YouMed

Những triệu chứng sỏi túi mật phổ biến bạn cần biết

Sinh viên NGUYỄN HOÀNG YẾN
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến
Chuyên khoa: Đa khoa

Sỏi túi mật là một bệnh lý tiêu hóa thường gặp. Tỉ lệ mắc sỏi túi mật ở nữ giới thường cao hơn nam giới. Tuy nhiên, ở những giai đoạn đầu, ít ai biết triệu chứng sỏi túi mật là gì và phương pháp điều trị như thế nào? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về bệnh lý sỏi túi mật. Cũng như những triệu chứng sỏi túi mật phổ biến giúp bạn nhận biết được bệnh. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

Túi mật và sự hình thành của sỏi túi mật

Trước khi tìm hiểu các triệu chứng sỏi túi mật, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về túi mật và sự hình thành của sỏi túi mật.

Túi mật và chức năng của dịch mật

Túi mật có hình dạng giống chiếc túi nhỏ hình bầu dục nằm dưới gan, vị trí trên bên phải của bụng. Túi mật được nối với gan và ruột bằng các ống dẫn mật nhỏ. Chức năng chính của túi mật là lưu trữ mật được tiết ra liên tục bởi gan. Và co bóp đẩy mật vào ruột để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn sau các bữa ăn. Khi quá trình tiêu hóa bữa ăn kết thúc, túi mật sẽ giãn ra và một lần nữa bắt đầu lưu trữ mật.

Mật là một dịch lỏng màu vàng nâu được tạo ra từ muối mật, cholesterol, bilirubin và lecithin. Một số thành phần của mật, chẳng hạn như muối mật và lecithin, hoạt động giống như chất tẩy rửa giúp phân hủy chất béo. Nhờ đó chất béo khi ăn vào dễ dàng hấp thu qua đường ruột. Thành phần bilirubin là chất thải màu nâu sẫm tạo màu nâu cho mật và phân.

Sự hình thành của sỏi mật

Sỏi túi mật (sỏi mật) là những viên rắn, cứng hình thành theo thời gian trong túi mật ở một số người. Sỏi mật hình thành khi các phần của mật – chẳng hạn như cholesterol và bilirubin – hình thành các tinh thể. Có hai loại sỏi mật chính là:

  • Sỏi cholesterol: Loại sỏi này thường có màu vàng, được cấu tạo chủ yếu từ cholesterol. Ở phương Tây, đa số sỏi túi mật chủ yếu là sỏi cholesterol.
  • Sỏi sắc tố mật: Có màu nâu sẫm hoặc đen hình thành khi mật chứa quá nhiều bilirubin.

Một người có thể có một hoặc nhiều viên sỏi mật và có thể có kích thước khác nhau. Nhiều người bị sỏi mật thường không có triệu chứng. Chỉ vô tình phát hiện khi siêu âm bụng trong một buổi kiểm tra vấn đề sức khỏe khác. Tình trạng này được gọi là sỏi mật “im lặng” và thường không cần điều trị. Với những trường hợp sỏi mật gây tắc nghẽn đường dẫn mật thường sẽ gây ra các triệu chứng.

Sự hình thành của sỏi mật có thể gây tắc nghẽn đường dẫn mật
Sự hình thành của sỏi mật có thể gây tắc nghẽn đường dẫn mật

Ai có nguy cơ bị sỏi túi mật?

Các chuyên gia cho rằng có nhiều yếu tố sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu bạn có các yếu tố được kể dưới đây không có nghĩa là bạn sẽ bị sỏi mật. Các yếu tố nguy cơ bao gồm:

  • Béo phì.
  • Lối sống ít vận động.
  • Tỉ lệ nữ giới bị sỏi mật cao hơn nam giới.
  • Hơn 40 tuổi.
  • Có bệnh tiểu đường.
  • Có bệnh gan.
  • Tiền sử gia đình bị sỏi mật.

Ai có nguy cơ mắc sỏi sắc tố mật?

Sỏi sắc tố mật được tìm thấy thường xuyên nhất ở:

  • Bệnh nhân bị bệnh gan nặng.
  • Bệnh nhân mắc một số bệnh lý về máu, chẳng hạn như bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, bệnh bạch cầu.

Ai có nguy cơ mắc sỏi cholesterol?

Sỏi cholesterol phổ biến hơn và được tìm thấy thường xuyên nhất ở:

  • Phụ nữ trên 20 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Đàn ông trên 60 tuổi.
  • Thể trạng thừa cân béo phì.
  • Đối tượng chán ăn, nhịn ăn lâu ngày.
  • Sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc tránh thai và thuốc giảm cholesterol.

Xem thêm: Nguyên nhân sỏi túi mật và những điều bạn cần biết

Những triệu chứng sỏi túi mật điển hình

Các triệu chứng sỏi túi mật điển hình bao gồm:

  • Đau từng cơn ở vùng bụng trên, thường đau ở vị trí bên phải hoặc vùng thượng vị.
  • Cơn đau có thể nghiêm trọng, cảm giác như nhát dao đâm.
  • Cơn đau có thể kéo dài ít nhất là 15 phút hoặc lâu nhất là vài giờ.
  • Bạn cũng có thể cảm thấy đau lan đế giữa bả vai hoặc ở vai phải.
  • Cơn đau thường bắt đầu sau khi ăn, nhưng cũng có thể xuất hiện khi ngủ làm người bệnh thức tỉnh.
  • Các cơn đau do sỏi mật có thể cách nhau hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm.
  • Đôi khi bị nôn hoặc vã mồ hôi.
Triệu chứng sỏi túi mật điển hình là bệnh nhân thường đau ở vùng bụng bên phải phía trên
Triệu chứng sỏi túi mật điển hình là bệnh nhân thường đau ở vùng bụng bên phải phía trên

Khi nào nên đến gặp bác sĩ?

