Tự bấm huyệt chữa tê tay như thế nào?
Nội dung bài viết
Ngày nay, chúng ta dễ dàng bắt gặp tình trạng tê tay ở nhiều đối tượng khác nhau. Dấu hiệu này kéo dài sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động hàng ngày của con người. Thực tế đã có nhiều phương pháp hỗ trợ giảm triệu chứng bệnh kết hợp tây y lẫn đông y. Trong đó có bấm huyệt với thao tác tương đối đơn giản nhưng vẫn mang đến lợi ích cao. Sau đây, mời bạn cùng Bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu cách tự bấm huyệt chữa tê tay đúng và hiệu quả qua bài viết dưới đây nhé.
Nguyên nhân gây tê tay
Theo Y học hiện đại
Hiện tượng bất thường này có thể gặp ở một hoặc hai bên tay, tại vị trí cố định hoặc lan dọc theo thần kinh tổn thương. Nguyên nhân thường do chèn ép, phá hủy thần kinh chi phối cảm giác hoặc thiếu máu nuôi dưỡng. Dễ gặp nhất là do các tác nhân cơ học, với triệu chứng thường nhanh khỏi, không ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, khi tê tay diễn ra thường xuyên, trong thời gian kéo dài, nguyên nhân thực thể thường do:
- Chèn ép thần kinh, mạch máu do tổn thương cột sống, hội chứng ống cổ tay, chấn thương,…
- Bệnh lý mạch máu như tăng huyết áp, đái tháo đường, tai biến mạch máu não…
- Viêm, nhiễm trùng, bệnh lý thần kinh ngoại biên, khối u, stress…
- Thói quen sai tư thế kéo dài, nghiện rượu, dinh dưỡng không đầy đủ thiếu vitamin B, Mg,…
Theo Y học cổ truyền
Tê tay được mô tả trong chứng Ma mộc (tê bì). Trong đó:
- Tê (ma): Cấp độ nhẹ, cảm giác như kiến bò hoặc kim chích, bỏng rát, đau nhức… vẫn cảm nhận được kích thích.1
- Bì (mộc): Mức độ nặng hơn, không còn cảm giác, thường kèm theo yếu liệt, teo cơ, mất vận động…1
Ngoài ra, đông y lý giải nguyên do của triệu chứng là bởi doanh vệ khí bị tắc trở, không thể vận hành thông suốt. Điều này kéo theo khí huyết, kinh lạc ứ trệ mà gây bệnh.1 Một số yếu tố nguy cơ như:
- Ngoại tà: Tà khí xâm nhập từ bên ngoài như phong, hàn, thấp…
- Rối loạn chức năng tạng phủ: Can, Thận, Tỳ, khí huyết kém, chấn thương, vi chấn thương, đàm thấp…
Từ những lý do trên, muốn giải quyết tình trạng tê tay; phương pháp điều trị cần phải có khả năng sơ thông kinh lạc, điều bổ khí huyết, cân bằng tạng phủ…
Vì sao bấm huyệt có thể chữa tê tay?
Bấm huyệt chữa tê tay là thao tác dùng tay kích hoạt trực tiếp vào huyệt đạo ở vị trí tương ứng trên cơ thể. Động tác này mang đến nhiều ưu điểm như:
- Giải tỏa áp lực tổn thương thần kinh, phục hồi rối loạn cảm giác, tăng cảm giác cầm nắm…
- Làm giảm các cơn đau, bỏng rát, tăng sức chịu đựng… do kích thích endorphin – hormone nội sinh giảm đau.2
- Cải thiện lưu lượng máu đến nơi tương ứng, thư giãn cơ gân, xương khớp, tăng khả năng vận động…2
- Thông kinh lạc, hành khí hoạt huyết, loại trừ ngoại tà xâm phạm…
- Cân bằng rối loạn tạng phủ, bồi bổ khí huyết…
Bấm huyệt chữa tê tay có hiệu quả?
