YouMed

Nguyên nhân viêm tai giữa và cách phòng ngừa

BS Nguyễn Trần Bảo Nghi
Tác giả: Bác sĩ Nguyễn Trần Bảo Nghi
Chuyên khoa: Tai - Mũi - Họng

Viêm tai giữa là một bệnh lý làm cho nhiều người lầm tưởng là bệnh ít nghiêm trọng. Tuy nhiên nó có thể để lại di chứng suốt đời. Viêm tai giữa có thể phòng ngừa bằng một số cách đơn giản. Các nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa bệnh lý bệnh lý viêm tai giữa sẽ được trình bày cụ thể hơn trong bài viết của Bác sĩ Nguyễn Trần Bảo Nghi qua bài viết dưới đây.

Viêm tai giữa là gì?

Viêm tai giữa là thuật ngữ nói chung chỉ bệnh lý viêm ở niêm mạc tai giữa. Viêm tai giữa được chia thành ba thể bệnh và nguyên nhân viêm tai giữa chủ yếu là do yếu tố rối loạn chức năng vòi nhĩ và nhiễm trùng ngược dòng từ vòm mũi họng.

Tai giữa bình thường và tai giữa bị viêm
Tai giữa bình thường và tai giữa bị viêm

Nguyên nhân viêm tai giữa

Viêm tai giữa được chia thành ba thể bệnh tuỳ thuộc vào tính chất và thời gian bệnh gồm viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa mạn tính và viêm tai giữa thanh dịch (viêm tai giữa có mủ).1

Nguyên nhân chính và chung nhất của các thể viêm tai giữa là do rối loạn chức năng vòi nhĩ dẫn đến giảm hoặc mất khả năng dẫn lưu dịch từ tai giữa xuống hầu mũi gây tụ dịch trong tai giữa. Vi khuẩn và virus có thể phát triển ở môi trường dịch ứ đọng trong tai giữa dẫn đến tình trạng viêm của tai giữa.1

Nguyên nhân viêm tai giữa cấp

Các yếu tố vi sinh vật, giải phẫu, môi trường kết hợp với cơ chế bảo vệ khoang tai giữa bị thay đổi dẫn đến sự viêm nhiễm trong niêm mạc tai giữa. Tình trạng viêm tai giữa tái phát nhiều lần hiện nay được cho là có liên quan với các yếu tố di truyền.2

Cấu tạo vòi nhĩ người lớn và trẻ em
Cấu tạo vòi nhĩ người lớn và trẻ em

1. Viêm vòm mũi họng

Nguyên nhân chính của viêm tai giữa cấp tính là viêm vòm mũi họng, quá trình viêm vào tai bằng con đường vòi Eustache là chủ yếu, ít khi viêm nhiễm xâm nhập bằng đường máu hoặc đường bạch huyết. Viêm tai giữa cấp thường xảy ra sau khởi phát một đợt nhiễm trùng đường hô hấp trên ở trẻ em. Virus làm giảm khả năng bảo vệ và thanh thải của vòi Eustache làm các tác nhân gây bệnh dễ dàng đi vào tai giữa.3 Ở trẻ em, cấu tạo vòi Eustache ngắn hơn và nằm ngang hơn nên trẻ em dễ bị viêm tai giữa cấp hơn người lớn.

2. Tác nhân virus hoặc vi khuẩn

Viêm tai giữa có thể được gây ra bởi cả tác nhân virus (siêu vi) hoặc vi khuẩn.2 Các loại virus phổ biến nhất thường liên quan đến viêm tai giữa cấp khác nhau giữa các nghiên cứu, nhưng tần suất giảm dần bao gồm: virus hợp bào hô hấp (virus RSV), virus cúm A (influenza A virus), virus á cúm (parainfluenza virus), rhinovirus ở người và adenovirus.

