Ung thư âm đạo và những điều chị em nên biết
Nội dung bài viết
Ung thư âm đạo là một loại ung thư ảnh hưởng đến phụ nữ. Loại ung thư này phổ biến hơn ở phụ nữ trên 60 tuổi. Những phụ nữ nhiễm virus u nhú ở người (HPV) có nguy cơ phát triển ung thư âm đạo cao hơn. Hãy cùng tìm hiểu về một số kiến thức ung thư âm đạo mà chị em nên biết nhé.
Ung thư âm đạo là gì?
Ung thư âm đạo là một loại bệnh hiếm gặp ở phụ nữ. Âm đạo là cơ quan giống như ống nối cổ tử cung (phần dưới của tử cung) với âm hộ (bộ phận sinh dục bên ngoài của phụ nữ). Âm đạo được lót bởi một lớp tế bào phẳng gọi là tế bào vảy. Lớp tế bào này còn được gọi là biểu mô vì nó được hình thành bởi các tế bào biểu mô. Khi sinh, em bé đi qua âm đạo khi được sinh ra. Vì vậy, âm đạo đôi khi còn được gọi là ống sinh.
Bệnh này không phổ biến. Nếu di căn ra ngoài âm đạo sẽ khó điều trị hơn rất nhiều.
Nguyên nhân ung thư âm đạo
Những phụ nữ mang virus u nhú ở người (HPV) có nhiều khả năng mắc bệnh ung thư hiếm gặp này hơn những phụ nữ khác. Những phụ nữ đã bị nhiễm virus herpes simples cũng có nguy cơ cao bị bệnh này.
Tuy nhiên, một yếu tố nguy cơ mạnh hơn là nếu mẹ của người phụ nữ dùng loại thuốc có tên là diethylstibestrol (DES) khi cô ấy mang thai từ năm 1940 đến năm 1971. Những phụ nữ có mẹ dùng DES phát triển ung thư biểu mô tuyến tế bào rõ của âm đạo hoặc cổ tử cung thường xuyên hơn phụ nữ trong dân số nói chung. Sẽ có 1 trường hợp mắc loại bệnh này trong 1.000 con gái của những phụ nữ dùng DES trong thời kỳ mang thai.
Một yếu tố nguy cơ khác là bị ung thư cổ tử cung.
Hút thuốc làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc bệnh này ở phụ nữ.
Triệu chứng ung thư âm đạo
Thường sẽ không có triệu chứng đáng chú ý, nghĩa là nó thường tiến triển nặng vào thời điểm được chẩn đoán. Vì lý do này, điều quan trọng là phải đi khám sức khỏe thường xuyên cho phụ nữ. Đôi khi có thể chẩn đoán ung thư âm đạo và cổ tử cung trước khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào.
Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Chảy máu âm đạo, thường sau khi quan hệ tình dục.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Tiết dịch âm đạo bất thường.
- Xuất hiện khối đáng chú ý trong âm đạo.
- Đi tiểu đau.
- Táo bón.
- Đau vùng xương chậu.
Mặc dù 8 trong số 10 phụ nữ bị ung thư âm đạo xâm lấn có một hoặc nhiều triệu chứng trên. Nhưng hầu hết các triệu chứng này ít nghiêm trọng hơn nhiều so với ung thư âm đạo. Tuy nhiên, bạn nên đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này.
Chẩn đoán ung thư âm đạo
Tầm soát ung thư âm đạo
Thực tế không có chương trình tầm soát chung cho ung thư âm đạo vì đây là một tình trạng rất hiếm.
Khi bạn làm xét nghiệm kiểm tra cổ tử cung, bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo định kỳ của bạn đồng thời. Họ có thể phát hiện ra các tình trạng tiền ung thư như u tân sinh trong biểu mô âm đạo (VAIN). Điều trị VAIN ngăn ngừa ung thư âm đạo phát triển.
Các xét nghiệm để chẩn đoán ung thư âm đạo
Bác sĩ có thể tiến hành khám vùng chậu và xét nghiệm Pap để kiểm tra những bất thường có thể là dấu hiệu của bệnh. Dựa trên những phát hiện đó, bác sĩ có thể tiến hành các thủ tục khác để xác định xem bạn có mắc bệnh hay không, ví dụ như:
- Soi cổ tử cung. Ống soi cổ tử cung được sử dụng để kiểm tra âm đạo và cổ tử cung để tìm các khu vực bất thường.
