YouMed

Xét nghiệm LH là gì? Chỉ số LH bao nhiêu là bình thường?

bác sĩ nguyễn lâm giang
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Lâm Giang
Chuyên khoa: Nội tổng quát

Xét nghiệm LH là một xét nghiệm được bác sĩ chỉ định để theo dõi sức khỏe sinh sản ở nữ giới. Xét nghiệm LH được thực hiện với mục đích kiểm tra nồng độ hormone này trong cơ thể. Từ kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận vấn đề bạn đang mắc phải như: suy buồng trứng, bệnh liên quan đến tinh hoàn, tuyến yên hay vùng dưới đồi,… Bài viết trên sẽ cung cấp cho bạn các thông tin cơ bản về xét nghiệm hormone LH. 

Hormone LH là gì?

LH (Luteinizing hormone) là một chất hóa học trong cơ thể người, kích hoạt các quá trình quan trọng trong hệ thống sinh sản. Hormone này tạo ra sự thay đổi trong cơ quan sinh dục (tinh hoàn, buồng trứng), cho phép hệ thống sinh sản hoạt động bình thường. LH thúc đẩy quá trình rụng trứng và giúp sản xuất hormone cần thiết để mang thai. Nó được tiết ra từ tuyến yên trong não.

xét nghiệm LH
Hormone LH kích thích quá trình rụng trứng trong chu kỳ kinh nguyệt

Ở nữ giới, LH kích thích rụng trứng vào khoản tuần thứ hai của mỗi chu kỳ kinh nguyệt; tạo ra progesterone (một hormone cần thiết trong giai đoạn đầu của thai kỳ). Khi phụ nữ trải qua tiền mãn kinh thì mức LH tăng lên khi mức độ estrogen và progesterone. Ở nam giới, LH kích thích tinh hoàn tạo ra testosterone – hormone sản xuất tinh trùng.

Khi nào cần xét nghiệm LH?

Xét nghiệm LH dùng để kiểm tra lượng LH trong máu của bạn. Đôi khi, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm thêm các xét nghiệm khác để đảm bảo kết quả chính xác.

Bạn được xét nghiệm kiểm tra nồng độ LH trong quá trình điều trị vô sinh hoặc xác định vấn đề trên tuyến yên. Các triệu chứng khi tuyến yên bị rối loạn bao gồm:

  • Mệt mỏi.
  • Giảm cân không rõ nguyên nhân.
  • Chán ăn.

Riêng với phụ nữ, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm LH khi bạn gặp các vấn đề sau:

Nếu bạn muốn có con, bác sĩ làm xét nghiệm này nhiều lần để xác định thời điểm cơ thể rụng trứng. Từ đó cho biết thời điểm bạn có thể mang thai cao nhất trong tháng.

Đối với nam giới, bạn có thể cần xét nghiệm LH trong các trường hợp như:

  • Giảm ham muốn tình dục.
  • Mức testosterone thấp.
  • Khối lượng cơ bắp thấp.
  • Thừa cân.
  • Cực kỳ mệt mỏi.
  • Râu kém phát triển.

Ngoài ra, một số trẻ em cũng cần làm xét nghiệm LH nếu bé dậy thì sớm hoặc dậy thì muộn ở nam hoặc nữ. Các biểu hiện dậy thì sớm hơn bình thường bao gồm: hành kinh sớm, sự phát triển vú ở bé gái, lông mu xuất hiện, sự phát triển dương vật và tinh hoàn ở bé nam.

Quy trình xét nghiệm LH

Bạn không cần chuẩn bị bất kỳ điều gì trước khu xét nghiệm LH. Kỹ thuật viên y tế sẽ tiến hành lấy máu từ tĩnh mạch cánh tay của bạn thông qua các bước cơ bản sau:

  • Dùng cồn y tế để sát trùng vị trí lấy máu.
  • Quấn miếng gạc để tĩnh mạch máu nổi lên nhiều hơn và giúp việc lấy máu dễ dàng hơn.
  • Dùng kim tiêm để hút một lượng máu nhỏ. Mẫu máu đó được cho vào ống nghiệm có nắp đậy.
  • Sau khi rút kim tiêm ra, bác sĩ sẽ dùng cồn y tế và bông gòn để cầm máu cho bạn.
  • Cuối cùng, mẫu máu được đưa đến phòng thí nghiệm để bác sĩ tiến hành phân tích.

Kết quả xét nghiệm hormone LH

Bạn sẽ nhận được kết quả xét nghiệm LH sau khoảng 1 ngày. Chỉ số LH bình thường khác nhau tùy thuộc vào giới tính và độ tuổi. Đối với phụ nữ, mức độ LH bình thường là 5 (IU/L) đến 25 (IU/L) trước mãn kinh và 14,2 (IU/L) đến 52,3 (IU/L) sau mãn kinh. Nồng độ hormone này càng cao khi phụ nữ bước vào giữa chu kỳ kinh nguyệt.1

Ở nam giới, chỉ số LH bình thường nằm trong khoảng 1,8 (IU/L) đến 8,6 (IU/L). Mức LH thường thấp ở trẻ em.1

xét nghiệm LH
Mức độ LH ở trẻ em thường rất thấp và tăng lên ở tuổi dậy thì

Khi kết quả xét nghiệm LH cao bất thường, bạn có thể đang gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Mỗi đối tượng sẽ có các vấn đề khác nhau.

