Tứ chứng Fallot: Cần chuẩn bị gì trước khi đưa con đi khám?
Nội dung bài viết
Trước tiên, khi nghi ngờ con bạn có các biểu hiện của tứ chứng Fallot, bạn nên bắt đầu bằng cách đưa bé đến gặp bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ đa khoa. Sau đó, bạn sẽ được giới thiệu đến gặp một bác sĩ được đào tạo về điều trị bệnh tim (bác sĩ tim mạch nhi khoa).
Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng cho cuộc hẹn và những gì mong đợi từ bác sĩ của con bạn.
Những điều cần chuẩn bị trước khi đến khám bác sĩ
- Hãy tìm hiểu về những điều con bạn cần tránh trước khi đi khám. Ví dụ, hãy tuân thủ việc nhịn ăn nếu có yêu cầu trước đó.
- Ghi lại tất cả các triệu chứng, dấu hiệu mà con bạn gặp phải, bao gồm cả những triệu chứng có vẻ không liên quan. Điều này giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.
- Chuẩn bị những thông tin cá nhân quan trọng khác, bao gồm cả tiền sử bệnh tình của con, cả bố mẹ và những người thân.
- Viết ra sẵn các câu hỏi để hỏi bác sĩ của con bạn (tránh bỏ sót vì bị áp lực, lo lắng trong lúc thăm khám). Việc này có thể giúp bạn tận dụng tối đa thời gian cuộc hẹn của bạn.
Đối với tứ chứng Fallot, một số câu hỏi cơ bản để hỏi bác sĩ của bạn hoặc con bạn bao gồm:
- Nguyên nhân chính nào gây ra các triệu chứng của con tôi? Có nguyên nhân nào khác không?
- Con tôi cần làm những xét nghiệm nào? Có cần chuẩn bị trước điều gì không?
- Phương pháp điều trị như thế nào là phù hợp với con tôi?
- Các biến chứng có thể có của phẫu thuật hoặc can thiệp đó là gì?
- Tiên lượng của con tôi sau khi phẫu thuật là gì? Nó có thể sống một cuộc sống bình thường không?
- Chúng tôi có cần tuân theo kiêng cử hay hạn chế hoạt động nào không?
- Việc tham gia tập thể dục có ảnh hưởng gì đến con tôi không?
- Tại sao Tứ chứng Fallot lại xảy ra?
- Điều này có gây ra vấn đề gì trong quá trình mang thai trong tương lai không, và có cách nào để ngăn chặn nó? Tứ chứng Fallot của tôi có thể gây ra vấn đề gì cho đứa con tương lai của tôi không?
- Có tài liệu, ấn phẩm hay tờ bướm nào khác mà tôi có thể mang về nhà không? Bác sĩ có thể cung cấp cho tôi những trang web đáng tin cậy để tìm hiểu về căn bệnh này không?
Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị trước, đừng ngần ngại hỏi thêm những câu khác trong suốt buổi khám của bạn.
Những điều bác sĩ có thể hỏi bạn
Bác sĩ của bạn hoặc con bạn có thể sẽ hỏi một số câu hỏi, ví dụ như:
- Lần đầu tiên bạn nhận thấy các triệu chứng của bạn hoặc con bạn là khi nào?
- Các triệu chứng này xảy ra liên tục, hay thỉnh thoảng?
- Có điều gì làm cải thiện hay trầm trọng thêm các triệu chứng không?
- Chế độ ăn uống ngủ nghỉ của bé và bạn như thế nào?
- Bạn có nhận thấy những cơn ngất xỉu khi môi và da của con bạn trở nên xanh hơn hoặc sẫm màu hơn không?
- Bé có thường nôn mửa hay đang giảm cân không?
- Hiện tượng thở nhanh, khó thở hoặc phù chân có xuất hiện?
Bạn có thể làm gì trong lúc này?
Trong khi bạn đang chờ đợi cuộc hẹn của bác sĩ và điều trị, đây là một vài mẹo để giúp con bạn thoải mái hơn:
- Cho bé ăn từ từ. Hãy thử những bữa ăn nhỏ hơn, thường xuyên hơn.
- Giúp đỡ con bạn trong cơn tím thiếu oxy. Da, móng tay và môi của con bạn có thể chuyển sang màu xanh sau khi khóc, cho ăn hoặc thức dậy.
- Nếu bạn giữ bình tĩnh, nó có thể giúp giảm bớt lo lắng của con bạn. Cải thiện lưu thông máu và oxy đến tim và phổi của bé, bằng cách nhẹ nhàng nâng đầu gối bé lên ngực.
- Trong trường hợp khẩn cấp hãy gọi 115 hoặc đến phòng cấp cứu gần nhất có thể
Hy vọng YouMed sẽ giúp bạn chuẩn bị thật tốt cho buổi khám Tứ chứng Fallot. Sự chuẩn bị kĩ càng của bạn sẽ giúp bác sĩ nắm rõ vấn đề và đưa ra hỗ trợ tốt nhất.
Nguồn: Mayoclinic.org (Biên dịch: Lê Thị Kiều Nhi)
>> Mời bạn xem thêm:
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Tetralogy of Fallothttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/tetralogy-of-fallot/diagnosis-treatment/drc-20353482
Ngày tham khảo: 22/04/2020