Các xét nghiệm chẩn đoán sởi được sử dụng hiện nay
Nội dung bài viết
Sởi là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm. Vì thế, việc phát hiện bệnh sởi kịp thời là vô cùng cần thiết. Vậy các xét nghiệm chẩn đoán sởi được sử dụng hiện nay là gì? Hãy tìm hiểu vấn đề trên qua bài viết sau đây của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh nhé!
Những điều cơ bản về bệnh sởi
Bệnh sởi là một bệnh nhiễm trùng ở trẻ em do virus gây ra. Bệnh sởi lây lan dễ dàng và có thể nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong cho trẻ nhỏ. Năm 2018, ghi nhận 140.000 ca tử vong do sởi, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi.1 Hiện nay, tỷ lệ tử vong do sởi đang có xu hướng giảm trên toàn thế giới khi nhiều trẻ em được tiêm vắc-xin sởi.
Các cách chẩn đoán bệnh sởi
Chẩn đoán lâm sàng
Các triệu chứng bệnh sởi xuất hiện khoảng 10 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc với virus. Các dấu hiệu của bệnh sởi thường bao gồm: sốt, ho khan, sổ mũi, đau họng, mắt bị viêm (viêm kết mạc), nổi đốm trắng nhỏ với tâm màu trắng trên nền đỏ được tìm thấy bên trong miệng, niêm mạc má – còn được gọi là đốm Koplik, phát ban da tạo thành từ các đốm lớn, phẳng. Những giai đoạn của bệnh bao gồm: 2
- Lây nhiễm và ủ bệnh. Trong 10 đến 14 ngày đầu tiên sau khi nhiễm bệnh, virus sởi lây lan trong cơ thể. Không có dấu hiệu hoặc triệu chứng của bệnh sởi trong thời gian này.
- Các dấu hiệu và triệu chứng không đặc hiệu. Bệnh sởi thường bắt đầu với sốt nhẹ đến trung bình, thường kèm theo ho dai dẳng, sổ mũi, viêm mắt (viêm kết mạc) và đau họng. Bệnh tương đối nhẹ này có thể kéo dài từ 2 đến 3 ngày.
- Bệnh cấp tính và phát ban. Phát ban được tạo thành từ các đốm nhỏ màu đỏ, một số hơi nổi gồ lên. Các đốm mọc thành cụm dày khiến da có màu đỏ lốm đốm. Trong vài ngày tiếp theo, phát ban lan xuống cánh tay, ngực và lưng, rồi đến đùi, cẳng chân và bàn chân.
- Giai đoạn hồi phục. Phát ban sởi có thể kéo dài khoảng 7 ngày. Ban nhạt dần đầu tiên ở mặt và cuối cùng ở đùi và bàn chân. Khi các triệu chứng khác của bệnh biến mất, ho và da sẫm màu hoặc bong tróc nơi phát ban có thể kéo dài khoảng 10 ngày.
Chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm
1. Xét Nghiệm Measles IgM
Độ nhạy của xét nghiệm sởi IgM dao động từ 82,8% đến 88,6%. Trong khi đó, độ đặc hiệu dao động từ 86,6% đến 99,6%.3 Xét nghiệm IgM cho kết quả dương tính có nghĩa là bạn đang nhiễm bệnh hoặc đã nhiễm bệnh.
Đây là xét nghiệm dùng mẫu máu làm mẫu thử. Thời gian lấy mẫu nên được thực hiện trong khoảng từ 3 đến 28 ngày sau khi phát ban để phát hiện IgM một cách hiệu quả. Kết quả có thể có sau 2 đến 4 giờ sau khi lấy mẫu xét nghiệm hoặc hơn tuỳ theo cơ sở xét nghiệm.3
IgM có thể dương tính đến 1 tháng ở những người chưa được chủng ngừa. Tuy nhiên, bất kể thời gian thu thập, những người được tiêm chủng có thể không phát hiện được IgM.4
2. Xét nghiệm Measles IgG
Kháng thể IgG xuất hiện sau vài ngày khi IgM xuất hiện, đạt đỉnh cao nhất khoảng 10 đến 30 ngày sau phát ban và tồn tại lâu sau nhiễm trùng. Kết quả dương tính phản ánh tình trạng đang nhiễm hoặc đã nhiễm bệnh.4
Mẫu xét nghiệm là khoảng 2mL máu. Mẫu xét nghiệm có thể lấy sau khi bị nhiễm. Bên cạnh đó, có thể lấy mẫu 2 lần để đối chiếu.
