Viêm ổ răng khô: Những điều bạn cần biết
Nội dung bài viết
Viêm ổ răng khô là một trong những tình trạng cần được xử trí cấp cứu trong Nha khoa. Tình huống thường gặp là sau khi nhổ răng khôn vài ngày. Người bệnh quay lại với than phiền đau dữ dội kèm hơi thở hôi. Cơn đau thường không giảm nhiều khi uống thuốc giảm đau. Và mùi hôi gây khó chịu, làm người bệnh kém tự tin trong giao tiếp. Đây là một trong những biến chứng sau nhổ răng. Hãy cùng bác sĩ Nguyễn Thiên Phước tìm hiểu về nguyên nhân, xử trí và dự phòng bệnh các bạn nhé.
Thế nào là viêm ổ răng khô?
Viêm ổ răng khô (viêm xương ổ răng) là tình trạng đau xảy ra sau nhổ răng. Đặc biệt những răng nhổ khó, chấn thương mô xung quanh trong lúc nhổ. Ổ nhổ răng lộ xương màu trắng xám, do cục máu đông không hình thành đầy đủ hoặc bị tiêu đi quá sớm. Bệnh thường xuất hiện 2 đến 4 ngày sau nhổ răng.
Xem thêm: 21 vấn đề và bệnh răng miệng thường gặp
Đối tượng nào dễ bị bệnh?
Tỉ lệ viêm ổ răng khô sau nhổ răng khoảng 3 – 5%. Một con số không lớn, tuy vậy đây là biến chứng rất khó chịu. Mặc dù không phải hiếm, nhưng nguyên nhân chính xác hiện nay vẫn chưa được biết rõ ràng. Tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh. Nếu có những yếu tố này, bạn dễ mắc bệnh hơn:
- Giới tính: Nữ có tỉ lệ mắc cao hơn nam. Điều này được giải thích dựa vào sự thay đổi estrogen ở nữ.
- Răng khôn hàm dưới: Tỉ lệ mắc bệnh sau nhổ răng khôn hàm dưới dao động 20 – 30%. Nguyên nhân là do răng khôn thường mọc kẹt, khó nhổ, thường phải tiểu phẫu.
- Người trẻ: Độ tuổi hay gặp phải 20 – 30 tuổi. Đây cũng chính là thời gian răng khôn mọc lên và cần nhổ khi mọc kẹt, lệch.
- Uống thuốc tránh thai: Gây ra sự xáo trộn estrogen, ảnh hưởng đến quá trình tạo cục máu đông.
- Ho, súc miệng quá mạnh: Gây bong tróc cục máu đông.
- Nhiễm trùng: Viêm nha chu, viêm nướu, nhiễm trùng tại chỗ trong miệng làm tăng yếu tố nguy cơ.
Xem thêm: 3 cách điều trị viêm nha chu an toàn, hiệu quả
Các yếu tố khác: Vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá, đái tháo đường…
Chẩn đoán viêm ổ răng khô
Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh thông qua những gì bạn trả lời cùng triệu chứng khi thăm khám và chụp phim X-quang. Người bệnh thường có cảm giác đau dữ dội vài ngày sau nhổ răng. Mặc dù đã uống thuốc giảm đau nhưng không cải thiện đáng kể. Khi quan sát trong miệng, ổ nhổ răng lộ xương, nướu xung quanh đỏ nhẹ. Đặc biệt hơi thở có mùi hôi.
Một số tình trạng khác cũng gây ra triệu chứng tương tự: Nhổ sót chân răng, dị vật, vôi răng rơi vào ổ nhổ răng… Do vậy phim X-quang cần được chụp để loại trừ những tình trạng trên.
Điều trị bệnh viêm ổ răng khô thế nào?
Khi có những dấu hiệu của viêm ổ răng khô, bạn nên đến gặp bác sĩ để được điều trị đúng cách và có những hướng dẫn chăm sóc tại nhà đạt hiệu quả.
