Tư thế bú mẹ: Như thế nào là bú đúng cách?
Nội dung bài viết
“Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ”. Sữa mẹ là chất tiết đặc biệt của tình yêu thương. Sữa mẹ mang lại lợi ích to lớn không những cho bé và mẹ, mà còn cho bố, cho gia đình và xã hội. Khi bắt đầu có sữa, hầu như các bà mẹ luôn thắc mắc làm thế nào để cho con bú, tư thế bú mẹ đúng ra sao, làm thế nào để nuôi con bằng sữa mẹ thành công, nhất là đối với những bà mẹ sinh con đầu lòng. Bài viết này sẽ giải đáp tất cả thắc mắc này.
1. Sữa mẹ tiết ra như thế nào khi cho con bú mẹ?
Cơ chế tiết sữa mẹ một cách đơn giản được trình bày tóm tắt trong hình sau:
Khi bé nút vú mẹ, các thụ thể ở vú được kích thích sẽ làm:
- Khoảng 5 phút sau khi bé bắt đầu bú, tuyến yên sau tiết Oxytocin có tác dụng làm sữa đã được tạo ra chảy xuống đầu vú. Đồng thời, Prolactin có tác dụng làm co thắt tử cung giúp bà mẹ giảm đau, giảm mất máu và ngủ ngon hơn, mau lành vết thương hơn.
- Khoảng 30 phút sau khi bé bắt đầu bú, vùng dưới đồi tiết Prolactin Releasing Hormone (PRH) đến tuyết yên trước tiết Prolactin. Prolactin có tác dụng kích thích tế bào tuyến vú tạo sữa sẵn cho cữ bú sau.
Như vậy, bé nút vú nhiều chừng nào thì sữa được tạo ra và chảy xuống nhiều chừng ấy. Ngược lại, nếu bé không nút vú thì sữa sẽ không được tạo ra. Bà mẹ cần cho bé nút vú dù không cảm thấy căng sữa, để kích thích tạo sữa và xuống sữa.
2. Các nguyên tắc khi cho con bú mẹ
- Cho bé bú vú mẹ càng sớm càng tốt trong vòng 60 phút đầu tiên.
- Cho bé bú vú mẹ theo nhu cầu.
- Không sử dụng núm vú giả.
- Cho bú cạn ít nhất 1 bên vú trong 1 cữ bú.
- Cho bú đúng kỹ thuật.
- Giữ tinh thần vui vẻ lạc quan và ăn uống đầy đủ.
2.1. Tại sao phải cho bé bú vú mẹ càng sớm càng tốt ?
Sữa non đã được hình thành vào những tháng cuối thai kỳ. Ngay lúc sinh và quá trình lấy nhau ra khỏi tử cung của mẹ làm thay đổi nội tiết tố. Prolactin được hình thành có tác dụng đẩy sữa non ra ngoài. Trong vòng 60 phút đầu tiên sau sinh, các bà mẹ nên cho trẻ ngậm vú.
Sữa non dù rất ít, chỉ khoảng 15ml trong 24 giờ đầu nhưng có nhiều kháng thể và rất đậm đặc. Lượng sữa này cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho bé. Hãy cho bé nút vú mà không cần vắt ra xem vú có sữa không. Sau sinh, bà mẹ chỉ việc nằm nghỉ ngơi. Người nhà hoặc nhân viên y tế sẽ giúp bé ngậm vú mà bà mẹ không cần phải ngồi bế bé.
2.2. Tại sao phải cho bé bú vú mẹ theo nhu cầu?
Các bà mẹ nên cho bé nút vú mỗi khi bé đói mà không cần cảm thấy căng vú. Vì lúc đó vú mẹ đã có sữa được tạo từ lần bú trước. Không nên gọi bé dậy bú nếu bé chưa thật sự đói. Trong 1 tháng đầu sau sinh, phần lớn thời gian của trẻ dành cho việc ngủ. Trẻ đủ tháng khỏe mạnh có thể ngủ giấc dài đến 4 giờ. Sau 4 giờ mà bé không dậy mới nên đánh thức cho bú. Nếu bé đang bệnh hay non tháng, nhẹ cân, khoảng cách giữa các cữ bú sẽ gần hơn.
2.3. Tại sao phải cho bú cạn ít nhất 1 bên vú trong 1 cữ bú?
Việc cho bé bú cạn 1 bầu sữa sẽ giúp sữa lên tốt. Vì khi sữa hết hoàn toàn thì cơ thể mẹ mới tạo ra Prolactin nhiều nhất. Nếu sữa vẫn còn lại sau cữ bú làm ức chế tiết Prolactin, sữa tạo ngày càng giảm dần. Việc này cũng tránh bị tắc sữa, có thể gây viêm vú hoặc áp xe vú nếu tắc sữa nặng hơn.
Ngoài ra, việc cho bé bú cạn ít nhất 1 bên vú cho phép bé tận dụng tất cả chất dinh dưỡng từ nguồn sữa của bà mẹ. Trong suốt thời gian bú 1 bên vú, trong 5 phút đầu khi chưa có Oxytocin, sữa mẹ chủ yếu nhiều nước, đường và đạm và ít chất béo. Sau khi có Oxytocin, chất béo trong sữa sẽ càng lúc càng tăng dần nên sữa cũng nhiều năng lượng dần.
