Viêm họng do liên cầu khuẩn: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Nội dung bài viết
“Đau họng” là thuật ngữ chung để mô tả bất kỳ một tình trạng nào mà cổ họng cảm thấy ngứa rát, sưng đỏ và đau. Tuy nhiên, bệnh “Viêm họng do liên cầu khuẩn” là một tình trạng đau rát họng do một tác nhân vi khuẩn cụ thể gây nên. Bài viết sau đây của Bác sĩ Trương Thanh Tâm sẽ giúp bạn hiểu hơn về nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán, điều trị cũng như các biện pháp phòng ngừa bệnh lý này.
Viêm họng do liên cầu khuẩn là gì?
Viêm họng do liên cầu khuẩn là một tình trạng nhiễm trùng của vùng họng do vi khuẩn Streptococcus pyogenes gây nên. Bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn này có thể được điều trị khỏi với kháng sinh.1
Viêm họng do liên cầu khuẩn có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ mắc bệnh nhưng bệnh thường xảy ra nhất ở trẻ em từ 5 đến 15 tuổi. Hắt xì, ho, sử dụng chung dụng cụ ăn uống và nhiều loại tiếp xúc gần khác với người bị viêm họng do liên cầu có thể làm phát tán vi khuẩn lây nhiễm từ người này sang người khác.
Ngoài ra, một người khi vô tình chạm vào bề mặt của các đồ vật mà người bị viêm họng do liên cầu khuẩn đã chạm vào trước đó như tay nắm cửa, dụng cụ trong nhà bếp, nhà tắm và sau đó đưa lên miệng hoặc mũi của họ thì sẽ có nguy cơ lây bệnh. Trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn không tiếp xúc gần với những trẻ mắc viêm họng do liên cầu khuẩn thì ít có nguy cơ mắc bệnh.1
Viêm họng do liên cầu khuẩn đa phần không nghiêm trọng và người bệnh sẽ nhận thấy các triệu chứng của họ được cải thiện trong vòng 1 – 3 ngày sau khi bắt đầu một đợt điều trị kháng sinh.2
Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường nhất là vào mùa đông và đầu mùa xuân. Có nhiều lý do có thể giải thích cho điều này. Ví dụ, mọi người có xu hướng ở trong nhà hơn khi trời trở lạnh, và việc dành nhiều thời gian trong không gian kín như vậy khiến bạn dễ bị lây nhiễm và mắc bệnh. Ngoài ra, không khí khô trong những tháng lạnh có thể làm khô mũi và cổ họng, làm giảm khả năng bảo vệ tự nhiên của cơ thể đối với các bệnh lý nhiễm trùng.
Nguyên nhân viêm họng do liên cầu khuẩn
Như đã nói ở trên, viêm họng liên cầu khuẩn là do vi khuẩn Streptococcus pyogenes (hay còn gọi là vi khuẩn Streptococcus nhóm A) gây nên.
Bạn có thể mắc viêm họng liên cầu khuẩn nếu bạn chạm vào mắt, mũi, hoặc miệng của bạn sau khi tiếp xúc với những vi khuẩn này, như khi một người mắc viêm họng liên cầu khuẩn ho hoặc hắt hơi. Ngoài ra, khi bạn sử dụng chung thức ăn hoặc nước uống với người đang mắc viêm họng liên cầu khuẩn thì cũng có nguy cơ lây bệnh.
Bạn cũng có thể mắc viêm họng liên cầu khuẩn do tiếp xúc với những đồ vật có chứa vi khuẩn liên cầu nhóm A như tay nắm cửa hoặc vòi nước sau đó đưa lên mắt, mũi hoặc miệng. Trẻ em đưa những đồ vật này vào miệng của chúng cũng có thể mắc viêm họng theo cách này.
Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm họng liên cầu khuẩn, bao gồm:
- Tiếp xúc gần với người mắc viêm họng liên cầu khuẩn.