- Sinh thiết. Việc lấy mẫu các tế bào hoặc mô từ âm đạo và cổ tử cung để bác sĩ mô học có thể xem dưới kính hiển vi kiểm tra các dấu hiệu. Sinh thiết có thể gây đau và chuột rút ở vùng chậu.
Các xét nghiệm chẩn đoán giai đoạn ung thư âm đạo
Khi đã được chẩn đoán mắc bệnh thì việc tiếp theo là xác định giai đoạn. Việc này sẽ giúp bác sĩ quyết định phương pháp điều trị thích hợp. Để xác định giai đoạn, bác sĩ có thể sử dụng:
- Các xét nghiệm hình ảnh. Bác sĩ có thể yêu các xét nghiệm hình ảnh để xác định liệu đã lan rộng hay chưa. Các xét nghiệm hình ảnh có thể bao gồm chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc chụp cắt lớp phát xạ positron (PET).
- Nội soi bàng quang. Một thủ thuật xem xét bên trong bàng quang và niệu đạo để kiểm tra các khu vực bất thường.
Các phương pháp điều trị
Bệnh nhân và bác sĩ sẽ thảo luận để quyết định phương pháp điều trị dựa trên nhiều yếu tố, bao gồm mức độ và giai đoạn ung thư, liệu bạn có điều trị bức xạ hay không?, liệu bạn đã phẫu thuật cắt tử cung hay chưa?…
Bác sĩ có thể đề nghị một hoặc nhiều phương pháp điều trị sau:
Phẫu thuật
Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho bệnh ung thư âm đạo. Bác sĩ có thể sử dụng tia laser để cắt bỏ mô hoặc khối u. Trong một số trường hợp, có thể loại bỏ toàn bộ hoặc một phần âm đạo của bạn. Bạn có thể cần phải cắt bỏ tử cung để loại bỏ cổ tử cung hoặc các cơ quan khác.
Nhiều phụ nữ có thể sẽ có một cuộc sống tình dục bình thường sau khi phẫu thuật. Nhưng quan hệ tình dục có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và có khả năng gây chảy máu hoặc làm căng vùng phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn biết những gì an toàn để làm và khi nào là an toàn.
Xạ trị
Phương pháp này sử dụng tia X công suất cao hoặc các dạng bức xạ khác để tiêu diệt tế bào ung thư.
Tuy nhiên các phương pháp điều trị bằng bức xạ ở vùng xương chậu có thể làm tổn thương buồng trứng. Điều đó có thể khiến ngừng sản xuất estrogen, dẫn đến các triệu chứng mãn kinh như khô âm đạo. Nếu bạn đã trải qua thời kỳ mãn kinh, bạn có thể sẽ không gặp những vấn đề này.
Liệu pháp này cũng có thể gây kích ứng các mô khỏe mạnh và nhiều tác dụng phụ.
Phương pháp điều trị khác
Nếu phẫu thuật và xạ trị không thể kiểm soát, bạn có thể được tư vấn điều trị bằng phương pháp khác, có thể bao gồm:
- Hóa trị liệu. Sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Có thể dùng thuốc bằng đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể cung cấp hóa trị liệu ở dạng lotion hoặc kem. Bên cạnh đó, hóa trị có thể được sử dụng trong quá trình xạ trị để tăng cường hiệu quả của xạ trị
- Các thử nghiệm lâm sàng kiểm tra các phương pháp điều trị mới. Mặc dù thử nghiệm lâm sàng mang lại cơ hội thử những tiến bộ điều trị y khoa mới nhất, nhưng việc chữa khỏi bệnh vẫn chưa được đảm bảo.
Phòng ngừa ung thư âm đạo
Không có cách nào chắc chắn để ngăn ngừa bệnh này. Tuy nhiên, bạn có thể giảm rủi ro bằng những cách sau:
- Kiểm tra xét nghiệm khung chậu thường xuyên và xét nghiệm Pap. Bạn có thể tăng khả năng phát hiện sớm bằng cách khám phụ khoa định kỳ và xét nghiệm Pap.
- Chủng ngừa HPV.
- Bỏ hút thuốc.
Mặc dù ung thư âm đạo hiếm gặp nhưng không vì thế mà bạn có thể chủ quan về nó. Phòng bệnh lúc nào cũng tốt hơn chữa bệnh. Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào trong số trên, hãy khám bác sĩ ngay lập tức. Hãy nhớ rằng, vấn đề được chẩn đoán chính xác càng sớm, càng có thể bắt đầu điều trị sớm và việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vaginal Cancerhttps://www.healthline.com/health/vaginal-cancer
Ngày tham khảo: 20/04/2021