Xét nghiệm GGT là gì? Đối tượng cần xét nghiệm và lưu ý
Hậu COVID-19 là tình trạng phổ biến ở những người có tiền sử nhiễm virus SARS-CoV-2. Tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy hiện nay, rất nhiều người đã thực hiện gói khám hậu COVID để kiểm tra sức khỏe. Các gói khám hậu COVID-19 có từ cơ bản, nâng cao đến chuyên sâu. Tùy đối tượng mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm ở từng gói cụ thể. Thạc sĩ, Bác sĩ Vũ Thành Đô (Chuyên khoa Tim – Thận – Khớp – Nội tiết) sẽ đề cập đến xét nghiệm GGT trong bài viết dưới đây. Đây là một trong các xét nghiệm thuộc gói chuyên sâu nhằm đánh giá tình trạng tổn thương tế bào gan.
Nội dung bài viết
Xét nghiệm GGT là gì?
GGT là gì?
GGT (Gamma-glutamyl transpeptidase) là một enzim được tìm thấy trong tế bào gan và tế bào biểu mô đường mật. Ngoài ra cũng có thể tìm thấy ở thận, túi tinh, tụy, lá lách, tim và não. GGT có vai trò xúc tác vận chuyển nhóm gamma – glutamyl từ các axit amin như glutathione tới chất khác (có thể là axit amin khác, peptide…) trong cơ thể. Một lượng lớn GGT có ở thận và chỉ có một lượng ít ở gan và tim. Do đó, chỉ một xét nghiệm GGT đơn độc không nói lên sự tổn thương ở gan. Mà cần phải kết hợp với các thông số khác.1 2
Xét nghiệm GGT trong máu
Các bác sĩ sử dụng xét nghiệm GGT để chẩn đoán các vấn đề về gan. Chỉ định GGT nếu nghi ngờ tổn thương gan, ống dẫn mật, nghiện rượu mãn tính hoặc một số bệnh về xương. Vì khi có tổn thương ở các cơ quan này, GGT có thể được phóng thích ra ngoại vi và đo được nồng độ trong máu.3
Tuy nhiên, GGT không thể chẩn đoán nguyên nhân cụ thể gây ra tổn thương gan. Do đó, bác sĩ thường yêu cầu các xét nghiệm máu khác về gan, chẳng hạn như xét nghiệm phosphatase kiềm (ALP), xét nghiệm ALT, xét nghiệm AST phản ánh tình trạng chức năng gan.
Đối tượng cần thực hiện xét nghiệm GGT
Đối tượng cần xét nghiệm GGT trong máu là:3
- Người đang sử dụng các loại thuốc có khả năng gây độc cho gan.
- Người có các triệu chứng của bệnh gan.
- Người cần theo dõi việc điều trị khi mắc chứng rối loạn sử dụng rượu.
Ngoài ra bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm này như một bài test sàng lọc khi bạn khám sức khỏe định kỳ hoặc chỉ định cho những bệnh nhân thực hiện gói khám hậu COVID chuyên sâu. Bởi lẽ những người đã từng mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ bị tổn thương gan. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, một vài bệnh nhân nhập viện vì COVID-19 có nồng độ men gan tăng – chẳng hạn như alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST). Điều này có nghĩa là gan của một người bệnh ít nhiều sẽ bị tổn thương trong suốt quá trình mắc COVID.4
Ngoài ra, các nghiên cứu chỉ ra rằng những người mắc bệnh gan từ trước (bệnh gan mãn tính, xơ gan hoặc các biến chứng liên quan) được chẩn đoán với COVID-19 có nguy cơ tử vong cao hơn những người không mắc bệnh gan trước đó.4
Chính vì vậy, khi thực hiện khám hậu COVID, các bác sĩ sẽ chỉ định cho bạn thực hiện các xét nghiệm liên quan đến gan, trong đó có xét nghiệm GGT, nếu thấy cần thiết.
Quy trình xét nghiệm GGT
Chuẩn bị trước xét nghiệm3
Thông thường, không cần bất kỳ sự chuẩn bị đặc biệt nào cho xét nghiệm GGT. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh nhịn ăn ít nhất 8 giờ trước đó. GGT là một xét nghiệm rất nhạy và có thể cho kết quả không chính xác nếu bạn dùng một số loại thuốc hoặc uống rượu. Do đó, bác sĩ có thể yêu cầu không uống rượu và ngưng sử dụng thuốc 24 giờ trước khi thực hiện.
Trong khi xét nghiệm
Nhân viên y kế có chuyên môn sẽ sử dụng kim tiêm tiệt trùng để lấy mẫu máu và gửi đi xét nghiệm. Vị trí lấy máu thường là máu tĩnh mạch ở cánh tay.
Sau khi xét nghiệm
Nếu không có chỉ định gì khác, bạn có thể ra về ngay sau khi xét nghiệm. Bạn có thể hoạt động và sinh hoạt bình thường ngay sau đó. Nhưng nếu bạn thấy đau, chảy máu hoặc sưng nề chỗ tiêm, bạn có thể đến cơ sở y tế để được xử trí.
Kết quả xét nghiệm GGT
Khoảng giá trị bình thường
Khoảng giá trị bình thường của GGT ở người lớn và trẻ em là 0 – 30 IU/L. Trẻ sơ sinh có nồng độ GGT cao hơn đáng kể ngay sau khi sinh.5
Ở Việt Nam, khoảng tham chiếu sẽ khác nhau tùy theo từng phòng xét nghiệm. Nhưng thường nằm trong khoảng:1
- Nam: 8 – 61 IUL.