- Dành thời gian ở những nơi đông người như trường học, trung tâm chăm sóc sức khỏe hoặc doanh trại.
- Trong độ tuổi từ 5 đến 15 tuổi.
- Có con đang trong độ tuổi đi học.
- Người lớn làm công việc thường xuyên có tiếp xúc với trẻ em, như giáo viên hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
Hầu hết các trường hợp viêm họng do liên cầu khuẩn ở người lớn xảy ra ở người dưới 40 tuổi.2
Vì tiếp xúc gần là yếu tố nguy cơ lớn nhất đối với bệnh viêm họng liên cầu nên bệnh thường rất dễ lây lan giữa các thành viên trong gia đình.
Triệu chứng viêm họng do liên cầu khuẩn
Mức độ nghiêm trọng của viêm họng do liên cầu khuẩn có thể khác nhau ở mỗi người. Bệnh thường biểu hiện trong vòng 5 ngày kể từ thời điểm có tiếp xúc với vi khuẩn liên cầu.
Những triệu chứng thường gặp của viêm họng liên cầu bao gồm:
- Sốt khởi phát đột ngột, đặc biệt là khi nhiệt độ ≥ 38 °C.
- Đau, đỏ họng kèm với những mảng trắng bám trên amidan.
- Nhức đầu.
- Ớn lạnh.
- Chán ăn.
- Sưng đau hạch cổ.
- Nuốt đau, nuốt khó.
Những triệu chứng ít gặp hơn của viêm họng liên cầu bao gồm các triệu chứng tiêu hóa như: đau bụng, buồn nôn, nôn ói.
Ngoài ra, còn có phát ban liên quan đến vi khuẩn liên cầu, đây được gọi là bệnh ban đỏ (hay còn gọi là sốt tinh hồng nhiệt hoặc sốt Scarlet). Nhưng đa phần người bệnh mắc viêm họng do liên cầu sẽ không bị phát ban.
Một vài triệu chứng gợi ý có thể bạn bị viêm họng do virus hơn là mắc viêm họng do vi khuẩn liên cầu, như:
- Ho.
- Khàn tiếng.
- Sổ mũi.
- Mắt đỏ (viêm kết mạc mắt).
Khi bạn hoặc con bạn có những triệu chứng của bệnh viêm họng liên cầu, cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp, không nên tự ý sử dụng các loại thuốc kháng sinh không được kê toa từ bác sĩ.
Xử lý tại nhà có được không?
Bên cạnh việc sử dụng kháng sinh, các biện pháp điều trị tại nhà có thể giúp làm giảm các triệu chứng của viêm họng liên cầu khuẩn, bao gồm:1
- Dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi.
- Uống những thức uống ấm, như nước chanh hay trà.
- Uống nước lạnh hoặc ngậm đá viên có thể giúp giảm đau rát họng. Tránh sử dụng những thức ăn hoặc thức uống nóng vì có thể làm kích thích cổ họng.
- Ăn những thức ăn mềm, dễ nuốt như súp, sữa chua. Mật ong có thể giúp giảm đau và giảm viêm.
- Bật máy phun sương tạo ẩm.
- Có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau như paracetamol hay ibuprofen.
- Pha hỗn hợp gồm khoảng ¼ muỗng cà phê muối vào 1 cốc (khoảng 240 ml) nước và súc họng với hỗn hợp này.
- Hạn chế hút thuốc hoặc ở trong môi trường nhiều khói thuốc vì có thể gây kích thích làm đau rát họng nhiều hơn.
Đảm bảo rằng bạn không lan truyền bệnh cho bất kì ai khác bằng cách rửa tay thường xuyên và che kín mũi miệng khi ho hoặc hắt hơi.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Trong hầu hết các trường hợp, đau họng chỉ là một trong những triệu chứng của tình trạng nhiễm trùng khác như cảm lạnh thông thường và sẽ tự khỏi sau vài ngày.
