YouMed

Viêm túi mật và những thông tin quan trọng bạn cần biết

bác sĩ lê dương linh
Tác giả: Bác sĩ Lê Dương Linh
Chuyên khoa: Đa khoa

Viêm túi mật là một bệnh lý về đường tiêu hóa khá phổ biến hiện nay. Tình trạng này nếu không được xử lý kịp thời sẽ đưa đến những biến chứng nguy hiểm. Gây nên hậu quả nặng nề đối với sức khỏe của chúng ta. Nguyên nhân gây nên tình trạng này khá đa dạng. Biết rõ những nguyên nhân gây bệnh sẽ giúp bạn nâng cao ý thức phòng ngừa. Do đó, chúng ta hãy cùng Bác sĩ Lê Dương Linh tìm hiểu thêm một số thông tin về bệnh viêm túi mật qua bài viết sau.

Viêm túi mật là gì?

Trong cơ thể người, túi mật là một cơ quan nhỏ nằm ở dưới gan, có chức năng lưu trữ mật do gan tạo ra và tiết mật vào ruột để hỗ trợ tiêu hóa thức ăn. Viêm túi mật là tình trạng túi mật bị viêm, sưng đỏ và tiết dịch. Tình trạng này được phân chia thành hai loại cấp tính và mạn tính như sau:

  • Thể cấp tính: Viêm nhiễm túi mật xảy ra một cách đột ngột. 
  • Thể mạn tính: Tình trạng túi mật bị viêm với mức độ nhẹ hơn, nhưng diễn ra trong một thời gian khá dài. Tình trạng này thường là kết quả của các đợt túi mật bị viêm cấp tính lặp đi lặp lại nhiều lần mà không được điều trị. Theo thời gian, túi mật sẽ bị tổn thương và dày lên. Về lâu dài, lòng túi mật có xu hướng thu hẹp. Kết cục có thể là teo nhỏ túi mật. Từ đó ảnh hưởng nặng nề đến chức năng lưu trữ và tống xuất dịch mật. 

Nguyên nhân gây viêm túi mật

Theo nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng túi mật bị viêm. Các nguyên nhân bao gồm:

Sỏi túi mật

Viêm túi mật do sỏi là nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm trên 90% tổng số. Có hai nguy cơ chính gây bệnh. Một là khi sỏi di chuyển, sẽ cọ xát làm thành túi mật bị tổn thương. Ngoài ra, sỏi túi mật có thể làm tắc nghẽn các ống dẫn mật, làm dịch mật bị ứ đọng trong túi mật. Điều này khiến các hoạt chất hoặc vi khuẩn có trong dịch mật bị tích tụ có thể làm túi mật bị viêm. 

Xem thêm: Bệnh sỏi túi mật có nguy hiểm không và câu trả lời từ bác sĩ

Phân biệt túi mật bình thường và túi mật bị viêm do sỏi túi mật gây ra
Phân biệt túi mật bình thường và túi mật bị viêm do sỏi túi mật gây ra

Nhiễm trùng

Một nguyên nhân phổ biến tiếp theo là do nhiễm trùng. Những tác nhân gây nhiễm trùng thường gặp gồm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Trong đó vi khuẩn đường ruột là tác nhân vi khuẩn cần chú ý nhất. Con đường xâm nhập gây viêm nhiễm của nhóm này khá đa dạng như:

  • Chúng có thể đi ngược dòng từ ruột non vào túi mật.
  • Con đường thứ hai là theo giun khi có tình trạng giun chui ống mật.
  • Một con đường khác là vi khuẩn theo đường máu, đường bạch huyết đến túi mật gây viêm. 
Vi khuẩn từ ruột non đi nhầm vào đường mật có thể gây ra viêm túi mật
Vi khuẩn từ ruột non đi nhầm vào đường mật có thể gây ra viêm túi mật

Khối u chèn ép

Một nguyên nhân khác hiếm gặp hơn là do khối u chèn ép đường dẫn mật từ bên ngoài đè vào hoặc trong lòng ống dẫn mật. Chính sự đè ép từ khối u làm tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật, gia tăng nguy cơ nhiễm trùng. 

Người cao tuổi có nguy cơ mắc viêm túi mật

Bệnh lý này ở người cao tuổi có thể do chế độ ăn quá nhiều chất béo. Điều này gia tăng đáng kể nguy cơ mắc phải tình trạng túi mật viêm.

