Bệnh suy thận là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách chữa
Nội dung bài viết
Thận là cơ quan nắm giữ nhiều vai trò thiết yếu trong cơ thể. Điều đó đồng nghĩa với các hậu quả nghiêm trọng xảy ra khi thận bị suy giảm chức năng. Vậy, bệnh suy thận là gì? Bệnh có nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết sau đây của ThS.BS Trần Quốc Phong để tìm hiểu những thông tin chính xác nhất.
Bệnh suy thận là gì?
Tổng quan về thận
Mỗi người chúng ta đa phần được sinh ra với hai quả thận. Các cơ quan này nằm hai bên cột sống, ngay trên thắt lưng của bạn.
Có phải thận chỉ có chức năng lọc máu và tạo nước tiểu? Không chỉ có vậy. Thận nằm giữ nhiều chức năng cốt lõi vô cùng quan trọng, như:
- Giữ cân bằng nước, điện giải cho cơ thể (natri, kali, phốt pho).
- Loại bỏ chất thải khỏi máu sau quá trình tiêu hóa, hoạt động thể lực, sử dụng thuốc hoặc tiếp xúc với hóa chất.
- Tiết ra renin – chất có vai trò quan trọng trong điều hòa huyết áp.
- Tiết ra erythropoietin thúc đẩy quá trình tạo hồng cầu.
- Tham gia vào khâu cuối cùng của quá trình chuyển hóa vitamin D thành dạng hoạt động.
Bệnh suy thận là gì?
Suy thận (thuật ngữ hiện nay thường dùng là tổn thương thận) cấp hoặc mạn là tình trạng thận bị suy giảm chức năng. Thận không còn hoạt động tốt sẽ ảnh hưởng đến quá trình lọc máu của cơ thể. Ngoài ra còn làm suy giảm khả năng kiểm soát huyết áp, sản xuất hồng cầu và chuyển hóa vitamin D. Nếu không điều trị, bệnh có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân bệnh suy thận
Bệnh suy thận được hình thành do nhiều nguyên nhân. Có hai loại suy thận là suy thận cấp và mạn. Vì vậy, nguyên nhân suy thận cũng được chia làm 02 nhóm chính:
1. Nguyên nhân suy thận cấp
Nếu thận của một người đột ngột ngừng hoạt động, các bác sĩ gọi đó là tình trạng tổn thương thận cấp (AKI) hay suy thận cấp. Các nguyên nhân chính bao gồm:
- Không đủ lưu lượng máu đến thận.
- Những chấn thương trực tiếp đến thận.
- Ứ đọng nước tiểu tại thận.
Những nguyên nhân kể trên thường xảy ra khi người bệnh:
- Bị chấn thương gây mất máu, chẳng hạn do tai nạn giao thông.
- Bị mất nước lượng nhiều hoặc mô bị phá vỡ. Các protein sẽ giải phóng vào máu.
- Sốc nhiễm trùng.
- Phì đại tuyến tiền liệt làm tắc nghẽn đường tiểu.
- Sử dụng thuốc hoặc tiếp xúc với một số chất gây hại trực tiếp cho thận.
- Có các biến chứng khi mang thai, chẳng hạn sản giật và tiền sản giật.
- Các bệnh tự miễn – kháng thể tấn công chính cơ thể bạn.
- Suy tim hoặc suy gan nặng.
2. Nguyên nhân suy thận mạn
Khi thận hoạt động không tốt từ 03 tháng trở lên, các bác sĩ gọi đó là bệnh suy thận mạn tính. Người bệnh thường không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, tuy nhiên đây là thời gian điều trị tốt nhất.
Bệnh đái tháo đường (típ 1 và 2) và tăng huyết áp là những nguyên nhân phổ biến nhất. Lượng đường trong máu cao trong một thời gian dài có thể gây hại cho thận. Và tăng huyết áp không kiểm soát sẽ làm “hao mòn” các mạch máu, bao gồm cả các mạch máu đến thận.
Các nguyên nhân khác bao gồm:
- Các bệnh về hệ thống miễn dịch. Ví dụ, bệnh suy thận thận do lupus sẽ được các bác sĩ gọi là viêm thận lupus.
