YouMed

Viêm bàng quang uống thuốc gì để điều trị?

Bác sĩ Trần Lê Dung
Tác giả: Bác sĩ Trần Lê Dung
Chuyên khoa: Ngoại tiết niệu

Viêm bàng quang là tình trạng bệnh lý nhiễm khuẩn đường tiết niệu dưới. Bệnh gây nhiều triệu chứng khó chịu, kích ứng và giảm chất lượng cuộc sống. Vậy cần điều trị bệnh này thế nào? Thắc mắc được giải đáp qua bài viết sau đây.

Nguyên nhân gây viêm bàng quang

Viêm bàng quang là tình trạng nhiễm khuẩn đường tiết niệu tại vị trí bàng quang. Đây là tình trạng khá phổ biến, đặc biệt nữ giới.

Bàng quang viêm do vi khuẩn ngược dòng từ vùng hậu môn lây nhiễm qua niệu đạo. Bởi vì đường niệu đạo phụ nữ ngắn hơn đàn ông nên nữ giới thường bị viêm bàng quang hơn nam giới.1

Bên cạnh đó, những yếu tố sau đây làm tăng thêm nguy cơ nhiễm khuẩn tại bàng quang:1

  • Quan hệ tình dục.
  • Lau từ sau ra trước sau khi đi vệ sinh.
  • Đặt ống niệu đạo bàng quang.
  • Sử dụng biện pháp tránh thai như thuốc diệt tinh trùng.
  • Sỏi đường tiết niệu.
  • Mang thai.
  • Tình trạng khó làm trống bàng quang như tăng sinh tuyến tiền liệt ở nam giới, bàng quang hỗn loạn thần kinh.
  • Đã mãn kinh.
  • Bệnh suy giảm miễn dịch như đái tháo đường, HIV.
Nguồn vi khuẩn vùng hậu môn - trực tràng và vùng da lân cận niệu đạo là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm bàng quang
Nguồn vi khuẩn vùng hậu môn – trực tràng và vùng da lân cận niệu đạo là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm bàng quang

Viêm bàng quang uống thuốc gì?

Do căn nguyên là nhiễm khuẩn nên phương pháp điều trị chính yếu là kháng sinh, thuốc có vai trò tiêu diệt vi khuẩn. Đồng thời, một số thuốc điều trị giảm triệu chứng có thể được chỉ định.

Hiện nay, một số thuốc kháng sinh được khuyến cáo trong điều trị viêm bàng quang như: trimethoprim/sulfamethoxazole, nitrofurantoin monohydrate/macrocrystal, fosfomycin trometamol. Bên cạnh đó, một số thuốc kháng sinh khác có thể thay thế như amoxicillin/clavulanate, cefpodoxime dạng uống.

Khi điều trị kháng sinh, điều quan trọng là tính nhạy cảm của chủng vi khuẩn và tuân thủ điều trị. Cần điều trị đủ thời gian để tránh tình trạng kháng kháng sinh. Nghĩa là, việc dùng kháng sinh diệt khuẩn nhưng không tiêu diệt hết số lượng gây bệnh sẽ vô tình chọn lọc những con vi khuẩn còn lại có gen đột biến, đề kháng với kháng sinh đang dùng. Điều này làm bệnh diễn tiến lâu hơn, nặng hơn và nguy cơ kém đáp ứng với các kháng sinh khác, cũng như những lần điều trị sau này. Thời gian khuyến cáo điều trị viêm bàng quang cấp không phức tạp từ 3 đến 7 ngày.2

Cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng cho những bệnh nhân suy gan, suy thận,… Vì đây là hai cơ quan bài tiết thuốc chính của cơ thể. Do đó, khi có bất cứ triệu chứng nào nghi ngờ viêm bàng quang cần đến cơ sở khám bệnh sớm nhất.

Kháng sinh là thuốc điều trị đặc hiệu trong viêm bàng quang cấp do vi khuẩn
Kháng sinh là thuốc điều trị đặc hiệu trong viêm bàng quang cấp do vi khuẩn

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể chỉ định một số thuốc để giảm triệu chứng, như:

  • Paracetamol: có thể dùng đến 4 lần/ngày để giảm đau.
  • NSAID: có thể sử dụng loại thuốc kháng viêm không steroid để giảm triệu chứng.
  • Phenazopyridine: Là thuốc làm giảm triệu chứng đau, nóng rát, kích thích, khó chịu và tình trạng tiểu gấp, tiểu lắt nhắt. Khi dùng thuốc có thể gây nước tiểu màu đỏ cam hay nâu, tuy nhiên là vô hại. Người dùng có thể gặp các tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, khó chịu dạ dày. Nếu gặp bất cứ tác dụng phụ nào của thuốc cần ngưng thuốc ngay và tái khám bác sĩ sớm.3
  • Xanh methylen: đây là một chất sát khuẩn đường dùng trong đường tiết niệu. Đặc biệt lưu ý chống chỉ định khi bị suy thận, phụ nữ mang thai, người thiếu men G6PD.4

