Ung thư da: Những điều cần lưu ý
Nội dung bài viết
Ung thư da là loại ung thư thường gặp, xuất phát từ các tế bào ở da. Trong vòng vài thập kỷ trở lại đây, số người mắc bệnh tăng lên và nhiều hơn. Ung thư da được phân chia thành các thể loại khác nhau. Mỗi dạng sẽ có đặc điểm và phương pháp điều trị khác nhau. Nhưng nhìn chung, nếu người bệnh được chẩn đoán sớm, trước khi nó lan rộng thì việc điều trị tương đối khả quan. Trong bài viết này, bác sĩ Võ Thị Ngọc Hiền sẽ giúp các bạn hiểu được các nguyên nhân và cách nhận diện bệnh ung thư da.
1. Ung thư da là gì?
Ung thư là tình trạng các tế bào trong cơ thể phát triển một cách không kiểm soát. Khi đó, chúng cứ sinh sản ra nhiều tế bào mới một cách liên tục và tạo thành khối u. Khối u khi hình thành vẫn cứ tiếp tục lớn lên tại chỗ hoặc có thể di căn sang các vị trí khác. Ung thư có thể xảy ra ở bất kì cơ quan nào trong cơ thể. Khi các tế bào da sinh sản và phát triển không kiểm soát, nó sẽ hình thành khối u ở da và được gọi là ung thư da.
Ung thư da thường xảy ra ở người da trắng sống ở nơi có khí hậu nóng hay gần vùng xích đạo như Úc, miền nam Hoa kỳ… Bệnh thường ảnh hưởng trên người già hay trung niên, ít gặp ở người trẻ. Ung thư có thể xuất hiện ở bất cứ phần da nào của cơ thể nhưng thường hay bị ở vùng da hở và chủ yếu ở đầu mặt cổ.
2. Nguyên nhân nào gây ung thư da?
Nguyên nhân gây ung thư da được cho là do có sự đột biến gen trong tế bào da. Khi đó, các tế bào da hiểu sai rằng chúng phải tạo ra nhiều tế bào mới. Các tế bào mới được sinh ra không ngừng nghỉ sẽ tạo thành khối u ở da. Và các yếu tố nguy cơ làm đột biến gen ở tế bào da có liên quan đến tia cực tím, tia xạ, hóa chất, tổn thương da mạn tính…
2.1. Tia cực tím
Đây là yếu tố liên quan mạnh mẽ nhất với ung thư da. Tia cực tím xuất phát từ ánh sáng mặt trời hay do nhân tạo. Tia cực tím do ánh sáng mặt trời có nhiều lúc trưa (10 giờ – 14 giờ). Tia cực tím nhân tạo từ các liệu pháp ánh sáng dùng trong điều trị bệnh lý ở da như vẩy nến.
Tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím lâu ngày sẽ gây ra những tổn thương ở tế bào da. Bệnh thường xảy ra ở những người làm việc ngoài trời như nông dân, ngư dân…
2.2. Tổn thương da mạn tính
Ung thư có thể phát triển trên nền da đã bị tổn thương trước đó. Các bệnh da mãn tính sẽ có nguy cơ bị ung thư hóa như viêm da do lupus, viêm da do vẩy nến. Ngoài ra các tổn thương da do nhiệt (sẹo bỏng), tổn thương da cơ học (xăm mình) cũng có khả năng phát triển thành ung thư.
2.3. Hóa chất
Nếu tiếp xúc da với một số loại hóa chất trong thời gian dài sẽ gây ung thư. Arsen, Hydrocarbon được sử dụng trong ngành công nghiệp với nồng độ cao là điều kiện gây ra ung thư.
Những người làm việc thường xuyên tiếp xúc với hắc ín, dầu khoáng, thuốc trừ sâu sẽ tăng khả năng bị ung thư da.
2.4. Tia xạ
Tiếp xúc với tia xạ, tia gamma liều thấp thường xuyên trong một số ngành công nghiệp mà không được che chắn, bảo vệ là yếu tố nguy cơ gây nên bệnh.
2.5. Yếu tố khác
Ung thư da ở cơ quan sinh dục có thể xảy ra ở người đàn ông không cắt bao quy đầu.
Người có tổn thương mồng gà do vi rút HPV trước đó cũng có nguy cơ bị ung thư hóa.
