Bấm huyệt chữa đau bụng kinh một cách khoa học
Nội dung bài viết
Đau bụng kinh là vấn đề nan giải của phái nữ. Cứ mỗi đến kì kinh nguyệt, đa số người nữ phải chịu những cơn đau bụng quặn thắt, đau nhói. Những cơn đau có thể dịu nhẹ, nhưng phần lớn là đau dữ dội gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay có nhiều phương pháp nhằm giảm đau bụng kinh như dùng thuốc hỗ trợ, thực phẩm,…Y học cổ truyền cũng có những phương pháp như dùng thuốc, châm cứu, bấm huyệt nhằm giảm cơn đau. Đặc biệt phương pháp bấm huyệt chữa đau bụng kinh vừa dễ làm mà mang lại hiệu quả khi không có các phương tiện hỗ trợ khác. Hãy cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Nguyễn Thị Thiên Hương tìm hiểu bài viết dưới đây.
Đau bụng kinh dưới góc nhìn y học cổ truyền
Đau bụng kinh là cơn đau quặn thắt, nhói hoặc âm ỉ vùng bụng dưới, thường xuất hiện trước hoặc trong kì kinh nguyệt. Cơ chế gây đau bụng kinh có vai trò của hệ nội tiết. Ngoài ra còn có vai trò của thần kinh vận mạch và thần kinh thực vật.
Theo đông y, đau bụng kinh còn được gọi là thống kinh hoặc kinh hành phúc thống. Thống nghĩa là đau. Kinh tức là kinh nguyệt. Kinh nguyệt thì do huyết hóa thành. Thống kinh xảy ra khi rối loạn vận hành khí huyết. Thống kinh là hiện tượng hành kinh có đau bụng, đau xuyên lưng, lan 2 đùi, có thể kèm theo đau đầu, căng ngực, buồn nôn.
Xem thêm: Chu kỳ kinh nguyệt của bạn diễn ra như thế nào?
Kinh nguyệt là do huyết hóa ra nhưng “khí hành huyết hành” tức huyết theo khí vận hành. Khi khí huyệt sung túc, trơn tru thì không gây đau bụng khi hành kinh. Nhưng khi khí huyết suy kém hoặc trệ ứ thì kinh không thông gây thống kinh.
Xem thêm: Chu kỳ kinh nguyệt bình thường dài bao nhiêu ngày?
Nguyên nhân của thống kinh
Thể chất vốn hư yếu, khí huyết kém bẩm sinh, mạch ở bào cung không được nuôi dưỡng.
Có bệnh có sẵn trong cơ thể làm cho khí trệ huyết ứ. Lo nghĩ quá nhiều hay uất giận nhiều có thể gây khí trệ.
Khí trệ thì kinh thường không đều, lượng kinh ít, hay đau bụng dưới, trướng tức nhiều có thể đau lan sườn lưng.
Huyết ứ thì bụng dưới căng dữ dội trước và đầu kì kinh. Đau như nổi cục cứng, đè vào đau thêm. Kinh xuống không thông, màu đen sẫm. Khi có cục huyết ra thì giảm đau.
Khi bệnh làm cho dương hư, cơ năng không phấn chấn, kinh nguyệt không ra được. Hoặc sau khi hành kinh, cơ năng không khôi phục lại, cứ gây đau bụng lâm râm.
Xem thêm: Những biểu hiện bất thường của kinh nguyệt mà chị em nên biết
Thận là gốc của sự sống theo quan điểm đông y. Theo học thuyết ngũ hành, Thận thủy sinh Can mộc. Khi bệnh làm Thận thủy suy không nuôi dưỡng được Can mộc. Dẫn đến Can khí không thư thái làm mệt mỏi, đau trằn bụng dưới.
Âm huyết còn do hai mạch Nhâm và Xung cung cấp. Khi hàn tà tấn công vào mạch xung, nhâm, tác động đến huyết làm cho khí huyết ngưng trệ, hành kinh không thông.
Bấm huyệt chữa đau bụng kinh có hiệu quả không?