Tuy nhiên, cần đến gặp bác sĩ khi:
- Các triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên nặng hơn sau vài ngày tự chăm sóc tại nhà, chẳng hạn như đau họng kéo dài hơn 2 ngày.
- Đau họng nhiều hơn và không giảm dù có sử dụng thuốc giảm đau, kèm với những mảng trắng trong họng.
- Đau họng kèm với phát ban hồng như giấy nhám trên da.
- Sốt liên tục, đây thường là biểu hiện cho một tình trạng nhiễm trùng mà bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán và điều trị càng sớm càng tốt.
Chẩn đoán viêm họng do liên cầu khuẩn
Khi có những triệu chứng gợi ý viêm họng do liên cầu khuẩn, các bác sĩ sẽ thăm khám kiểm tra vùng họng của bạn để tìm các dấu hiệu viêm nhiễm. Bác sĩ cũng sẽ thăm khám vùng cổ để tìm xem có sưng đau hạch cổ hay không và hỏi bạn thêm một số triệu chứng khác.
Những triệu chứng thường gặp của viêm họng do liên cầu bao gồm nuốt đau, sốt, sưng đỏ amidan 2 bên, nổi những chấm đỏ ở vùng trần miệng hoặc sưng đau hạch trước cổ.3
Trường hợp không có các triệu chứng gợi ý tác nhân gây bệnh viêm họng là do virus như ho, sổ mũi hoặc khàn tiếng, các bác sĩ sẽ không thể loại trừ khả năng gây viêm họng là do vi khuẩn liên cầu. Khi đó, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm xét nghiệm test nhanh hoặc xét nghiệm cấy phết họng để đưa ra chẩn đoán xác định.
Xét nghiệm test nhanh tìm liên cầu nhóm A
Xét nghiệm này nhằm xác định xem liệu viêm họng của bạn có phải do vi khuẩn liên cầu gây ra hay một loại vi khuẩn nào khác. Bác sĩ sẽ dùng một que tăm bông dài ngoáy vào vùng sau họng để lấy mẫu xét nghiệm. Mẫu này sau đó được kiểm tra bằng một bộ dụng cụ để tìm xem có sự hiện diện của vi khuẩn liên cầu hay không.
Kết quả xét nghiệm thường có sau khoảng 5 phút. Nếu xét nghiệm test nhanh tìm liên cầu nhóm A cho kết quả dương tính, các bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng sinh cho người bệnh.
Mặc dù xét nghiệm test nhanh là đáng tin cậy, tuy nhiên vẫn có thể bỏ sót một số trường hợp viêm họng do liên cầu. Theo nghiên cứu được thực hiện năm 2016 thì với 100 trẻ bị viêm họng sẽ có 14 trường hợp test nhanh cho ra kết quả không chính xác.4
Vì vậy, một số bác sĩ nếu còn nghi ngờ sẽ đề nghị thực hiện thêm xét nghiệm cấy phết họng ngay cả khi xét nghiệm test nhanh đã âm tính.
Xét nghiệm cấy phết họng
Nếu xét nghiệm test nhanh tìm liên cầu khuẩn nhóm A cho kết quả âm tính, bác sĩ có thể lấy một que phết họng khác và gửi đến phòng xét nghiệm để thực hiện xét nghiệm cấy tìm vi khuẩn. Theo CDC Hoa Kỳ, xét nghiệm cấy phết họng được xem là “tiêu chuẩn vàng” trong chẩn đoán viêm họng do liên cầu khuẩn.5
Các bác sĩ thường yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm cấy phết họng khi người đó có nguy cơ cao bị các biến chứng nghiêm trọng nếu viêm họng do liên cầu khuẩn không được điều trị. Một trong những biến chứng nặng nề đó là sốt thấp khớp. Trẻ em và thanh thiếu niên là những đối tượng có nguy cơ cao bị sốt thấp khớp, do đó các bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm cấy phết họng trên những đối tượng này, ngay cả khi kết quả xét nghiệm test nhanh âm tính.
