YouMed

Ung thư cổ tử cung có chữa được không?

BS Đặng Thị Liễu Trinh
Tác giả: Bác sĩ Đặng Thị Liễu Trinh
Chuyên khoa: Ung thư

Ung thư cổ tử cung là một gánh nặng đối với các nước đang phát triển, là loại ung thư phụ khoa thường gặp nhất. Bạn đang quan tâm về mức độ nguy hiểm của bệnh ung thư cổ tử cung? Bệnh ung thư cổ tử cung có chữa được không, tỷ lệ sống sót đối với ung thư cổ tử cung là bao nhiêu hay những cách điều trị ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn như thế nào? Hãy cùng bác sĩ Đặng Thị Liễu Trinh tìm hiểu những vấn đề này qua bài viết sau đây.

Ung thư cổ tử cung có chữa được không?

1. Tỷ lệ chữa khỏi của ung thư cổ tử cung1

Ung thư cổ tử cung có thể chữa khỏi. Tỷ lệ sống còn sau 5 năm là con số được sử dụng để xác định mức độ chữa khỏi của mỗi loại ung thư, nó cho biết phần trăm số người sống ít nhất 5 năm sau khi ung thư được phát hiện (có nghĩa là bao nhiêu trong số 100 người mắc bệnh). Tỷ lệ sống còn sau 5 năm của những người bị ung thư cổ tử cung là 66%.

Tuy nhiên, tỷ lệ sống còn có thể thay đổi theo các yếu tố như giai đoạn bệnh, chủng tộc, dân tộc và tuổi tác. Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống còn sau 5 năm của những người bị ung thư cổ tử cung là 92%. Khoảng 44% những người bị ung thư cổ tử cung được chẩn đoán ở giai đoạn đầu.

Nếu ung thư cổ tử cung đã lan sang các mô hoặc cơ quan xung quanh có hoặc không di căn hạch bạch huyết, tỷ lệ sống còn sau 5 năm là 58%. Nếu ung thư đã di căn đến một cơ quan xa của cơ thể, tỷ lệ sống còn sau 5 năm là 18%.

Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung

2. Tỷ lệ tử vong của ung thư cổ tử cung1

Theo các con số thống kê, ước tính rằng có khoảng 4.280 ca tử vong vì căn bệnh này ở Hoa Kỳ trong năm 2022. Tỷ lệ tử vong ở Hoa Kỳ đã giảm khoảng 50% kể từ giữa những năm 1970, một phần do việc tăng cường tầm soát giúp phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Tỷ lệ tử vong tiếp tục giảm khoảng 1% mỗi năm từ năm 2010 đến năm 2019. Năm 2020, ước tính có 341.831 phụ nữ chết vì ung thư cổ tử cung trên toàn thế giới.

Xem thêm: Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung: lưu ý và giải đáp câu hỏi thường gặp

Điều trị ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn

Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh trong đó các tế bào ác tính (ung thư) hình thành và phát triển trong các mô của cổ tử cung. Cổ tử cung là phần hẹp ở dưới cùng của tử cung (cơ quan rỗng, hình quả lê, nơi thai nhi phát triển). Cổ tử cung nối từ tử cung đến âm đạo.2

Có nhiều phương pháp điều trị khác nhau cho bệnh nhân ung thư cổ tử cung theo từng giai đoạn. Trong số đó, một số phương pháp điều trị là tiêu chuẩn (phương pháp điều trị hiện đang được sử dụng), và một số phương pháp đang được thử nghiệm trong các thử nghiệm lâm sàng.

5 điều trị tiêu chuẩn đang được sử dụng cho điều trị ung thư cổ tử cung:3

Phẫu thuật

Phẫu thuật (loại bỏ ung thư bằng cách cắt bỏ) đôi khi được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung. Các phương pháp phẫu thuật sau đây có thể được sử dụng:

Khoét chóp (Conization): Một phương pháp loại bỏ một mảnh mô hình nón từ cổ tử cung và kênh cổ tử cung. Mẫu bệnh phẩm sau phẫu thuật sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để tìm ra bản chất lành ác của khối u. Khoét chóp có thể xem là một phương pháp vừa chẩn đoán vừa điều trị đối với các tình trạng của cổ tử cung.

Quá trình khoét chóp có thể được thực hiện bằng một trong các quy trình sau:

  • Cắt bằng dao lạnh: Một phương pháp phẫu thuật sử dụng một con dao mổ thông thường để loại bỏ phần chóp của cổ tử cung như đã mô tả ở trên.
  • Phương pháp khoét chóp bằng vòng điện (LEEP): Một dòng điện chạy qua một vòng dây mỏng và vòng dây này được sử cung như một con dao để loại bỏ phần chóp của cổ tư cung.
  • Phẫu thuật bằng laser: Một phương pháp phẫu thuật sử dụng chùm tia laser (một chùm ánh sáng cường độ hẹp) như một con dao. Ưu điểm của con dao này là các đường cắt sẽ không chảy máu nhờ đặc điểm cầm máu của laser.

