Bệnh hạ cam: Nguyên nhân, triệu chứng, cách chẩn đoán và điều trị
Nội dung bài viết
Bệnh hạ cam đã xuất hiện từ lâu và làm cho người bệnh khó chịu. Bệnh do vi khuẩn gây ra nhưng lại dễ lây lan thông qua các vết mủ hay dịch từ vết lở loét. Bài viết dưới đây của Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Lê Nam sẽ cung cấp cho bạn thông tin về hạ cam để chủ động trong việc phòng ngừa và điều trị.
Bệnh hạ cam là gì?
Hạ cam là bệnh nhiễm trùng vùng da sinh dục và nó có thể lây từ người này sang người khác. Hạ cam còn được gọi là hạ cam mềm. Mặc dù bệnh này rất dễ lây lan nhưng có thể chữa trị được.1
Đây là bệnh xuất hiện từ thời thượng cổ. Bệnh có mặt trên toàn cầu nhưng thường gặp nhiều ở các nước đang phát triển. Trong số đó nhiều nhất là các nước châu Phi, bên cạnh đó là châu Á, Mỹ Latinh. Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 6 triệu người mắc mới bệnh hạ cam mềm.2 Tại Việt Nam thì bệnh này gặp nhiều ở miền nam nước ta.
Nguyên nhân gây ra hạ cam
Nguyên nhân gây bệnh hạ cam và do nhiễm vi khuẩn Haemophilus ducreyi. Vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể qua những vết lở nhỏ trên da.1
Triệu chứng của hạ cam
Sau thời gian ủ bệnh (khoảng 3 – 7 ngày) thì các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện. Ban đầu, các nốt sần nhỏ xuất hiện và kèm theo cảm giác đau trên bộ phận sinh dục của nam giới. Sau đó, chúng vỡ ra thành các vết loét nông và mềm với các mép gồ ghề, lõm xuống, viền màu đỏ. Lúc này, người bệnh vẫn có cảm giác đau. Những vết loét này sẽ thay đổi kích thước. Nếu có sự xói mòn sâu vào những vết loét này thì sẽ dẫn đến phá hủy mô.3
Ngoài ra, người bệnh còn bị xuất hiện các hạch bạch huyết ở vùng bẹn, chúng tạo thành một hạch xoài (nhóm các hạch bạch huyết bị phì đại và mềm). Đôi khi, các hạch này sẽ bị dính vào nhau hoặc di động, mưng mủ và thậm chí tạo thành ổ áp-xe trong một số trường hợp. Vùng da bị áp-xe có thể bị đỏ và sáng bóng hoặc có thể vỡ ra thành lỗ rò.3
Vị trí nhiễm trùng có thể lây lan sang các vùng da khác và gây nên các tổn thương mới. Cuối cùng, hạ cam sẽ dẫn đến những hậu quả như: hẹp bao quy đầu, hẹp niệu đạo, lỗ rò niệu đạo.3
Bệnh hạ cam có nguy hiểm không?
Trên thực tế, bệnh này có thể tự khỏi sau 1 – 2 tháng mặc dù bạn không chủ động điều trị. Tuy nhiên, bạn sẽ có nguy cơ cao bị viêm hạch bạch huyết hay nhiễm trùng mô mềm. Điều này có thể làm bạn khó chịu, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc hay mối quan hệ của bạn.1
Hạ cam lây qua đường nào?
Đường lây chính của bệnh hạ cam là đường tình dục. Tuy nhiên, một số trường hợp trẻ em và thanh niên ở châu Phi và Nam Thái Bình Dương vẫn mắc bệnh này vì vi khuẩn theo dịch lỏng (mủ) từ vết loét truyền sang người khác mà không phải qua đường quan hệ tình dục.1
Đối tượng nào dễ mắc bệnh?