Đối với gười lớn thường ít có nguy cơ bị biến chứng sốt thấp khớp do viêm họng liên cầu, do đó các bác sĩ thường không chỉ định thực hiện xét nghiệm cấy phết họng nếu những người này có kết quả xét nghiệm test nhanh âm tính.
Kết quả cấy dịch ngoáy họng thường sẽ có sau 1 – 2 ngày.
Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn
Nếu xét nghiệm cho thấy bạn bị viêm họng do liên cầu khuẩn, bác sĩ sẽ tiến hành kê toa một đợt điều trị thuốc kháng sinh. Đây là những loại thuốc có thể giúp tiêu diệt vi khuẩn hoặc ngăn chặn sự phát triển của chúng. Hầu hết người bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn sẽ cần sử dụng thuốc kháng sinh trong 10 ngày.5
Các triệu chứng của bệnh viêm họng do liên cầu khuẩn có thể biến mất ngay sau 24 giờ kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng thuốc kháng sinh. Các triệu chứng hiếm khi kéo dài hơn 5 ngày. Người bệnh có thể phát tán vi khuẩn làm lây lan bệnh trong khoảng 2 – 3 tuần nếu không được điều trị nhưng nếu uống thuốc kháng sinh, khả năng lây lan sẽ hết sau khoảng 24 giờ.1
Bện cạnh hiệu quả trong việc giảm nhẹ các triệu chứng và rút ngắn thời gian bệnh, những loại thuốc này còn giúp làm giảm khả năng lây lan nhiễm trùng sang người khác và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh như sốt thấp khớp hoặc áp xe quanh amidan.
Sử dụng thuốc
Có 8 loại thuốc kháng sinh khác nhau được thường được chỉ định dùng trong điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn, bao gồm:5
- Penicillin (đường uống hoặc tiêm bắp).
- Amoxicillin (đường uống).
- Cephalexin (đường uống).
- Cefadroxil (đường uống).
- Clindamycin (đường uống).
- Clarithromycin (đường uống).
- Azithromycin (đường uống).
Thông thường, các bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng sinh như penicillin hoặc amoxicillin để điều trị viêm họng do liên cầu. Với những người bệnh bị dị ứng với penicillin, có thể sử dụng kháng sinh clindamycin, clarithromycin hoặc azithromycin để thay thế.
Một điều cực kỳ quan trọng là người bệnh cần hoàn thành đủ một đợt điều trị với kháng sinh, ngay cả khi các triệu chứng đã được cải thiện sau một thời gian ngắn bắt đầu dùng thuốc. Việc không hoàn thành đủ một đợt điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng không được loại bỏ hoàn toàn và làm tăng nguy cơ đề kháng kháng sinh.
Nếu một người có kết quả xét nghiệm dương tính với liên cầu khuẩn nhóm A nhưng hoàn toàn không có biểu hiện của bất kỳ triệu chứng nào (hay còn gọi là “người lành mang trùng”), họ thường không cần sử dụng thuốc kháng sinh. Theo CDC Hoa Kỳ, những người này ít có khả năng lây lan bệnh cho người khác và nguy cơ xảy ra biến chứng của họ cũng tương đối thấp.3
Người bệnh cũng có thể sử dụng một số thuốc giúp giảm đau rát họng và hạ sốt như acetaminophen hoặc ibuprofen. Không sử dụng Aspirin cho trẻ nhỏ và thanh thiếu niên vì có thể gây ra một hội chứng rất hiếm nhưng lại vô cùng nguy hiểm đó là Hội chứng Reye.6
Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ em
Việc điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn ở trẻ em cũng giống như ở người lớn. Các bác sĩ sẽ kê cho trẻ một đợt thuốc kháng sinh.
Ba mẹ và người chăm sóc trẻ có thể thực hiện một số biện pháp sau nhằm giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn trong quá trình hồi phục bệnh như:
- Cho con trẻ ăn những thức ăn mát lạnh như kem để giúp giảm cảm giác khó chịu ở cổ họng.
