Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1: Dấu hiệu và cách điều trị
Nội dung bài viết
Ung thư cổ tử cung là loại ung thư phụ khoa thường gặp ở phụ nữ. Đây là một trong số ít các loại ung thư có thể tầm soát được bằng các chương trình tầm soát ung thư. Vậy ung thư cổ tử cung là gì, dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 bao gồm những triệu chứng nào, phương pháp điều trị ra sao? Hãy cùng xem bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Võ Kiến Thái để trang bị thêm cho bản thân các kiến thức về bệnh ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 nhé!
Tổng quan về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư được tìm thấy ở bất kỳ vị trí nào trong cổ tử cung. Đây là lỗ mở giữa âm đạo và tử cung, là một phần của hệ thống sinh sản ở người phụ nữ.1
Gần như tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung đều do nhiễm một số loại virus gây u nhú ở người (HPV). Thông thường, bệnh có thể được ngăn ngừa bằng cách thực hiện khám phụ khoa định kỳ và tham gia tầm soát ung thư cổ tử cung, nhằm mục đích phát hiện sớm và điều trị kịp thời những thay đổi của tế bào cổ tử cung (các tổn thương tiền ung thư) trước khi chúng chuyển thành ung thư.1
Ung thư cổ tử cung thường phát triển rất chậm. Mức độ nghiêm trọng của nó như thế nào phụ thuộc vào mức độ xâm lấn của khối u, tình trạng lan rộng của tế bào ung thư cũng như sức khỏe chung của người bệnh.1
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 là gì?
Giai đoạn của một loại ung thư bất kỳ cho biết mức độ lớn của loại ung thư đó và liệu rằng nó có di căn hay không. Việc phân chia giai đoạn bệnh giúp bác sĩ điều trị quyết định chiến lược và phương pháp điều trị nào là phù hợp với người bệnh.2
Hiện nay, hệ thống phân loại của Liên đoàn Sản phụ khoa quốc tế (FIGO) được các bác sĩ sử dụng để xếp giai đoạn cho bệnh ung thư cổ tử cung. Có 4 giai đoạn được đánh số từ 1 đến 4 theo mức độ từ sớm đến muộn.2
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 có nghĩa là các tế bào ung thư vẫn còn khu trú tại cổ tử cung mà chưa lây lan đến các cấu trúc xung quanh hoặc các cơ quan khác của cơ thể. Nó được chia thành hai giai đoạn nhỏ là giai đoạn 1A và giai đoạn 1B. Hai giai đoạn này có đặc điểm như sau:2
1. Giai đoạn 1A
Ở giai đoạn này, sự phát triển của tế bào ung thư là quá nhỏ nên chỉ có thể nhìn thấy bằng kính hiển vi hoặc kính soi cổ tử cung. Nó có thể được chia thành 2 nhóm nhỏ hơn:
- Giai đoạn 1A1 có nghĩa là ung thư đã phát triển ít hơn 3 mm (mm) vào các mô của cổ tử cung.
- Giai đoạn 1A2 có nghĩa là ung thư đã phát triển từ 3 đến 5 mm trong các mô cổ tử cung.
2. Giai đoạn 1B
Ở giai đoạn này, phạm vi hoạt động của tế bào ung thư lớn hơn so với giai đoạn 1A. Tuy nhiên, tế bào ung thư vẫn chỉ nằm trong các mô của cổ tử cung và chưa lan rộng. Nó thường có thể được nhìn thấy bằng mắt thường mà không cần phải quan sát dưới kính hiển vi, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Nó có thể được chia thành 3 nhóm:
Giai đoạn 1B1: Khi tế bào ung thư xâm lấn sâu hơn 5 mm nhưng có kích thước không quá 2 cm.
Giai đoạn 1B2: Khi tế bào ung thư có kích thước tối thiểu là 2 cm nhưng không lớn hơn 4 cm.
