Phương pháp bấm huyệt chữa đau thần kinh tọa
Nội dung bài viết
Một trong những bệnh lý gây ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống đó là đau dây thần kinh tọa. Bệnh thường dai dẳng và tái phát nhiều lần gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh. Đây không chỉ là loại bệnh thường gặp mà còn có nhiều biến chứng nặng. Hiện nay, có nhiều phương pháp khác nhau được ứng dụng để chữa bệnh. Bao gồm các phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong các phương pháp không dùng thuốc có thể kể đến phương pháp bấm huyệt. Đây là phương pháp đông y đã được ứng dụng và mang lại nhiều hiệu quả. Mời quý độc giả hãy cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Đậu Thị Thủy tìm hiểu những thông tin về phương pháp bấm huyệt chữa đau thần kinh tọa qua bài viết sau đây nhé!
Đau thần kinh tọa là gì?
Trước khi tìm hiểu về phương pháp bấm huyệt chữa đau thần kinh tọa. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về bệnh lý này. Thần kinh tọa thường gọi là dây thần kinh hông to hay dây thần kinh ngồi. Đây là dây thần kinh lớn nhất của cơ thể người.
Dây thần kinh tọa kéo dài từ thắt lưng đến tận cùng các ngón chân. Chúng chi phối vận động, cảm giác, dinh dưỡng các vùng các cơ vùng mông, các cơ vùng mặt sau đùi, vùng cẳng chân và bàn chân.
Đau thần kinh tọa hay còn gọi là đau dây thần kinh tọa biểu hiện qua cảm giác đau vùng thắt lưng lan xuống vùng mông, đùi. Tình trạng nặng hơn có thể đau lan xuống tận cùng các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương của dây thần kinh mà có thể có những hướng lan khác nhau.
Cường độ đau tùy thuộc vào tường trường hợp. Đau thường tăng khi vận động, giảm đau theo tư thế. Đau có thể kèm theo tê buốt, dị cảm (kiến bò, kim châm).1
Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Theo y học hiện đại đau dây thần kinh tọa có nhiều nguyên nhân.
- Nguyên nhân thường gặp nhất là do thoát vị đĩa đệm cột sống gây ra.
- Bệnh cũng có thể bắt nguồn từ các tư thế sai trong sinh hoạt, lao động. Hoặc chơi thể thao lâu ngày làm vùng cột sống thắt lưng cũng như những nhóm cơ co cứng. Vùng thắt lưng đau nhức hoặc đau nhói, hoặc đau âm ỉ, cũng có khi đau nhức, tê buốt, lan sang vùng mông. Khi lao động hoặc khi thời tiết thay đổi thì đau hơn. Khi nghỉ ngơi thì cơn đau giảm.
- Bệnh thường tái phát nhiều lần gây hạn chế hoạt động thắt lưng. Một số trường hợp gây vẹo cột sống về một bên, co rút cơ thắt lưng, đau lan tới chi dưới.1
Xem thêm: Bác sĩ YHCT giải đáp về phương pháp bấm huyệt thoát vị đĩa đệm
Theo y học cổ truyền, đau thần kinh tọa hay còn gọi là tọa cốt phong có thể do một số nguyên nhân gây ra như:
- Tình trạng suy nhược cơ thể, nhiễm mưa gió lạnh lâu ngày. Làm hàn thấp ứ trệ kinh lạc, khí huyết vận hành không thông.
- Lao động hoạt động sai tư thế. Khi lao động bị chấn thương hoặc phẫu thuật nằm tại chỗ lâu ngày… Dẫn đến khí huyết ứ trệ kinh lạc.
- Tiên thiên bất túc, lao lực quá độ, người lớn tuổi thận tinh hư suy. Dẫn đến thận tinh hao tổn. Khó nuôi dưỡng vùng thắt lưng gây đau mỏi…2
Vì sao bấm huyệt có thể chữa đau thần kinh tọa?
