Ung thư vòm họng giai đoạn 3: dấu hiệu, mức độ nguy hiểm, điều trị
Nội dung bài viết
Ung thư vòm họng là một trong những bệnh ung thư vùng đầu cổ thường gặp. Ung thư vòm họng thường được phát hiện khi bệnh đã tiến xa do những dấu hiệu ở giai đoạn sớm thường không đặc hiệu. Vậy những triệu chứng nào gợi ý ung thư vòm họng giai đoạn 3? Việc chẩn đoán, điều trị bệnh ở giai đoạn này có những điểm cần lưu ý nào? Hãy cùng theo dõi bài viết của Bác sĩ Đặng Thị Huyền Trang để hiểu rõ thêm.
Tổng quan về ung thư vòm họng giai đoạn III
Ung thư vòm họng là gì?
Ung thư vòm họng là ung thư ở vòm họng – vùng hẹp phía sau khoang mũi, phía trên cổ họng. Ung thư vòm họng ở giai đoạn sớm thường khó phát hiện. Điều này có thể do vùng vòm họng khó thăm khám. Các triệu chứng của ung thư vòm họng thường bị nhầm lẫn với một số bệnh lý khác vùng tai mũi họng.
Điều trị ung thư vòm họng thường sử dụng các phương thức như xạ trị, hoá trị hoặc phối hợp cả 2. Bạn nên gặp bác sĩ để lựa chọn phương án điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của mình.
Tiến trình ung thư bắt đầu từ sự đột biến một hay nhiều gen dẫn đến tế bào bình thường tăng sinh không kiểm soát và xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh và thậm chí di căn đến các phần khác của cơ thể. Trong ung thư vòm họng, tiến trình này bắt nguồn từ tế bào gai của lớp bề mặt vòm họng. Nguyên nhân thực sự dẫn đến đột biến gen trong ung thư vòm họng vẫn chưa được hiểu rõ, một số yếu tố như virus Epstein-Barr (EBV) làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng.1
Theo số liệu năm 2018, tần suất mới mắc bệnh này ở Châu Á và Châu Âu lần lượt là 2,1 và 0,4 trên 100.000 dân. Tỷ lệ mắc cao nhất ở khu vực phía Đông và Đông Nam Á (cụ thể ở Singapore, Indonesia; Malaysia; Việt Nam; Trung Quốc).2
Yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ gây ung thư vòm họng:1
- Giới tính: Nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
- Chủng tộc: Phổ biến ở dân Trung Quốc, Đông Nam Á và Nam Phi.
- Độ tuổi: Bệnh xảy ra ở bất kỳ lứa tuổi nào nhưng tuổi thường được chẩn đoán là từ 30 đến 50 tuổi.
- Thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại.
- Virus EBV.
- Tiền sử gia đình.
- Hút thuốc.
- Nghiện rượu.
Bác sĩ cần phân loại giai đoạn để đánh giá độ rộng của bệnh ung thư và tiên lượng bệnh. Hệ thống xếp giai đoạn TNM (Tumor – Node – Metastasis: Bướu – Hạch bạch huyết – Di căn) thường được sử dụng. Sự phối hợp của T (tumor – sự xâm lấn của bướu), N (node – tình trạng hạch bạch huyết di căn), M (metastasis – di căn xa) giúp phân loại một ung thư ở giai đoạn nào.1
Ung thư vòm họng giai đoạn III
Ung thư vòm họng giai đoạn III được gọi là ung thư tiến xa tại chỗ. Bạn sẽ được chẩn đoán mắc ung thư vòm họng giai đoạn III nếu khối u xâm lấn đến xương nền sọ/thân đốt sống cổ hay xâm lấn các xoang cạnh mũi (T3) hoặc di căn hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên trên bờ dưới sụn nhẫn với kích thước không quá 6cm (N2).2
Dấu hiệu ung thư vòm họng giai đoạn III
Ở giai đoạn sớm, ung thư vòm họng có thể không biểu hiện bất kỳ một dấu hiệu nào. Một số triệu chứng ung thư vòm họng có thể có bao gồm:
- Một khối ở cổ do hạch bạch huyết sưng lên.
- Nước bọt có máu.
- Chảy máu mũi.
- Nghẹt mũi, ù tai.
- Đau đầu.
- Thường xuyên nhiễm trùng tai.
- Viêm họng.
Nếu bạn có những triệu chứng bất thường trên kéo dài một cách dai dẳng thì bạn nên đi khám và gặp bác sĩ để kiểm tra.1
Thông thường, không có triệu chứng đặc hiệu cho một giai đoạn bệnh cụ thể. Các triệu chứng giữa những giai đoạn sẽ giống nhau. Tình trạng đau đầu trong ung thư vòm họng giai đoạn này thường đau một bên, vùng thái dương, và thường chỉ điểm khối u đã xâm lấn đến nền sọ.3
Ung thư vòm họng giai đoạn 3 có nguy hiểm không?