Viêm túi mật có nguy hiểm không?

Nếu không được điều trị kịp thời, căn bệnh trên có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, gây nên những hậu quả nặng nề. Dưới đây là những biến chứng phổ biến nếu không được can thiệp kịp thời.

  • Túi mật căng to: Trong trường hợp viêm xảy ra do tích tụ mật, túi mật có thể căng ra và sưng lên vượt quá kích thước bình thường của nó. Điều này sẽ gây ra tình trạng đau đớn và gia tăng nguy cơ thủng túi mật, nhiễm khuẩn túi mật và hoại tử túi mật.
  • Hoại tử túi mật: Nếu tình trạng viêm không được điều trị kịp thời, các mô túi mật có thể bị chết. Hậu quả là nứt vỡ và gây thủng túi mật.
  • Thủng túi mật: Thủng túi mật có thể xảy ra do túi mật căng to quá mức hoặc hoại tử túi mật.
  • Nhiễm trùng: Khi túi mật bị thủng, những chất độc và vi khuẩn ứ đọng trong dịch mật có thể lan tràn vào máu và những cơ quan khác. Gây nên nhiễm trùng huyết hay còn gọi là nhiễm trùng máu.
  • Ung thư túi mật: Tình trạng viêm mạn tính của túi mật là một trong những nguy cơ dẫn tới ung thư túi mật.

Nhận biết dấu hiệu viêm túi mật

Khi mắc phải tình trạng túi mật bị viêm, các triệu chứng thường gặp là đau bụng, sốt, và vàng da. Đây là 3 triệu chứng rất điển hình trong căn bệnh này, gọi là tam chứng Charcot. Tuy nhiên, ở người cao tuổi, các triệu chứng đau và sốt có thể không rõ ràng do các phản xạ của cơ thể đã bị suy yếu. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:

  • Đau vùng hạ sườn phải xuyên ra sau lưng hay lan lên vai phải. Một số ít bệnh nhân có thể bị đau vùng thượng vị. Nên rất dễ nhầm lẫn với cơn đau dạ dày – tá tràng. Cơn đau sẽ tăng lên khi ăn uống do đường mật bị kích thích nhiều.
  • Sốt xuất hiện sau các cơn đau bụng khoảng từ 6-12 giờ, đôi khi có thể sớm hơn, kèm theo rét run và vã mồ hôi. Sau đó, người bệnh có thể hết sốt hoặc còn sốt nhẹ.
  • Tình trạng vàng da, vàng mắt, lưỡi, lòng bàn tay, và bàn chân xuất hiện sau 2 triệu chứng đau bụng và sốt. Mức độ vàng da nhiều hay ít tương ứng với mức độ tắc nghẽn dịch mật. 
  • Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị rối loạn tiêu hóa (chán ăn, buồn nôn và nôn)…
Vàng da có thể là một dấu hiệu của tình trạng viêm túi mật
Vàng da có thể là một dấu hiệu của tình trạng viêm túi mật

Để chẩn đoán xác định được bệnh, cần thêm các xét nghiệm máu (bạch cầu tăng, bilirubin tăng) và chẩn đoán hình ảnh. Siêu âm gan mật sẽ thấy túi mật to, có thể thấy được hình ảnh sỏi, xác của giun nằm trong ống mật hoặc túi u. Các trường hợp siêu âm cho kết quả bình thường nhưng lâm sàng vẫn nghi ngờ thì có thể sử dụng CT scanner để hỗ trợ chẩn đoán.

Cách điều trị và phòng ngừa viêm túi mật

Các phương pháp điều trị

Nâng đỡ tổng trạng

Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, truyền dịch để nuôi dưỡng và cân bằng nước cùng chất điện giải

Giảm đau

Bệnh nhân có thể sử dụng các thuốc giảm đau, giãn cơ trơn như thuốc nos-pa hay sparmaverin. Tuy nhiên không nên lạm dụng thuốc giảm đau mà cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ.