Hút thuốc lá là nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư da.
3. Triệu chứng cảnh báo ung thư da?
Ung thư da được chia thành nhiều dạng khác nhau. Trong đó ung thư biểu mô tế bào gai và ung thư biểu mô tế bào đáy là thường gặp nhất. Mỗi dạng sẽ có những đặc điểm nhận diện khác nhau. Nhìn chung ung thư da thường bị nhầm lẫn với các vết loét hay tổn thương da khác. Vì vậy khi có một tổn thương da hay vết loét lâu lành, cần nhận diện xem có phải là ung thư da hay không để có biện pháp xử trí phù hợp. Chi tiết tham khảo ở bài viết: Dấu hiệu cảnh báo ung thư da.
3.1. Ung thư biểu mô tế bào đáy
Đây là loại ung thư thường gặp nhất nhưng lại lành tính. Hầu như nó chỉ phát triển tại chỗ, rất hiếm khi di căn.
Hầu hết tổn thương ung thư xuất hiện ở mặt và cổ. Đôi khi cũng có ở vùng da không phơi bày ánh sáng.
Thông thường có 1 tổn thương. Đôi khi có vài tổn thương trên một bệnh nhân.
Dạng điển hình là dạng nốt. Các nốt có kích thước nhỏ từ vài milimet đến vài centimet, hình vòm, phần rìa có giãn mao mạch. Trung tâm nốt bị loét giống như gặm nhấm. Vết loét dễ chảy máu, đặc biệt sau chấn thương nhẹ. Tổn thương thường không đau hay ít đau.
3.2. Ung thư biểu mô tế bào gai (tế bào vảy)
Ung thư xuất phát trên tổn thương da mạn tính trước đó.
Dạng điển hình là dạng loét sùi. Lúc đầu là mảng màu hồng có giới hạn rõ. Sau đó trên bề mặt của các mảng này bị tróc vảy hay sùi. Khi mảng to đến vài centimet thì loét ở trung tâm. Bờ vết loét nhô cao, không đều, cứng và vết loét dễ chảy máu.
Dạng ung thư này có thể cho di căn vì vậy cần khám hạch vùng cổ, tai, cằm cẩn thận.
4. Bác sĩ sẽ chẩn đoán ung thư da như thế nào?
Có thể chẩn đoán ung thư da dựa vào triệu chứng và xét nghiệm.
4.1. Dựa vào triệu chứng
Các vết loét lâu lành và dễ chảy máu cần được lưu ý chẩn đoán có phải ung thư hay không.
Nốt có kích thước nhỏ, hình vòm, phần rìa có giãn mao mạch. Trung tâm nốt bị loét giống như gặm nhấm gợi ý ung thư tế bào đáy.
Sùi cứng, sùi bông cải bị loét dễ chảy máu gợi ý ung thư tế bào gai.
Ngoài vết loét và sùi, người bệnh có thể bị sưng hạch vùng cổ, tai, dưới hàm hay dưới cằm.
4.2. Kết quả xét nghiệm
Đứng trước các tổn thương nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ xét nghiệm da bằng cách sinh thiết. Phương pháp này cắt một mẫu da có chứa phần da lành và phần da bị tổn thương sau đó đem nhuộm và đọc dưới kính hiển vi. Nếu quan sát được dưới kính hiển vi hình ảnh của tế bào ác tính chứng tỏ người bệnh mắc ung thư da.
Ngoài ra trong trường hợp ung thư tế bào gai nghi ngờ có di căn, có thể thực hiện siêu âm hạch, X quang phổi để tìm di căn.
Vậy ung thư da có thể chữa khỏi không? Cùng xem tại đây nhé: Ung thư da: Có thể chữa khỏi hay không?
5. Điều trị ung thư da
Nếu người bệnh được chẩn đoán sớm, trước khi nó lan rộng thì việc điều trị tương đối khả quan. Ung thư da có thể điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau. Lựa chọn phương pháp nào tùy thuộc từng trường hợp cụ thể như kích thước, vị trí tổn thương, tổn thương nguy cơ cao hay thấp và tùy điều kiện của cơ sở y tế.
5.1. Phẫu thuật
Đây là phương pháp thường được lựa chọn và có hiệu quả cao lên đến 90%. Tỷ lệ tái phát bệnh sau 5 năm rất thấp, khoảng 1%.
