Tiểu đường và những biến chứng nguy hiểm
Nội dung bài viết
Đái tháo đường là kẻ giết người thầm lặng. Với những biến chứng khó lường, nó được coi là một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất hiện nay. Nếu không được phát hiện và kiểm soát tốt, bệnh sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong. Bài viết sau đây sẽ cung cấp các thông tin về các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường. Từ đó cho thấy tầm quan trọng của việc kiểm soát đường huyết.
Định nghĩa về bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh mãn tính, biểu hiện qua việc lượng đường trong máu luôn cao. Bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa insulin. Insulin là hormon có vai trò kiểm soát, giữ đường huyết ở mức cân bằng. Người bị bệnh tiểu đường mất đi khả năng sử dụng hoặc sản xuất đủ lượng insulin.
Các loại bệnh tiểu đường?
Bệnh tiểu đường có ba loại chính, gồm có tiểu đường tuýp 1, tiểu đường tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ.
1. Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) tuýp 1
Nguyên nhân của bệnh tiểu đường tuýp 1 là do rối loạn tự miễn. Khi đó hệ thống miễn dịch của cơ thể thay vì tiêu diệt các yếu tố bên ngoài, lại đi tấn công tế bào tuyến tụy. Tuỵ là cơ quan sản xuất insulin trong cơ thể chúng ta. Điều này sẽ gây ra sự thiếu hụt insulin, dẫn đến tăng lượng đường trong máu.
2. Bệnh tiểu đường (đái tháo đường) tuýp 2
Đây là loại tiểu đường phổ biến nhất, chiếm 90% đến 95% tổng số bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường. Tiểu đường tuýp 2 còn có tên khác là tiểu đường không phụ thuộc insulin. Bệnh thường xuất hiện ở tuổi trưởng thành, ở những người béo phì, ít vận động.
Người bệnh tiểu đường tuýp 2 vẫn có thể tiết insulin. Nhưng do cơ thể đề kháng với insulin của chính mình, làm cho tế bào không sử dụng được đường trong máu.
3. Các loại khác
- Tiểu đường thai kỳ là một loại tiểu đường gặp ở phụ nữ mang thai. Bệnh thường biến mất sau khi chuyển dạ. Tuy nhiên, trẻ em có mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ cao sẽ bị tiểu đường khi trưởng thành.
- Các loại tiểu đường khác như tiểu đường di truyền, tiểu đường thứ phát do phẫu thuật, thuốc, suy dinh dưỡng, nhiễm trùng hoặc khi mắc các bệnh khác…
Bệnh tiểu đường là bệnh mãn tính, có thể kiểm soát bằng việc sử dụng thuốc và kiểm tra đường huyết thường xuyên. Tuy nhiên, nếu không được kiểm soát tốt, bệnh sẽ tiến triển nặng và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Xem thêm: Hướng dẫn mẹ bầu khi đi khám Tiểu đường thai kỳ
Các biến chứng của bệnh tiểu đường và cách phòng tránh
Biến chứng tiểu đường được chia làm 2 loại: mãn tính và cấp tính.
1. Biến chứng mãn tính
Là những biến chứng sinh ra do hậu quả của việc đường huyết tăng cao trong thời gian dài. Dẫn đến việc chuyển hóa đường bị rối loạn, làm suy giảm chức năng của các cơ quan khác trong cơ thể.
Các cơ quan thường xảy ra biến chứng mãn tính:
2. Biến chứng về thần kinh
Đây là biến chứng xuất hiện sớm nhất và thường gặp nhất của bệnh tiểu đường. Triệu chứng bao gồm cảm giác đau, tê, mất cảm giác nóng ở chân, nhịp tim và nhịp thở bất ổn định, hay tiết mồ hôi… Biến chứng nguy hiểm nhất là “bàn chân đái tháo đường”. Hậu quả dễ dẫn đến việc chân bị hoại tử, cắt cụt chi.
Để phòng tránh, ngoài việc kiểm soát đường huyết luôn ổn định, bạn cần vệ sinh và chăm sóc bàn chân đúng cách mỗi ngày. Theo dõi các dấu hiệu tê, nóng ở bàn chân, bàn tay để kịp thời khám và chữa trị.
3. Biến chứng trên mắt
Tình trạng đường huyết cao kéo dài khiến hệ thống mao mạch ở đáy mắt bị tổn thương. Dần dần, thị lực của người mắc tiểu đường bị suy giảm hoặc tệ hơn có thể dẫn đến mù lòa. Ngoài ra, những nguy cơ về mắt như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp… cũng cao hơn so với người bình thường.
