YouMed

Ung thư xương giai đoạn cuối: Thời gian sống và tỷ lệ chữa khỏi

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Ung thư xương là một bệnh lý nguy hiểm khi hình thành các khối u ác tính trong xương và thậm chí có thể di căn đến các cơ quan khác. Bệnh nhân ung thư xương ở các giai đoạn khác nhau sẽ có tiên lượng sống khác nhau. Vậy ung thư xương giai đoạn cuối có thể chữa khỏi? Bệnh nhân ung thư xương giai đoạn cuối sống được bao lâu? Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu bài viết sau đây nhé!

Ung thư xương giai đoạn cuối là gì?

Ung thư xương là một loại ung thư không phổ biến, bắt đầu khi các tế bào trong xương phát triển vượt trội mà cơ thể không kiểm soát được.

Ung thư xương giai đoạn cuối hay giai đoạn muộn là tình trạng khối u đã lan sang các xương khác, hay di căn đến não, phổi hay các cơ quan khác trong cơ thể.

Đây là một tình trạng đáng báo động cần được phân loại và tiến hành điều trị kịp thời. Để xác định các giai đoạn của ung thư, hai hệ thống thường được các bác sĩ sử dụng đó là hệ thống TNM và hệ thống SEER.

1. Hệ thống TNM

TNM là một hệ thống phân giai đoạn ung thư xương của Ủy ban liên hợp về ung thư Hoa Kỳ (AJCC). Hệ thống này dựa trên 4 thông tin chính:1

  • T (Tumor): Kích thước khối u.
  • N (Nodes): Sự lây lan đến các hạch bạch huyết gần đó.
  • M (Metastasis): Sự lây lan hay di căn của ung thư đến các cơ quan khác xa hơn trong cơ thể.
  • G (Grade): Mức độ bất thường của các tế bào ung thư dưới kính hiển vi.

Các con số sau T, N, M và G cung cấp thêm chi tiết về từng yếu tố này. Con số càng cao có nghĩa là bệnh ung thư tiến triển nghiêm trọng hơn.

Sau khi các loại T, N, M, G được xác định, thông tin này được sử dụng để phân loại một giai đoạn tổng thể được đánh số từ 1 đến 4.

Khi ung thư tiến triển nghiêm trọng đến giai đoạn cuối, bác sĩ sẽ phân loại chính xác hơn là giai đoạn 4A hoặc 4B.

Giai đoạn 4A

Khối u có thể có kích thước bất kỳ (T bất kỳ) hay bất kỳ cấp độ nào (G bất kỳ) thậm chí có thể có nhiều hơn một khối u trong xương. Tuy nhiên khối u chưa lan đến hạch bạch huyết lân cận (N0), chỉ lan đến phổi (M1a).

Giai đoạn 4B

Khối u có thể có kích thước bất kỳ (T bất kỳ) hay bất kỳ cấp độ nào (G bất kỳ) thậm chí có thể có nhiều hơn một khối u trong xương. Khối u có thể hoặc không lan đến hạch bạch huyết lân cận (N bất kỳ), tuy nhiên nó đã lan đến các bộ phận khác trong cơ thể chẳng hạn như xương, gan, não (M1b). Hoặc ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết lân cận (N1) và có thể đã hoặc chưa lan đến các cơ quan ở xa khác (bất kỳ M).

2. Hệ thống SEER (Surveillance, Epidemiology, and End Results)

SEER là một hệ thống phân giai đoạn ung thư xương của Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society). Theo SEER, ung thư xương được chia thành 3 nhóm như sau:2

  • Giai đoạn cục bộ: Không có dấu hiệu cho thấy ung thư đã lan ra ngoài xương ban đầu.
  • Giai đoạn vùng: Ung thư đã phát triển bên ngoài xương ban đầu, lan đến các hạch bạch huyết lân cận và xâm nhập vào các xương gần đó hoặc các cấu trúc khác trong cơ thể.
  • Giai đoạn di căn: Ung thư đã lan đến các bộ phận xa của cơ thể, chẳng hạn như phổi, xương khác hay các bộ phận khác của cơ thể.

Triệu chứng ung thư di căn xương giai đoạn cuối

Ung thư di căn xương giai đoạn cuối có những triệu chứng sau:

  • Đau xương, sưng.
  • Gãy xương.
  • Đau ở lưng hoặc cổ do chèn ép tủy sống.
  • Nồng độ canxi trong máu tăng cao.
  • Tê chân, yếu chân khó cử động.
  • Mệt mỏi.
  • Sốt.
  • Không tự chủ được vấn đề tiểu, tiện.
  • Uể oải, buồn ngủ.
Triệu chứng sưng đau xương ở ung thư di căn xương giai đoạn cuối
Triệu chứng sưng đau xương ở ung thư di căn xương giai đoạn cuối

Ung thư xương giai đoạn cuối có chữa được không?

Trong một số trường hợp, ung thư xương giai đoạn 4 có thể được chữa khỏi khi áp dụng các phương pháp điều trị rất tích cực. Việc điều trị thành công phần lớn chủ yếu phụ thuộc vào khả năng phẫu thuật loại bỏ các khối u.3

Ngoài ra, tuổi tác, giới tính, vị trí khối u và khả năng đáp ứng của khối u với phương pháp trị liệu có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng chữa khỏi bệnh.4

Xem thêm: Ung thư xương có chữa được không?

Ung thư xương giai đoạn cuối sống được bao lâu?

Có nhiều loại ung thư xương, tùy theo từng loại mà tỷ lệ sống sót của ung thư giai đoạn cuối sẽ khác nhau.

