Ung thư hạch: Bệnh lý đáng sợ đến mức nào và những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Ung thư hạch, nghe là đã thấy hãi hùng phải không nào? Đây là một bệnh lý phổ biến của chuyên ngành Ung thư và Huyết học. Chúng ta đã hiểu hết về căn bệnh này chưa? nó được chẩn đoán và điều trị ra sao. Cần chuẩn bị gì và chăm sóc bệnh nhân ung thư hạch như thế nào, hãy cùng theo dõi bài viết này nhé.
1. Ung thư hạch là gì?
Là một tình trạng bệnh lý chung chung, nói về các ung thư tại hạch bạch huyết của cơ thể. Hạch bạch huyết vốn là một cấu trúc nằm trong hệ tạo máu, chúng có nhiều vai trò trong việc cấu thành nên các tế bào tham gia vào hệ miễn dịch. Những rối loạn ở đây có thể gây nên bệnh lý ác tính tại hạch, ngoài ra ung thư hạch thứ phát di căn từ nơi khác tới mới là phổ biến hơn cả.
Thật ra cụm từ “Ung thư hạch” là rất chung chung. Đây là một tập hợp rất rất nhiều bệnh lý khác nhau. Với chẩn đoán, điều trị và tiên lượng có thể khác nhau hoàn toàn. Do đó bài viết này sẽ cung cấp những cái nhìn cơ bản nhất để nhận diện và hình dung được bệnh. Cần trao đổi trực tiếp với bác sĩ điều trị để biết chích xác thể bệnh cũng như các vấn đề liên quan khác nhé.
Nổi hạch báo hiệu điều gì? Liệu nó có phải là ung thư hay không? Tìm hiểu và xem thêm trong bài viết: Nổi hạch báo hiệu điều gì?
2. Có bao nhiêu loại ung thư hạch?
Như đã nói, có rất nhiều cách phân chia thể của bệnh. Các cách phân loại này đều nhằm mục đích phục vụ cho việc điều trị:
Nguyên phát hay thứ phát
- Bệnh nguyên phát hay còn gọi là lymphoma.
- Thứ phát là các ung thư từ vị trí khác di căn tới hạch: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày,…
Nguồn gốc tế bào của lymphoma lại được chia nhỏ nữa:
- Hogkin hay Không hogkin.
- Tế bào B, tế bào T, tế bào NK,…
Ung thư phổ biến nhất là tế bào B, trong tế bào B sẽ rất có nhiều loại khác nhau, một số loại lymphoma phổ biến:
- Tế bào B lớn loan tỏa
- Nang
- Áo nang
- Vùng rìa
- Nguyên bào lympho
Việc nhận diện này đôi khi rất khó khăn và phức tạp. Bác sĩ có thể phải phối hợp nhiều công cụ để đưa ra chẩn đoán chính xác nhằm phục vụ cho hiệu quả điều trị. Các xét nghiệm như sinh thiết hạch làm giải phẫu bệnh, siêu âm, chụp cắt lớp điện toán, chụp cộng hưởng từ, … sẽ cần thiết trong nhiều trường hợp.
3. Bệnh ung thư hạch có nguy hiểm không?
Câu trả lời sẽ tuỳ thuộc vào bản chất loại ung thư đó nữa. Nếu là ung thư thứ phát từ một ổ ung thư khác thì thường là giai đoạn II trở đi. Hiệu quả điều trị và tiên lượng chủ yếu là đánh giá dựa trên giai đoạn và trạng thái của vị trí nguyên phát.
Đối với lymphoma, nguồn gốc xuất phát của tế bào ung thư rất quan trọng trong tiên lượng:
Một số thể rất tốt, bệnh nhân có thể sống đến 5 – 10 năm mà không có triệu chứng như u lympho tế bào nhỏ (Small lymphocytic lymphoma). Những bệnh nhân này bác sĩ cũng sẽ không điều trị nếu không có triệu chứng và bệnh không có dấu hiệu tiến triển.