Cụ thể, xét nghiệm lần 1 có thể được thực hiện ngay sau khi khởi phát, lúc bệnh nhân được khám, lý tưởng nhất là 4-5 ngày sau khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Nếu kết quả xét nghiệm lần đầu không rõ ràng thì lặp lại xét nghiệm sau 2 tuần để thấy rõ sự gia tăng của hiệu giá kháng thể. Nồng độ kháng thể so với lần 1 tăng ít nhất 4 lần có giá trị chẩn đoán.4
3. Xét nghiệm Measles PCR
Xét nghiệm RT-PCR có thể sử dụng mẫu bệnh phẩm mũi họng, nước tiểu. Xét nghiệm hiệu quả nhất khi mẫu bệnh phẩm được lấy trong vòng 3 ngày đầu tiên sau khi phát ban. Tuy nhiên, RT–PCR có thể cho kết quả tương đối chính xác trong thời gian 10-14 ngày sau khi phát ban.5
Chẩn đoán phân biệt
Bệnh sởi thường bị nhầm lẫn với một số bệnh khác do dấu hiệu có phần tương tự. Một số bệnh có thể kể đến dưới đây:
- Rubella: Phát ban thường xuất hiện đầu tiên trên mặt và sau đó lan ra các phần còn lại của cơ thể và kéo dài khoảng 3 ngày. Các triệu chứng khác có thể xảy ra từ 1 đến 5 ngày trước khi phát ban bao gồm: sốt nhẹ, đau đầu, kết mạc mắt xung huyết nhẹ, mệt mỏi, hạch bạch huyết sưng và to, ho, sổ mũi.6
- EV71 hay còn biết đến là tay chân miệng. Bệnh thường biểu hiện với nổi bóng nước ở tay, chân, miệng, mông, khuỷu tay.
Bên cạnh việc chẩn đoán phân biệt qua biểu hiện lâm sàng, bác sĩ cũng có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm phân biệt khác:
- Xét nghiệm chẩn đoán phân biệt với bệnh rubella: xét nghiệm kháng thể rubella IgM hoặc IgG thông qua 3 phương pháp là Elisa, Abbott, Cobas.
- Xét nghiệm chẩn đoán phân biệt với nhiễm Enterovirus type 71 (EV71): xét nghiệm RT-PCR EV71.
- Xét nghiệm chẩn đoán phân biệt với bệnh do Mycoplasma pneumoniae: test huyết thanh Mycoplasma pneumoniae IgA, IgG, IgM.
- Xét nghiệm chẩn đoán phân biệt với nhiễm virus Epstein-Barr (EBV): phương pháp xác định tải lượng EBV DNA trong máu bằng phương pháp RT-PCR.
Lưu ý khi thực hiện xét nghiệm chẩn đoán sởi
Khi xét nghiệm chẩn đoán sởi, người bệnh không cần nhịn ăn và uống. Trước khi xét nghiệm chẩn đoán sởi, bạn cần cho bác sĩ biết những thông tin sau:
- Bất kỳ triệu chứng nào đang gặp phải.
- Tiền sử du lịch gần đây.
- Tất cả các loại thuốc, vitamin hoặc chất bổ sung mà bạn hoặc con bạn đang dùng.
Trong khi xét nghiệm, bạn cần lưu ý hạ sốt, uống nhiều nước và cách ly với người khác.
Sởi là bệnh với biểu hiện sốt, ho khan, sổ mũi, đau họng, mắt bị viêm (viêm kết mạc) và nốt Koplik. Ngoài chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ còn có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sởi. Có thể kể đến như: xét nghiệm Measles IgM, Measles IgG, Measles PCR. Xét nghiệm sởi nên được thực hiện 3 đến 28 ngày sau khi phát ban.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Measleshttps://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/measles
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Measleshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/measles/symptoms-causes/syc-20374857
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Performance of Indirect Immunoglobulin M (IgM) Serology Tests and IgM Capture Assays for Laboratory Diagnosis of Measleshttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC86030/
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
MEASLES LABORATORY TESTING FAQShttps://www.nj.gov/health/cd/measles/documents/measles_lab_testing_faq.pdf
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Measles - Specimen Collection, Storage, and Shipmenthttps://www.cdc.gov/rubella/about/symptoms.html
Ngày tham khảo: 16/04/2023
-
Rubella (German Measles, Three-Day Measles) - Signs and Symptomshttps://www.cdc.gov/rubella/about/symptoms.html
Ngày tham khảo: 16/04/2023