Các tác nhân vi khuẩn thường gặp khác là Haemophilus influenza, Moraxella catarrhalisStreptococcus nhóm A (liên cầu khuẩn nhóm A). Tuy nhiên, vi khuẩn đường ruột gram âm và Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) cũng có thể gây bệnh.1

Đồng nhiễm virus và vi khuẩn trong viêm tai giữa cấp có thể chiếm đến 2/3 trường hợp viêm tai giữa cấp đã xác định do virus. Các nghiên cứu lâm sàng cũng chỉ ra đây là nguyên nhân quan trọng tại sao viêm tai giữa cấp đồng nhiễm virus và vi khuẩn kém đáp ứng điều trị với kháng sinh hơn khi so sánh với viêm tai giữa cấp chỉ cho tác nhân vi khuẩn.2

3. Rách màng nhĩ do chấn thương

Thủng màng nhĩ do chấn thương cũng là một nguyên nhân gây viêm tai giữa cấp tính.1

Viêm tai giữa thanh dịch1

Viêm tai giữa thanh dịch hay viêm tai giữa ứ dịch là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa kèm theo sự có mặt của tiết dịch trong khoang tai giữa. Các nguyên nhân gây viêm tai giữa thanh dịch gồm:

1. Tắc vòi nhĩ

Tắc vòi nhĩ dẫn đến mất không khí trong hòm nhĩ do đó áp lực âm tính, vì vậy dịch trong trường hợp này là dịch thấm vô khuẩn. Tuy nhiên nếu tình trạng kéo dài, kèm theo tình trạng nhiễm trùng ngược từ vòm mũi họng, dịch trong hòm nhĩ sẽ trở thành dịch nhiễm khuẩn.

2. Viêm do vi khuẩn

40% các trường hợp viêm tai giữa ứ dịch có sự hiện diện của vi khuẩn trong khoang tai giữa. Cũng giống viêm tai giữa cấp, các vi khuẩn thường gặp trong viêm tai giữa ứ dịch là Staphylococcus pneumoniae, Hemophylus influenzaeDisphteroides.

3. Viêm do virus

Phổ biến là nhóm adenovirus: virus á cúm type 1,2,3, herpes, adeno-virus, coxsaki b4,…

4. Viêm do dị ứng

Mặc dù còn nhiều tranh cãi nhưng cũng đã có một số nghiên cứu chỉ ra mối liên quan giữa một số bệnh lý dị ứng như viêm mũi dị ứng, hen suyễnchàm da với viêm tai giữa thanh dịch.

5. Bất thường sọ mặt

Viêm tai giữa thanh dịch xảy ra ở gần như tất cả trẻ sơ sinh và trẻ em có khe hở vòm và phẫu thuật sửa khe hở vòm dường như không làm giảm tỷ lệ mắc ở nhóm trẻ này.

6. Trào ngược dạ dày thực quản

Mặc dù vai trò của trào ngược dạ dày thực quản trong bệnh sinh của viêm tai giữa thanh dịch còn chưa rõ nhưng người ta cho rằng, khi nuốt, dịch dạ dày có thể trào ngược từ vùng mũi họng qua vòi Eustachian (vòi nhĩ) vào tai giữa.

Viêm tai giữa mạn tính

Viêm tai giữa (VTG) mạn tính được định nghĩa là tình trạng viêm niêm mạc tai giữa kéo dài trên 12 tuần, không đáp ứng với điều trị nội khoa, màng nhĩ bị thủng, chảy dịch tai, phù nề niêm mạc trong tai giữa và xương chũm.1

1. Tác nhân vi khuẩn

Phổ vi khuẩn gây bệnh viêm tai giữa mạn tính thường khác với phổ vi khuẩn gây viêm tai giữa cấp tính. Pseudomonas aeruginosaStaphylococcus aureus là những tác nhân gây bệnh phổ biến. Sự khác biệt này là do lỗ thủng màng nhĩ tồn tại tạo sự thông thương với tai ngoài và hệ vi khuẩn của tai ngoài có thể xâm nhập vào khoang tai giữa. Nấm và vi khuẩn kị khí có thể cùng tồn tại với vi khuẩn. Ngoài ra, cũng nên loại trừ lao trên bệnh nhân có viêm tai giữa mạn tính chảy dịch tai kéo dài.

2. Yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ góp phần gây nên viêm tai giữa mạn tính:1

  • Viêm mũi họng, viêm mũi xoang tái đi tái lại.
  • Viêm tai giữa cấp tái đi tái lại.
  • Cấu trúc xương chũm loại có thông bào nhiều.
  • Viêm tai giữa do các loại vi khuẩn có độc lực cao nhất là Streptococcus hemolytique, Pneumococcus mucosus,…
  • Trẻ em bị suy dinh dưỡng, người lớn bị suy nhược cơ thể.

Yếu tố nguy cơ của viêm tai giữa

Nhóm nguy cơ do bản thân người bệnh2

  • Tuổi tác: trẻ em thường bị viêm tai giữa cấp và viêm tai giữa thanh dịch hơn người lớn, gặp nhiều ở lứa tuổi 6 đến 12 tháng hay trẻ từ 4 đến 5 tuổi do cấu trúc vòi nhĩ, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện hay lúc thay đổi môi trường (bắt đầu đi học, kết bạn,…)
  • Giới tính: tỉ lệ mắc bệnh ở giới nam có cao hơn nhẹ so với giới nữ.
  • Trẻ sinh non.
  • Tình trạng dị ứng.
  • Suy giảm miễn dịch.
  • Yếu tố về gen.
  • Các bất thường sọ mặt bẩm sinh như sứt môi, chẻ vòm hay ở trẻ mắc hội chứng bất thường di truyền như hội chứng Down, hội chứng Turner.
  • Viêm amidan quá phát, viêm VA quá phát.
  • Trào ngược dạ dày thực quản.

Về nhóm nguy cơ do môi trường1 3

  • Tần suất viêm tai giữa thường gia tăng vào mùa đông và thấp nhất vào mùa hè.
  • Thuốc lá.
  • Trẻ em < 12 tháng được bú sữa mẹ là một trong những yếu tố giúp làm giảm viêm tai giữa.
  • Tình trạng kinh tế xã hội. Đối với những người sinh sống trong môi trường ô nhiễm hay vệ sinh kém, tình trạng kinh tế khó khăn có thể làm gia tăng khả năng mắc viêm tai giữa.
  • Núm vú giả gây gia tăng nguy cơ viêm tai giữa ở trẻ > 11 tháng tuổi.
  • Ở người lớn, viêm tai giữa thanh dịch một bên có thể là biểu hiện của tình trạng có một khối choán chỗ ở vùng vòm hầu.

Triệu chứng viêm tai giữa

Tuỳ thuộc vào độ tuổi mắc bệnh, thể bệnh, mức độ bệnh mà người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau với mức độ khác nhau nhưng nhìn chung người bị viêm tai giữa sẽ có các triệu chứng thường gặp sau đây:3

Các triệu chứng ở tai:

Triệu chứng toàn thân như: sốt, đau bụng, tiêu chảy,… thường gặp trong viêm tai giữa cấp tính và ở trẻ em

Các triệu chứng của viêm nhiễm đường hô hấp trên trước đó: chảy mũi, nghẹt mũi, đau nặng mặt, ho, hắt xì, chảy nước mắt, đỏ mắt,…

Triệu chứng thường gặp trong viêm tai giữa
Triệu chứng thường gặp trong viêm tai giữa