Ung thư vòm họng giai đoạn tiến xa có thể gây nên một số biến chứng vì u lớn xâm lấn vào các cấu trúc xung quanh như vùng họng, xương, các xoang. Hầu hết bệnh nhân ung thư vòm họng thường di căn tại vùng. Điều này có nghĩa là từ u ban đầu các tế bào ung thư đã di chuyển đến các vùng gần đó như hạch bạch huyết vùng cổ.1
Tiên lượng của ung thư vòm họng dựa vào giai đoạn bệnh và tải lượng DNA của virus EBV (Epstein-Barr Virus) được xét nghiệm trước điều trị. Những bệnh nhân giai đoạn III, tải lượng virus EBV thấp (kết quả xét nghiệm dưới 400 copies/mL). 66% những bệnh nhân này còn sống còn ở thời điểm 5 năm sau điều trị. Nếu tải lượng virus EBV cao thì tỉ lệ này là 54%.4
Chẩn đoán ung thư vòm họng giai đoạn III
Để chẩn đoán ung thư vòm họng nói chung và ung thư vòm họng giai đoạn III nói riêng, bác sĩ sẽ tiến hành một số thăm khám và cận lâm sàng sau:2
1. Thăm khám
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về một số triệu chứng và khám hạch cổ, khám chức năng các dây thần kinh sọ, khám răng, đánh giá tình trạng di dưỡng
2. Nội soi tai mũi họng
Nếu nghi ngờ ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ đề nghị bạn nội soi tai mũi họng. Thủ thuật này sử dụng một ống soi có camera ở đầu ống giúp quan sát bên trong khu vực vòm họng và thấy những bất thường. Camera có thể đưa qua mũi hoặc cổ họng để quan sát thấy vòm họng.
3. Sinh thiết tổn thương
Đối với những tổn thương nghi ngờ ung thư, bác sĩ sẽ sinh thiết dưới hướng dẫn nội soi để có bằng chứng tế bào ác tính.
4. Xét nghiệm máu
Tổng phân tích tế bào máu ngoại vi, xét nghiệm chức năng gan, thận, xét nghiệm tải lượng EBV DNA huyết thanh.
Một khi đã xác định được chẩn đoán ung thư vòm họng, bác sĩ sẽ đề nghị bạn thực hiện thêm một số cận lâm sàng để xác định độ rộng (giai đoạn) bệnh. Những cận lâm sàng về mặt hình ảnh gồm: chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ Poisitron (PET), chụp X-quang. Một khi độ rộng bệnh đã được xác định, giai đoạn bệnh sẽ được xếp theo các giai đoạn gồm: ung thư giai đoạn I, ung thư vòm họng giai đoạn II, ung thư giai đoạn 3 và ung thư vòm họng giai đoạn IV. Giai đoạn bệnh giúp xác định kế hoạch điều trị phù hợp và tiên lượng bệnh của bạn.2
Điều trị ung thư vòm họng giai đoạn 3
Bạn và bác sĩ của bạn sẽ cùng nhau chia sẻ quyết định điều trị . Việc này dựa trên một loạt những yếu tố như:
- Giai đoạn bệnh.
- Mục tiêu điều trị của bạn.
- Tổng trạng.
- Bệnh nền.
- Khả năng dung nạp các tác dụng phụ điều trị của bạn.
Điều trị đa mô thức gồm hoá trị cùng lúc với xạ trị (hay còn gọi là hoá xạ trị đồng thời) là điều trị tiêu chuẩn cho ung thư vòm họng giai đoạn III.
Xạ trị
Ung thư vòm họng thường được điều trị với xạ trị vì khối u nhạy xạ và vị trí này không thuận tiện phẫu thuật. Xạ trị đóng vai trò chính trong ung thư vòm hầu. Xạ trị là sử dụng chùm tia năng lượng cao, như tia X hoặc proton để giết tế bào ung thư. Ung thư vòm họng thường được chỉ định xạ trị ngoài.2
Trong suốt quá trình đi xạ, bạn sẽ nằm trên một chiếc bàn và máy xạ có thiết bị chuyển động xung quanh bàn để tia xạ chiếu vào vị trí đích của khối u mà bác sĩ xạ trị đã lên kế hoạch.
Tác dụng phụ
Một số tác dụng phụ của xạ trị có thể gặp gồm viêm đỏ da, giảm sức nghe và khô miệng, viêm niêm mạc. Những tác dụng phụ này có thể nặng lên khi xạ trị cùng lúc với hoá trị, gây đau miệng, họng.
Việc đau miệng có thể khiến bạn ăn uống khó khăn. Nếu điều này xảy ra, bác sĩ sẽ đặt ống thông mũi dạ dày để bạn tạm thời ăn qua ống cho đến khi phục hồi.
Hóa trị
Hoá trị là sử dụng hoá chất để giết tế bào ung thư. Hoá trị có thể được chỉ định qua đường uống dạng viên hoặc đường tiêm tĩnh mạch hoặc cả hai. Hoá trị sử dụng trong ung thư vòm họng theo 3 cách: Hoá trị cùng lúc với xạ trị hay còn gọi là hoá xạ trị đồng thời;
Hoá trị sau khi xạ trị hay còn gọi là hoá trị hỗ trợ; Hoá trị trước xạ trị gọi là hoá trị dẫn đầu. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại thuốc và phác đồ điều trị phù hợp với tình trạng bệnh của bạn.
