Viêm loét dạ dày nên ăn gì?
Nội dung bài viết
Viêm loét dạ dày là bệnh ngày càng phổ biến ở người trẻ. Nguyên nhân là do lối sống không điều độ: ăn uống thất thường, bia rượu, stress… Bài viết sau của Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên sẽ giới thiệu một số thực phẩm tốt cho người bị loét dạ dày, giúp hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày. Mời bạn cùng tìm hiểu nhé.
Dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị loét dạ dày
Dấu hiệu phổ biến nhất của bệnh viêm loét dạ dày là cảm giác đau âm ỉ hoặc bỏng rát ở vùng bụng trên. Bạn cũng có thể trải qua những triệu chứng khác như: đầy hơi, ợ, cảm thấy khó chịu ở dạ dày khi mới ăn, hoặc cảm thấy buồn nôn, ăn kém hơn bình thường và sụt cân.
Khi có những dấu hiệu ở trên, bạn nên đi khám bác sĩ để được nội soi dạ dày và được chẩn đoán chính xác. Khi đi nội soi, bạn có thể yêu cầu thử H.Pylori, vì rất nhiều người bị viêm dạ dày dương tính với loại vi khuẩn nguy hiểm này.
Xem thêm: Cần chuẩn bị gì trước khi đi nội soi dạ dày, thực quản?
Viêm loét dạ dày nên ăn gì?
Loét dạ dày ngoài việc chữa trị bằng thuốc, nếu người bệnh kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh sẽ giúp bệnh mau khỏi hơn! Dưới đây là một số gợi ý về các loại thức ăn mà người bị viêm loét dạ dày nên ăn.
Chuối
Chuối còn giúp tăng chất nhầy để bảo vệ niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, Trong chuối có chứa thành phần giúp hạn chế sự phát triển của vi khuẩn H. Pylori.
Nước ép cà rốt cũng rất tốt bởi trong cà rốt rất giàu chất beta-carotene có khả năng bảo vệ lớp nhầy bọc niêm mạc. Bạn có thể kết hợp cà rốt và dưa leo, củ cải đường để hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày.
Nghệ và mật ong
Nghệ và mật ong đã được biết đến rất nhiều với công dụng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày. Mật ong có tác dụng kháng khuẩn. Nghệ có tác dụng chống viêm, giảm tiết dịch vị.
Đậu bắp
Đậu bắp chứa nhiều vitamin và dưỡng chất. Đặc biệt chất nhầy trong đậu bắp giúp bảo vệ tốt cho niêm mạc dạ dày, giúp hỗ trợ làm lành các vết viêm loét trong dạ dày.
Tỏi
Tỏi là thực phẩm nổi tiếng giàu chất chống oxy hoá, ngoài ra tỏi cũng giúp thúc đẩy quá trình tiêu hoá, giảm gánh nặng cho dạ dày.
Trà xanh
Các nhà nghiên cứu cho rằng catechin trà, hợp chất chống oxy hóa trong trà, có khả năng chống viêm dạ dày. Bên cạnh đó, trà xanh có tác dụng săn se niêm mạc, làm dịu cơn đau dạ dày.
Sữa chua
Có nhiều ý kiến trái chiều về việc dùng sữa chua ở người bị đau dạ dày. Thực tế là sữa chua không béo có thể giúp ích trong đa số trường hợp. Trong sữa chua có chứa nhiều probiotic, rất có lợi cho vi khuẩn đường ruột, tăng khả năng tiêu hóa. Ngoài ra sữa chua cũng giúp làm lớp đệm trên niêm mạc và giảm kích thích dạ dày. Tuy nhiên, bạn nên ăn với một lượng ít và theo dõi phản ứng của cơ thể khi ăn để điều chỉnh.
Xem thêm: Men tiêu hóa: Bạn dùng sao cho hiệu quả?
Rau lá màu xanh đậm và hạt, ngũ cốc nguyên hạt, và các loại đậu
Chất xơ trong rau và các loại hạt có thể giúp cải thiện tiêu hóa và giảm viêm dạ dày. Trong cải có chứa isothiocyanate sulforaphane, một hợp chất có thể tiêu diệt vi khuẩn H. pylori đã được chứng minh trên mô hình chuột. Ngoài ra, đây cũng là loại rau giàu chất xơ đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Rau lá xanh đậm như cải xoăn, rau bina… chứa nhiều canxi và vitamin B rất tốt cho người bệnh do sự hấp thu kém vitamin trong ruột.
Thực phẩm chứa chất béo và protein lành mạnh
Các nguồn protein tốt cho cơ thể bao gồm thịt động vật cho ăn cỏ, cá đánh bắt tự nhiên và gia cầm chăn nuôi sạch. Một số cá giàu omega-3 như cá hồi, cá mòi… có tác dụng chống viêm.
Xem thêm: Dầu cá Blackmores Omega có thật sự tốt không?
Các chất béo lành mạnh dễ tiêu hơn bao gồm dầu dừa hoặc dầu ô liu, bơ, bơ làm từ sữa bò chăn nuôi hữu cơ,…
Cam thảo – bài thuốc dân gian
Rễ cam thảo chứa một hợp chất đặc biệt gọi là glycyrrhizic, thường được làm bài thuốc dân gian để chữa viêm, loét, trào ngược dạ dày do có tác dụng làm dịu dạ dày và tăng cường khả năng trong đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, hợp chất còn được chứng minh có khả năng chống viêm, chống đái tháo đường, chống oxy hóa, chống khối u, kháng khuẩn và chống virus.
Như vậy là chúng ta đã cùng tìm hiểu viêm loét dạ dày là gì, triệu chứng của bệnh cũng như khi bị loét dạ dày nên ăn gì, hãy ghi nhớ những kiến thức đó để quá trình điều trị bệnh được hiệu quả và dễ dàng hơn nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Stomach Ulcer Diethttps://www.healthline.com/health/stomach-ulcer-diet#what-to-eat
Ngày tham khảo: 18/05/2019
-
Best and Worst Foods for Stomach Ulcershttps://www.webmd.com/digestive-disorders/ss/slideshow-stomach-ulcers-best-worst-foods
Ngày tham khảo: 18/05/2019