Với các tác nhân cơ học, bấm huyệt trị tê tay sẽ có kết quả nhanh chóng giảm triệu chứng. Mặt khác nếu do tổn thương thực thể, thầy thuốc cần thăm khám kỹ càng để đưa ra phác đồ phối hợp nhiều phương pháp khác nhau; vừa giải quyết triệu chứng vừa điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Xem thêm: Tê bì tay chân, có thể đã mắc bệnh gì?
Cách bấm huyệt điều trị tê tay
Chỉ định, chống chỉ định
Hầu hết các trường hợp rối loạn cảm giác ở tay, nhất là tê tay đều có thể áp dụng phương pháp bấm huyệt chữa tê tay.
Tuy nhiên, cần cân nhắc trên các đối tượng sau:
- Bệnh lý có chỉ định ngoại khoa như chèn ép tủy cổ, chấn thương nặng, tri giác không tỉnh táo, hoại tử chi…
- Sốt kéo dài, suy tim… Hoặc vùng da bấm huyệt lở loét, u cục, không lành lặn…
Quy trình điều trị tê tay
Dựa vào mức độ và tình trạng của từng trường hợp mà thầy thuốc sẽ lựa chọn phương hướng điều trị cụ thể, với liệu trình riêng. Đặc biệt với nguyên nhân thực thể, người bệnh cần đến các cơ sở uy tín để được thăm khám sớm, điều trị kịp thời.
Thực tế, bấm huyệt chữa tê tay được ghi nhận góp phần hỗ trợ giảm triệu chứng này.3 Dưới sự hướng dẫn của thầy thuốc, người bệnh có thể tự day ấn huyệt, thời gian 2 – 3 phút/huyệt. Nên kết hợp với xoa bóp trong 30 phút/lần/ngày, kéo dài 15 – 30 ngày hoặc đến khi bệnh ổn định.4
Một số huyệt thường dùng trị tê tay
Vùng cổ – vai
- Giáp tích: Nằm ở vùng cổ từ mỏm gai đốt sống cổ đo ra 0,5 thốn, dọc theo 2 bên cột sống.
- Phong trì: Dưới đáy hộp sọ, chỗ lõm giữa bờ trong cơ ức đòn chũm và bờ ngoài cơ thang.
- Đại chùy: Nằm dưới mỏm gai đốt sống cổ C7.
- Kiên trinh: Từ đầu chỉ nếp nách phía sau đo thẳng lên 1 thốn.
- Kiên tỉnh: Thuộc giao điểm đường thẳng ngang qua đầu ngực với đường nối huyệt Đại chùy và nơi cao nhất của đầu ngoài xương đòn. Khi ấn đúng huyệt, bệnh nhân sẽ cảm giác tức, ê.
- Kiên ngung: Khi dang cánh tay, huyệt nằm tại hõm phía trước ngoài khớp mỏm cùng – xương đòn.
- Tý nhu: Nằm ở đầu dưới cơ delta cánh tay, trên đường nối huyệt Khúc trì và Kiên ngung.
Vùng cẳng tay và cánh tay
- Khúc trì: Khi gấp cẳng tay, huyệt nằm ở phía ngoài, cuối nếp gấp khuỷu tay.
- Xích trạch: Ở nếp gấp khuỷu tay, bờ ngoài gân cơ nhị đầu.
- Thủ tam lý: Từ Khúc trì đo xuống 2 thốn, huyệt nằm trên đường nối giữa Khúc trì và Dương khê.
- Nội quan: Ở mặt trong cánh tay, từ nếp gấp cổ tay đo lên 2 thốn, nằm giữa khe gân cơ gan bàn tay bé và lớn.
- Ngoại quan: Ở mặt ngoài cánh tay, từ nếp gấp cổ tay đo lên 2 thốn, giữa xương quay và xương trụ.
- Liệt khuyết: Nằm phía ngoài xương quay, cách nếp cổ tay 1,5 thốn.