Bấm huyệt là một phương pháp phòng bệnh, chữa bệnh theo lý luận y học cổ truyền. Đặc điểm của nó là dùng ngón tay cái, bàn tay, khuỷu tay, cùi trỏ,…. Tác động lên huyệt vị, gân, cơ, khớp của người bệnh. Nhằm mục đích phòng bệnh và chữa bệnh.
Xoa bóp bấm huyệt là một loại kích thích vật lý cơ học. Trực tiếp tác động vào các huyệt vị, các cơ quan thụ cảm của da và cơ. Tạo nên những thay đổi về thần kinh thể dịch, nội tiết, làm tăng tuần hoàn, dinh dưỡng tại chỗ. Và làm thư giãn cơ vùng thắt lưng từ đó ảnh hưởng đến toàn thân và giảm đau.
Bấm huyệt tác động lên các huyệt vùng cột sống, thắt lưng. Làm lưu thông khí huyết kinh mạch tại chỗ và toàn thân. Từ đó giúp cơ thể thư giãn, giảm đau. Và tăng cường dinh dưỡng vùng lưng nên giúp chữa trị đau mỏi vùng thắt lưng.
Phương pháp này có ít rủi ro nên đây là một lựa chọn hợp lý để thư giãn. Và giúp chữa trị các bệnh lí đau lưng và đau thần kinh tọa.
Cách bấm huyệt chữa đau thần kinh tọa
Các bước chuẩn bị cho phương pháp bấm huyệt
Người thực hiện
Phương pháp này được thực hiện bởi các bác sĩ, y sĩ, và kĩ thuật viên được đào tạo về chuyên ngành y học cổ truyền. Và được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh..
Phương tiện
- Phòng xoa bóp bấm huyệt thoáng mát, giường xoa bóp bấm huyệt thoải mái.
- Gối, ga sạch trải giường.
- Bột, hoặc dầu xoa bóp.
- Cồn sát trùng.
Người bệnh
- Được hướng dẫn quy trình, vị trí bấm huyệt và đồng ý bấm huyệt.
- Tư thế nằm sấp trên giường hoặc mặt phẳng.
Cách thực hiện bấm huyệt chữa đau thần kinh tọa
- Thầy thuốc đứng hoặc ngồi bên phải người bệnh, tư thế thoải mái, cột sống thẳng tự nhiên.
- Đặt cả hai bàn tay trên hông người bệnh. Ngón tay cái đặt ở 2 bên thắt lưng, bấm các huyệt: thận du, đại trường du, hoàn khiêu, a thị huyệt…
- Khi bấm đốt 1 và đốt 2 vuông góc với nhau bấm từ từ, tăng dần đến khi người bệnh thấy tức nặng.
- Bấm mỗi huyệt khoảng 1 phút.3
Liệu trình điều trị
- Xoa bóp 20-30 phút/lần/ngày,
- Một liệu trình điều trị từ 10 – 30 ngày, tùy theo mức độ và diễn biến của bệnh. Có thể điều trị nhiều liệu trình.
Chỉ định của bấm huyệt
- Bệnh lý thoái hoá cột sống thắt lưng.
- Bệnh lý thoát vị địa đệm chèn ép dây thần kinh.
- Viêm đa dây đa rễ thần kinh (Hội chứng Guillain Barré).
- Đau sau zona.
- Bệnh dây thần kinh do đái tháo đường.
Xem thêm: Hội chứng chèn ép dây thần kinh mà bạn cần biết
Chống chỉ định bấm huyệt
- Viêm nhiễm cấp vùng bấm huyệt.
- Các bệnh lý nội ngoại khoa cấp cứu.
- Chấn thương, vùng vết thương hở.
- Liệt hai chi do bệnh lý có chỉ định điều trị ngoại khoa chèn ép tuỷ, u não, u tuỷ, đột quỵ…
- Bệnh lý thần kinh giai đoạn cấp đang tiến triển.
