YouMed

U nang buồng trứng xoắn: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Hoài Duy
Tác giả: ThS.BS Võ Hoài Duy
Chuyên khoa: Sản phụ khoa

U nang buồng trứng xoắn là một trong những biến chứng xuất hiện ở những chị em phụ nữ mắc bệnh u buồng trứng. Đây là một biến chứng nguy hiểm, khiến các chị em có nguy cơ bị mất đi buồng trứng do không xử trí kịp thời. Do đó, gây nhiều lo lắng cho các chị em phụ nữ, không biết sẽ có những triệu chứng gì và cách phòng ngừa ra sao. Hãy cùng Thạc sĩ Bác sĩ Võ Hoài Duy cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

U nang buồng trứng xoắn là gì?

U nang buồng trứng xoắn là tình trạng buồng trứng (gồm cả khối u) bị xoắn lại với các cấu trúc lân cận như các dây chằng, gây thiếu máu nuôi đến buồng trứng và gây đau bụng cấp tính cho người bệnh. Thường gặp u buồng trứng gây xoắn ở bên phải nhiều hơn bên trái.1

Đây là một trong 3 biến chứng thường gặp có thể xảy ra ở những bệnh nhân có khối u ở buồng trứng. Khả năng mắc tình trạng này khá thấp, chiếm tỉ lệ khoảng 2-15% trong số các trường hợp phải mổ cấp cứu vì khối u ở vùng chậu. Theo các khảo sát, u nang buồng trứng xoắn thường xảy ra trong độ tuổi sinh sản, ngược lại độ tuổi trước dậy thì và tiền mãn kinh có tần xuất xuất hiện thấp hơn, khoảng 17%. Một số trường hợp, dù không có khối u nhưng vẫn bị xoắn khối tai vòi và buồng trứng, tuy nhiên chiếm tỉ lệ thấp hơn nhiều.2

Kích thước khối u nang có liên quan đến tỉ lệ bị xoắn, có hơn 80% các trường hợp xoắn phần phụ đều có khối u có kích thước > 5 cm. Khối u lành tính thường dễ bị xoắn hơn so với các khối u ác tính.2

Một số trường hợp, khi vòng xoắn còn lỏng lẻo có thể sẽ tự tháo xoắn trở về vị trí bình thường, tuy nhiên vẫn có khả năng tái phát xoắn trở lại. U nang buồng trứng xoắn là một biến chứng nguy hiểm vì có thể làm loại tử buồng trứng, nguy cơ phải cắt bỏ đi buồng trứng nếu không điều trị kịp thời. Đây là một tình trạng cần phải can thiệp bằng mổ cấp cứu, không thể chờ đợi tự tháo xoắn hoặc dùng thuốc.

(Hình ảnh U buồng trứng gây xoắn 3 vòng, bệnh nhân nhập viện trễ dẫn đến hoại tử hết buồng trứng)
Hình ảnh U buồng trứng gây xoắn 3 vòng, bệnh nhân nhập viện trễ dẫn đến hoại tử hết buồng trứng

Vị trí của buồng trứng trong cơ thể và nguyên nhân u nang buồng trứng xoắn

Trong cơ thể của người phụ nữ có 2 buồng trứng, nằm ở vùng bụng dưới 2 bên. Buồng trứng được neo giữ vào tử cung và vùng chậu bằng hệ thống các dây chằng buồng trứng, trong đó có 2 dây chằng chính là: dây chằng tử cung – buồng trứng và dây chằng thắt lưng – buồng trứng nằm ở 2 đầu buồng trứng. Vì thế, buồng trứng không nằm ở 1 vị trí cố định mà có thể di động có giới hạn trong điều kiện bình thường. Khi có những yếu tố khác làm cho sự di động này trở nên quá mức sẽ làm tăng nguy cơ bị xoắn:

Khối u ở buồng trứng

Nguyên nhân thường gặp nhất là do khối u ở buồng trứng. Khối u làm cho buồng trứng trở nên nặng hơn, giãn các dây chằng neo giữ buồng trứng. Do đó, buồng trứng có thể di động với biên độ lớn hơn và khó tự tháo xoắn khi xảy ra trường hợp này. Những khối u có kích thước lớn thường dễ gây ra xoắn hơn so với những khối u có kích thước nhỏ. Theo khảo sát, đa số những trường hợp xoắn đều có kích thước khối u > 5cm. Những khối u ác tính thường có xu hướng xâm lấn cơ quan xung quanh, và dính vào các cơ quan đó vì thế tính di động ít hơn so với các u buồng trứng lành tính. Xuất độ xoắn ở những trường hợp u buồng trứng ác tính rất thấp, dưới 2%.2

