Ung thư phổi: Lời cảnh báo cho những người hút thuốc lá!
Nội dung bài viết
Ung thư phổi là một trong 3 loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư ở phạm vi toàn cầu. Theo thống kê, năm 2015 trên thế giới có 1,69 triệu ca tử vong do ung thư phổi. Đây quả thực là 1 con số đáng sợ. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về bệnh ung thư phổi để có những biện pháp phòng tránh cũng như phát hiện bệnh sớm nhất.
Các biểu hiện của ung thư phổi
Biểu hiện của ung thư phổi tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh. Trong giai đoạn sớm của ung thư phổi, bệnh nhân thường không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu và được chẩn đoán chủ yếu qua tầm soát hoặc phát hiện tình cờ qua chẩn đoán hình ảnh. Khi có triệu chứng lâm sàng thì khối u đã hoàn tất ¾ sự phát triển tự nhiên của nó, nên lúc này các biểu hiện khá phong phú. Một số triệu chứng gợi ý ung thư phổi bao gồm:
Ho khan hoặc ho có đờm kéo dài mà dùng các thuốc điều trị thông thường không đỡ. Có thể có ho ra máu, lượng ít, vào sáng sớm khi ngủ dậy.
Khó thở.
Đau ngực: lúc đầu đau âm ỉ, không rõ ràng, không liên tục do khối u chèn ép vào thần kinh ở phế quản, phổi. Đau ngực sẽ trở nên liên tục, cường độ tăng dần khi ung thư đã di căn.
Trong giai đoạn muộn, khi khối u đã di căn đến các cơ quan khác thì sẽ có biểu hiện :
- Di căn não: nhức đầu, buồn nôn, nôn, rối loạn nhận thức, yếu liệt chân tay…
- Di căn xương: đau, khó vận động, rối loạn cảm giác…
- Chèn ép tủy sống: tê, yếu, mất vận động chân tay, đại tiểu tiện không tự chủ…
Ngoài ra còn có các biểu hiện : mệt mỏi, gầy sút cân, nói khàn, khó nuốt do khối u chèn vào thực quản…
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi
- Thuốc lá: ước tính 80 – 90% ung thư phổi liên quan đến thuốc lá. Nguy cơ ung thư phổi tăng theo thời gian và số lượng thuốc lá. Một người hút một gói thuốc mỗi ngày có nguy cơ mắc ung thư phổi gấp 20 lần người không hút thuốc. Nguy cơ ung thư phổi do hút thuốc thụ động cũng được ghi nhận: người sống cùng nhà với người hút thuốc tăng 30% nguy cơ ung thư phổi so với người không cùng hoàn cảnh.
- Bức xạ ion hóa: là yếu tố nguy cơ gây nên ung thư nhiều cơ quan trong đó có ung thư phổi. Các nguồn bức xạ gồm : mỏ phóng xạ, cơ sở hạt nhân…
- Ô nhiễm môi trường: thường xuyên tiếp xúc với các hóa chất: amiang, thạch tín, nhựa, khí đốt, dầu mỏ và khói bụi trong không khí ô nhiễm… có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư phổi.
- Di truyền: nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao hơn ở những người có tiền sử gia đình mắc bệnh này, hiện nay các nhà nghiên cứu đã xác định được 1 số gen liên quan đến bệnh ung thư phổi.
Các biện pháp phát hiện ung thư phổi
Tùy vào giai đoạn bệnh mà cần phải có những biện pháp phát hiện bệnh từ đơn giản đến phức tạp, các xét nghiệm cần thiết gồm:
- Chụp X-quang ngực hoặc chụp cắt lớp vi tính lồng ngực( CTscan) để phát hiện vị trí kích thước khối u.
- Marker ung thư trong máu.
- Sinh thiết khối u: khi đã phát hiện khối u ở phổi. Bác sĩ cần sinh thiết bằng các biện pháp khác nhau để cắt lấy 1 phần khối u để xét nghiệm tế bào. Nhằm phân loại nhóm ung thư phổi, để có những biện pháp điều trị khác nhau.
Điều trị ung thư phổi
Điều trị ung thư phổi tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và phân loại ung thư phổi. Mỗi một loại ung thư phổi và mỗi 1 giai đoạn bệnh có các biện pháp điều trị khác nhau bao gồm:
- Phương pháp phẫu thuật: áp dụng đối với ung thư phổi giai đoạn sớm, chưa có di căn. Đây là biện pháp điều trị triệt để nhất.
- Hóa chất và xạ trị: áp dụng điều trị đối với ung thư phổi giai đoạn muộn không còn khả năng phẫu thuật, hoặc bổ trợ thêm sau khi phẫu thuật.
- Hiện nay, các nhà khoa học đã phát triển thêm nhiều biện pháp điều trị mới: điều trị đích, liệu pháp miễn dịch (là phương pháp điều trị bệnh bằng cách kích thích hệ miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư), điều trị bằng sóng điện từ tần số vô tuyến (RFA), điều trị quang đông, áp lạnh qua nội soi…
Phòng tránh ung thư phổi
Để giảm nguy cơ bị ung thư phổi, bạn nên:
- Không hút thuốc lá, cũng như tránh tiếp xúc với khói thuốc lá.
- Cải thiện môi trường sống: tránh tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm, các chất bức xạ ion hóa…
- Thường xuyên khám sức khỏe định kì để kịp thời phát hiện bệnh và điều trị.
Trên đây là các thông tin tổng quan về căn bệnh ung thư phổi bao gồm: nguyên nhân, triệu chứng, điều trị, cách phòng tránh. YouMed hy vọng có thể giúp ích được cho bạn, chúc bạn luôn may mắn và bình an.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Sách bệnh hô hấp. Học viện Quân y.
- Bộ Y tế (2018). Hướng dẫn chẩn đoán điều trị ung thư phổi.