Nguyên tắc phẫu thuật là cắt rộng u và mô lành xung quanh. Sau đó khâu da trực tiếp hay tạo hình bằng ghép da.
- Ưu điểm: lấy trọn khối tế bào u và ít bị tái phát.
- Khuyết điểm: tốn nhiều diện tích da đối với khối u có kích thước lớn. Có thể khắc phục bằng cách ghép da.
5.2. Phẫu thuật lạnh (Cryotherapy)
Phương pháp này sử dụng ni tơ lỏng có nhiệt độ -1960C làm đông lạnh và hủy tế bào ung thư.
Phẫu thuật lạnh thường áp dụng cho các khối u có kích thước nhỏ, ranh giới giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường rõ ràng và nguy cơ di căn thấp.
- Ưu điểm: không mất nhiều diện tích da.
- Khuyết điểm: không kiểm soát được tình trạng khối u đã được loại bỏ hay chưa.
5.3. Đốt điện
Phương pháp này sử dụng dao điện để đốt và hủy tế bào ung thư.
Đốt điện thường áp dụng cho các khối u có kích thước nhỏ, ranh giới giữa tế bào ung thư và tế bào bình thường rõ ràng và nguy cơ di căn thấp.
- Ưu điểm: có thể áp dụng trên người bệnh không thể phẫu thuật như lớn tuổi, có bệnh lý đi kèm nghiêm trọng.
- Khuyết điểm: khả năng tái phát ung thư cao.
5.4. Hóa chất
Điều trị bằng hóa chất bao gồm điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân. Điều trị hóa chất 5-FU hay Imiquimod cho các ung thư xâm lấn tại chỗ. Điều trị hóa chất toàn thân cho trường hợp di căn hoặc phòng ngừa ung thư.
- Ưu điểm: tăng hiệu quả điệu trị trong trường hợp tế bào ung thư di căn đến các cơ quan khác.
- Khuyết điểm: các tác dụng phụ có thể xảy ra như ban đỏ, bóng nước, loét, đau rát…
5.5. Xạ trị
Ung thư tế bào đáy nhạy với tia xạ. Vì vậy phương pháp này được sử dụng trong điều trị hỗ trợ kết hợp phẫu thuật và hóa chất đối với ung thư tế bào đáy.
- Ưu điểm: ít xâm lấn so với phẫu thuật. Vì vậy được chỉ định trong trường hợp người bệnh không muốn ảnh hưởng đến thẩm mỹ.
- Khuyết điểm: không kiểm soát được tổn thương ung thư, đắt tiền, cần nhiều lần điều trị và chính tia xạ là nguy cơ gây ung thư tế bào gai.
6. Phòng ngừa ung thư da như thế nào?
Nguyên nhân gây ung thư da được cho là do có sự đột biến gen trong tế bào da. Khi đó, các tế bào da hiểu sai rằng chúng phải tạo ra nhiều tế bào mới. Các tế bào mới được sinh ra không ngừng nghỉ sẽ tạo thành khối u ở da. Và các yếu tố nguy cơ làm đột biến gen ở tế bào da có liên quan đến tia cực tím, tia xạ, hóa chất, tổn thương da mạn tính… Vì vậy chúng ta có thể phòng ngừa mắc bệnh bằng cách:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với tia cực tiếp. Không tắm nắng lúc tia cực tím có cường độ cao (10 giờ – 14 giờ). Bảo vệ da bằng cách che chắn, bôi kem chống nắng thường xuyên.
- Kiểm soát các bệnh da mạn tính. Điều trị tích cực bệnh lý lupus, vẩy nến giúp giảm khả năng bị ung thư hóa.
- Tránh tiếp xúc với hóa chất, tia xạ. Sử dụng quần áo, vật dụng bảo hộ khi làm việc tiếp xúc với hóa chất và tia xạ.
- Khám da. Phát hiện sớm bất thường và nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác.
Khi bị một vết loét lâu lành, người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác. Có nhiều phương pháp giúp điều trị ung thư da hiệu quả. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và thăm khám da sớm khi có bất thường giúp việc điều trị được hiệu quả.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Tài liệu: "Ung thư da, Các bệnh da khác, Bệnh da liễu". Đại học Y Dược TP.HCM.