YouMed

Có những xét nghiệm bệnh dại nào? Cần lưu ý gì khi đi xét nghiệm chẩn đoán dại?

Bác sĩ PHAN VĂN GIÁO
Tác giả: Bác sĩ Phan Văn Giáo
Chuyên khoa: Ngoại tổng quát

Bệnh dại là một bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Bệnh có thể lây từ các loài động vật sang con người thông qua nước bọt, vết cào xước hay vết cắn. Xét nghiệm virus dại có thể được chỉ định để chẩn đoán chính xác bạn có mắc bệnh dại hay không. Từ đó có những phương phá điều trị kịp thời, tránh gây nguy hiểm đến tính mạng. Hãy cùng Bác sĩ Phan Văn Giáo tìm hiểu về xét nghiệm bệnh dại qua bài viết sau.

Bệnh dại là gì?

Bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt bị nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Đôi khi có thể bị nhiễm qua đường tiếp xúc như hít phải khí dung hoặc ghép tổ chức mới bị nhiễm virus dại. Khi đã lên cơn, kể cả động vật và người đều dẫn đến tử vong.1

Ở Việt Nam, virus dại ở chó chiếm 96 – 97%, mèo: 3 – 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc…).1

Bệnh dại tiến triển theo hai giai đoạn:1

  • Giai đoạn tiền triệu chứng: thường 1 – 4 ngày. Biểu hiện cảm giác sợ hãi, đau đầu, sốt, mệt mỏi, khó chịu, tê và đau tại vết thương nơi virus xâm nhập.
  • Giai đoạn viêm não: kéo dài từ 2 – 6 ngày. Thường biểu hiện mất ngủ, tăng cảm giác kích thích như sợ ánh sáng, tiếng động và gió nhẹ. Ngoài ra, còn có rối loạn hệ thần kinh thực vật như giãn đồng tử, tăng tiết nước bọt, vã mồ hôi, hạ huyết áp.
Ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96 - 97%
Ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96 – 97%

Cách xử trí khi bị các động vật mắc bệnh dại cắn

Người bị chó, mèo cắn cần phải xử lý vết thương lập tức. Rửa thật sạch với nước xà phòng, sát khuẩn bằng cồn iod để chống bội nhiễm. Mục đích giảm tối đa số lượng virus dại xâm nhập vào người,… Sau đó đến trung tâm y tế gần nhất để được bác sĩ tư vấn về liệu trình điều trị dự phòng.2

Đối với chó nuôi có đăng ký đã được tiêm phòng dại hàng năm, cần theo dõi con vật trong vòng 14 ngày.2

Đối với chó, mèo không tiêm phòng dại, khi nghi mắc bệnh mà đã cắn, cào người thì phải nhốt theo dõi trong 90 ngày. Trong trường hợp chưa cắn, cào người thì phải tiêu hủy.2

Tầm quan trọng của việc xét nghiệm bệnh dại

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh dại phổ biến trên toàn thế giới. Mỗi năm có trên 10 triệu người bị súc vật dại hoặc nghi dại cắn phải đi điều trị dự phòng bằng vắc xin dại. Có khoảng 60.000 – 70.000 người bị chết do bệnh dại.1

Bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh trên trái đất (99,9%).3 Do đó, bạn phải xét nghiệm bệnh dại nếu bạn nghĩ rằng bạn đã tiếp xúc với một con vật mắc bệnh dại.

Thời kỳ toàn phát có 3 thể lâm sàng:

  • Thể co giật: hay gặp nhất, dấu hiệu đặc trưng nhất là sợ nước, gió. Bệnh nhân thường chết đột ngột do co thắt các cơ hô hấp.
  • Thể liệt: khởi đầu là liệt nhẹ một bên, hai bên, toàn thân (hội chứng Landry). Hoặc liệt các cơ hô hấp dẫn đến tử vong.
  • Thể mất trí: tiến triển thường nguy hiểm.

Xét nghiệm virus dại ở người như thế nào?

Việc chẩn đoán bệnh dại dựa vào các triệu chứng lâm sàng. Đặc biệt là chứng sợ nước, gió hoặc ánh sáng với các yếu tố dịch tễ học có liên quan.

Về việc chẩn đoán vi sinh vật bệnh dại ở người bị động vật cắn, người ta ít thực hiện bởi vì việc lấy bệnh phẩm rất khó khăn. Mặc khác nó cũng không có ý nghĩa trong điều trị. Chẩn đoán thường được tiến hành chủ yếu ở các động vật nghi bị dại cắn người.

Không có một xét nghiệm duy nhất nào được xem là đủ để chẩn đoán bệnh dại ở người còn sống. Nhưng một số xét nghiệm sau đây có thể được thực hiện trong một số trường hợp.