- Nữ: 5 – 36 IU/L.
Kết quả nồng độ GGT máu tăng cao6
Xét nghiệm GGT tăng cao có thể nói lên tình trạng gan có đang bị tổn thương hay không. Nhưng nó không thể hiện nguyên nhân cụ thể. Nhìn chung, mức GGT càng cao thì tổn thương gan càng lớn.
Một số điều kiện có thể làm tăng GGT bao gồm:
- Lạm dụng rượu.
- Viêm gan siêu vi mãn tính.
- Thiếu lưu lượng máu đến gan.
- Có khối u ở gan.
- Xơ gan.
- Lạm dụng một số loại thuốc hoặc chất độc khác.
- Suy tim.
- Bệnh tiểu đường.
- Viêm tụy cấp.
- Bệnh gan nhiễm mỡ.
GGT thường được xét nghiệm cùng với alkaline phosphatase (ALP). Nếu GGT và ALP đều tăng cao, có thể bạn gặp tình trạng tắc nghẽn ở đường mật. Nếu GGT bình thường và ALP tăng cao, điều này có thể do bệnh lý về xương.
Những lưu ý khi xét nghiệm GGT
Nhìn chung, xét nghiệm máu là một thủ thuật an toàn và không có nhiều lưu ý đặc biệt. Tuy nhiên một số người có thể bị bầm tím tại chỗ đâm kim sau khi lấy máu. Đôi khi, có thể cảm thấy lo lắng trong quá trình kiểm tra, khiến bạn bị choáng váng hoặc ngất. Mặc dù điều này có thể đáng sợ, nhưng nó không phải một phản ứng nghiêm trọng. Ngoài ra, bác sĩ có thể yêu cầu bạn nhịn ăn hoặc ngưng sử dụng một số loại thuốc trong 24 giờ trước khi thực hiện xét nghiệm.
Bạn cần tìm hiểu thêm thông tin về xét nghiệm GGT? Chat ngay với dược sĩ YouMed để được tư vấn hoàn toàn miễn phí:
Xét nghiệm GGT đánh giá chức năng gan ở đâu?
Xét nghiệm GGT máu là một xét nghiệm cơ bản. Vì vậy, hầu hết các cơ sở y tế đều có thể thực hiện loại xét nghiệm này. Bạn có thể tham khảo các cơ sở uy tín tùy vào khu vực sinh sống dưới đây.
- BV Nhân Dân Gia Định: 1 Nơ Trang Long, P7, Quận Bình Thạnh, TP.HCM.
- BV Đại học Y Dược TP.HCM: 217 Hồng Bàng, Q5, TP.HCM.
- BV Chợ Rẫy: 201B Nguyễn Chí Thanh, P12, Q5, TP.HCM.
- BV Bình Dân: 371 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TP.HCM.
- BV Nhân dân 115: 527 Sư Vạn Hạnh, Phường 12, Quận 10, TP.HCM.
Xét nghiệm GGT cũng thuộc gói khám hậu covid. Bạn có thể liên hệ các cơ sở y tế uy tín có thực hiện khám hậu COVID để được thực hiện xét nghiệm này.
Hiện nay, YouMed có cung cấp dịch vụ gói khám hậu COVID-19 với mục tiêu mang đến sự an tâm và hài lòng cao nhất cho khách hàng:
- Đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm, vững chuyên môn, tư vấn tận tâm.
- Công nghệ xét nghiệm tiên tiến với trang thiết bị đạt chuẩn quốc tế.
- Quy trình xét nghiệm an toàn, nhanh chóng và chuẩn xác.
- Chi phí hợp lý, báo giá rõ ràng.
- Không gian thân thiện, phòng xét nghiệm đạt chuẩn an toàn sinh học cấp II.
Ngoài ra, YouMed còn có đội ngũ dược sĩ tư vấn miễn phí và giải đáp mọi thắc mắc của khách hàng.
Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã hiểu hơn về xét nghiệm đo nồng độ GGT cũng như ý nghĩa của kết quả xét nghiệm. Nếu có thắc mắc, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Ts.Bs Nguyễn Minh Hà (2018). Hóa sinh Lâm Sàng. Bộ môn Hóa sinh Y học phân tử trường ĐHYK Phạm Ngọc Thạch. Tr 224 - 225
Ngày tham khảo: 27/04/2022 -
Gamma-Glutamyl Transpeptidase
https://www.sciencedirect.com/topics/biochemistry-genetics-and-molecular-biology/gamma-glutamyl-transpeptidase
Ngày tham khảo: 27/04/2022 -
What to know about the GGT test
https://www.medicalnewstoday.com/articles/325199
Ngày tham khảo: 27/04/2022 -
COVID-19 and Chronic Liver Disease
https://www.webmd.com/lung/coronavirus-liver-disease
Ngày tham khảo: 27/04/2022 -
Liver Function Tests
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482489/
Ngày tham khảo: 27/04/2022 -
Gamma-Glutamyl Transpeptidase (GGT) Test
https://www.healthline.com/health/gamma-glutamyl-transpeptidase#results
Ngày tham khảo: 27/04/2022