Bác sĩ của bạn sẽ tư vấn và đưa ra các lựa chọn khoét chóp phụ thuộc vào vị trí của các tế bào ung thư trong cổ tử cung và loại ung thư cổ tử cung.

1. Cắt toàn bộ tử cung

Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ tử cung bao gồm cổ tử cung. Phần bệnh phẩm được cắt bỏ có thể được đưa ra ngoài theo ba cách. Nếu tử cung và cổ tử cung được đưa ra ngoài qua đường âm đạo, phẫu thuật được gọi là cắt tử cung qua đường âm đạo. Nếu tử cung và cổ tử cung được đưa ra ngoài thông qua một vết rạch lớn ở bụng (đường rạch ngang hoặc dọc (hình 3), phẫu thuật được gọi là cắt tử cung toàn phần qua ổ bụng. Tử cung và cổ tử cung cũng có thể được đưa ra ngoài thông qua một vết rạch nhỏ ở bụng bằng nội soi ổ bụng.

2. Cắt tử cung tận gốc

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung, cổ tử cung, một phần âm đạo, và một phần các dây chằng rộng và mô xung quanh. Buồng trứng, ống dẫn trứng hoặc hạch bạch huyết hai bên cũng có thể bị cắt bỏ.

3. Cắt tử cung tận gốc biến đổi

Phẫu thuật này gần tương tự như cắt tử cung tận gốc. Điểm khác biệt là trong phẫu thuật này, mô xung quanh tử cung được cắt bỏ ít hơn trong phẫu thuật cắt tử cung tận gốc.

4. Cắt cổ tử cung tận gốc

Phẫu thuật cắt bỏ cổ tử cung, mô lân cận và hạch bạch huyết hai bên, và phần trên của âm đạo. Tử cung và buồng trứng không bị cắt bỏ.

5. Phẫu thuật đoạn chậu

Phẫu thuật cắt bỏ hầu hết các cơ quan vùng chậu bao gồm: đại tràng sigma, trực tràng và bàng quang, tử cung, cổ tử cung, âm đạo, buồng trứng và hạch bạch huyết hai bên. Các lỗ mở nhân tạo được tạo ra để dẫn lưu nước tiểu và phân từ cơ thể ra ngoài. Đây là một phẫu thuật có sức tàn phá lớn, chỉ áp dụng khi khối bướu lan tràn đến các cơ quan vùng chậu, làm bệnh nhân khó đi đại tiện hoặc tiểu tiện.

Sơ đồ các phương pháp phẫu thuật ung thư cổ tử cung
Sơ đồ các phương pháp phẫu thuật ung thư cổ tử cung

Xạ trị

Xạ trị là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng tia bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn không cho chúng phát triển. Có hai phương pháp xạ trị:

1. Xạ trị ngoài

Tia bức xạ chiều từ ngoài cơ thể (từ một máy phát tia) đến vùng cơ thể có khối bướu. Ngày nay có nhiều phương pháp giúp ngăn tia xạ không làm tổn hại đến các mô lành lân cận. Xạ trị điều biến cường độ (IMRT) là một loại xạ trị 3 chiều (3 – D) sử dụng máy tính để tạo ra các hình ảnh về kích thước và hình dạng của khối u. Các chùm tia xạ có cường độ khác nhau nhắm vào khối u từ nhiều góc độ.

2. Xạ trị trong

Sử dụng một chất phóng xạ được niêm phong trong ống kim loại, sau đó được đặt trực tiếp vào hoặc gần khối ung thư. Tia xạ phát ra tiêu diệt các tế bào ung thư.

Tùy thuộc vào loại và giai đoạn của bệnh mà bác sĩ của bạn sẽ đưa ra các lựa chọn xạ trị phù hợp và bạn cần được biết rõ về điều đó trước khi bắt đầu điều trị. Xạ trị ngoài hoặc trong hoặc cả hai được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung, và cũng có thể được sử dụng như một điều trị giảm nhẹ các triệu chứng (chèn ép, xuất huyết,…) và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hóa trị

Hóa trị là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách sử dụng hóa chất để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư, bằng cách giết chết tế bào hoặc ngăn chúng phân chia. Hóa trị được thực hiện bằng đường uống hoặc tiêm vào tĩnh mạch hoặc cơ, thuốc sẽ đi vào máu và có thể tiếp cận các tế bào ung thư cũng như toàn bộ các tế bào khác của cơ thể (hóa trị toàn thân).

Liệu pháp nhắm trúng đích

Liệu pháp nhắm trúng đích là một loại điều trị sử dụng thuốc để xác định và tấn công các tế bào ung thư, khác với hóa trị liệu pháp nhắm trúng đích ít ảnh hưởng đến các cơ quan lành.