Kháng sinh

Tùy theo tình trạng cụ thể, bác sĩ sẽ cho chỉ định dùng kháng sinh phù hợp:

  • Nhóm imidazol: Hiện nay các kháng sinh thường dùng trong nhóm này gồm có metronidazol, ornidazol và thuốc tinidazol.
  • Nhóm quinolon thế hệ 2, ciprofloxacin hoặc peflacin: Nhóm kháng sinh quinolon được xem là lựa chọn đầu tay hiện nay. Chúng đảm bảo được hiệu quả cao trong điều trị đồng thời giá thành dễ tiếp cận với người dân. 
  • Phối hợp kháng sinh: Phương án này thường được xem xét khi tình trạng viêm đã nặng nề. Lúc này, kháng sinh đường tĩnh mạch (đường tiêm) sẽ cho kết quả tốt hơn thuốc uống. 

Mổ cấp cứu

Chỉ định mổ cấp cứu chỉ được xem xét trong các trường hợp sau:

  • Tình trạng bệnh quá nặng mà không cải thiện với kháng sinh. 
  • Phát sinh các biến chứng nguy hiểm: Hoại tử túi mật, thấm mật phúc mạc hay viêm phúc mạc mật. 

Xem thêm: Viêm phúc mạc: Một tình trạng cấp cứu thường gặp

Phương pháp mổ túi mật được ưa chuộng hiện này là mổ nội soi. Tuy nhiên, quyết định mổ hở hay nội soi vẫn phải dựa vào tình trạng cụ thể và chỉ định của bác sĩ điều trị.

Làm thế nào để phòng ngừa tình trạng viêm túi mật?

Để phòng ngừa tình trạng này, bạn cần lưu ý thực hiện theo những lời khuyên sau đây.

Chế độ ăn hạn chế đạm và chất béo từ động vật

Hàng ngày, chỉ nên tiêu thụ một lần thịt trắng, hạn chế ăn thịt đỏ, hạn chế ăn mỡ, lòng động vật. Nên tiêu thụ đạm thực vật (đậu, đỗ) dưới dạng nghiền nát, ninh nhừ. Người lớn tuổi hay có tình trạng nhạt miệng, bỏ bữa. Tuy nhiên nên hạn chế thói quen này để ngăn ngừa viêm túi mật.

Xem thêm: 12 nguồn đạm thực vật (protein thực vật) có lợi cho sức khỏe

Các loại thực phẩm giàu đạm thực vật giúp dễ tiêu hóa ngăn ngừa tình trạng túi mật bị viêm
Các loại thực phẩm giàu đạm thực vật giúp dễ tiêu hóa ngăn ngừa tình trạng túi mật bị viêm

Xây dựng và duy trì thói quen tập thể dục thể thao

Cần tập thể dục đều đặn để cải thiện sức bền và kiểm soát cân nặng. Nếu béo phì hoặc tăng cân cần giảm một cách từ từ. Béo phì là một trong các yếu tố quan trọng để đánh giá khả năng có sỏi túi mật. Vốn là một trong các nguyên nhân có thể gây nên tình trạng túi mật viêm.

Khám bệnh thường xuyên

Người khỏe mạnh nên khám bệnh định kỳ 6 tháng một lần. Từ đó giúp phát hiện sớm những bất thường sức khỏe nói chung nếu có. Tẩy giun định kỳ cho trẻ em và người lớn cũng là một biện pháp ngăn ngừa hiệu quả. 

Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phát hiện và ngăn ngừa bệnh viêm túi mật cũng như các bệnh lý khác
Khám sức khỏe định kỳ giúp bạn phát hiện và ngăn ngừa bệnh viêm túi mật cũng như các bệnh lý khác

Qua bài viết trên của Bác sĩ Lê Dương Linh, hi vọng các bạn đã có thêm những thông tin cần thiết về dấu hiệu của bệnh viêm túi mật. Đồng thời, biết rõ sự nguy hiểm của căn bệnh này để tiếp cận điều trị càng sớm càng tốt. Nên duy trì thói quen tập luyện để kiểm soát cân nặng. Cũng như xây dựng một chế độ ăn lành mạnh. Đó là những cách phòng ngừa hiệu quả đối với căn bệnh này. Nếu các bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc nào cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Ung thư Viêm túi mật và những nguy biếnhttps://suckhoedoisong.vn/viem-tui-mat-va-nhung-nguy-bien-169175543.htm

    Ngày tham khảo: 12/08/2021

  2. Viêm túi mật có nguy hiểm?https://suckhoedoisong.vn/viem-tui-mat-co-nguy-hiem-169145960.htm

    Ngày tham khảo: 12/08/2021

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người