Xoa bóp, bấm huyệt chữa bệnh là phương pháp giúp lưu thông khí huyết, giãn cơ nên giúp giảm đau bụng kinh tốt.
Xoa bóp giúp làm ấm vùng bụng dưới, từ đó giúp giãn cơ, thúc đẩy tuần hoàn máu đến vùng đau
Bấm huyệt giúp khai thông tắc nghẽn, điều phối với hơi thở giúp tăng cường chức năng tạng phủ, thông kinh lạc, điều hòa khí huyết.
Huyệt tam âm giao
Huyệt giao của 3 đường kinh Tỳ, Can Thận. Huyệt này có tác dụng tạo lại cân bằng khí huyết, giúp lưu thông khí huyết dễ dàng.
Theo nghiên cứu, kích thích huyệt này giúp kích hoạt endorphin, hiệu quả trong giảm đau.
Cũng theo nghiên cứu này, bấm huyệt tam âm giao liên tục trong 15 giây giúp giảm cường độ đau kéo dài đến 30 phút. Tác dụng này xuất hiện sau bấm huyệt 1 tiếng.
Khi bấm huyệt Tam âm giao mỗi ngày 2 lần, liên tục trong 3 tháng, mức độ đau giảm dần qua mỗi tháng. Và giảm đáng kể sau tháng thứ 3.
Huyệt địa cơ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bấm huyệt địa cơ giúp giảm đau bụng kinh nguyên phát, tác dụng kéo dài đến 2 giờ sau khi điều trị.
Huyệt nằm mặt sau trong xương chày, dưới huyệt âm lăng tuyền 3 thốn.
Huyệt nằm ở chỗ nối 1/3 trên và 2/3 dưới đường nối đỉnh xương bánh chè và lồi mắt cá trong. Ngoài trị đau bụng kinh, huyệt còn giảm đau bụng, đầy bụng, kinh nguyệt không đều.
Ngoài ra còn nhiều huyệt tùy theo thể bệnh của thống kinh được áp dụng làm giảm đau.
Huyệt tử cung
Huyệt nằm ở dưới rốn 4 thốn, đo ra 2 bên mỗi 3 thốn. Huyệt có tác dụng trị sa tử cung, kinh nguyệt không đều, thống kinh
Huyệt thái xung
Huyệt nằm ở giữa đầu gần xương bàn ngón chân 1 và 2. Huyệt trị đau bụng kinh khi có rối loạn liên quan với kinh Can.
Cách bấm huyệt đau bụng kinh
Chỉ định
Sử dụng bấm huyệt chữa đau bụng kinh trước hoặc trong kì kinh có các cơn đau bụng kinh. Vị trí đau ở bụng dưới, có thể lan sau lưng.
Chống chỉ định
Các bệnh lý cấp tính, ngoại khoa, hoặc lở loét trên vùng da cần bấm huyệt.
Cách bấm huyệt
Khi bắt đầu có cơn đau trong kì kinh nguyệt, dùng ngón cái ấn sâu, day nhẹ nhàng các huyệt thái xung 3-5 phút. Sau đó bấm lần lượt các huyệt huyết hải, tam âm giao, tử cung 1-3 phút. Cuối cùng dùng bàn tay nắm lại, xát nhẹ giáp tích L1-L2 cho ấm nóng lên. Có thể tác động 1-2 lần trong ngày.
Để bấm huyệt chữa đau bụng kinh hiệu quả hơn nên kết hợp với các động tác xoa bụng, xát bụng.
- Xoa bụng: Hai bàn tay chồng lên nhau, xoa bụng dưới một lực vừa phải theo chiều kim đồng hồ, từ nhẹ đến nặng khoảng 1-2 phút. Nếu thấy lạnh bụng và tay chân, có thể dùng thêm dầu nóng xoa bụng và lòng bàn tay, bàn chân trước khi xoa bóp.
- Xát bụng: Khép chặt các ngón tay, dùng bàn tay chà xát nhẹ nhàng bên phải bụng dưới, rồi sang trái rồi xát xuống điểm giữa bờ trên xương mu. Luân phiên xát theo hình tam giác như vậy trong 1-2 phút, đến khi bụng dưới nóng lên.