Các phương pháp hỗ trợ sinh sản

Các phương pháp hỗ trợ sinh sản cũng có nguy cơ dẫn đến tình trạng u nang buồng trứng xoắn. Do dùng thuốc kích thích buồng trứng nên một số trường hợp buồng trứng có kích thước rất to, các dây chằng xung quanh trở nên mềm mại hơn tạo điều kiện cho việc di động của buồng trứng, có thể dẫn đến xoắn. Tỉ lệ xoắn buồng trứng trong những trường hợp này cũng rất thấp, vào khoảng 1/5000.3

Các dây chằng neo giữ buồng trứng bị dài bất thường

Khi các dây chằng này quá dài, buồng trứng cũng sẽ có cơ hội di động nhiều hơn. Tưởng tượng rằng, khi chúng ta buộc một vật nặng bằng sợi dây dài, khi nó di chuyển có thể sẽ bị rối vào sợi dây. Cùng cơ chế đó, buồng trứng cũng có thể bị xoắn trong trường hợp các dây chằng bị dài bất thường. Đã có những nghiên cứu khảo sát cho thấy ở nhóm xoắn có chiều dài dây chằng cao hơn, vào khoảng 3,2 cm so với những người bình thường khoảng 2,2 cm.4

Khoang bụng quá rộng

Thường gặp trong giai đoạn hậu sản, khi tử cung lớn trong quá trình mang thai làm cho khoang bụng bị giãn lớn theo. Sau khi sinh xong, tử cung dần co hồi rất nhanh trong khi khoang ổ bụng cần thời gian lâu hơn, vì thế có khoảng trống lớn tạo điều kiện cho buồng trứng có thể di động nhiều hơn, nếu có kèm theo một khối u ở buồng trứng thì khả năng bị xoắn là rất có thể. Thậm chí, trong trường hợp không có khối u đi kèm vẫn có khả năng xoắn buồng trứng. Đã có một vài báo cáo trên thế giới về tình huống này.5

Cơ chế gây xoắn buồng trứng của khối u
Cơ chế gây xoắn buồng trứng của khối u

Diễn tiến của bệnh lý u nang buồng trứng xoắn

Khi vòng xoắn mới được tạo thành, ban đầu còn lỏng lẻo nên khi buồng trứng di động có thể tự tháo xoắn, biểu hiện trên lâm sàng bệnh nhân có thể giảm các triệu chứng. Tuy nhiên khả năng bị xoắn trở lại vẫn còn tồn tại.

Nguy hiểm khi bị u nang buồng trứng xoắn bắt nguồn từ việc giảm sút sự cung cấp máu cho buồng trứng. Giai đoạn đầu, nút xoắn làm đè ép lên tĩnh mạch (áp lực trong mạch máu này thấp) làm gián đoạn lưu thông máu, tuy nhiên do động mạch buồng trứng có áp lực mạnh hơn nên chưa bị đè ép. Lúc này vẫn có máu nuôi đến buồng trứng. Việc có máu đến nhưng máu đi ra bị ứ lại dẫn đến phù nề ở buồng trứng.1

Qua thời gian, sự phù nề ngày càng nhiều làm cho sự đè ép cũng tăng lên. Đến một lúc nào đó, áp lực của sự phù nề cao hơn áp lực trong động mạch làm cho động mạch bị đè ép. Lúc này dẫn đến ngưng sự cung cấp máu nuôi cho buồng trứng. Buồng trứng không có máu nuôi sẽ hoại tử (chết mô).1

Triệu chứng u nang buồng trứng xoắn

  • Đau bụng

Đau là triệu chứng gặp trong hầu hết các trường hợp mắc u buồng trứng xoắn. Tính chất đau thường rất dữ dội, và khởi phát một cách đột ngột làm người bệnh thường nhớ rõ thời điểm đau. Vị trí đau thường ở vùng bụng dưới rốn, có thể lệch một bên, một số trường hợp đau lan xuống vùng bẹn, đùi. Đau thường tăng lên nhiều hơn khi được thăm khám hoặc sờ vào vùng bụng.1