Người ta thường dùng “tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm” để đề cập việc có bao nhiêu phần trăm người bệnh có cùng loại và giai đoạn ung thư còn sống sau 5 năm sau khi bệnh được chẩn đoán.

Ví dụ, tỷ lệ sống sót tương đối trong 5 năm đối với một giai đoạn cụ thể của bệnh ung thư xương là 60%. Điều đó có nghĩa là những người mắc bệnh ung thư có khả năng sống sau 5 năm, trung bình khoảng 60% so với người không mắc bệnh.

Một số loại ung thư xương phổ biến và tỷ lệ sống sót được cụ thể như sau:

1. Osteosarcoma (Sarcom xương)

Đây là loại ung thư xương phổ biến nhất. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống tương đối trong vòng 5 năm được phân loại theo hệ thống SEER ở giai đoạn cuối như sau:4

  • Giai đoạn vùng: 64%.
  • Giai đoạn di căn: 24%

2. Sarcoma Ewing

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống tương đối trong vòng 5 năm được phân loại theo hệ thống SEER ở bệnh Sarcoma Ewing giai đoạn cuối như sau:5

  • Giai đoạn vùng: 71%.
  • Giai đoạn di căn: 39%.

3. Chondrosarcoma

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống tương đối trong vòng 5 năm được phân loại theo hệ thống SEER ở giai đoạn cuối như sau:2

  • Giai đoạn vùng: 76%.
  • Giai đoạn di căn: 17%.

Lưu ý, những con số trên chỉ mang tính chất tham khảo. Người bệnh và người thân nên tham khảo bác sĩ điều trị để được tư vấn chính xác nhất.

Các yếu tố ảnh hưởng đến tiên lượng sống

Ngoài sự phụ thuộc vào giai đoạn ung thư, một số yếu tố khác ảnh hưởng tiên lượng sống của người bệnh bao gồm:4

  • Tuổi tác: người trẻ sẽ có tiên lượng tốt hơn người già.
  • Giới tính: tỷ lệ sống sót ở nữ cao hơn nam.
  • Vị trí khối u: Khối u ở cánh tay hoặc chân sẽ có tiên lượng tốt hơn so với khối u ở xương hông hoặc các xương khác.
  • Khả năng có thể cắt bỏ hoàn toàn khối u bằng phẫu thuật.
  • Nồng độ phosphatase kiềm và LDH trong máu bình thường.
  • Khả năng khối u đáp ứng tốt với hóa trị.

Điều trị ung thư xương giai đoạn cuối như thế nào?

Tùy vào từng giai đoạn và loại ung thư mà bạn mắc phải mà bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị khác nhau. Một số phương pháp điều trị chính như:

  • Phẫu thuật: Cắt bỏ phần xương bị ung thư và thay thế phần xương ấy bằng một bộ phận kim loại hay một mảnh xương khác (ghép xương), hoặc thậm chí đôi khi cần phải cắt cụt chi.
  • Hóa trị: Sử dụng kết hợp các loại thuốc khác nhau để tiêu diệt các tế bào ung thư.
  • Xạ trị: Sử dụng các bức xạ hướng vào phần xương bị ung thư để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư
Phương pháp hóa trị trong điều trị ung thư

Chăm sóc người bệnh ung thư xương giai đoạn cuối

Các thành viên trong gia đình và bạn bè thường đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc các bệnh nhân ung thư xương. Người chăm sóc có thể:

  • Hỗ trợ và động viên bệnh nhân.
  • Trao đổi với các nhân viên y tế để được tư vấn về việc chăm sóc người bệnh.
  • Hỗ trợ, nhắc nhở bệnh nhân tuân thủ điều trị.
  • Quan sát, quản lý các triệu chứng và tác dụng phụ.
  • Hỗ trợ bệnh nhân trong việc ăn uống.
  • Giúp đỡ người bệnh các việc nhà.
  • Xử lý các vấn đề về bảo hiểm và thanh toán.
Sự quan tâm từ người thân là nguồn động lực giúp người bệnh có thêm sức mạnh vượt qua bệnh tật
Sự quan tâm từ người thân là nguồn động lực giúp người bệnh có thêm sức mạnh vượt qua bệnh tật

Hy vọng thông qua bài viết trên đã có thể cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về căn bệnh ung thư xương. Ung thư xương giai đoạn cuối là một vấn đề rất nghiêm trọng, bắt buộc phải tiến hành điều trị thật tích cực để tăng hiệu quả điều trị và tỷ lệ thành công. Bệnh nhân ung thư xương ở các giai đoạn khác nhau sẽ có tiên lượng sống khác nhau. Vì vậy, khi có các dấu hiệu bất thường, bạn hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. AJCC CANCER STAGING MANUAL - Seventh Editionhttps://www.facs.org/media/j30havyf/ajcc_7thed_cancer_staging_manual.pdf

    Ngày tham khảo: 11/07/2023

  2. Survival Rates for Bone Cancerhttps://www.cancer.org/cancer/types/bone-cancer/detection-diagnosis-staging/survival-statistics.html

    Ngày tham khảo: 11/07/2023

  3. Psoriasis drug target offers potential for osteosarcomahttps://www.garvan.org.au/news-events/news/psoriasis-drug-target-offers-potential-for-osteosarcoma

    Ngày tham khảo: 11/07/2023

  4. Survival Rates for Osteosarcomahttps://www.cancer.org/cancer/types/osteosarcoma/detection-diagnosis-staging/survival-rates.html

    Ngày tham khảo: 11/07/2023

  5. Survival Rates for Ewing Tumorshttps://www.cancer.org/cancer/types/ewing-tumor/detection-diagnosis-staging/survival-rates.html

    Ngày tham khảo: 11/07/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người