Giai đoạn 1B3: Khi tế bào ung thư có kích thước lớn hơn 4 cm nhưng vẫn chỉ ở tại cổ tử cung.
Dấu hiệu ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Các triệu chứng của ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 có thể bao gồm:
- Chảy máu âm đạo bất thường đối với chính bản thân mình, bao gồm chảy máu trong hoặc sau khi quan hệ tình dục, giữa các kỳ kinh hoặc sau khi đã mãn kinh hoặc có kinh nguyệt nặng hơn bình thường.
- Thay đổi tiết dịch âm đạo.
- Đau trong khi quan hệ tình dục.
- Đau ở lưng dưới, giữa xương hông (xương chậu) hoặc ở vùng bụng dưới.
Nếu một người phụ nữ đang mắc một bệnh lý khác như u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung, người đó có thể gặp các triệu chứng như thế này thường xuyên, và có thể thấy mình quen hoặc đã thích nghi với chúng. Tuy nhiên, điều quan trọng là hãy đến bệnh viện để được các bác sĩ kiểm tra nếu các triệu chứng này thay đổi, trở nên trầm trọng hơn hoặc cảm thấy có bất thường.3
Ung thư giai đoạn 1 có nguy hiểm không?
Khi một người phụ nữ bị phơi nhiễm với virus HPV, hệ thống miễn dịch của cơ thể người đó thường ngăn chặn không cho virus gây hại. Tuy nhiên, ở một tỷ lệ nhỏ dân số, virus HPV sẽ tồn tại bên trong cơ thể trong một thời gian khá dài, thường là nhiều năm, gây ra các tổn thương tại cổ tử cung gọi là tổn thương tiền ung thư. Chính các tổn thương tiền ung thư này sẽ góp phần vào quá trình khiến một số tế bào ở cổ tử cung trở thành tế bào ung thư.3
Ung thư cổ tử cung giai đoạn 1 hoàn toàn có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, điều quan trọng là các chị em phụ nữ cần thực hiện khám phụ khoa định kỳ nhằm phát hiện và điều trị kịp thời các tổn thương của cổ tử cung khi chúng còn ở giai đoạn sớm, đồng thời cần tìm hiểu các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung và các biện pháp phòng ngừa căn bệnh ung thư này.3
Yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung
Các yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung bao gồm:3
- Có nhiều bạn tình: Số lượng bạn tình của một người càng nhiều, hoạt động tình dục không an toàn thì nguy cơ bị phơi nhiễm virus HPV của người đó càng lớn.
- Hoạt động tình dục sớm: Quan hệ tình dục ở độ tuổi sớm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm virus HPV.
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STIs): Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác – chẳng hạn như chlamydia, lậu, giang mai hay HIV/AIDS cũng làm tăng nguy cơ nhiễm virus HPV.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu: Một người có nhiều khả năng bị ung thư cổ tử cung nếu hệ thống miễn dịch của người đó bị suy yếu do mắc phải một bệnh lý khác và bị nhiễm virus HPV.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc có liên quan đến ung thư cổ tử cung loại tế bào vảy.
- Tiếp xúc với thuốc ngăn ngừa sảy thai: Nếu mẹ của một người dùng một loại thuốc có tên là diethylstilbestrol (DES) khi đang mang thai vào những năm 1950 thì người đó có thể tăng nguy cơ mắc một loại ung thư cổ tử cung nhất định được gọi là ung thư biểu mô tuyến tế bào sáng.
Những cách chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán ung thư cổ tử cung1
Nếu một người phụ nữ có các tế bào bất thường ở cổ tử cung, có nghĩa là người đó có khả năng bị ung thư cổ tử cung. Khi đó, người bệnh được giới thiệu làm xét nghiệm để quan sát kỹ hơn cổ tử cung gọi là soi cổ tử cung. Đây là xét nghiệm chính để chẩn đoán ung thư cổ tử cung.