Xem thêm: Đau bụng kinh có đáng sợ như bạn nghĩ?
Lưu ý khi bấm huyệt trị đau bụng kinh
Tránh bấm huyệt dùng da đang lở loét, có vết thương ngoài da.
Khi bấm huyệt dùng lực ấn vừa phải, không quá nặng cũng không quá nhẹ.
Kiêng cử khi bấm huyệt
Tránh bấm huyệt khi người quá mệt, suy nhược. Sau bấm huyệt nên nằm nghỉ ngơi tránh hoạt động quá sức.
Có thể tự bấm huyệt tại nhà không?
Bấm huyệt chữa đau bụng kinh là phương pháp không dùng thuốc hiệu quả nếu kiên trì thực hiện liên tục với số lần thích hợp. Cách này có thể sử dụng tại nhà dễ dàng. Tuy nhiên người bệnh nên biết rõ vị trí huyệt vị để thực hiện có hiệu quả hơn. Đồng thời, có thể kết hợp với các phương pháp khác để giảm đau nhanh hơn.
Xem thêm: Mách bạn 10 cách giảm đau bụng kinh đơn giản tại nhà
Những phương pháp đông y khác giúp giảm đau bụng kinh
Châm cứu
Châm cứu chữa đau bụng kinh cũng là một phương pháp phổ biến. Đối với đau bụng kinh do thực chứng có thể châm tả các huyệt ở mạch nhâm và kinh Tỳ, kinh bàng quang. Trong đó huyệt chủ đạo là các huyệt trung cực, địa cơ và thứ liêu
Đối với đau do hư chứng có thể châm và cứu bổ cấc huyệt mạch nhâm, mạch đốc và kinh tỳ. Các huyệt thường dùng là mệnh môn, thận du, túc tam lý, khí hải.
Cấy chỉ
Cấy chỉ là phương pháp tác động huyệt liên tục bằng phương pháp đưa chỉ vào huyệt. Đây cũng là phương pháp có tác dụng giảm đau bụng kinh hiệu quả.
Thuốc đông dược
Tùy vào thể bệnh mà đông y có nhiều phương dược khác nhau cho các thể thống kinh. Các bài thuốc y học cổ truyền không chỉ giảm đau mà còn điều trị nguyên nhân gây thống kinh. Từ đó giúp cải thiện rất tốt các bệnh lý liên quan kinh nguyệt.
- Thống kinh thể hư hàn nên được ôn kinh dưỡng huyết, sử dụng bài thuốc tiểu ôn kinh thang.
- Đối với thể hư nhiệt, pháp trị cần dưỡng âm, lương huyết, chỉ thống, dùng bài đơn chi tiêu dao tán.
- Khí huyết hư nhược gây đau bụng kinh có thể dùng bài Bát trân thang gia giảm.
- Đối với thể can thận khuy tổn có thể dùng Điều hòa can thang gia giảm.
Xem thêm: Liệu bạn đã biết những thực phẩm giảm đau bụng kinh này chưa?
Bấm huyệt có tác dụng lên thần kinh, thụ cảm, mạch máu, giúp tăng lưu thông khí huyết, giãn cơ, giảm đau. Do đó, đây là phương pháp bấm huyệt chữa đau bụng kinh hiệu quả mà dễ dàng sử dụng tại nhà. Tuy nhiên, cần biết chính xác vị trí huyệt vị trước khi dùng và lưu ý các kiêng kị để tránh tác dụng không mong muốn. Hi vọng bài viết trên đây mang lại kiến thức bổ ích cho bạn đọc.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Effects of SP6 acupressure on pain and menstrual distress in young women with dysmenorrheahttps://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20347835/
Ngày tham khảo: 02/09/2021
-
The effects of acupressure on severity of primary dysmenorrheahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3287417/
Ngày tham khảo: 02/09/2021
-
Day bấm huyệt chữa đau bụng kinhhttps://suckhoedoisong.vn/day-bam-huyet-chua-dau-bung-kinh-16920375.htm
Ngày tham khảo: 02/09/2021