Bệnh ung thư thực quản có chữa được không?
Nội dung bài viết
Ung thư thực quản là một bệnh ác tính nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao. Theo các nghiên cứu, đây là một bệnh phổ biến đứng hàng thứ 9 trên thế giới. Và đứng hàng thứ 4 trong các bệnh ung thư về đường tiêu hoá ở Việt Nam. Bệnh tiến triển âm thầm thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu. Đến giai đoạn sau mới có các biểu hiện bệnh. Chính vì thế, chúng gây khó khăn trong việc chẩn đoán ở giai đoạn sớm. Vậy việc chẩn đoán bệnh như thế nào? Bệnh ung thư thực quản có chữa được không? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Hứa Minh Luân sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về căn bệnh này. Nào chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
Ung thư thực quản có chữa được không?
Câu hỏi mà nhiều người thắc mắc là ung thư thực quản có chữa được không? Hiện nay việc điều trị ung thư thực quản là điều trị đa mô thức. Cần phối hợp nhiều chuyên khoa bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, hoá trị. Tuỳ theo vị trí khối u và giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn các phương pháp điều trị khác nhau.
Nếu bệnh nhân được phát hiện và chẩn đoán trong giai đoạn sớm thì việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Và bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn.
Trong trường hợp, bệnh được phát hiện trong giai đoạn các giai đoạn sau, khi khối u đã di căn xa thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn nhiều.
Cách chẩn đoán ung thư thực quản
Trước khi tìm hiểu vấn đề ung thư thực quản có chữa được không, chúng ta hãy cùng tìm hiểu các phương pháp chẩn đoán giúp xác định bệnh sau đây. Việc chẩn đoán ung thư thực quản dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng bao gồm:
Triệu chứng lâm sàng
Các triệu chứng ung thư thực quản thường gặp bao gồm:
- Nuốt nghẹn tăng dần, nuốt đau. Đây là triệu chứng đặc hiệu của bệnh ung thư thực quản.
- Buồn nôn hay nôn sau ăn.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Đau họng, đau ngực sau xương ức, có thể đau lan lên 2 vai.
- Ho kéo dài, có thể có ho ra máu.
- Giai đoạn sau có thể xuất hiện các hạch vùng cổ, hạch bụng,…
Ngoài việc dựa vào các triệu chứng lâm sàng trên. Chúng ta cần kết hợp với các xét nghiệm cận lâm sàng khác để chẩn đoán bệnh.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Các phương pháp cận lâm sàng phổ biến giúp chẩn đoán bệnh ung thư thực quản như:
1. Chụp X-quang thực quản có cản quang
Chụp X-quang là một phương pháp cần thiết để chẩn đoán bệnh. Trên phim ta có thể thấy khối u ở trong lòng thực quản, các ổ loét ở thực quản. Đoạn thực quản trên khối u có thể dãn to ra. Tuy nhiên, phương pháp này khó đánh sự lan rộng của khối u, cũng như các hạch liên quan.
2. Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan)
CT-Scan giúp đánh giá được sự lan rộng của khối u. Và có thể đánh giá khối u có xâm lấn ra các cơ quan lân cận hay không. Ngoài ra, CT-Scan còn đánh giá được các hạch di căn, giúp hỗ trợ trong việc chẩn đoán bệnh đang ở giai đoạn nào.
3. Nội soi thực quản bấm sinh thiết
Đây là phương pháp giúp chẩn đoán xác định bệnh. Nội soi giúp chúng ta xác định rõ vị trí u, kích thước u, xem số lượng khối u. Sinh thiết bờ tổn thương để chẩn đoán giải phẫu bệnh. Giúp phân biệt được ung thư biểu mô vảy hay ung thư biểu mô tuyến, mức độ biệt hoá của ung thư.
Xem thêm: Giải đáp thắc mắc thường gặp về nội soi dạ dày, thực quản
Xếp loại giai đoạn của ung thư thực quản
Ung thư thực quản được phân thành các giai đoạn sau:
- Giai đoạn 0: Các tế bào ung mới phát triển ở lớp niêm mạc thực quản. Chưa xâm lấn các lớp dưới.
- Ung thư thực quản giai đoạn I: Các tế bào ung thư đã ăn vào lớp mô thực quản nhưng chưa xâm lấn đến các hạch và cơ quan lân cận.
- Ung thư thực quản giai đoạn II: Các tế bào ung thư đã di căn các hạch xung quanh nhưng chưa di căn đến các cơ quan lân cận.
- Ung thư thực quản giai đoạn III: Khối u đã di căn đến các hạch và các mô xung quanh nhưng chưa di căn đến cơ quan xa.
- Ung thư thực quản giai đoạn IV: Khối u đã di căn đến các cơ quan khác của cơ thể.
Các phương pháp điều trị ung thư thực quản
1. Phương pháp phẫu thuật
Đây là biện pháp điều trị chủ yếu của bệnh ung thư thực quản. Tuỳ theo từng giai đoạn bệnh mà bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật khác nhau. Đa phần bác sĩ sẽ chỉ định cắt một phần hay toàn bộ thực quản kết hợp với nạo hạch và các mô xung quanh. Sau đó, phần còn lại của thực quản sẽ được nối với dạ dày để bệnh nhân ăn uống bình thường.
Xem thêm: Lời khuyên của bác sĩ về vấn đề ung thư thực quản nên ăn gì?
2. Hoá trị
Đây là phương pháp sử dụng thuốc được đưa vào cơ thể theo đường tĩnh mạch hoặc đường uống. Các bác sĩ sẽ chỉ định hoá trị theo từng chu kì. Phương pháp này giúp hỗ trợ cho việc phẫu thuật, giúp thu nhỏ kích thước khối u, giảm triệu chứng và giảm di căn.
3. Xạ trị
Đây là một phương pháp vật lý sử dụng các tia để tiêu diệt các tế bào ung thư. Chúng thường được kết hợp với nhiều phương pháp điều trị khác như phẫu thuật hay hoá trị. Đây là phương pháp giúp giảm bớt kích thước khối u trước phẫu thuật. Còn sau phẫu thuật kết hợp với xạ trị để loại bỏ các tế bào ung thư còn sót lại. Ngoài ra, chúng còn giúp giảm triệu chứng của bệnh.
Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn giải đáp thắc mắc “ung thư thực quản có chữa được không?”. Đây là một căn bệnh phổ biến với triệu chứng không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời thì bệnh nhân có thể khỏi bệnh hoàn toàn. Ngược lại, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn. Hi vọng bài viết trên đây của Bác sĩ Hứa Minh Luân đã cung cấp những thông tin cần thiết.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Esophageal cancerhttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/esophageal-cancer/symptoms-causes/syc-20356084
Ngày tham khảo: 27/07/2023
-
Esophageal Cancerhttps://www.healthline.com/health/esophageal-cancer
Ngày tham khảo: 27/07/2023