1. Soi tử cung
Người bệnh sẽ được yêu cầu cởi quần áo từ thắt lưng trở xuống và được đưa cho một tờ giấy để đắp phía trên bụng. Trong khi soi cổ tử cung:
- Điều dưỡng hoặc bác sĩ chuyên khoa sẽ yêu cầu người bệnh nằm lại trên giường, thường là co chân, bàn chân chụm vào nhau và cách xa đầu gối.
- Họ sẽ nhẹ nhàng đưa một dụng cụ hình ống và nhẵn (gọi là mỏ vịt) vào âm đạo để có thể quan sát được cổ tử cung. Có thể sử dụng một lượng nhỏ chất bôi trơn.
- Một kính hiển vi có đèn chiếu sáng ở phía cuối được sử dụng để giúp quan sát rõ cổ tử cung. Kính hiển vi ở bên ngoài cơ thể người bệnh.
- Điều dưỡng hoặc bác sĩ thường sẽ nhỏ một chất lỏng lên cổ tử cung của người bệnh để chỉ ra bất kỳ khu vực bất thường nào.
- Một mẫu tế bào nhỏ được sinh thiết tại vị trí bất thường có thể được thu thập để gửi đến phòng thí nghiệm.
Quá trình soi cổ tử cung có thể sẽ mất khoảng 15 đến 30 phút. Thủ thuật này không gây đau, nhưng có thể làm người bệnh cảm thấy hơi khó chịu. Hãy nói chuyện với điều dưỡng hoặc bác sĩ nếu bản thân cảm thấy không thoải mái. Nếu được làm sinh thiết, người bệnh có thể bị chảy một ít máu hoặc chuột rút sau đó.
2. Các xét nghiệm khác
Sau khi đã được thăm khám và chẩn đoán xác định mắc ung thư cổ tử cung, người bệnh sẽ được chỉ định làm thêm một số xét nghiệm. Cùng với nội soi cổ tử cung, những xét nghiệm này sẽ giúp các bác sĩ chuyên khoa tìm ra kích thước của khối u và mức độ lây lan của nó (được gọi là giai đoạn bệnh). Các xét nghiệm này bao gồm:
- Các xét nghiệm máu cơ bản.
- Các xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp vi tính (CT Scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) vùng bụng – chậu hoặc PET-CT Scan.
Các bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng kết quả của các xét nghiệm này và thảo luận với người bệnh để quyết định kế hoạch và phương pháp điều trị phù hợp nhất.
Lập kế hoạch điều trị
Việc quyết định phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào:
- Kích thước và loại ung thư cổ tử cung mắc phải.
- Mức độ ung thư xâm lấn đến đâu.
- Ung thư đã di căn hay chưa.
- Tình trạng sức khỏe chung của người bệnh.
Các phương pháp điều trị trong ung thư cổ tử cung thường sẽ bao gồm phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị. Bác sĩ điều trị sẽ:1
- Giải thích các phương pháp điều trị, lợi ích và tác dụng phụ
- Làm việc với người bệnh và người nhà để tạo ra một kế hoạch điều trị phù hợp nhất cho người đó
- Nói chuyện với người bệnh về tác động mà điều trị có thể có đối với khả năng sinh sản nếu người phụ nữ đó còn trong độ tuổi sinh sản và mong muốn có con.
Người bệnh sẽ được kiểm tra sức khỏe thường xuyên trong và sau bất kỳ đợt điều trị nào. Nếu có bất kỳ triệu chứng hoặc tác dụng phụ nào làm cho bản thân cảm thấy lo lắng, hãy nói chuyện với các bác sĩ điều trị của mình mà không cần phải đợi cho lần khám sức khỏe tiếp theo.1
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu
Ung thư cổ tử cung, đặc biệt là giai đoạn 1, hoàn toàn có thể được chữa khỏi. Phẫu thuật thường là phương pháp điều trị chính cho ung thư cổ tử cung giai đoạn này.