- Viêm nhiễm đặc hiệu (bệnh phong, bệnh lao, bệnh giang mai, HIV/AIDS).
- Bệnh da liễu.
Những phương pháp đông y khác điều trị đau thần kinh tọa
Ngoài phương pháp bấm huyệt chữa đau thần kinh tọa, chúng ta có thể kết hợp với một số phương pháp đông y chữa đau thần kinh tọa như:
Châm cứu
Ngoài phương pháp bấm huyệt còn có phương pháp châm cứu đau thần kinh tọa. Thầy thuốc điều trị bệnh bằng cách sử dụng các kim châm cứu. Châm lên các huyệt thận du, đại trường du, yêu dương quan, hoa đà giáo tích, bát tà, hoàn khiêu, a thị huyệt… Sau đó dùng các thủ thuật bổ tả thông thường, hoặc kết hợp với dòng điện để kích thích lên huyệt điều trị.
Phương pháp cứu chữa đau thần kinh tọa
Trong phương pháp cứu, thầy thuốc có thể sử dụng kết hợp hơ ngải cứu vùng huyệt trong các trường hợp bệnh lí hàn thấp ứ trệ.
Xoa bóp
Xoa bóp là một phương pháp phòng bệnh và chữa bệnh với lý luận y học cổ truyền. Đặc điểm của nó là dùng bàn tay, ngón tay là chính. Làm tác động lên da, thịt, gân, khớp, của người bệnh bằng các động tác như: Xoa, xát, miết, day, bóp, lăn,… Để điều trị đau mỏi vùng cột sống thắt lưng và hai chân nhằm đạt mục đích chữa bệnh, phòng bệnh.
Dưỡng sinh
Dưỡng sinh là phương pháp rèn luyện để nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Theo đó, dưỡng sinh thể hiện ở 3 nội dung cơ bản: Dưỡng thể – Dưỡng tâm – Dưỡng trí.
Ba nội dung này được thực hiện thông qua các hình thức như sau:
- Luyện ý: Luyện tinh thần, rèn luyện cách nghĩ và nếp sống tươi vui, tâm hồn trong sáng, tránh xa được mọi lo toan, phiền muộn.
- Luyện khí: Luyện thở khí công. Qua đó tác động đến các nội tạng trong cơ thể. Làm cho thần kinh bớt căng thẳng, điều hòa hơi thở, nhịp tim. Và làm cho gan mật, cơ quan dạ dày và ruột hoạt động tốt hơn.
- Luyện hình: Vận động cho gân, cơ, xương, khớp hoạt động dẻo dai, tăng cường khả năng chịu đựng…
Tập luyện dưỡng sinh thích hợp cho tất cả mọi người. Nó được xem là phương tiện giúp cho con người đạt được nguyện vọng sống vui, sống khỏe, sống trường thọ.
Ngoài ra, còn có rất nhiều các phương pháp đông y không dùng thuốc khác để điều trị đau thần kinh tọa như: điểm huyệt, chế độ ăn thực dưỡng, giác hơi. Đặc biệt là người bệnh nên chú ý và thay đổi lối sống. Cũng như thói quen sinh hoạt hàng ngày để phòng bệnh tái phát….
Bệnh lý thần kinh tọa là bệnh lý thường gặp và gây ra nhiều khó khăn cho người bệnh. Thông qua bài viết này, hy vọng quý độc giả đã có thêm những thông tin cần thiết về bấm huyệt chữa đau thần kinh tọa. Để có thể hiểu rõ về bệnh, phát hiện sớm và điều trị kịp thời nhằm tránh tình trạng tái phát. Nếu có những thắc mắc hay câu hỏi cần giải đáp xin hãy liên hệ với chúng tôi ngay nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Cơ xương khớp nội khoa
Ngày tham khảo: 07/11/2021
-
Chân đoán phân biệt chứng trạng
Ngày tham khảo: 07/11/2021
-
Châm cứu thực hành
Ngày tham khảo: 07/11/2021