Ung thư hậu môn: Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Nội dung bài viết
Ung thư hậu môn có nhiều đặc điểm khác với ung thư đại trực tràng dù cùng nằm trên ống tiêu hóa. Nhận biết các triệu chứng, tìm cách phòng ngừa và những phương pháp điều trị ung thư hậu môn sẽ được trình bày trong bài viết sau của Bác sĩ Đào Thị Thu Hương.
Ung thư hậu môn là gì?
Lỗ hậu môn là điểm kết thúc của ống tiêu hóa và được nối với trực tràng qua kênh hậu môn dài khoảng 2 – 3 cm. Hậu môn có các cơ thắt hậu môn, đóng mở theo ý muốn. Nhờ đó mà cơ thể có thể kiểm soát việc đi tiêu phù hợp.
Khi các tế bào phát triển một cách vô tổ chức – tế bào ung thư, bắt đầu tại hậu môn, thì được gọi là ung thư hậu môn.
Triệu chứng ung thư hậu môn?
Đôi khi ung thư hậu môn không gây ra bất kì triệu chứng nào cả. Nhưng nếu có, dấu hiệu ung thư hậu môn đầu tiên thường là chảy máu. Lượng máu xuất hiện ít khiến nhiều người chủ quan nghĩ đây là bệnh trĩ. Tuy nhiên nếu chảy máu kèm theo các triệu chứng quan trọng khác dưới đây, bạn nên cẩn thận:
- Ngứa, cảm thấy khó chịu hoặc đau hậu môn;
- Sờ được một khối ở hậu môn;
- Chảy dịch bất thường từ hậu môn;
- Nổi hạch bất thường vùng bẹn.
Vì hầu hết các loại triệu chứng này đều có thể xuất phát bệnh lý lành tính như bệnh trĩ, áp xe hoặc mụn cóc, nứt hậu môn. Vì vậy, nếu bạn có bất kì triệu chứng nào khác thường, hãy đi khám để có thể tìm ra nguyên nhân và điều trị, nếu cần.
Nguyên nhân xuất phát từ đâu?
Nguyên nhân chính của phần lớn các loại ung thư là do đột biến của một hoặc nhiều gen. Nhưng tùy loại ung thư, tác nhân nào gây ra đột biến sẽ khác nhau. Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa ung thư hậu môn với vi-rút HPV (HPV – tác nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung ở phụ nữ).
Vi rút này được cho là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra bệnh ung thư hậu môn vì được phát hiện trong đa số trường hợp mắc bệnh này.
Bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn:
- Tuổi cao hơn.
- Những người từ 50 tuổi trở lên có nguy cơ mắc ung thư hậu môn cao.
- Nhiều bạn tình.
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Hút thuốc lá.
- Những người đã từng bị ung thư cổ tử cung, âm hộ hoặc âm đạo.
Biến chứng
Ung thư hậu môn hiếm khi lây di căn đến các bộ phận xa của cơ thể. Tỉ lệ khối u di căn thường khá nhỏ, hay gặp nhất là gan và phổi. Tuy vậy, một khi khối u đã di căn thì việc điều trị sẽ trở nên rất khó khăn.
Các phương pháp điều trị ung thư hậu môn
Tùy theo độ tuổi, giai đoạn ung thư, và thể trạng của người bệnh… Các bác sĩ sẽ tư vấn, thảo luận cùng bệnh nhân để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp nhất.
1. Hóa trị kết hợp xạ trị
Sự kết hợp hai phương pháp điều trị này sẽ giúp tăng khả năng chữa bệnh thành công.
2. Hóa trị
Phương pháp này được thực hiện cách đưa thuốc vào cơ thể qua đường uống hoặc đường tiêm. Thuốc sau khi đi khắp cơ thể sẽ tiêu diệt các tế bào ung thư, đồng thời hủy hoại luôn cả tế bào khỏe mạnh. Đây cũng là tác dụng không mong muốn khi hóa trị. Triệu chứng thường gặp là buồn nôn, nôn và rụng tóc.
3. Xạ trị
Sử dụng các chùm tia năng lượng cao, để tiêu diệt các tế bào ung thư. Nhưng các tia này cũng làm hỏng các mô khỏe mạnh, gần nơi chiếu tia. Đỏ da, lở loét xung quanh hậu môn, da cứng và bị co rút là những biến chứng thường gặp.
Dù việc kết hợp hai phương pháp hóa trị và xạ trị mang lại hiệu quả cao nhưng cách này cũng gây ra nhiều những tác dụng phụ. Do đó. bạn nên tham khảo thật kỹ ý kiến của bác sĩ điều trị.
4. Phẫu thuật
Nếu ung thư phát hiện trong giai đoạn sớm, khối u còn nhỏ, có thể bạn sẽ được phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tư vấn có nên thực hiện thêm những phương pháp (hóa, xạ trị) hay không tùy tình trạng bệnh.
5. Chăm sóc hỗ trợ (giảm nhẹ)
Trong bất kì giai đoạn nào của bệnh, việc chăm sóc giảm nhẹ là rất cần thiết để hỗ trợ bệnh nhân. Phương pháp này được xem như một cách hỗ trợ tinh thần giúp người bệnh thoải mái, dễ chịu hơn.
Điều trị tới đây là kết thúc?
Nếu bạn may mắn điều trị khỏi ung thư, bạn vẫn phải tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Bởi lẽ, việc theo dõi các biến chứng sau điều trị, và quan trọng là sự tái phát của ung thư hậu môn là điều vô cùng cần thiết.
Cách phòng ngừa ung thư hậu môn
Không có cách nào có thể ngăn ngừa ung thư hậu môn một cách triệt để. Nhưng vẫn có nhiều cách giúp bản thân giảm nguy cơ mắc bệnh lý này.
- Quan hệ tình dục an toàn (giúp ngăn ngừa HPV và HIV). Hãy sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn.
- Tiêm phòng vắc xin HPV. Đây là khuyến cáo dành cho mọi người từ 9 đến 26 tuổi (cả nam lẫn nữa). Đây là độ tuổi mà vắc xin hoạt động hiệu quả nhất. Bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn.
- Bỏ hút thuốc vì thuốc lá làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Mọi thông tin trong bài viết mang tính chất tham khảo, các bạn nên thường xuyên tầm soát và đi khám để được chẩn đoán chính xác. Nếu phát hiện một số triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh ung thư hậu môn thì bạn nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và điều trị sớm. Đồng thời, để việc thăm khám được hiệu quả, bạn cũng cần chuẩn bị trước khi gặp bác sĩ những thông tin và câu hỏi cơ bản để có thể nắm được tình trạng bệnh chính xác.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Anal cancer (Symptoms & causes)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/anal-cancer/symptoms-causes/syc-20354140
Ngày tham khảo: 23/10/2019
-
Anal cancer (Diagnosis & treatment)https://www.mayoclinic.org/disease-conditions/anal-cancer/diagnosis-treatment/drc-20354146
Ngày tham khảo: 23/10/2019