Đối với phụ nữ

Nồng độ LH trong máu cao ở phụ nữ chính là dấu hiệu của bệnh suy buồng trứng nguyên phát. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như:

  • Rối loạn chuyển hóa, rối loạn di truyền (Hội chứng Turner, bệnh Addison).
  • Số lượng nang trứng thấp.
  • Đã từng trải qua hóa trị hoặc xạ trị.
  • Từng tiếp xúc với chất độc như hóa chất, thuốc trừ sâu hoặc khói thuốc lá.

Bên cạnh đó, mức LH thấp có thể cảnh báo cho tình trạng suy buồng trứng thứ phát. Một vấn đề bắt nguồn từ vùng hạ đồi hay thùy trước tuyến yên của bạn.

Đối với nam giới

Nồng độ LH cao ở nam giới là dấu hiệu của tinh hoàn bị tổn thương, đặc biệt là chứng suy tinh hoàn nguyên phát. Đây là bệnh không phổ biến, một số nguyên nhân có thể gây ra bệnh như: béo phì; tinh hoàn không to khi sinh; mắc một số bệnh tinh hoàn (quai bị, ung thư tinh hoàn, xoắn tinh hoàn); bệnh di truyền, xơ nang; dùng một số loại thuốc (như hóa trị liệu hoặc thuốc giảm đau opioid); dùng cần sa thường xuyên. Ngoài ra, mức LH cao còn do tinh hoàn bị thương hoặc chấn động.

Bên cạnh đó, mức độ LH thấp là do các vấn đề xảy ra ở tuyến yên hoặc vùng dưới đồi.

Ở trẻ em

Phần lớn trẻ em đang bước sang tuổi dậy thì sẽ có nồng độ LH cao. Nhưng nếu độ tuổi của trẻ nhỏ hơn 8 tuổi (bé gái) và 9 tuổi (bé trai) thì đây chính là dấu hiệu của các bệnh như chấn thương não hay rối loạn hệ thống thần kinh trung ương.

Nếu một đứa trẻ có nồng độ LH thấp, rất có thể bé dậy thì muộn. Các nguyên nhân dẫn đến dậy thì trễ bao gồm:

  • Rối loạn ăn uống.
  • Rối loạn buồng trứng hoặc tinh hoàn.
  • Mắc một số rối loạn di truyền như hội chứng Turner ở trẻ em gái hoặc hội chứng Klinefelter ở trẻ em trai.
  • Thiếu hụt hormone.
  • Nhiễm trùng.
xét nghiệm LH
Nhiễm trùng cũng khiến mức độ LH tăng cao ở trẻ em

Những lưu ý khi thực hiện xét nghiệm LH

Khi thực hiện xét nghiệm LH, bạn không cần chuẩn bị trước điều gì cả. Trong quá trình lấy máu, bạn có thể trải qua một số vấn đề như: chảy máu, bầm tím, cảm thấy hơi choáng. Một số người sợ kim tiêm có thể bị ngất xỉu. Tuy nhiên đây là những trường hợp hiếm gặp và bạn không cần quá lo lắng.

Xét nghiệm LH ở đâu?

Xét nghiệm LH khá đơn giản nên nhiều bệnh viện trên toàn quốc có thể thực hiện được. Những bạn ở tỉnh có thể đến bệnh viện đa khoa tại địa phương để tiến hành xét nghiệm. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo các bệnh viện lớn sau:

  • Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM: Địa chỉ 215 Hồng Bàng, Phường 12, quận 5, TP.HCM.
  • Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Địa chỉ số 1 Tôn Thất Tùng, phường Kim Liên, quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Bệnh viện Bạch Mai: Địa chỉ số 78 đường Giải Phóng, quận Đống Đa, Hà Nội.
  • Bệnh viện Chợ Rẫy: Địa chỉ 201B đường Nguyễn Chí Thanh, phường 12, quận 5, TP.HCM.
  • Bệnh viện Trung ương Quân đội 108: Địa chỉ số 1 Trần Hưng Đạo, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
  • Trung tâm xét nghiệm Diag: Địa chỉ 420 đường Cao Thắng, phường 12, quận 10, TP.HCM.

Trên đây là những thông tin về xét nghiệm LH bao gồm: định nghĩa, thời điểm thực hiện và những lưu ý cần thiết. Khi thấy cơ thể có dấu hiệu bất thường, bạn cần liên hệ với bác sĩ để được thăm khám và chỉ định những xét nghiệm phù hợp.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Luteinizing Hormone (LH) Testhttps://www.webmd.com/a-to-z-guides/luteinizing-hormone-test

    Ngày tham khảo: 20/06/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người