- Các bệnh do virus kéo dài, như AIDS, viêm gan B, viêm gan C.
- Viêm bể thận tái đi tái lại.
- Viêm cầu thận. Thường do liên cầu khuẩn.
- Bệnh thận đa nang: một tình trạng di truyền trong đó các túi chứa đầy chất lỏng được hình thành trong thận.
- Khiếm khuyết bẩm sinh làm tắc nghẽn đường tiết niệu hoặc tổn hại đến thận.
- Thuốc và chất độc: ngộ độc chì, lạm dụng NSAID trong thời gian dài. Các loại NSAID thường được bán là ibuprofen và naproxen. Ngoài ra còn có các thuốc tiêm tĩnh mạch có thể làm tổn thương thận vĩnh viễn.
Triệu chứng bệnh suy thận
Thận là cơ quan thích nghi rất tốt với các thay đổi trong và ngoài thận. Khi một người bắt đầu bị bệnh suy thận, thận sẽ hoạt động tăng cường để bù đắp chức năng. Vì vậy, nếu thận có xu hướng tổn thương nặng dần theo thời gian, các triệu chứng cũng bộc lộ dần. Trên thực tế, một người suy thận có thể không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh trở nặng.
Nếu có, các triệu chứng bệnh suy thận thường gặp là:
- Huyết áp cao.
- Buồn nôn, nôn mửa.
- Ăn mất ngon.
- Cảm giác có vị kim loại trong miệng.
- Mệt mỏi, suy nhược.
- Sa sút tinh thần.
- Rối loạn giấc ngủ.
- Co giật, chuột rút.
- Sưng bàn chân và mắt cá chân.
- Ngứa kéo dài không dứt.
- Đau ngực khi chất lỏng tích tụ quanh tim.
- Khó thở nếu chất lỏng ứ đọng trong phổi.
Biến chứng bệnh suy thận
Biến chứng bệnh suy thận xảy ra ở những bệnh nhân giai đoạn nặng. Một số biến chứng phổ biến bao gồm:
- Nhiễm trùng ngoài da do khô da và ngứa ngáy khó chịu thường xuyên.
- Dễ viêm nhiễm.
- Xương yếu, dễ gãy.
- Tổn thương thần kinh nhiều mức độ.
- Thay đổi nồng độ đường trong máu.
- Rối loạn điện giải.
- Đau mỏi cơ, xương, khớp.
Một số biến chứng nghiêm trọng khác:
- Suy gan.
- Cường cận giáp.
- Thiếu máu.
- Suy dinh dưỡng.
- Xuất huyết dạ dày – ruột.
- Gãy xương.
- Chèn ép tim.
- Tràn dịch màng phổi.
Cách điều trị bệnh suy thận
Một số dạng bệnh suy thận có thể điều trị được. Mục tiêu chính của các phương pháp điều trị này là giảm nhẹ triệu chứng, làm chậm quá trình bệnh trở nặng và ngăn ngừa biến chứng. Trong một số trường hợp, điều trị bệnh có thể giúp phục hồi chức năng thận. Tuy nhiên không có cách chữa khỏi hoàn toàn bệnh thận mạn tính.
Kế hoạch điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đôi khi, nguyên nhân gây ra bệnh được kiểm soát nhưng bệnh vẫn diễn tiến tồi tệ hơn.
Các phương pháp điều trị bệnh suy thận gồm:
1. Tuân thủ chế độ ăn dành cho người bệnh thận
Đủ dinh dưỡng nhưng giảm lượng natri, kali, phốt pho và đạm.
Chế độ ăn kiêng của mỗi người bệnh sẽ khác nhau tùy thuộc mức độ nặng của bệnh. Những người trong giai đoạn đầu của bệnh khác với bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối (ESKD). Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn phù hợp nhất.
Đối với người bệnh thận giai đoạn cuối, cần áp dụng chế độ ăn thân thiện với thận để giảm lượng chất thải trong máu. Chế độ này được gọi là chế độ ăn kiêng thận. Việc tuân thủ trong ăn uống sẽ giúp tăng cường chức năng thận, ngăn ngừa tổn thương thêm.