Các tác dụng phụ bạn có thể gặp phải tùy thuộc vào loại thuốc hoá trị được chỉ định. Nhóm thuốc Platinum gồm Cisplatin và Carboplatin thường gây độc tính trên thận dẫn đến cần chỉnh liều thuốc, nôn ói, rối loạn điện giải, độc tính trên hệ tạo huyết, tóc mỏng và rụng tóc.
Điều trị đa mô thức
Điều trị phù hợp cho bệnh nhân ung thư vòm hầu bằng liệu pháp đa mô thức: Lựa chọn này gồm cả sử dụng hoá trị dẫn đầu theo sau bằng hoá xạ trị đồng thời hoặc hoá xạ trị đồng thời theo sau bởi hoá trị hỗ trợ. Việc lựa chọn từng phương thức điều trị cụ thể dựa trên hướng dẫn của Hội Ung thư học lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO)và Hội Ung thư học lâm sàng Trung Quốc (CSCO), Hiệp hội Ung thư Châu Âu (ESMO) như sau:2 5
Giai đoạn III T3N0M0
Phương pháp điều trị phù hợp cho những bệnh nhân giai đoạn này là hoá xạ trị đồng thời. Phương thức điều trị này giúp cải thiện sống còn hơn so với việc chỉ xạ trị đơn thuần. Thuốc Cisplatin hàng tuần hoặc liều cao mỗi 3 tuần là thuốc hoá trị tăng nhạy tia xạ phù hợp nhất thường được lựa chọn. Những bệnh nhân có chống chỉ định với Cisplatin có thể lựa chọn Carboplatin hoặc Oxaliplatin thay thế.
Giai đoạn III không phải nhóm T3N0M0
Những bệnh nhân giai đoạn này nên được điều trị với hoá trị dẫn đầu. Theo sau bằng hoá xạ trị đồng thời hơn là chỉ nhận được hoá xạ trị đồng thời. Vì cách điều trị này đã được chứng minh mang lại lợi ích về mặt sống còn qua các thử nghiệm lâm sàng. Ở những bệnh nhân có thể dung nạp được điều trị mạnh tay, hoá trị dẫn đầu giúp giảm gánh nặng khối u, tăng kiểm soát bệnh tại chỗ và toàn thân, tạo điều kiện giảm thể tích nhận tia xạ liều cao. Bác sĩ sẽ chỉ định hoá trị trước xạ với 3 chu kỳ thuốc Gemcitabine và Cisplatin. Sau đó trong những ngày đi xạ, bạn sẽ được kê toa thuốc hóa trị Cisplatin liều cao mỗi 3 tuần.
Nếu sức khỏe bạn không phù hợp cho phác đồ có hoá trị dẫn đầu, lựa chọn điều trị thay thế trong tình huống này là hoá xạ trị đồng thời theo sau bởi hoá trị hỗ trợ. Lựa chọn này giúp cải thiện sống còn hơn là chỉ xạ trị đơn thuần. Phác đồ hoá trị hỗ trợ phù hợp thường được lựa chọn là Cisplatin và Fluorouracil 3 chu kỳ. Những bệnh nhân không phù hợp với hoá trị hỗ trợ (vì thể trạng kém hoặc bệnh nền), hoá xạ trị đồng thời đơn thuần cũng là một lựa chọn thay thế.
Tóm lại ung thư vòm họng giai đoạn 3 là giai đoạn bệnh đã tiến xa. Tuy nhiên hiện tại đã có những tiến bộ trong liệu pháp phối hợp đa mô thức giúp cải thiện rõ rệt sống còn cho người bệnh giai đoạn này. Do đó, khi phát hiện bệnh, người bệnh nên tránh tâm lý hoang mang và nên tuân thủ điều trị. Cuối cùng, không có biện pháp nào chắc chắn ngăn ngừa ung thư nhưng việc xây dựng lối sống lành mạnh và thay đổi những thói quen xấu (ví dụ như tránh ăn đồ muối) có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Cancer of head and neck: a guide for patientshttps://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/08/Head-and-neck-cancer.pdf
-
Nasopharyngeal carcinoma: ESMO-EURACAN Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-up†https://www.annalsofoncology.org/article/S0923-7534(20)43210-7/fulltext
Ngày tham khảo: 01/09/2022
- Lu, J. J., Kong, L., & Lee, N. (2011). Nasopharyngeal Carcinoma. Medical Radiology, 45–74. doi:10.1007/978-3-642-13832-4_3.
-
Plasma Epstein-Barr viral deoxyribonucleic acid quantitation complements tumor-node-metastasis staging prognostication in nasopharyngeal carcinomahttps://ascopubs.org/doi/10.1200/JCO.2006.07.7982
Ngày tham khảo: 01/09/2022
-
Chemotherapy in Combination With Radiotherapy for Definitive-Intent Treatment of Stage II-IVA Nasopharyngeal Carcinoma: CSCO and ASCO Guidelinehttps://ascopubs.org/doi/full/10.1200/JCO.20.03237
Ngày tham khảo: 01/09/2022