Phương pháp điều trị bằng thuốc trên thường được sử dụng cho trường hợp viêm bàng quang ở phụ nữ khỏe mạnh, không mang thai. Trường hợp này được đánh giá là nhiễm khuẩn đường tiết niệu không phức tạp. Ở nam giới, tình trạng viêm bàng quang được phân loại vào nhóm nhiễm khuẩn đường tiết niệu phức tạp. Do cấu trúc niệu đạo nam giới dài hơn, vi khuẩn ngược dòng hiếm khi có thể gây viêm mà có thể do một nguyên nhân khác. Do đó, trường hợp này, bác sĩ cần thăm khám cụ thể để xác định những bất thường ẩn giấu (nếu có) và đưa ra liệu pháp điều trị thích hợp.

Ở phụ nữ mang thai, thuốc kháng sinh cũng có thể được chỉ định để điều trị viêm bàng quang.5 Tuy nhiên, một số loại kháng sinh có thể tiềm ẩn nguy cơ gây dị tật cho thai nhi. Vì vậy, các mẹ bầu nếu có triệu chứng viêm bàng quang thì nên liên hệ bác sĩ để được khám và đưa ra liệu trình điều trị phù hợp, không nên tự ý dùng thuốc.

Các biện pháp hỗ trợ điều trị khác

Bên cạnh việc dùng thuốc thì bệnh nhân viêm bàng quang cũng có thể thực hiện một số biện pháp sau đây để hỗ trợ quá trình điều trị:1 6

  • Uống nhiều nước để đi tiểu thường xuyên.
  • Đi tiểu khi có nhu cầu, không nhịn tiểu.
  • Nên tắm vòi sen thay vì ngâm bồn tắm vì giảm nguy cơ tiếp xúc tác nhân gây bệnh.
  • Vệ sinh vùng âm hộ sau đúng sau khi đi vệ sinh, quan hệ tình dục.
  • Sử dụng quả nam việt quất cũng được cho là có nguy cơ tái nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định rõ hiệu quả với viêm bàng quang của loại quả này.
  • Nếu đau bụng hạ vị có thể dùng chai nước ấm chườm lên bụng.
  • Tránh uống rượu, bia vì kích thích bàng quang gây cảm giác khó chịu.

Cần lưu ý, những cách trên chỉ để hỗ trợ quá trình điều trị, không thể trị dứt điểm. Tốt nhất người bệnh nên đi thăm khám khi có triệu chứng viêm bàng quang.

Uống nhiều nước và tiểu thường xuyên tránh tình trạng nhịn tiểu gây ứ đọng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn
Uống nhiều nước và tiểu thường xuyên tránh tình trạng nhịn tiểu gây ứ đọng tăng nguy cơ nhiễm khuẩn

Qua bài viết, Bác sĩ Trần Lê Dung hy vọng bạn đọc hiểu hơn về vấn đề viêm bàng quang uống thuốc gì. Bạn đọc và gia đình không nên tự ý dùng thuốc điều trị viêm bàng quang. Điều này là để tránh việc dùng sai cách, sai liều lượng làm bệnh trầm trọng hơn và gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh. Vì vậy, khi có triệu chứng viêm bàng quang, cần liên hệ bác sĩ để được khám cụ thể.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Cystitishttps://www.nhs.uk/conditions/cystitis/

    Ngày tham khảo: 16/03/2023

  2. Urinary Tract Infectionshttps://www.accp.com/docs/bookstore/psap/p2018b1_sample.pdf

    Ngày tham khảo: 16/03/2023

  3. Phenazopyridinehttps://medlineplus.gov/druginfo/meds/a682231.html

    Ngày tham khảo: 16/03/2023

  4. Bộ Y Tế (2018). Dược thư Quốc gia Việt Nam. NXB Y học Hà Nội. Trang 1487 – 1488.https://youmed.vn/tin-tuc/wp-content/uploads/2022/03/Duoc-thu-quoc-gia-2018.pdf#page=1487

    Ngày tham khảo: 16/03/2023

  5. Urinary Tract Infections During Pregnancyhttps://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2000/0201/p713.html

    Ngày tham khảo: 16/03/2023

  6. Treatment of acute cystitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279402/

    Ngày tham khảo: 16/03/2023

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người