3.1 Lymphoma diễn tiến chậm
Thời gian sống còn khá dài có thể đến 10 năm. Điều trị những thể này có phần nhẹ nhàng hơn. Phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì việc điều trị tương đối đơn giản, tuy nhiên bệnh giai đoạn muộn thì có xu hướng khác với triệu trị chuẩn mực.
3.2 Thể xâm lấn
Một số thể của ung thư hạch nguyên phát diễn tiến rầm rộ và gây triệu chứng nặng nề. Nếu không điều trị người bệnh có thể tử vòng vì biến chứng. Bệnh có thể đáp ứng tốt với hoá trị liệu ban đầu, nhưng tỉ lệ tái phát sớm cao và dễ kháng sau đó.
4. Triệu chứng của ung thư hạch là gì?
4.1 Triệu chứng B
- Mệt mỏi đáng kể, làm suy giảm lao động hàng ngày.
- Sụt cân >10% trọng lượng trong vòng dưới 6 tháng.
- Đổ mồ hôi đêm.
- Sốt mà không có ổ nhiễm trùng.
4.2 Nổi hạch
- Vị trí có thể sờ thấy hạch là ở cổ, hạch nách, hạch bẹn, hạch ổ bụng thì có thể thấy qua phương tiện chẩn đoán hình ảnh.
- Hạch có thể có một số đặc điểm gợi ý ác tính như: to tăng nhanh, cứng, không di động, không đau, loét hoặc chảy máu, kèm theo nhiều triệu chứng bất thường.
4.3 Các triệu chứng liên quan đến biến chứng hoặc hệ quả cuả bệnh:
- Thiếu máu: Xanh xao nhợt nhạt, suy giảm khả năng lao động.
- Chảy máu: Bầm da, chảy máu cơ quan.
- Nhiễm trùng tái diễn: như viêm phổi, nhiễm trùng da,…
- Bệnh siêu vi tái diễn như zona, herpes,…
- Đau ngực, khó thở, đau bụng.
- Gan lách to, căng chướng bụng
4.4 Điều trị ung thư hạch như thế nào?
Các biện pháp điều trị trong ung thư hạch có thể phối hợp nhiều phương pháp khác nhau. Các phương pháp thông thường hay sử dụng:
- Hoá trị liệu: Dùng thuốc chống ung thư có thể phối hợp kháng thể đơn dòng hoặc thuốc trúng đích.
- Xạ trị
- Phẫu thuật
- Ghép tế bào gốc: trong các trường hợp đặc biệt như xâm lấn tuỷ xương.
Bác sĩ sẽ cân nhắc điều trị phù hợp tuỳ thuộc vào điều kiện bệnh và thể chất của bệnh nhân. Hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để có thêm thông tin nhé.
5. Chăm sóc bệnh nhân ung thư hạch như thế nào?
Cũng như bao bệnh nhân ung thư khác, bệnh nhân cần được chú ý các vấn đề trọng tâm sau:
- Giữ vệ sinh, vật dụng cá nhân và môi trường sống.
- Dinh dưỡng đầy đủ, ăn chín uống sôi. Lựa chọn các thực phẩm lành mạnh, dễ thấp thu.
- Tránh tự ý sử dụng các thực phẩm chức năng có thể làm rối loạn chức năng gan sẽ ảnh hưởng đến điều trị.
- Trong thời gian điều trị, loét có thể xảy ra đặc biệt ở đường tiêu hoá và da. Hãy tham vấn bác sĩ điều trị trong việc lựa chọn thực phẩm và vệ sinh vết loét.
Ung thư hạch là một bệnh lý khó. Không phải loại ung thư nào cũng nguy hiểm và khó điều trị. Hãy thăm khám đúng lúc, điều trị kịp thời sẽ cải thiện thời gian và chất lượng cuộc sống ngoạn mục. Cũng như bao bệnh khác, vấn đề chăm sóc về vệ sinh và dinh dưỡng của bệnh nhân cũng nên được đặt lên hàng đầu. Đừng ngần ngại tham vấn bác sĩ điều trị trong bất kỳ trường hợp nào nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Lymphomahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/lymphoma/symptoms-causes/syc-20352638
Ngày tham khảo: 30/12/2019