2. Natri
Natri được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm và là thành phần chính của muối ăn. Thận bị tổn thương sẽ không thể lọc ra Natri dư thừa. Từ đó, nồng độ natri trong máu tăng lên, gây khát nước, lú lẫn, kích thích thần kinh cơ, tăng phản xạ, co giật, hoặc hôn mê. Khuyến cáo nên sử dụng lượng Natri dưới 2000 mg mỗi ngày.
3. Kali
Kali đóng nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Tuy nhiên, nồng độ Kali máu cao có thể làm chậm nhịp tim hoặc thậm chí ngưng tim. Các biểu hiện nhẹ hơn bao gồm mệt mỏi, suy nhược, tê, ngứa, buồn nôn, nôn. Người bệnh nên hạn chế Kali và lượng Kali khuyến cáo dưới 2000 mg/ngày.
4. Phốt pho
Thận hư không thể loại bỏ lượng phốt pho dư thừa. Đây là thành phần được tìm thấy trong rất nhiều thực phẩm: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu. Nồng độ phốt pho cao sẽ gây hại cho cơ thể. Vì thế, lượng phốt pho trong chế độ ăn cần thấp hơn 800-1000 mg/ngày ở hầu hết bệnh nhân.
5. Protein
Protein là một chất dinh dưỡng mà có thể người bệnh cần hạn chế. Vì thận bị tổn thương không thể loại bỏ các chất thải từ quá trình chuyển hóa protein. Tuy nhiên, đối với những bệnh nhân đang chạy thận – một phương pháp lọc và làm sạch máu sẽ cần lượng protein lớn hơn.
Mỗi người bệnh sẽ có tình trạng khác nhau. Không khó hiểu để nói tại sao việc trò chuyện với chuyên gia chăm sóc sức khỏe lại quan trọng đến vậy ở người bệnh thận..
Đối với người bệnh suy thận giai đoạn cuối
Khi chức năng thận giảm nặng, người bệnh bước vào bệnh thận giai đoạn cuối (ESKD), các phương pháp điều trị thường được sử dụng là:
Lọc máu
Được chia thành 2 phương pháp nhỏ: chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc.
- Chạy thận nhân tạo: sử dụng máy loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể người bệnh.
- Thẩm phân phúc mạc: đưa một ống thông mỏng vào bụng người bệnh. Sau đó, một dung dịch được đưa vào bụng để hấp thu chất thải và chất lỏng trong một thời gian nhất định. Sau thời gian này chất lỏng sẽ chảy ra khỏi cơ thể.
Cấy ghép thận
Bác sĩ phẫu thuật thay thế thận người bệnh bằng thận khỏe mạnh từ người hiến tặng. Người hiến tặng này có thể còn sống hoặc đã qua đời. Sau quá trình này, người bệnh sẽ dùng thuốc suốt đời để đảm bảo cơ thể không “tấn công” quả thận lạ này.
Phòng ngừa bệnh suy thận
Các phương pháp phòng ngừa bệnh suy thận hữu ích là thay đổi lối sống và thay đổi chế độ ăn uống.
Thay đổi lối sống
- Kiểm soát huyết áp đúng mục tiêu bác sĩ đặt ra. Trong hầu hết trường hợp, mục tiêu huyết áp chung thường là 140/90.
- Kiểm soát nồng độ đường huyết và cholesterol máu
- Tập thể dục hằng ngày, duy trì cân nặng phù hợp
- Không hút thuốc lá
Thay đổi chế độ ăn uống
Uống đủ nước: trung bình 1.5-2 lít nước mỗi ngày. Tăng cường nước trong những ngày nóng hoặc phải vận động ra nhiều mồ hôi.
Thực hiện chế độ ăn giảm muối, giảm đạm, giảm dầu mỡ.
Bệnh suy thận nếu không điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm lên sức khỏe, thậm chí là tính mạng người bệnh. Tuân thủ chế độ ăn uống khoa học và thực hiện lối sống lành mạnh là những cách bảo vệ thận đơn giản mà hiệu quả nhất.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Kidney Diseasehttps://www.webmd.com/a-to-z-guides/understanding-kidney-disease-basic-information
Ngày tham khảo: 24/07/2021