Ở một số trẻ chưa dậy thì, có thể cảm giác đau lan tỏa mà không có một vị trí rõ ràng. Một số trường hợp bệnh nhân tự hết đau, có thể là do khối xoắn đã được tự tháo gỡ một cách tự nhiên. Tuy nhiên trong trường hợp nếu bệnh nhân tự hết đau cũng không nên chủ quan.2

  • Sốt nhẹ. Người bệnh cảm thấy sốt nhẹ, nguyên nhân là do vùng bị xoắn hoại tử.1
  • Buồn nôn và nôn xuất hiện sau khi đau.1

Một số người có thể cảm nhận những đợt bị buồn nôn dữ dội có hoặc không nôn ói sau đó giảm bớt. Qua một khoảng thời gian đợt buồn nôn lại xuất hiện.2

Khi nào cần gặp bác sĩ?

U buồng trứng xoắn là một biến chứng nguy hiểm tuy nhiên có thể điều trị khỏi nếu nhập viện kịp thời. Giai đoạn đầu mới bị xoắn, mô buồng trứng còn chịu đựng được trong vòng vài giờ đồng hồ, nếu tháo xoắn được trong quãng thời gian này, có thể cứu được buồng trứng. Nếu trễ hơn, có thể không còn bảo tồn được buồng trứng nữa.

Thông thường, triệu chứng sẽ rất rầm rộ, người bệnh sẽ cảm thấy rất đau và nhập viện ngay. Tuy nhiên một số người chịu đựng đau sau một thời gian lâu, đau có thể giảm. Người bệnh lầm tưởng bệnh thuyên giảm nhưng thật ra có thể là do buồng trứng đã hoại tử, những thần kinh cảm giác cũng đã hư hại nên không còn cảm nhận rõ cảm giác đau.

Vì vậy, khi các chị em phụ nữ đã biết có u buồng trứng trước đó, nay có dấu hiệu đau bụng kèm buồn nôn hoặc nôn hoặc có bất cứ dấu hiệu gì bất thường nên nhập viện sớm để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Chẩn đoán u nang buồng trứng xoắn

Siêu âm

Siêu âm có vài trò quan trọng trong chẩn đoán u buồng trứng xoắn và là phương tiện đầu tay để các bác sĩ đánh giá ban đầu bệnh nhân. Buồng trứng bên bị xoắn trường tròn và dãn lớn hơn so với bên buồng trứng lành tính. Ngoài ra, có thể nhìn thấy những dấu hiệu chỉ điểm của u buồng trứng xoắn điển hình là dấu xoáy nước Whirlpool hoặc vỏ ốc, sự gián đoạn dòng máu trên siêu âm màu doppler.1 2

Dưới đây là hình ảnh siêu âm u nang buồng trứng xoắn:

Hình ảnh vỏ ốc/ whirlpool của xoắn buồng trứng trên siêu âm
Hình ảnh vỏ ốc/ whirlpool của xoắn buồng trứng trên siêu âm

Xét nghiệm máu

Xét nghiệm máu không được dùng để chẩn đoán u buồng trứng xoắn. Tuy nhiên, khi nhập viện, người bệnh vẫn được chỉ định xét nghiệm. Xét nghiệm đó mục đích là để phụ vụ cho việc phẫu thuật và xem xét đến mức độ ác tính của khối u buồng trứng.

Các xét nghiệm bao gồm: tổng phân tích tế bào máu, đông máu toàn bộ, các chỉ báo huyết thanh của khối u, X-quang phổi…

Xét nghiệm hình ảnh khác

MRI hoặc CT thường không được chỉ định nhiều trong một tình huống cấp cứu như u buồng trứng xoắn. Tuy nhiên, một số người bệnh vẫn được bác sĩ chỉ định thực hiện loại cận lâm sàng này là bởi vì siêu âm phụ khoa chưa thể cung cấp đầy đủ thông tin về khối u. Hoặc cần khảo sát rộng hơn để loại trừ một trường hơp đau bụng ngoại khoa do nguyên nhân khác.2

Điều trị u nang buồng trứng xoắn

Điều trị u nang buồng trứng xoắn bắt buộc phải bằng phương pháp ngoại khoa, đây là tiêu chuẩn vàng của điều trị.2

Trong quá trình mổ u nang buồng trứng xoắn, các bác sĩ sẽ cố gắng tháo vòng xoắn và chờ đợi nhằm mục đích ưu tiên việc bảo tồn buồng trứng.