Cách phòng ngừa viêm tai giữa

Bệnh lý viêm tai giữa có thể được phòng ngừa bằng các biện pháp sau:1

  • Điều trị đầy đủ bệnh lý tai mũi họng như, tránh để tái phát: bệnh viêm mũi xoang, viêm VA,…
  • Cách ly nguồn bệnh với trẻ nhỏ và người có cơ địa suy giảm miễn dịch.
  • Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá.
  • Người hút thuốc lá cần ngừng hút thuốc lá.
  • Đeo khẩu trang cho trẻ khi đến những nơi công cộng, hay nơi có tiếp xúc nhiều người như bệnh viện, bến xe,…
  • Rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh, cũng như trước và sau khi ăn.
  • Tăng cường hệ miễn dịch và nâng cao thể trạng cho trẻ bằng dinh dưỡng hợp lý và đầy đủ, bổ sung vitamin và khoáng chất.
  • Không nên cho trẻ cai sữa mẹ quá sớm trước 12 tháng.
  • Thực hiện tiêm chủng vắc-xin để phòng ngừa các bệnh như cúm, phế cầu… có thể dẫn đến bệnh lý viêm nhiễm vùng mũi họng
  • Khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm tai giữa cần khám và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ Tai Mũi Họng, điều trị đầy đủ, tránh để diễn tiến viêm tai giữa tái phát hoặc diễn tiến mạn tính.

Điều trị viêm tai giữa

Tuỳ thuộc vào thể bệnh, mức độ bệnh và thời gian bệnh mà sẽ có các biện pháp điều trị khác nhau.

1. Điều trị viêm tai giữa cấp3

Điều trị viêm tai giữa cấp chưa có biến chứng thông thường điều trị kháng sinh và giảm các triệu chứng khó chịu là đủ.

Khuyến cáo

Các trường hợp khuyến cáo nên sử dụng kháng sinh là:

  • Trẻ < 6 tháng tuổi.
  • Trẻ < 2 tuổi với nhiều đợt tái phát.
  • Triệu chứng không giảm sau 2 ngày theo dõi sát.
  • Có các dấu hiệu biến chứng hoặc các triệu chứng nặng khác như lừ đừ, buồn nôn,…
  • Trẻ có các yếu tố nguy cơ cao như có các bất thường về sọ mặt hoặc bất thường tai trong bẩm sinh, trẻ suy giảm miễn dịch.

Các biện pháp điều trị hỗ trợ khác

Đa phần trường hợp sau khi đánh giá mức độ viêm tai giữa và các yếu tố như tuổi, tình trạng các bệnh lý kèm theo ít nguy cơ diễn tiến nặng và có khả năng theo dõi của người chăm sóc có thể theo dõi sát mà chưa cần dùng kháng sinh ngay lập tức. Điều trị triệu chứng viêm tai giữa khác ngoài kháng sinh bao gồm thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc nhỏ tai,… Tuy nhiên việc sử dụng thuốc cần đúng theo chỉ định của bác sĩ, không nên tự ý sử dụng thuốc bừa bãi có thể làm lu mờ triệu chứng nguy hiểm cũng như dẫn đến tình trạng đề kháng kháng sinh.

Một số trường hợp khác khi viêm tai giữa có mủ mà màng nhĩ chưa thủng, bác sĩ có thể chỉ định chích rạch màng nhĩ chủ động để thoát lưu mủ hòm nhĩ và chủ động kiểm soát lỗ thủng màng nhĩ.

Ngoài ra còn cần điều trị tích cực bệnh lý mũi họng kèm theo.

2. Điều trị viêm tai giữa thanh dịch4

Mục tiêu

Mục tiêu chủ yếu của điều trị là khôi phục lại tình trạng bình thường của tai giữa cũng như cải thiện triệu chứng cho người bệnh.

Phương pháp điều trị

Dựa vào mức độ nghe kém, sự ảnh hưởng của nghe kém lên chất lượng đời sống của người bệnh, đặc biệt ở trẻ em lên khả năng nói, ngôn ngữ hay các vấn đề về học tập, các bác sĩ sẽ quyết định đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Đa số viêm tai giữa thanh dịch sẽ tự giới hạn trong nhiều trường hợp. Đối với trẻ được đánh giá là ít có nguy cơ ảnh hưởng lên sự phát triển về ngôn ngữ, lời nói và tâm sinh lý của trẻ, theo dõi trong vòng ba tháng là một trong những lựa chọn được ưu tiên. Thời gian này đủ để tai giữa có khả năng tự phục hồi.