Xét nghiệm máu

Bạn có thể được chỉ định lấy mẫu máu để tiến hành xét nghiệm máu. Thủ thuật lấy máu khá đơn giản và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, bạn có thể bị đau, nhiễm trùng ở nơi lấy máu. Nếu gặp phải trường hợp này, bạn nên thông báo cho bác sĩ để được tư vấn.

Kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu thường tăng cao, tăng tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính.

Bên cạnh đó, xét nghiệm máu còn có thể nhằm mục đích xác định kháng thể kháng dại đã xuất hiện trong cơ thể hay chưa.

Xét nghiệm máu là phương pháp thường được áp dụng

Chọc dò thắt lưng xét nghiệm dịch não tủy4

Chọc dò thắt lưng, hay chọc dò cột sống, chọc dò dịch não tủy là một thủ thuật y tế. Qua đó bác sĩ sẽ lấy mẫu dịch não tủy (CSF) từ ống sống thắt lưng. Sau đó gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để tiến hành phân tích.

Cách thức thực hiện

  • Người bệnh được yêu cầu nằm nghiêng trên một chiếc ghế dài với tư thế đầu gối kéo sát lên ngực. Đôi khi, người bệnh cũng có thể được yêu cầu ngồi và cúi người về phía trước.
  • Sau đó, kĩ thuật viên sẽ sát trùng vùng thắt lưng và gây tê cục bộ cho một vùng da nhỏ nằm giữa hai đốt sống thắt lưng.
  • Sau khi gây tê, kỹ thuật viên sẽ dùng một cây kim đẩy qua da và các mô giữa hai đốt sống, đi vào khoang dịch não tủy. Hầu hết mọi người sẽ không cảm thấy đau vì đã được gây tê trước đó, nhưng có thể cảm thấy lực đẩy của kim. Đôi khi, một số người sẽ có cảm giác chói ở lưng hoặc chân khi kim được đẩy qua.
  • Sau đó, dịch não tủy sẽ chảy ra từ kim chọc dò và được lấy làm mẫu để phân tích.

Thủ thuật chọc dò dịch não tủy có thể diễn ra trong khoảng 15 phút. Sau khi thực hiện, một số người có thể bị đau đầu. Nên nằm nghỉ ngơi ngay sau khi thủ thuật hoàn tất. Cố gắng nghỉ ngơi, thư giãn trong vòng 24 giờ tiếp theo.

Một số rủi ro hiếm gặp bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, hoặc bị đau ở vùng kim chọc dò đẩy qua. Trong trường hợp này, bạn nên liên hệ bác sĩ xét nghiệm để được tư vấn.

Sinh thiết da4

Đây là một xét nghiệm đôi khi có thể được chỉ định để chẩn đoán bệnh dại. Việc sinh thiết da được thực hiện như sau:

  • Kỹ thuật viên sẽ gây tê cục bộ vùng da gáy của bạn.
  • Sau đó, họ sẽ lấy một mẫu da nhỏ ở gáy.
  • Tiến hành kiểm tra mẫu để tìm protein của virus dại.

Một số xét nghiệm khác4

Bác sĩ có thể tiến hành lấy mẫu nước bọt và huyết thanh (phần chất lỏng còn lại của máu sau khi đông) để tìm các kháng thể đối với virus dại. Tuy nhiên, việc kiểm tra huyết thanh không có giá trị trong chẩn đoán.

Xét nghiệm hình ảnh4

Bên cạnh các xét nghiệm trên, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn thực hiện một số chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT-scan).

Trước khi thực hiện các xét nghiệm này, bạn có thể được tiêm một loại thuốc nhuộm (còn gọi là chất cản quang), giúp hình ảnh xét nghiệm rõ ràng hơn.

Mặc dù thuốc nhuộm rất an toàn, nhưng một số người có thể bị dị ứng khi tiêm vào. Hơn nữa, thuốc nhuộm có thể gây hại cho người có vấn đề về thận. Vì vậy, bạn cần thông báo trước cho bác sĩ nếu bản thân đang có bất kỳ vấn đề nào về thận, hoặc đang dùng thuốc điều trị tiểu đường metformin.

Để chụp MRI, bác sĩ có thể yêu cầu bạn không ăn uống trước đó từ 4 – 6 giờ. Bên cạnh đó, bạn sẽ không được mang bất kỳ đồ vật bằng kim loại nào vào phòng chụp.

Các xét nghiệm hình ảnh có thể cho kết quả bình thường, hoặc có một số bất thường, nhưng không đặc hiệu.

Các xét nghiệm được thực hiện trong phòng thí nghiệm

Xét nghiệm mô bệnh học

Bệnh phẩm là não của động vật nghi bị dại. Tìm các hạt vùi trong bào tương của tế bào thần kinh, gọi là tiểu thể Negri, nhưng có 10-15% không tìm thấy tiểu thể Negri.