Nếu sau khi bú sách 1 vú mà bé vẫn khóc, hãy cho bé bú vú bên kia.
Nếu bé bú chưa hết mà đã no thì các bà mẹ nên vắt sữa còn dư trữ lạnh. Sau vài ngày mẹ sẽ biết được nhu cầu bú của bé. Vào các cử bú sau có thể vắt bỏ một ít sữa đầu để bé bú sữa có nhiều năng lượng hơn.
>> Mẹ có thể tham khảo thêm: Cách chuẩn bị và bảo quản sữa mẹ cho bé?
2.4. Cho bú đúng kỹ thuật là như thế nào?
Có nhiều tư thế bú mẹ khác nhau nhưng cần đảm bảo các nguyên tắc sau, bao gồm:
Tư thế bú mẹ đúng:
- Mẹ và trẻ ở tư thế thoải mái nhất.
- Giữ đầu bé thẳng hàng với thân bé.
- Nâng đỡ toàn bộ thân người bé.
- Bụng bé áp sát vào thân mẹ.
- Mặt trẻ đối diện với bầu vú, miệng trẻ đối diện núm vú.
Ngậm bắt vú đúng:
- Cằm chạm vú mẹ.
- Miệng há rộng.
- Môi dưới đưa ra ngoài.
- Quầng vú thấy bên trên nhiều hơn bên dưới.
Bú hiệu quả:
- Bú chậm, sâu, thỉnh thoảng nghỉ.
- Tự động bỏ vú khi no.
- Thời gian bú khoảng 15 ± 5 phút.
- Sau bú, ngủ 2 – 4 giờ.
- Tăng cân đủ (20 – 30g/ngày). Chú ý: sụt cân sinh lý: ≤ 7% ở trẻ đủ tháng và ≤ 10% ở trẻ non tháng.
2.5. Tại sao không nên sử dụng núm vú giả?
Bú bằng núm vú giả có thể làm bé dễ nhiễm trùng hơn và có thể làm biến dạng hàm. Có khác biệt lớn trong cách ngậm vú giả và vú mẹ.
- Khi bú núm vú giả, bé ngậm dễ dàng, không cần nút mà sữa vẫn chảy và bé no nhanh chóng. Một số trường hợp các bà mẹ vẫn tiếp tục để trẻ bú khi trẻ đã no, làm tăng nguy cơ trào ngược dạ dày thực quản.
- Khi bú mẹ, bé phải há miệng to ngậm hết quầng vú và phải nút vú thì sữa mới ra. Bé phải gắng sức hơn rất nhiều.
Do đó, các bé đã từng bú núm vú giả hay chê vú mẹ. Đây là nguyên nhân thường gặp làm nuôi con bằng sữa mẹ thất bại và nhiều bà mẹ phải vắt sữa ra bình cho con bú.
2.6. Giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan và ăn uống đầy đủ
- Sau sinh, bà mẹ có rất nhiều vấn đề phải lo lắng. Stress làm giảm tiết sữa. Vấn đề “trầm cảm sau sinh” chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng nghe qua, thậm chí là từng trải qua. Các bà mẹ thường có tâm trạng mệt mỏi, buồn phiền nên các ông bố và gia đình cần chia sẻ, nâng đỡ họ cả về thể chất lẫn tinh thần.
- Hiện nay, một số gia đình còn quan niệm xưa là sau sinh phải ở cử, chỉ được ăn một số món ăn. Trong giai đoạn này, bà mẹ cần được cung cấp nhiều năng lượng với đầy đủ các chất dinh dưỡng. Kiêng khem làm bà mẹ thiếu dinh dưỡng, mệt mỏi và stress hơn.
3. Các tư thế bế trẻ
3.1. Tư thế bế ẵm
Đây là tư thế thông dụng nhất. Đặt lưng bé nằm trên cẳng tay, đầu bé ở chỗ khúc uốn lượn khuỷu tay, đồng thời dùng bàn tay đỡ mông bé. Bàn tay còn lại của mẹ để nâng bầu vú. Bằng cách xoay trở cẳng tay, bà mẹ có thể dễ dàng hướng toàn thân trẻ vào phía mình. Miệng bé phải ngang với tầm vú. Đặt 2 cánh tay của trẻ ở 2 phía bên ngực cho bú. Riêng cánh tay sau có thể ôm vào tay mẹ. Có thể dùng gối để đỡ cơ thể trẻ và một bên cánh tay mẹ.
Sai lầm thường mắc phải: trẻ được nằm ngửa trên cẳng tay, đầu trẻ xoay về phía mẹ. Trẻ không thể bú được trong tư thế vẹo cổ này. Cần sửa tư thế cẳng tay sao cho thân trẻ áp sát vào thân mẹ, bụng áp bụng.
2.2. Tư thế vắt chéo
Tư thế vắt chéo gần tương tự như tư thế ngồi bế ẵm, ngoại trừ việc 2 tay của mẹ đổi vai trò cho nhau. Trong tư thế vắt chéo, trẻ được đỡ bằng bàn tay và cẳng tay đối bên với bên vú đang bú.
