U màng não: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
U màng não là những khối u xuất phát từ lớp tế bào ở màng bao phủ não, tủy sống và rễ thần kinh tủy sống (màng não). Hầu hết u màng não là u lành tính (không phải ung thư). Bệnh nhân u màng não đa phần có thể được chữa khỏi nếu khối u được loại bỏ hoàn toàn. Tuy nhiên không phải lúc nào bệnh nhân cũng phát hiện và được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn sớm. Hãy cùng tìm hiểu về triệu chứng, chẩn đoán và điều trị u màng não ở bài viết dưới đây của Bác sĩ chuyên khoa Ngoại Thần kinh Ngô Minh Quân.
U màng não là gì?
U màng não là một dạng u não có nguồn gốc phát triển từ màng não. Màng não là lớp tế bào bao quanh và bảo vệ cho não bộ và tủy sống.
Hầu hết u màng não không phải là ung thư. Loại u này phát triển chậm tuy nhiên nếu đủ lớn có thể chèn ép các cấu trúc xanh quanh. Nguyên nhân xuất hiện u màng não hiện chưa được hiểu rõ, nhiều giả thuyết cho rằng có vai trò kết hợp giữa yếu tố di truyền và yếu tố môi trường sống trong việc hình thành và phát triển u màng não.
U màng não có thể gặp ở bất cứ vị trí nào của màng não. Theo quan sát có gần 90% trường hợp phát hiện u màng não ở màng não vùng vòm xương sọ hoặc nền sọ.1 Tuy nhiên u màng não vẫn có thể xảy ra ở màng não vùng tủy sống hoặc quanh vùng quanh dây thần kinh thị giác.
Những trường hợp u màng não phát hiện tình cờ, kích thước nhỏ có thể theo dõi mà không cần điều trị, một số khác có triệu chứng hoặc kích thước lớn có thể cần phải phẫu thuật có hoặc không kết hợp với xạ phẫu sau mổ.
Triệu chứng của u màng não
Không phải bệnh nhân u màng não nào cũng có những triệu chứng của bệnh, nhiều trường hợp bệnh nhân u màng não mà không có bất cứ triệu chứng nào. Tuy nhiên nếu xuất hiện thì các triệu chứng thường gặp của u màng não như động kinh, nhìn mờ, yếu cơ ở tay hoặc chân,… tùy thuộc và vùng não bị u chèn ép mà bệnh nhân có những triệu chứng khác nhau.
1. Cơn động kinh
Cơn động kinh điển hình thường biểu hiện bằng việc bệnh nhân đột ngột bất tỉnh, có những co giật cơ không tự chủ. Một số trường hợp động kinh thể hiện kín đáo hơn, chỉ xảy ra những thay đổi rất nhỏ trong cơ thể dễ bị bỏ qua.
2. Thay đổi thị giác
U màng não có thể khiến bệnh nhân nhìn mờ và có thể mất thị lực hoàn toàn. Thường xảy ra ở một mắt. Những thay đổi thị giác khác có thể gặp như nhìn đôi, điểm mù,… Nguyên nhân của các triệu chứng thay đổi thị giác thường do u màng não phát triển lớn chèn ép lên đường dẫn truyền của dây thần kinh thị giác.
3. Giảm hoặc mất thính giác (điếc)
U màng não phát triển gần dây thần kinh dẫn truyền thính giác (dây thần kinh VIII), gây chèn ép các tế bào thần kinh này có thể khiến bệnh nhân giảm hoặc mất thính giác.
4. Thay đổi tính cách, giảm tập trung
Những bệnh nhân có u màng não lớn có thể có những thay đổi tính cách đột ngột hoặc gặp vấn đề trong việc tập trung làm việc.
6. Yếu tay hoặc chân
U màng não có thể gây ra triệu chứng yếu hoặc rối loạn cảm giác tay, chân hoặc cả hai phụ thuộc vào vị trí của u.
7. Mất thăng bằng
U màng não ở những vị trí đặc biệt có thể gây mất thăng bằng, khó khăn trong việc đi lại.
8. Đau đầu, buồn nôn, nôn
Khi khối u phát triển, gia tăng kích thước thì có thể làm tăng áp lực nội sọ. Việc áp lực nội sọ tăng khiến bệnh nhân đau đầu, buồn nôn và nôn.