Cổ tay và bàn tay
- Dương khê: Vị trí ở ngay trong hố tam giác, sát đầu mỏm trâm xương quay.
- Hợp cốc: Nằm ở nơi cao nhất khi khép ngón trỏ và ngón cái với nhau.
- Bát tà: Nhóm các huyệt đạo ở giữa khe ngón tay, tiếp giáp vùng da gan và mu bàn tay.
- A thị huyệt: Được xác định tại nơi mà khi ấn vào người bệnh thấy đau tức, khó chịu, không cố định.
Trong đó, 01 thốn được quy ước là chiều dài của đốt giữa ngón tay thứ 3.1 3 4
Lưu ý khi bấm huyệt điều trị tê tay
Trong quá trình bấm huyệt điều trị tê tay, người bệnh và thầy thuốc cần lưu ý những điều sau:
- Áp lực từ ngón tay không nên quá thô bạo; và phải xác định chính xác vị trí huyệt để đạt kết quả mong muốn tốt nhất.
- Theo dõi sát tình trạng người bệnh trong khi thực hiện để xử lý kịp thời rủi ro (nếu có).
- Với trường hợp nhẹ, có thể tiến hành thêm các liệu pháp như chườm nóng, ngâm nước ấm, tập vận động tay nhẹ nhàng… Để thúc đẩy quá trình lưu thông máu, giãn cơ…2 Ngược lại, các tình trạng nặng, kéo dài phải được thăm khám và chỉ định bởi người có chuyên môn.
- Dinh dưỡng cũng là một phần quan trọng trong phục hồi tổn thương dây thần kinh. Lựa chọn thực phẩm chứa nhiều vitamin nhóm B và Magie như thịt, cá, hạt, bơ, sữa, rau xanh…
Xem thêm: Vitamin B có trong thực phẩm nào?
Những phương pháp đông y khác điều trị tê tay
Xoa bóp
Thông thường, trước khi tiến hành thủ thuật bấm huyệt chữa tê tay, thầy thuốc sẽ làm các động tác xoa bóp tác động lên da và cơ như xoa, xát, miết, day, lăn, bóp, vờn, chặt… Chú trọng những vị trí tê nhiều. Điều này sẽ kích thích tuần hoàn và giải áp chèn ép hiệu quả hơn. Sau đó, vận động nhẹ nhàng các khớp chi trên, vê nhẹ khớp ngón tay.
Châm cứu
Châm cứu cũng tác động đến huyệt đạo và mang đến lợi ích tương tự như bấm huyệt. Thế nhưng, liệu pháp này phải được tiến hành bởi người có chuyên môn, để hạn chế rủi ro và tác dụng không mong muốn.
Bên cạnh những phương pháp trên, Y học cổ truyền còn mang đến đa dạng cách thức điều trị tê tay khác như dược liệu, dưỡng sinh, hay cấy chỉ…
Quả thực, bấm huyệt chữa tê tay là trị liệu mang lại nhiều lợi ích đối với bệnh lý này. Dù không giải quyết triệt để nguyên nhân thực thể, nhưng phương pháp vẫn được nhiều người tin dùng. Bởi không chỉ đơn giản, dễ thực hiện mà liệu pháp còn mang đến nhiều kết quả tích cực cho người bệnh. Hy vọng qua bài viết trên, các bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về phương pháp bấm huyệt này. Nếu các bạn có bất kỳ thắc mắc hay câu hỏi cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Đại học Y Hà Nội (2017). Bệnh học nội khoa Y học cổ truyền (dành cho đối tượng đại học), Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
Ngày tham khảo: 18/11/2021
-
Xoa bóp bấm huyệt chữa tê chân tay
https://ihr.org.vn/xoa-bop-bam-huyet-chua-te-tay-chan-8280.html
Ngày tham khảo: 18/11/2021
-
Acupressure Points for Numbness in Hands
https://www.tcmsimple.com/acupressure_numbnesshands.php
Ngày tham khảo: 18/11/2021
-
Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền
Ngày tham khảo: 18/11/2021