Nếu sau một khoảng thời gian chờ, buồng trứng phục hồi trở về trạng thái bình thường, hồng hào, có dấu hiệu của tưới máu nuôi thì phần tiếp theo của cuộc phẫu thuật là bóc bỏ khối u ở buồng trứng và giữ lại phần buồng trứng còn bình thường. Việc bóc phần u nang này có thể làm ngay sau khi tháo xoắn nếu thuận lợi hoặc bệnh nhân có thể sẽ được hẹn phẫu thuật lần 2 để bóc bỏ khối u sau 6-8 tuần.1

Còn trường hợp không thể phục hồi về bình thường, buồng trứng vẫn hoại tử, tím đen thì các bác sĩ buộc phải cắt bỏ buồng trứng và tai vòi đã bị hoại tử. Ngoài ra, khi có những dấu hiệu nghi ngờ loại u nang buồng trứng gây ra xoắn có khả năng cao là u ác tính, các bác sĩ cũng tiến hành phẫu thuật cắt bỏ cả buồng trứng và tai vòi .

Phẫu thuật có thể bằng phương pháp nội soi hoặc phẫu thuật mở bụng. Nếu chỉ là u buồng trứng xoắn trong thời gian cho phép, tính chất khối u lành tính và tình trạng bệnh nhân cho phép thì phẫu thuật nội soi được ưu tiên vì ưu điểm thẩm mỹ (sẹo nhỏ) và ít đau hơn. Ngược lại, khi có nghi ngờ về mức độ ác tính hoặc tình trạng bệnh nhân không thuận lợi để làm mổ nội soi u nang buồng trứng xoắn thì phẫu thuật mở bụng để đảm bảo an toàn.

Sau phẫu thuật, người bệnh cần tuân theo những hướng dẫn của nhân viên y tế, ăn uống cân đối các nhóm chất dinh dưỡng để cơ thể nhanh phục hồi và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ dặn dò.

Cách phòng ngừa u nang buồng trứng xoắn

Hiện nay, cách phòng ngừa biến chứng u nang buồng trứng xoắn còn rất hạn chế. Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng:

  • Sử dụng thuốc tránh thai. Thuốc tránh thai giúp ức chế sự phát triển kích thước của một số loại nang buồng trứng, từ đó giảm bớt biến chứng xoắn. Tuy nhiên, không phải đối tượng bệnh nhân nào cũng có thể áp dụng phương pháp này nên cần phải theo chỉ định của bác sĩ.2
  • Phẫu thuật sửa chữa lại buồng trứng và các cấu trúc neo giữ buồng trứng. Việc phẫu thuật này sẽ làm ngắn lại dây chằng tử cung – buồng trứng để hạn chế biên độ di động của buồng trứng. Quá trình phẫu thuật này thường được tiến hành cùng lúc với bóc u buồng trứng.1

Ngoài ra, người bệnh cần chủ động quan tâm đến sức khỏe bằng cách nhập viện sớm trong vòng những giờ đầu khi bắt đầu có triệu chứng vì tỉ lệ phục hồi về bình thường khi phẫu thuật là cao, tránh trường hợp cam chịu đau tại nhà dẫn đến phẫu thuật trễ.

Tóm tại, u nang buồng trứng xoắn là một trong 3 biến chứng (xoắn, nhiễm trùng, vỡ u) có thể gặp ở bệnh nhân có u nang buồng trứng trước đó.

  • Triệu chứng thường gặp là đau khởi phát một cách đột ngột, cường độ đau rất dữ dội, có thể lan xuống vùng bẹn đùi, thường kèm theo đau bụng là buồn nôn và nôn.
  • Siêu âm là phương pháp thường qui giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh và định hướng điều trị
  • Điều trị chỉ có thể là phẫu thuật, không thể dùng thuốc hoặc phương pháp dân gian để khỏi bệnh. Phẫu thuật càng sớm, khả năng thành công và giữ lại được buồng trứng càng cao. Nếu phẫu thuật trễ, khả năng cao phải cắt bỏ cả buồng trứng và tai vòi mà đây là một cơ quan vô cùng quan trọng với nhiều chức năng.
  • Người bệnh nên lưu ý triệu chứng và nhập viện sớm, nhất là khi đã biết mình có u buồng trứng trước đó.