Trường hợp diễn tiến nặng

Nếu qua khoảng thời gian ba tháng mà tình trạng nghe kém vẫn diễn tiến hoặc nặng hơn, các bác sĩ sẽ hướng đến điều trị can thiệp bằng cách đặt ống thông nhĩ cho người bệnh. Ống thông nhĩ là một ống có kích thước rất nhỏ, khoảng 1mm thường được làm bằng nhựa hoặc kim loại. Khi có chỉ định đặt ống thông nhĩ, các bác sĩ Tai Mũi Họng sẽ tiến hành rạch một đường nhỏ trên màng nhĩ và đặt ống này lên màng nhĩ nhằm mục đích dẫn lưu dịch trong tai giữa ra ngoài và khôi phục là tình trạng bình thường cho tai giữa. Những can thiệp khác có thể thực hiện như là nong vòi nhĩ, nạo VA (amidan vòm) hay sử dụng máy trợ thính.

Ống thông nhĩ được đặt trên màng nhĩ giúp dẫn lưu dịch trong tai giữa và hỗ trợ thông khí hòm nhĩ
Ống thông nhĩ được đặt trên màng nhĩ giúp dẫn lưu dịch trong tai giữa và hỗ trợ thông khí hòm nhĩ

3. Điều trị viêm tai giữa mạn tính1 6

Mục tiêu điều trị viêm tai giữa mạn tính thường là chấm dứt tình trạng chảy dịch tai kéo dài của người bệnh, làm lành màng nhĩ bị tổn thương, ngăn ngừa biến chứng và giảm nguy cơ tái phát của bệnh.

Hai nhóm phương pháp trong điều trị viêm tai giữa mạn tính là điều trị dùng thuốc và điều trị bằng phẫu thuật. Tuỳ thuộc vào mức độ của bệnh, thể trạng của người bệnh cũng như khả năng chăm sóc tái khám thường xuyên của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn cho bệnh nhân các hướng điều trị thích hợp. Thuốc thường sử dụng như các loại kháng sinh nhỏ tai dùng tại chỗ, kháng sinh toàn thân, vệ sinh tai. Điều trị bằng phẫu thuật thường được chỉ định đối với những trường hợp xuất hiện các biến chứng của bệnh, không đáp ứng điều trị nội khoa.

Viêm tai giữa là bệnh lý thường gặp với nhiều thể bệnh đa dạng. Viêm tai giữa nếu không được điều trị đầy đủ và phù hợp sẽ có thể dẫn tới tình trạng bệnh mạn tính kéo dài gây nhiều triệu chứng kéo chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người thậm chí có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân viêm tai giữa chủ yếu là do nhiễm trùng từ vùng mũi họng cũng như rối loạn chức năng vòi Eustache vì vậy bệnh lý viêm tai giữa có thể được phòng ngừa đơn giản bằng cách phòng ngừa và điều trị triệt để các bệnh lý viêm nhiễm vùng mũi họng như viêm amidan, viêm VA, cảm lạnh,…

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bộ Y tế (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý Tai Mũi Họng, NXB Y học.

    Ngày tham khảo: 22/10/2022

  2. Acute Otitis Media, Scott-Brown's Otorhinolaryngology and Head and Neck Surgery, Eighth Edition, Volume 2: Pediatrics, The Ear, Skull Base

    Ngày tham khảo: 22/10/2022

  3. Otitis Mediahttps://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/otitis-media

    Ngày tham khảo: 22/10/2022

  4. Acute Otitis Mediahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK470332/

    Ngày tham khảo: 22/10/2022

  5. What Is Otitis Media With Effusion?https://www.webmd.com/cold-and-flu/ear-infection/what-is-otitis-media-with-effusion/

    Ngày tham khảo: 22/10/2022

  6. Chronic Suppurative Otitis Mediahttps://apps.who.int/iris/bitstream/handle/10665/42941/9241591587.pdf

    Ngày tham khảo: 22/10/2022

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người