Bạn nên hẹn khám bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng sỏi túi mật kể trên khiến cho bạn lo lắng. Tuy nhiên, với những dấu hiệu nghi ngờ là biến chứng của sỏi mật, bạn cần đến cơ sở y tế ngay để được điều trị. Các biến chứng sỏi túi mật nguy hiểm bao gồm:

  • Đau bụng dữ dội đến mức bạn không thể ngồi yên hoặc tìm một vị trí thoải mái.
  • Vàng da, vàng mắt.
  • Sốt cao kèm theo ớn lạnh.
Một số biến chứng phổ biến của sỏi túi mật mà bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi gặp phải
Một số biến chứng phổ biến của sỏi túi mật mà bạn nên đến gặp bác sĩ ngay khi gặp phải

Sỏi túi mật có nguy hiểm không?

Các triệu chứng sỏi túi mật có thể là sự báo hiệu cho các vấn đề nghiêm trọng hơn như:

  • Viêm túi mật: Xảy ra khi sỏi mật bị mắc kẹt trong cổ túi mật. Viêm túi mật có thể gây đau dữ dội và sốt.
  • Gây tắc nghẽn của ống mật chủ: Khi sỏi mật rớt ra ngoài cổ túi mật và vào ống mật chủ gây tắc nghẽn. Điều này này làm cho dịch mật được sản xuất từ gan bị cản trở không thể đến ruột.  Biểu hiện có thể là đau dữ dội, vàng da và nhiễm trùng ống mật.
  • Gây tắc nghẽn ống tụy: Ống tụy là một ống chạy từ tuyến tụy và kết nối với ống mật chủ ngay trước khi đi vào tá tràng. Dịch tụy sẽ chảy qua ống tụy cùng dịch mật đến ruột non để hỗ trợ tiêu hóa. Sỏi mật có thể gây tắc nghẽn ống tụy và gây viêm tụy. Tình trạng này gây đau bụng dữ dội, liên tục và thường phải nhập viện.
  • Ung thư túi mật: Những người có tiền sử bị sỏi mật sẽ làm tăng nguy cơ ung thư túi mật. Tuy nhiên, ung thư túi mật rất hiếm gặp nên dù nguy cơ tăng lên nhưng khả năng mắc ung thư túi mật vẫn rất nhỏ.

Cách điều trị sỏi túi mật

Khi sỏi mật không gây ra các triệu chứng, bạn có thể sẽ không cần điều trị. Với những trường hợp có các triệu chứng nghi ngờ bệnh sỏi mật và các xét nghiệm cho thấy có sỏi mật. Thì phương pháp điều trị phổ biến nhất là phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

Cắt túi mật nội soi (phẫu thuật cắt bỏ túi mật)

Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu để loại bỏ hoặc lấy túi mật ra ngoài. Tuy nhiên, phẫu thuật qua nội soi có thể khó hoặc không an toàn khi túi mật bị viêm nặng. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể khuyến nghị phẫu thuật mở. Tổn thương ống mật là biến chứng thường gặp nhất của phẫu thuật cắt bỏ túi mật.

Xem thêm: Trào ngược dịch mật có phải là trào ngược dạ dày thực quản?

Phân biệt phương pháp mổ túi mật nội soi và phương pháp mổ hở
Phân biệt phương pháp mổ túi mật nội soi và phương pháp mổ hở

Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)

Xét nghiệm ERCP sử dụng thuốc cản quang được tiêm vào ống mật thông qua một ống nội soi đưa qua miệng. ERCP có thể được sử dụng để tìm và loại bỏ sỏi trong ống mật chủ. Khi nhìn thấy sỏi mật, bác sĩ có thể mở rộng lỗ ống mật và kéo sỏi vào ruột. Thủ thuật này thường được thực hiện ngay trước hoặc sau khi phẫu thuật cắt bỏ túi mật nếu nghi ngờ hoặc tìm thấy sỏi trong ống mật.

Thuốc hỗ trợ tan sỏi

Sỏi túi mật đôi khi có thể được làm tan bằng thuốc (Acid chenodeoxycholic hoặc Acid ursodeoxycholic) ở dạng thuốc viên. Công dụng củ thuốc này làm loãng mật và từ từ giúp sỏi tán vỡ ra. Phương pháp này chỉ phù hợp với những sỏi mật cholesterol mới hòa tan được. Vì vậy, việc sử dụng phương pháp này chỉ dành cho những bệnh nhân có kích thước và loại sỏi phù hợp.

Tóm lại, triệu chứng sỏi túi mật đôi khi có thể nhầm lẫn với các bệnh lý hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ sỏi túi mật, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Hi vọng bài viết trên đây của Bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về bệnh sỏi túi mật, cũng như những triệu chứng đau sỏi túi mật. Nếu các bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Gallstoneshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/symptoms-causes/syc-20354214

    Ngày tham khảo: 24/09/2021

  2. Gallstones (Cholelithiasis)https://www.webmd.com/digestive-disorders/gallstones

    Ngày tham khảo: 24/09/2021

  3. Everything you need to know about gallstoneshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/153981

    Ngày tham khảo: 24/09/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người