Khám bệnh Sa sút trí tuệ do mạch máu – Những điều cần chuẩn bị trước
Nội dung bài viết
Những người mắc bệnh Sa sút trí tuệ do mạch máu thường gặp vấn đề về nhận thức và trí nhớ. Những vấn đề này có thể xuất hiện đột ngột và thường không thể nhận thấy được trong thời gian đầu. Vì vậy bệnh nhân cần phải đến bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để được chẩn đoán và điều trị. Dưới đây là một số thông tin để giúp bạn chuẩn bị cho cuộc hẹn khám với bác sĩ Thần kinh hiệu quả hơn.
1. Bạn nên làm gì trước khi khám bệnh?
- Tìm hiểu trước những điều cần kiêng cữ trước buổi khám bệnh. Khi bạn đặt lịch khám, hãy hỏi trước xem bạn có cần nhịn ăn để làm xét nghiệm máu hay không.
- Viết lại bất kỳ triệu chứng nào bạn đang có. Bác sĩ sẽ muốn biết chi tiết các triệu chứng về khả năng tư duy nhận thức của bạn. Hãy cố gắng nhớ lại thời điểm nào bạn bắt đầu cảm nhận thấy có gì đó không ổn đang diễn ra với trí nhớ của mình.
- Hãy đi khám cùng một người thân hoặc một người bạn. Người ấy có thể đóng vai trò quan trọng trong việc xác định những vấn đề của bạn là gì. Đồng thời, người thân cũng giúp bạn nắm được tất cả những thông tin trong buổi khám.
- Tiền sử bệnh của bạn.
- Tất cả các thuốc bạn đang dùng, các vitamin và các thực phẩm chức năng.
>> Sa sút trí tuệ hay còn gọi là “bệnh lú lẫn” hoặc “mất trí”, bệnh này thường xảy ra ở người lớn tuổi. Nhưng hiện tượng này so với hiện tượng mất trí ở người lớn tuổi có khác nhau không? Lời giải đáp được thông tin trong bài viết: Sa sút trí tuệ ở người trẻ có gì khác so với người lớn tuổi?
2. Nên hỏi bác sĩ những gì?
Việc viết trước một danh sách các câu hỏi có thể giúp bạn tận dụng tối đa thời gian khám với bác sĩ. Nếu bạn gặp bác sĩ vì những lo lắng về sa sút trí tuệ do mạch máu, một số câu hỏi cần thiết bao gồm:
- Bác sĩ có nghĩ rằng các triệu chứng của tôi là do các vấn đề về tuần hoàn não không?
- Tôi cần làm thêm những xét nghiệm nào?
- Có những phương pháp điều trị nào?
- Tôi có thể làm điều gì để giúp làm chậm lại sự sa sút trí tuệ này hay không?
- Có thử nghiệm lâm sàng hay phương pháp điều trị thử nghiệm nào mà tôi nên cân nhắc hay không?
- Điều gì tôi nên lường trước được sẽ xảy ra sau một thời gian dài tôi bị bệnh? Tôi có thể làm những gì để chuẩn bị trước cho điều đó?
- Các triệu chứng có làm ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc cho các bệnh lý khác hay không?
Đừng ngần ngại hỏi thêm các câu hỏi khác để làm rõ những điều mà bạn không hiểu.
3. Bạn có biết bác sĩ sẽ hỏi những gì không?
Bác sĩ chắc chắn sẽ hỏi bạn nhiều câu hỏi. Vì vậy, chuẩn bị trước các câu trả lời sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian hơn. Bác sĩ có khả năng sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như sau:
- Bạn đang có những vấn đề về nhận thức và trí nhớ như thế nào? Khi nào bạn bắt đầu nhận ra chúng?
- Các vấn đề ấy nặng lên từ từ hay lúc nặng lúc nhẹ? Có khi nào đột nhiên trở nặng không?
- Có ai bày tỏ sự lo lắng về khả năng suy nghĩ hay lý luận của bạn không?
- Bạn có cảm thấy buồn bã hơn hay lo lắng hơn bình thường hay không?
- Gần đây bạn có cảm thấy mất phương hướng trong khi lái xe hay trong những tình huống quen thuộc với bạn hay không?
- Bạn có để ý là có sự thay đổi trong việc phản ứng với mọi người hay các sự kiện xảy ra không?
- Có khi nào bạn thấy mình ít hay nhiều năng lượng hơn hay không?
- Bạn có đang được điều trị tăng huyết áp, tăng cholesterol, đái tháo đường, bệnh tim mạch hay đột quỵ không?
- Bạn đang dùng những thuốc, vitamin hay thành phần bổ sung nào?
- Hiện nay bạn có dùng đồ uống có cồn hay hút thuốc lá không và tần suất bao nhiêu?
- Bạn có để ý mình bị run hay có khó khăn trong việc đi lại không?
- Bạn có vấn đề trong việc ghi nhớ các buổi hẹn tái khám hay khi nào phải uống thuốc không?
- Gần đây bạn đã được kiểm tra thính lực và thị lực chưa?
Trên đây là những thông tin cần thiết giúp bệnh nhân bị Sa sút trí tuệ do mạch máu có được một buổi khám bệnh hiệu quả hơn. Hy vọng với sự hỗ trợ của YouMed, bệnh nhân sẽ cảm thấy yên tâm và hài lòng trước khi đến gặp bác sĩ.
Biên dịch: Bùi Thanh Hiếu
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Vascular dementiahttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/vascular-dementia/diagnosis-treatment/drc-20378798
Ngày tham khảo: 16/06/2020