Liệu pháp kháng thể đơn dòng là một loại liệu pháp nhắm trúng đích.

Kháng thể đơn dòng: Kháng thể đơn dòng là các protein trong hệ thống miễn dịch được tạo ra trong phòng thí nghiệm để điều trị nhiều bệnh, bao gồm cả ung thư. Là một phương pháp điều trị ung thư, các kháng thể này có thể gắn vào một mục tiêu cụ thể trên tế bào ung thư. Sau đó, các kháng thể có thể tiêu diệt các tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển của chúng hoặc ngăn các tế bào di căn xa. Các kháng thể đơn dòng được sử dụng bằng đường tiêm truyền.

Bevacizumab là một kháng thể đơn dòng liên kết với một protein của tế bào ung thư được gọi là yếu tố tăng trưởng nội mô mạch máu (VEGF) và có thể ngăn chặn sự phát triển của các mạch máu mới (mạch máu nuôi khối bướu). Bevacizumab được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung đã di căn (lan sang các bộ phận khác của cơ thể) hoặc ung thư cổ tử cung tái phát.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp điều trị sử dụng chính hệ thống miễn dịch của bệnh nhân để chống lại ung thư. Tế bào ung thư có khả năng tránh né được hệ thống miễn dịch tự nhiên của cơ thể. Nguyên lý của phương pháp này là thúc đẩy, chỉ đạo hoặc khôi phục khả năng phòng thủ tự nhiên của cơ thể chống lại bệnh ung thư.

Điều trị ung thư cổ tử cung tại chỗ

Khoét chóp (bằng dao lạnh, LEEP hoặc phẫu thuật laser).

Hoặc nếu khoét chóp không thể loại bỏ hoàn toàn ung thư cổ tử cung, cắt tử cung có thể được thực hiện đối với những phụ nữ không thể hoặc không còn mong muốn có con.

Hoặc xạ trị trong cho những phụ nữ không thể phẫu thuật.

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IA

Điều trị cho giai đoạn IA1 có thể bao gồm các lựa chọn:

1. Khoét chóp

Hoặc cắt toàn bộ tử cung có hoặc không cắt buồng trứng, vòi trứng hai bên.

Điều trị giai đoạn IA2 có thể bao gồm các lựa chọn:

2. Cắt tử cung tận gốc biến đổi và nạo hạch chậu 2 bên.

Hoặc cắt cổ tử cung tận gốc.

Hoặc xạ trị trong cho những phụ nữ không thể phẫu thuật.

Điều trị các giai đoạn IB và IIA (giai đoạn xâm lấn sớm)

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IB và giai đoạn IIA bao gồm:

Hóa xạ trị đồng thời (thực hiện cùng lúc).

Hoặc cắt tử cung tận gốc nạo hạch chậu 2 bên, sau đó đánh giá nguy cơ để xét hóa xạ trị đồng thời.

Hoặc cắt cổ tử cung tận gốc + nạo hạch chậu 2 bên có thể được lựa chọn thay thế cắt tử cung tận gốc với bướu < 2 cm.

Hoặc hóa trị sau đó là phẫu thuật.

Hoặc xạ trị đơn thuần.

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IIB, III và IVA (giai đoạn tiến triển tại chỗ)

Hóa xạ trị đồng thời (thực hiện cùng lúc).

Hoặc phẫu thuật nạo hạch chậu 2 bên sau đó là hóa xạ trị đồng thời.

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn IVB (giai đoạn di căn xa)

Hóa trị và liệu pháp nhắm trúng đích.

Hoặc xạ trị giảm nhẹ để làm giảm các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Hoặc hóa trị giảm nhẹ.

Hy vọng qua bài viết, bạn đã có câu trả lời của mình cho câu hỏi đầu tiên: “Ung thư cổ tử cung có chữa được không?“. Tóm lại, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị hiệu quả khi phát hiện sớm. Hầu hết phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm sẽ được chữa khỏi. Bài viết đã phần nào mang lại kiến thức cơ bản về điều trị ung thư cổ tử cung. Hãy hỏi bác sĩ của bạn nếu bạn cần thêm bất cứ thông tin nào trong phác đồ điều trị của bạn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cervical Cancer: Statisticshttps://www.cancer.net/cancer-types/cervical-cancer/statistics

    Ngày tham khảo: 29/10/2022

  2. Cervical cancerhttps://www.nhs.uk/conditions/cervical-cancer/causes/

    Ngày tham khảo: 29/10/2022

  3. Cervical Cancer Treatment (PDQ®)–Patient Versionhttps://www.cancer.gov/types/cervical/patient/cervical-treatment-pdq

    Ngày tham khảo: 29/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người