Cách phòng tránh hiệu quả nhất là kiểm soát tốt đường huyết. Nên có một chế độ ăn uống dinh dưỡng cân bằng và luyện tập thể thao điều độ. Bên cạnh đó, người bệnh tiểu đường nên đi khám mắt định kỳ, tối thiểu một năm một lần. Trong trường hợp cảm thấy mắt đột nhiên bị mờ hoặc đau nhức, bạn nên đi khám ngay để kiểm soát tình trạng cơ thể của mình.
4. Biến chứng về tim mạch
Bệnh đái tháo đường có ảnh hưởng đến động mạch, đòi hỏi tim phải hoạt động dưới cường độ cao để đảm bảo lưu thông máu. Các biến chứng về tim mạch như cao huyết áp, tăng mỡ trong máu, xơ vữa động mạch là kết quả khó tránh khỏi sau khi bị tiểu đường một thời gian dài.
Để phòng ngừa tiến triển bệnh, bạn cần kiểm soát tốt các chỉ số của cơ thể, bao gồm đường huyết, mỡ trong máu và huyết áp. Bên cạnh đó, việc kết hợp chế độ dinh dưỡng khoa học với tập thể dục đều đặn cũng góp phần ngăn chặn biến chứng của bệnh.
5. Biến chứng về thận
Lượng đường trong máu cao có thể gây tổn thương đến vi mạch máu, trong đó có cả mạch máu nuôi thận. Do đó làm suy giảm chức năng lọc của thận. Nếu nặng hơn có thể dẫn đến suy thận.
Làm sao để có thể phòng tránh?
Bên cạnh kiểm soát đường huyết và huyết áp, bạn cần một chế độ ăn ít muối, ít đạm, ít mỡ để giảm áp lực cho thận. Xét nghiệm nước tiểu là một trong những xét nghiệm quan trọng để theo dõi chức năng thận.
6. Biến chứng nhiễm trùng
Đường là môi trường thuận lợi để vi khuẩn phát triển. Tình trạng đường huyết cao thường xuyên làm cơ thể dễ bị nhiễm trùng và suy yếu hệ miễn dịch.
Cách phòng tránh:
Ngoài việc giữ đường huyết ổn định, người bệnh cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Đặc biệt là ở những vùng dễ nhiễm khuẩn như răng miệng, vùng kín hoặc tiết niệu. Lưu ý các dấu hiệu của nhiễm trùng như sốt, vết thương lâu lành, tiểu buốt và có máu… Nếu thấy xuất hiện, bạn nên đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
7. Biến chứng cấp tính
Đây là những biến chứng xảy ra nhanh, đột ngột và nguy hiểm. Nếu không được xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là khi lượng đường trong máu giảm đột ngột dưới ngưỡng cho phép (khoảng 3.6 mmol/l). Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hạ đường huyết:
- Uống quá liều thuốc điều trị (thuốc hạ đường huyết) hoặc tiêm quá liều insulin.
- Ăn uống quá ít hoặc uống thuốc trước khi chưa ăn.
- Tập thể dục quá sức dẫn đến mệt mỏi.
- Uống nhiều rượu, bia.
Dấu hiệu của hạ đường huyết khá dễ nhận biết. Điển hình là đói cồn cào, mệt mỏi, chóng mặt, chân tay bủn rủn, vã mồ hôi lạnh, choáng váng, tim đập nhanh. Nặng hơn có thể ngất xỉu.
- Cần làm gì khi gặp tình trạng này?
Khi gặp dấu hiệu hạ đường huyết nhẹ hoặc trung bình, bạn nên nhanh chóng bổ sung đường (nước đường, kẹo ngọt). Kiểm tra đường huyết sau 15 phút.
Nếu bị hạ đường huyết nặng (chóng mặt, ngất xỉu), người bệnh nên được đưa đi cấp cứu ngay để điều trị kịp thời.
Hôn mê
Nếu đường huyết quá cao, bạn có thể bị hôn mê đột ngột. Khi gặp biến chứng này, cần phải được cấp cứu ngay lập tức.
Bệnh tiểu đường là căn bệnh mãn tính, tiềm tàng nhiều biến chứng nguy hiểm. Người bệnh cần phải thường xuyên theo dõi tình trạng bệnh, kiểm soát đường huyết kết hợp lối sống lành mạnh, để ngăn chặn bệnh tiến triển nặng hơn.
Xem thêm: Người tiểu đường nên ăn gì để ổn định đường huyết?