- Cho trẻ lớn súc miệng bằng nước muối ấm hoặc ngậm đá lạnh có thể giúp giảm đau và giảm cảm giác khó chịu ở họng.
- Kê các loại thuốc giảm đau và hạ sốt như acetaminophen hoặc ibuprofen dạng lỏng (cho trẻ nhỏ) hoặc dạng viên nén (cho những trẻ lớn hơn), nếu cần.
Điều trị viêm họng do liên cầu khuẩn ở phụ nữ mang thai
Nếu có dấu hiệu mắc viêm họng do liên cầu khi đang mang thai, hãy đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán chính xác và tư vấn điều trị thích hợp. Các bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh, đồng thời theo dõi sát việc sử dụng thuốc của mẹ bầu.
Phòng ngừa viêm họng do liên cầu khuẩn
Chúng ta đều sẽ bị đau họng tại một vài thời điểm nào đó trong cuộc đời với tác nhân gây bệnh có thể là virus hoặc vi khuẩn hoặc nguyên nhân khác. Hiện chưa có vắc xin giúp phòng bệnh viêm họng do liên cầu.3
Những lời khuyên sau đây có thể giúp giảm tần suất bị đau họng, bao gồm cả viêm họng do liên cầu khuẩn:
- Giữ tay sạch sẽ: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước là cách hiệu quả để ngăn ngừa hầu hết các bệnh nhiễm trùng. Có thể sử dụng nước rửa tay để thay thế nếu không có xà phòng.
- Che miệng khi ho, điều này giúp tránh phát tán vi khuẩn làm lây bệnh cho người khác. Ho vào trong khuỷu tay, không phải bàn tay có thể ngăn việc lây lan nhiễm trùng.
- Người bị viêm họng do liên cầu khuẩn không nên dùng chung các vật dụng như ly uống nước và dụng cụ ăn uống với người khác.
- Vệ sinh các vật dụng thường xuyên chạm vào như tay nắm cửa, mặt bàn và tay cầm của một số vật dụng.
- Tránh tiếp xúc gần với người khác nếu bạn đang mắc viêm họng liên cầu, ít nhất là cho đến 24 giờ kể từ thời điểm bạn bắt đầu được sử dụng kháng sinh.
- Người bệnh viêm họng liên cầu không nên đến nhà trẻ, trường học hoặc nơi làm việc cho đến khi không còn khả năng lây nhiễm bệnh.
Thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống có thể giúp tăng cường hệ miễn dịch, bao gồm:
- Có một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng.
- Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao.
- Ngủ đủ giấc.
- Tìm cách giảm căng thẳng trong cuộc sống, nếu có thể.
- Ngưng hút thuốc lá.
- Uống rượu ở lượng vừa phải hoặc hoàn toàn không uống.
Trên đây là những thông tin về bệnh lý viêm họng do liên cầu khuẩn. Khi nhận thấy bản thân hoặc con trẻ có những dấu hiệu bất thường, bạn nên đi khám ngay để được phát hiện bệnh, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Strep throathttps://www.healthdirect.gov.au/strep-throat
Ngày tham khảo: 20/10/2022
-
Streptococcal Pharyngitishttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK525997/
Ngày tham khảo: 20/10/2022
-
Strep Throat: All You Need to Knowhttps://www.cdc.gov/groupastrep/diseases-public/strep-throat.html
Ngày tham khảo: 20/10/2022
-
Rapid antigen detection test for group A streptococcus in children with pharyngitishttps://www.cochranelibrary.com/cdsr/doi/10.1002/14651858.CD010502.pub2/full
Ngày tham khảo: 20/10/2022
-
Pharyngitis (Strep Throat)https://www.cdc.gov/groupastrep/diseases-hcp/strep-throat.html
Ngày tham khảo: 20/10/2022
-
Strep Throathttps://www.webmd.com/oral-health/understanding-strep-throat-basics
Ngày tham khảo: 20/10/2022