Trên đây là những thông tin về u nang buồng trứng xoắn, đây là một bệnh lý có thể can thiệp điều trị dứt điểm. Tuy nhiên người bệnh cần nhập viện trong quãng thời gian vàng. Do đó, các chị em phụ nữ nên khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm u buồng trứng nếu có và có kế hoạch điều trị thích hợp.

Câu hỏi thường gặp

U nang buồng trứng xoắn có mang thai được không?

Nếu xử trí u nang buồng trứng xoắn kịp thời, bảo tồn được buồng trứng thì khi cơ thể phục hồi vẫn có khả năng mang thai tự nhiên như những phụ nữ khác. Bởi vì, vẫn giữ được buồng trứng, vẫn có trứng chín và rụng qua mỗi chu kì kinh nguyệt.

Nếu bệnh nhân phát hiện trễ, phải cắt bỏ đi buồng trứng đã bị chết. Khi đó, cơ thể chỉ còn lại 1 buồng trứng duy nhất, việc mang thai sẽ phụ thuộc vào buồng trứng còn lại này. Do đó, nếu buồng trứng còn lại vẫn hoạt động bình thường, thì vẫn có khả năng mang thai.6

Tình trạng u nang buồng trứng xoắn khi mang thai như thế nào?

Nếu thai phụ qua các lần khám thai phát hiện có u buồng trứng, và hình ảnh khối u trên siêu âm gợi ý là một loại u lành tính thì vẫn có thể theo dõi khối u này qua các lần khám thai, đồng thời dưỡng thai. Theo dõi qua siêu âm kích thước khối u có lớn lên hay không, có hình ảnh gì khác thường so với trước đây không.

Đến ngày sinh, nếu phải sinh mổ thì sản phụ sẽ được bóc bỏ khối u cùng thời điểm lúc mổ sinh. Nếu sinh thường, các sản phụ nên chú ý tình trạng đau bụng dai dẳng sau sinh, buồn nôn và nôn ói để thông báo cho bác sĩ, vì đây là các dấu hiệu của xoắn.

U buồng trứng xoắn trên thai kì thường khó nhận ra do dấu hiệu dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng đau của cơn gò tử cung (nhất là trong giai đoạn đang chuyển dạ). Một số tình huống, gần về những tháng cuối của thai kì, khối u buồng trứng có thể bị bỏ quên do khó quan sát vì tử cung và thai lớn che lấp.

Như vậy, mẹ bầu cần nắm rõ tình trạng của bản thân và nói với bác sĩ nếu có phát hiện bất thường trong suốt quá trình khám thai. Từ đó giúp chẩn đoán bệnh nhanh và chính xác hơn.

U nang buồng trứng xoắn có nguy hiểm không?

U buồng trứng xoắn là một tình trạng bệnh lí nguy hiểm, cần phải nhập viện ngay. Do mạch máu nuôi dưỡng buồng trứng bị xoắn vặn, làm gián đoạn sự cung cấp máu nuôi cho buồng trứng. Nếu không tháo gỡ vòng xoắn kịp thời, mô buồng trứng bị chết và không thể phục hồi. Trong khi đó, buồng trứng là một cơ quan vô cùng quan trọng đảm nhiệm chức năng sinh sản và sinh lý ở người phụ nữ.

Do đó, khi có những biểu hiện của u buồng trứng xoắn thì bệnh nhân cần được can thiệp phẫu thuật cấp cứu.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Hoffman Barbara L., Schorge John O., Bradshaw Karen D., Halvorson Lisa M., Schaffer Joseph I., et al. (2016), "Pelvic Mass", In: Williams Gynecology, 3e, McGraw-Hill Education, New York, NY.

  2. A review of ovary torsionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5615993/

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

  3. McManus Joanne, McClure Neil %J The Obstetrician, Gynaecologist (2002), "Complications of assisted reproduction". 4 (3), pp. 124-129.

  4. Correlation between the Length of Ovarian Ligament and Ovarian Torsion: A Prospective Studyhttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30071512/

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

  5. Torsion of a Normal Ovary During the Early Postpartum Periodhttps://www.researchgate.net/publication/317060566_Torsion_of_a_Normal_Ovary_During_the_Early_Postpartum_Period

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

  6. Oophorectomyhttps://www.webmd.com/ovarian-cancer/ovaries-removal-surgery

    Ngày tham khảo: 31/08/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người