều insulin – một hormone gây hạ đường máu.
- Tiêm insulin nhưng không ăn vừa làm hạ đường vừa thiếu đường làm cho bệnh nặng hơn.
Triệu chứng tăng đường huyết và nguyên nhân
Triệu chứng bệnh rất đa dạng phụ thuộc vào mức độ và típ bệnh mà người bệnh đang mắc. Nhìn chung, người bị tăng đường huyết có thể có các triệu chứng:
- Khát nước và uống nước nhiều.
- Đi tiểu rất nhiều, có khi kiến bu nước tiểu.
- Thường xuyên đói bụng, ăn nhiều và rất thích đồ ngọt.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Kích thích.
- Mau mệt mỏi.
- Nhìn mờ.
- Vết thương lâu lành.
- Dễ mắc các bệnh lý nhiễm trùng nhiều vị trí như da, lợi, âm đạo,…
Nguyên nhân hàng đầu gây ra triệu chứng rối loạn đường huyết tăng là bệnh đái tháo đường. Bệnh có thể gây các triệu chứng nhẹ nhàng cho đến các biến chứng nguy hiểm tới tính mạng.
Chẩn đoán bệnh như thế nào?
Chẩn đoán triệu chứng rối loạn đường huyết trước hết phải dựa vào xét nghiệm đường huyết. Bệnh nhân được chỉ định đo đường huyết khi có những triệu chứng nghi ngờ hoặc tầm soát bệnh định kỳ.
Chẩn đoán hạ đường huyết khi đường < 70 mg/dl. Và bệnh nhân có các triệu chứng bệnh. Hạ đường huyết sẽ đe dọa tính mạng nếu < 50 mg/dl hoặc bệnh nhân mất ý thức.
Chẩn đoán tăng đường huyết khi bệnh nhân có một trong hai xét nghiệm:
- Đường huyết đo sau nhịn ăn ít nhất 8h > 126 mg/dl.
- Đường huyết đo bất kỳ thời điểm nào trong ngày > 200 mg/dl.
Người có kết quả xét nghiệm này, nên được tư vấn khám chuyên khoa nội tiết để làm các tầm soát chuyên sâu. Tuy nhiên, những bệnh nhân có các vấn đề nghiêm trọng:
- Biến cố tim mạch.
- Biến cố tổn thương dây thần kinh hay não bộ.
- Tổn thương thận.
- Tổn thương võng mạc.
- Tổn thương bàn chân có nguy cơ cắt cụt chi.
- Nhiễm toan chuyển hóa.
- Tăng áp lực thẩm thấu máu.
Bệnh nhân có xét nghiệm đường huyết cao đi kèm phải được điều trị sớm, giảm nguy cơ tử vong cho người bệnh.
Phân loại rối loạn đường huyết
Triệu chứng rối loạn đường huyết chính bao gồm tăng và hạ đường huyết. Trong đó, hạ đường có thể xảy ra ở bệnh nhân mắc đái tháo đường do không tuân thủ chế độ thuốc và ăn uống. Đối với đái tháo đường, bệnh có thể được phân thành hai típ chính là type 1 và type 2.
Đái tháo đường type 1 thường gặp ở người trẻ, do các nguyên nhân bệnh lý tự miễn, di truyền,…
Đái tháo đường type 2 thường gặp ở những có các hành vi tiêu cực lặp đi lặp lại trong thời gian dài. Vì vậy, bệnh hay gặp ở người lớn và là bệnh lý mắc phải.
Các phương pháp điều trị
Hạ đường có thể cải thiện ngay khi bù đường kịp thời cho người bệnh. Một ít thức ăn ngọt như kẹo, bánh, nước đường đều hữu ích làm tăng nhanh đường huyết. Song người có triệu chứng nặng nên được nhập viện để theo dõi tốt hơn.
Triệu chứng rối loạn đường huyết tăng phải được điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Hơn nữa, người bệnh cần áp dụng các biện pháp thay đổi lối sống tích cực để giúp hỗ trợ cho việc điều trị thành công.
Triệu chứng rối loạn đường huyết nhẹ nhưng đôi lúc rất nặng nề. Bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu không được xử trí kịp thời và phù hợp. Bạn nên chú ý theo dõi bệnh định kỳ theo đúng chỉ định và khám bệnh tầm soát hàng năm. Giảm nguy cơ mắc bệnh giúp bạn cải thiện chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Diabeteshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/symptoms-causes/syc-20371444
Ngày tham khảo: 23/07/2021
-
Everything You Need to Know About Glucosehttps://www.healthline.com/health/glucose#how-glucose-works
Ngày tham khảo: 23/07/2021
-
What Is Hypoglycemia?https://www.endocrineweb.com/conditions/hypoglycemia/hypoglycemia-overview
Ngày tham khảo: 23/07/2021