Chẩn đoán u màng não
U màng não thường chẩn đoán dựa vào các phương tiện chẩn đoán hình ảnh học của não bộ, thông thường là cộng hưởng từ não MRI. Cộng hưởng từ não có thể giúp nhận biết và định vị được khối u, đặc biệt nếu chụp cùng với các chất cản từ.
Một vài trường hợp u màng não có thể phát hiện qua phim chụp cắt lớp vi tính CT scan hoặc cộng hưởng từ MRI một cách tình cờ do khám sức khỏe hoặc chấn thương đầu. Một vài trường hợp khác thì bệnh nhân đến được chỉ định chụp phim do triệu chứng động kinh.
Điều trị u màng não
1. Phân loại u màng não
Phương pháp điều trị phù hợp nhất được lựa chọn phụ thuộc nhiều vào kích thước của khối u, tốc độ phát triển cũng như vị trí của chúng kết hợp cùng với độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
U màng não thường được chia làm ba nhóm dựa vào tốc độ phát triển của khối u cũng như khả năng tái phát sau điều trị của chúng:2
- Nhóm I hay còn gọi là các u màng não lành là những khối u có tốc độ phát triển chậm, thường không ảnh hưởng đến các vùng não xung quanh. U màng não Grade I là loại phổ biến nhất, chiếm tới 78 – 81% các trường hợp. Đôi khi các u màng não grade I không cần phải can thiệp điều trị và nếu điều trị cũng hiếm khi tái phát.
- Nhóm II hay còn gọi là các u màng não không điển hình: loại này thường phát triển với tốc độ nhanh hơn so với grade I và có tỷ lệ tái phát sau điều trị cao hơn. Chúng chiếm khoảng 15 – 20% các trường hợp.
- Nhóm III, u màng não ác tính, còn được xem như là một loại ung thư não, tỷ lệ tái phát sau điều trị cao. Nhóm này chiếm 1 – 4% các trường hợp.
2. Các phương pháp điều trị u màng não
Bao gồm có phẫu thuật, xạ trị hoặc điều trị bảo tồn:
- Phẫu thuật là phương pháp thường được lựa chọn nhất cho các bệnh nhân u màng não, đặc biệt là những khối u có kích thước lớn, phát triển nhanh hoặc gây ra những triệu chứng cho bệnh nhân. Mục tiêu của phẫu thuật là loại bỏ hoàn toàn khối u nếu có thể, tuy nhiên việc loại bỏ khối u không phải lúc nào cũng có thể thực hiện được. Những khối u có kích thước lớn hoặc nằm ở vị trí khó tiếp cận gây khó khăn cho việc phẫu thuật do đó mà nhiều trường hợp khối u không thể lấy hết toàn bộ mà chỉ có thể lấy một phần u.
- Xạ trị là phương pháp điều trị sử dụng tia X để hủy tế bào u. Việc dùng tia X cần lên kế hoạch và thực hiện cẩn thận để tránh tổn thương các phần mô não lành xung quanh khối u. Dựa vào tính chất dễ tổn thương dưới tia X của các tế bào u và việc điều trị mang lại hiệu quả tốt giúp giảm kích thước u.
- Điều trị bảo tồn: đôi khi là một lựa chọn tốt cho những bệnh nhân tình cờ phát hiện các khối u kích thước nhỏ, phát triển chậm và không gây ra triệu chứng cho người bệnh. Bệnh nhân được theo dõi bởi bác sĩ, thực hiện các phương tiện hình ảnh học định kỳ để theo dõi sự phát triển của khối u.
Trên đây là những thông tin cơ bản về chẩn đoán và điều trị u màng não. Hy vọng cung cấp được những thông tin bước đầu giúp người đọc dễ dàng tiếp tục tìm hiểu thêm vấn đề này. Đừng ngại để lại những thắc mắc ở phần bình luận, cũng như chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Mong nhận được những phản hồi cũng như đồng hành cùng bạn ở những bài viết kế tiếp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Incidence, mortality and outcome of meningiomas: A population-based study from Germanyhttps://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S1877782119300621
Ngày tham khảo: 30/01/2020
-
Meningioma Gradinghttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/meningioma-grading
Ngày tham khảo: 30/01/2020