Sau khi đưa ra chẩn đoán, bác sĩ sẽ rửa ổ nhổ răng. Một miếng gạc vô trùng, được tẩm chất giảm đau và kháng khuẩn thường được đặt vào. Gạc cần được thay mỗi ngày. Triệu chứng đau, hôi miệng sẽ giảm đi đáng kể sau khi thực hiện những biện pháp trên. Toa thuốc giúp tăng cường thêm hiệu quả điều trị và ngăn nhiễm trùng. Đơn thuốc thường bao gồm kháng sinh, giảm đau và thuốc súc miệng. Thời gian sử dụng thuốc kéo dài trong một tuần đến 10 ngày. Bạn vẫn nên đến tái khám đúng hẹn dù cho triệu chứng giảm đáng kể hay biến mất.
Bác sĩ sẽ hướng dẫn một số biện pháp bạn có thể thực hiện tại nhà. Bạn cần tuân thủ những lời khuyên sau đây:
- Dùng thuốc theo đúng toa đã được kê.
- Súc miệng nhẹ nhàng bằng thuốc súc miệng đã kê hoặc nước muối sinh lý.
- Không hút thuốc, ít nhất cho tới khi dấu hiện đau biến mất.
- Giữ vệ sinh răng miệng sạch sẽ, chải răng nhẹ nhàng xung quanh ổ nhổ răng.
Tránh ho, khạc nhổ mạnh gây bong gạc khỏi ổ xương viêm.
Dự phòng viêm ổ răng khô
Bạn cần có sự chuẩn bị và lên kế hoạch cho việc nhổ răng. Điều này giúp phòng tránh những yếu tố nguy cơ gây viêm xương ổ răng. Một số biện pháp bạn nên thực hiện như:
- Lấy cao răng trước khi nhổ răng: Việc làm sạch miệng giúp hạn chế những yếu tố liên quan đến nhiễm trùng.
- Súc miệng trước nhổ răng bằng thuốc súc miệng kháng khuẩn.
Xem thêm: Nước súc miệng: Những điều cần biết để sử dụng hiệu quả
- Lên kế hoạch nhổ răng ở giữa chu kỳ kinh.
- Nếu uống thuốc tránh thai hàng ngày, nên nhổ răng vào ngày không bổ sung estrogen. (Thường rơi vào ngày 23 – 28 của chu kỳ kinh).
Sau nhổ răng, việc thực hiện lời khuyên từ bác sĩ là rất quan trọng để dự phòng bệnh. Bạn cũng nên tuân thủ một số hướng dẫn sau:
- Không hút thuốc sau nhổ răng, ít nhất cho đến khi ổ nhổ răng đã lành.
- Tránh ăn, uống thức ăn quá nóng trong 2 ngày đầu sau nhổ răng.
- Không nên uống nước qua ống hút, khạc nhổ mạnh.
- Nên nghỉ ngơi, tránh các hoạt động thể lực mạnh, có thể làm bong tróc cục máu đông.
Tóm lại, viêm ổ răng khô là biến chứng đau sau nhổ răng, đặc biệt răng khôn hàm dưới. Bệnh thường xuất hiện 2 đến 4 ngày sau nhổ răng. Đau ổ răng dữ dội, kèm hơi thở hôi là những triệu chứng điển hình của bệnh. Bạn cần lên kế hoạch cho việc nhổ răng để dự phòng bệnh. Điều này sẽ giúp loại trừ một số yếu tố nguy cơ. Giữ vệ sinh răng miệng, đi khám răng định kỳ giúp bảo vệ răng chắc khỏe, phòng tránh việc nhổ răng. Chúc bạn luôn giữ được hàm răng đẹp và sức khỏe răng miệng tốt!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
- Brad Neville, Douglas D. Damm, Carl M. Allen (2002), “Oral and Maxillofacial Pathology”. Saunders. Trang133..
- Babatunde O. Akinbami, Thikan Godspower (2014). “Dry Socket: Incidence, Clinical Features, and Predisposing Factors”. International Journal of Dentistry.
-
Dry Socket: Symptoms, Treatments, Healing Time & Pain Reliefhttps://askthedentist.com/heal-dry-socket/
Ngày tham khảo: 21/05/2020