Tìm kháng nguyên virus

Phương pháp miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (IFA) cho phép tìm ra các kháng nguyên virus dại trong vài giờ (các hạt vùi bắt màu huỳnh quang trong bào tương) ở trong các tế bào thần kinh, nhất là ở tiểu não. Đây là phương pháp tốt nhất để phát hiện virus dại.

Phương pháp IFA có thể thực hiện trên các mẫu nước bọt, huyết thanh, dịch não tủy và sinh thiết da gáy,… để tìm kháng nguyên virus dại.

Phân lập virus

Phân lập virus bằng cách tiêm truyền chất nghiền não hoặc nước bọt vào não chuột nhắt con. Sau đó phát hiện các kháng nguyên virus dại trong các tế bào não chuột bị chết bằng phương pháp miễn dịch huỳnh quang. Người ta còn thường phân lập virus trong các nuôi cấy tế bào.

Người ta có thể xác định virus dại trong các mẫu nước bọt, huyết thanh, dịch não tủy, hay sinh thiết da,… bằng phương pháp phân lập virus.

Ngoài ra, ngày nay phản ứng PCR hoặc phản ứng RT-PCR có thể giúp phát hiện được ARN của virus dại.1

Xét nghiệm bệnh dại ở động vật như thế nào?

Bệnh dại ở động vật không dễ dàng chẩn đoán bằng xét nghiệm máu. Để chính xác 100%, xét nghiệm yêu cầu sinh thiết mô não, vì vậy phải thực hiện trên động vật đã chết.

Điều trị bệnh dại như thế nào?

Phân loại độ nặng vết thương:5

  • Độ I: Sờ súc vật hay bị chúng liếm trên vùng da lành: Không điều trị nếu có được bệnh sử đáng tin cậy.
  • Độ II: Vết cào, vết cắn làm trầy xước nhỏ, không chảy máu: Chỉ dùng vaccin.
  • Độ III: Vết cắn sâu xuyên qua da gây chảy máu hoặc bị súc vật liếm lên vết thương hở: Dùng huyết thanh kháng dại và vaccin.

Vaccin dại: có 2 loại vaccin phòng dại gồm Verorab (Pháp) và Abhayrab (Ấn Độ).6

Sử dụng vaccin trong điều trị bệnh dại
Sử dụng vaccin trong điều trị bệnh dại

Tiêm phòng, xét nghiệm chó dại cắn ở đâu? Chi phí bao nhiêu?

Bệnh dại rất phổ biến ở Việt Nam, vì vậy hầu hết các cơ sở y tế trên toàn quốc đều có vaccin tiêm phòng dại. Xét nghiệm bệnh dại ít được áp dụng, chủ yếu sẽ được bác sĩ chỉ định khi có các dấu hiệu lâm sàng hoặc trong các trường hợp nguy cơ cao. Để thực hiện tiêm phòng, xét nghiệm bệnh dại, người bệnh cần đến những địa chỉ uy tín để đảm bảo hiệu quả.

Trong bài viết Xét nghiệm chó dại cắn ở đâu? Chi phí xét nghiệm bệnh dại là bao nhiêu? YouMed đã trình bày chi tiết các tiêu chí để đánh giá mức độ uy tín của cơ sở y tế, kèm theo bảng giá xét nghiệm và giá các vaccin hiện hành. Bạn đọc có thể tham khảo bài viết trên để đưa ra lựa chọn phù hợp nhé!

Hi vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về xét nghiệm bệnh dại. Từ đó, giúp bạn có cái nhìn tổng quan và hướng xử trí phù hợp khi chẳng may bị động vật cắn.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bệnh dạihttps://vncdc.gov.vn/benh-dai-nd14503.html#:~:text=%2D%20B%E1%BB%87nh%20d%E1%BA%A1i%20l%C3%A0%20b%E1%BB%87nh%20nhi%E1%BB%85m,b%E1%BB%8B%20nhi%E1%BB%85m%20vi%20r%C3%BAt%20d%E1%BA%A1i

    Ngày tham khảo: 17/11/2022

  2. Xử trí khi bị chó, mèo dại cắn, cào https://vinhhung.thuathienhue.gov.vn/?gd=8&cn=28&tc=977

    Ngày tham khảo: 17/11/2022

  3. What Is Rabies?https://www.webmd.com/a-to-z-guides/what-is-rabies

    Ngày tham khảo: 17/11/2022

  4. How Rabies Is Diagnosedhttps://www.verywellhealth.com/how-rabies-is-diagnosed-4164513

    Ngày tham khảo: 17/11/2022

  5. Bệnh dạihttp://www.pasteurhcm.gov.vn/article/benh-dai-93.html

    Ngày tham khảo: 17/11/2022

  6. Bệnh dạihttps://vnvc.vn/benh-dai/

    Ngày tham khảo: 17/11/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người