Có một số loại phẫu thuật được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung. Sự khác nhau giữa các loại phẫu thuật liên quan đến mức độ cắt bỏ:
1. Một phần của cổ tử cung
Chỉ có thể được chỉ định nếu kích thước khối ung thư rất nhỏ.
2. Cổ tử cung và phần trên của âm đạo
Trong trường hợp này tử cung không bị cắt bỏ, vì vậy có thể mang thai trong tương lai. Chỉ định loại phẫu thuật này được áp dụng khi kích thước khối u nhỏ và người bệnh vẫn mong muốn có con.
3. Cổ tử cung và tử cung (cắt bỏ toàn bộ tử cung)
Có thể bao gồm cắt bỏ cả buồng trứng và ống dẫn trứng. Đây là loại phẫu thuật thường được thực hiện nhất.
4. Cắt toàn bộ tử cung và những cơ quan liên quan
Cổ tử cung, tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng, và tất cả hoặc các bộ phận của bàng quang, ruột, âm đạo hoặc trực tràng bị ung thư xâm lấn: chỉ định này chỉ được áp dụng nếu ung thư đã tái phát và không thể điều trị bằng bất kỳ phương pháp nào khác.
Bác sĩ phẫu thuật cũng có thể cần phải cắt bỏ một số hạch bạch huyết, là một phần của hệ thống dẫn lưu bạch huyết của cơ thể.
Thời gian phục hồi sau các ca phẫu thuật này có thể mất nhiều thời gian tùy thuộc vào từng ca phẫu thuật. Bác sĩ điều trị sẽ thảo luận với người bệnh về tất cả các lợi ích của điều trị và tác dụng phụ có thể xảy ra.1
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung
Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung, các chị em cần:3
1. Hỏi bác sĩ về các thuốc chủng ngừa virus HPV
Tiêm vắc xin để ngăn ngừa nhiễm virus HPV có thể làm giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung và các bệnh ung thư khác liên quan đến HPV. Hãy hỏi bác sĩ liệu một loại vắc-xin HPV có phù hợp với mình không.
2. Làm xét nghiệm Pap định kỳ
Xét nghiệm Pap có thể phát hiện các tình trạng tiền ung thư của cổ tử cung. Từ đó các tình trạng tiền ung thư này (nếu có) có thể được theo dõi hoặc điều trị kịp thời để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Hầu hết các tổ chức y tế trên thế giới đề nghị bắt đầu xét nghiệm Pap định kỳ ở tuổi 21 và lặp lại chúng sau mỗi vài năm.
3. Quan hệ tình dục an toàn
Giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách thực hiện các biện pháp quan hệ tình dục an toàn để ngăn ngừa các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục. Chẳng hạn như sử dụng bao cao su mỗi khi bạn quan hệ tình dục và hạn chế số lượng bạn tình.
4. Đừng hút thuốc
Đừng bắt đầu nếu chưa từng hút thuốc. Nếu đã hút thuốc, hãy nói chuyện với bác sĩ về các chiến lược bỏ thuốc lá để bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Tóm lại, ung thư cổ tử cung, đặc biệt là ở giai đoạn 1, hoàn toàn có thể được chữa khỏi bằng phẫu thuật. Điều quan trọng là phải nhận biết được bệnh thông qua các triệu chứng thường gặp như chảy máu âm đạo bất thường, thay đổi dịch tiết âm đạo hoặc đau khi quan hệ tình dục. Khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường đối với chính bản thân mình, người bệnh cần đến gặp bác sĩ sớm để thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán và điều trị kịp thời. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về ung thư cổ tử cung giai đoạn 1.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Cervical cancerhttps://www.nhs.uk/conditions/cervical-cancer
Ngày tham khảo: 10/09/2022
-
Cervical cancer: stage 1https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cervical-cancer/stages-types-grades/stage-1
Ngày tham khảo: 10/09/2022
-
Cervical cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/cervical-cancer/symptoms-causes/syc-20352501
Ngày tham khảo: 10/09/2022