Bất kỳ ai đã từng quan hệ tình dục không an toàn đều có thể dễ mắc hạ cam mềm. Tuy nhiên, ở những nam giới không cắt bao quy đầu thì dễ mắc bệnh này hơn cả.
Phương pháp chẩn đoán bệnh hạ cam
Thông thường, bác sĩ sẽ chẩn đoán hạ cam mềm dựa vào tiền sử bệnh và khám lâm sàng. Triệu chứng lâm sàng thường là vết loét hoặc hạch xoài ở bộ phận sinh dục mà không rõ nguyên nhân (những hạch bạch huyết này sưng, ấn vào có cảm giác đau). Bên cạnh đó, người bệnh đã từng đi đến hoặc sống tại các vùng dịch tễ cũng là một yếu tố cần xem xét để chẩn đoán bệnh hạ cam.3
Đôi khi, bác sĩ cũng sử dụng phương pháp nuôi cấy hoặc xét nghiệm PCR. Nhân viên y tế sẽ lấy mẫu từ hạch hoặc dịch ở mép của vết loét và gửi đến phòng thí nghiệm để xác định Haemophilus ducreyi.3
Trong quá trình chẩn đoán, bác sĩ có thể sẽ làm thêm xét nghiệm huyết thanh học và cấy tìm herpes để loại trừ các nguyên nhân khác gây loét bộ phận sinh dục (bệnh giang mai, HIV).3
Cách điều trị hạ cam mềm
Việc điều trị hạ cam nên được tiến hành nhanh chóng và kịp thời (tốt nhất nên bắt đầu ngay trước khi có kết quả xét nghiệm). Bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh để điều trị hạ cam mềm. Một trong số thuốc sau đây có thể được khuyến cáo:3
- Một liều azithromycin 1 g đường uống hoặc ceftriaxone 250 mg đường tiêm bắp.
- Erythromycin 500 mg đường uống x 3 lần/ngày x 7 ngày.
- Ciprofloxacin 500 mg đường uống x 2 lần/ngày x 3 ngày.
Bên cạnh đó, bạn tình của người bệnh cũng nên được kiểm tra và điều trị nếu có quan hệ tình dục trong vòng 10 ngày trước khi xuất hiện triệu chứng hạ cam mềm.3
Lưu ý, người bệnh mắc hạ cam nên làm xét nghiệm huyết thanh bệnh giang mai và HIV sau khi được chẩn đoán mắc bệnh hạ cam 3 tháng.3
Phòng ngừa bệnh hạ cam
Để giảm nguy cơ mắc/tiến triển nặng bệnh hạ cam, bạn có thể tham khảo các cách sau đây:1
- Trường hợp đang mắc bệnh hạ cam thì cần kiêng quan hệ tình dục.
- Quan hệ tình dục với chỉ một người và chắc chắn người này không bị nhiễm bệnh.
- Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su. Bao cao su phải bao phủ bất kỳ khu vực bị nhiễm bệnh.
- Đảm bảo rằng mủ từ bất kỳ vị trí bị nhiễm bệnh nào cũng không dính vào người bạn. Nếu bạn đang mắc bệnh hạ cam, hãy chắc chắn rằng bạn không lây truyền bất kỳ vết mủ nào sang nơi khác trên cơ thể hoặc cho người khác.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp thêm cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về bệnh hạ cam, hay còn gọi là hạ cam mềm. Sử dụng biện pháp an toàn khi quan hệ tình dục để giảm nguy cơ mắc hạ cam.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Chancroid (Soft Chancre)https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22444-chancroid-soft-chancre
Ngày tham khảo: 12/07/2023
-
Experimental Infection of Human Volunteers with Haemophilus ducreyi: Fifteen Years of Clinical Data and Experiencehttps://academic.oup.com/jid/article/199/11/1671/894075
Ngày tham khảo: 12/07/2023
-
Chancroidhttps://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/sexually-transmitted-infections-stis/chancroid
Ngày tham khảo: 12/07/2023