Tư thế này giúp mẹ kiểm soát đầu trẻ tốt hơn khi đầu được đặt giữa các ngón tay và bàn tay. Tư thế bú mẹ này rất tốt cho những trẻ rất nhỏ hoặc ngậm bắt vú khó khăn. Bàn tay mẹ có thể dễ dàng sữa chữa để vị trí đầu trẻ đúng nhất.
2.3. Tư thế cặp chặt
Mẹ ngồi thẳng người, dựa lưng vào ghế hoặc tường. Hai bên vai thẳng và thoải mái. Bàn tay và ngón tay đỡ vai, cổ và đầu bé. Mặt bé hướng lên gần sát ngực mẹ. Phần lưng trên của bé nằm trên cẳng tay. Chân bé tì vào phía sau. Phần mông bé nằm ngang mức khuỷu của mẹ. Kê gối dưới tay mẹ để mẹ được thoải mái, đồng thời nâng bé ngang tầm vú. Bàn tay còn lại dùng để nâng đầu vú.
Ưu điểm của tư thế bú mẹ này là mẹ có thể quan sát trẻ bú và kiểm soát tư thế đầu bé. Tư thế này thường dùng cho những bà mẹ sinh mổ, trẻ nhẹ cân hay non tháng, song thai, vú to hay núm vú phẳng hay những trường hợp trẻ khó khăn khi ngậm bắt vú.
2.4. Tư thế nằm
Không nhất thiết mẹ phải luôn ngồi khi cho con bú. Có thể cho bú ở tư thế nằm. Mẹ nằm nghiêng, đầu cao. Có thể kê gối ở lưng và đùi. Chân gập lại ở đầu gối. Cố gắng giữ lưng và hông thẳng hàng. Đặt bé nằm nghiêng sát, mặt bé gần sát ngực dưới của mẹ. Miệng bé ngang tầm núm vú. Dùng cánh tay phía dưới để ôm và giữ bé. Cánh tay còn lại dùng để nâng vú. Có thể đổi tư thế để cho bé bú vú bên kia. Trong trường hợp không muốn đổi tư thế bú mẹ, kê gối cao phía dưới để nâng toàn bộ thân người bé lên cao.
Tư thế này phù hợp cho những trường hợp sinh mổ, cho bú ban đêm hoặc khi bà mẹ mệt.
Để mẹ và bé ở tư thế thoải mái nhất, mẹ không phải cúi cong lưng để ôm con thì có thể đặt một gối dưới thân mình bé. Gối có tác dụng nâng người bé lên cao và hoàn toàn êm ái, dễ chịu.
4. Cách ngậm bắt vú đúng
Sau khi đảm bao tư thế bú mẹ đúng thì ngậm bắt vú đúng là một bước đóng vai trò rất quan trọng.
Trình tự thực hiện đặt trẻ vào vú mẹ
- Đưa môi bé vào gần núm vú mẹ. Bé sẽ phản ứng bằng cách mở rộng miệng và đẩy lưỡi ra.
- Mẹ dùng tay nâng vú, giữ vú để núm vú thẳng ra hoặc hơi nâng lên một chút.
- Mẹ đưa bé lại gần mình hơn, giúp bé nhận biết vú và ngậm được núm vú và quầng vú càng nhiều càng tốt.
Các xoang chứa sữa nằm ở quầng vú chứ không phải núm vú. Ngậm bắt vú đúng, bé sẽ ngậm được toàn bộ quầng vú, nên ép chặt một cách hiệu quả các xoang sữa. Bầu vú được làm trống tốt sẽ giúp bé nhận được sữa.
Khi ngậm bắt vú sai, bé chỉ ngậm vú mà không ép được các xoang sữa. Dẫn đến bé phải dùng rất nhiều công để bú sữa mà sữa ra rất ít. Nhiều lần như vậy, bé sẽ chán bú vú mẹ.
Hãy chú ý là tất cả các bà mẹ đều có thể có đủ sữa để nuôi 2 bé sinh đôi nếu biết cho bú mẹ đúng cách. Thời gian hồi phục lại sữa mẹ là không giới hạn, miễn là bà mẹ thật sự mong muốn. Bà mẹ đi làm có thể vắt sạch sữa đều đặn mỗi 3 giờ, trữ lại mang về cho bé bú khi mẹ vắng nhà.
Tổng kết
Trên thực tế, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu tại Việt Nam rất thấp so với trung bình của thế giới (19,6% với 35% theo thống kê năm 2011). Hầu hết các bà mẹ nghĩ mình không đủ sữa, chính vì vậy sẽ bổ sung sữa công thức cho các bé. Tuy nhiên, nguyên nhân có thể là cách mà bà mẹ cho con bú chưa chính xác, làm hạn chế sản xuất sữa. Các bà mẹ cần được tư vấn cặn kẽ để có thể cho con bú mẹ thành công. Bài viết này hy vọng có thể cung cấp một số kiến thức cơ bản về tư thế bú mẹ, làm thế nào nuôi con bằng sữa mẹ thành công.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.