Bệnh tim bẩm sinh: Còn ống động mạch – Tồn tại lỗ bầu dục
Nội dung bài viết
Một trong những bệnh lí thường gặp nhất ở trẻ nhỏ là tim bẩm sinh. Đây là thuật ngữ nói về tình trạng bất thường ở tim xuất hiện ngay từ khi trẻ còn trong bụng mẹ. Trong đó, còn ống động mạch và tồn tại lỗ bầu dục có thể phát hiện khi mẹ siêu âm trong lúc mang thai.
Còn ống động mạch là bệnh gì?
Còn ống động mạch là một khuyết tật tim bẩm sinh khiến dòng máu chảy bất thường trong tim.
Trước khi sinh, máu của trẻ không cần phải đi qua phổi để lấy oxy vì đã có máu giàu oxy từ mẹ cung cấp. Một mạch máu nhỏ được gọi là ống động mạch giúp đưa máu của mẹ đến phổi khi trẻ trong bào thai. Đây là ống nối liền giữa động mạch chủ và động mạch phổi. Sau sinh, phổi của trẻ bắt đầu chứa đầy không khí, mạch máu này không còn cần thiết nữa. Lúc này, nó thường sẽ bít lại.
Nếu trẻ vẫn còn ống động mạch, một ít máu sẽ quay trở lại phổi. Trong khi theo chu trình bình thường, lượng máu này cần được cung cấp đến các cơ quan của cơ thể khi qua động mạch chủ.
Tại sao trẻ bị tật tim còn ống động mạch?
Nguyên nhân chính xác của còn ống động mạch vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, đây là tình trạng phổ biến ở trẻ sinh non. Đặc biệt là nếu phổi của trẻ chưa trưởng thành. Thường hiếm gặp ở trẻ đủ tháng. Các yếu tổ nguy cơ khác bao gồm:
- Trẻ có bệnh lí di truyền như hội chứng Down.
- Mẹ nhiễm rubella khi mang thai.
- Trẻ có tật tim bẩm sinh khác kèm theo.
- Tiền căn anh chị em trong gia đình cũng bị còn ống động mạch.
Các triệu chứng nào xuất hiện ở trẻ còn ống động mạch?
Nếu kích thước của ống động mạch nhỏ, trẻ thường không có triệu chứng. Bác sĩ có thể nghe thấy âm thổi (khi máu di chuyển qua ống động mạch) bằng ống nghe
Nếu còn ống động mạch lớn, trẻ có thể chậm tăng cân. Ngoài ra, trẻ có thể thở nhanh và đổ mồ hôi khi gắng sức như khóc hoặc chơi. Trẻ có thể nhập viện nhiều lần vì viêm phổi tái đi tái lại.
Tồn tại lỗ bầu dục là bệnh gì?
Cấu trúc tim gồm có 4 buồng. Các buồng trên được gọi là tâm nhĩ và các buồng dưới được gọi là tâm thất. Tim có chức năng co bóp để đẩy máu qua 4 buồng này, đến phổi và phần còn lại của cơ thể. Lỗ bầu dục là một lỗ thông giữa 2 buồng trên của tim (2 tâm nhĩ).
Lỗ bầu dục thường xuất hiện trong bào thai và đóng lại ở hầu hết sau khi trẻ sinh ra. Nếu lỗ thông này không đóng lại, đó được gọi là tồn tại lỗ bầu dục (PFO).
Nguyên nhân
Máu từ tĩnh mạch về tâm nhĩ phải, từ đây máu qua lỗ bầu dục đến tâm nhĩ trái. Sau đó, xuống tâm thất trái, theo động mạch chủ lên đến nuôi dưỡng các cơ quan của bào thai. Sau khi sinh, áp lực tăng ở bên buồng tim trái sẽ giúp đóng lại lỗ bầu dục. Vì vậy tất cả máu sẽ đi từ buồng tim phải đến phổi. Lúc này, hệ tuần hoàn của trẻ hoạt động như người bình thường.
Tuy nhiên, một số trẻ vẫn tồn tại tuần hoàn bào thai trong thời gian ngắn. Áp lực của buồng tim phải vẫn cao hơn áp lực buồng tim trái. Khi đó, lỗ bầu dục không đóng, máu vẫn đi từ nhĩ phải qua nhĩ trái. Lượng máu chưa được trao đổi khí đi đến các cơ quan khiến trẻ có biểu hiện tím tái.
Dấu hiệu nào ở trẻ có tồn tại lỗ bầu dục?
Tồn tại lỗ bầu dục thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nghiêm trọng nào cho trẻ. Trong một số ít trường hợp, trẻ có thể tím thoáng qua khi khóc hoặc chơi đùa gắng sức.
Đôi khi ở người lớn, cục máu đông từ một cơ quan khác của cơ thể đi qua lỗ bầu dục và đến não, có thể gây ra đột quỵ.
Trẻ được chẩn đoán những bệnh tim bẩm sinh này như thế nào?
Sau khi hỏi về các triệu chứng và quá trình bệnh lí của con bạn, Bác sĩ sẽ khám trẻ và đề nghị một số xét nghiệm quan trọng như Siêu âm tim và chụp X-quang ngực.
Còn ống động mạch và Tồn tại lỗ bầu dục có nguy hiểm không?
Ống động mạch và lỗ bầu dục có thể tự đóng mà không cần điều trị. Ở trẻ sinh non, nếu ống động mạch lớn có thể cần phải điều trị bằng thuốc. Một số trường hợp, phẫu thuật là phương pháp điều trị tốt nhất cho trẻ.
Cần chú ý gì khi chăm sóc trẻ?
Điều quan trọng là bạn cần theo dõi sát tình trạng tím hay khó thở của trẻ. Ngoài ra, bạn hãy hỏi Bác sĩ để được tư vấn những thông tin quan trọng sau nhé:
- Sẽ mất bao lâu để sức khỏe trẻ hồi phục.
- Những hoạt động trẻ nên tránh và khi nào trẻ có thể trở lại sinh hoạt bình thường.
- Cách chăm sóc trẻ tại nhà.
- Những triệu chứng hoặc vấn đề bạn nên theo dõi và cách xử trí nếu con bạn gặp phải.
- Việc trẻ cần dùng thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng trước khi làm thủ thuật như nhổ răng…
- Khi nào trẻ cần quay lại để bác sĩ kiểm tra.
Còn ống động mạch và Tồn tại lỗ bầu dục là những bệnh tim bẩm sinh thường ít gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Đa số trường hợp những lỗ này có thể tự đóng lại. Điều quan trọng, nếu trẻ tím tái hay khó thở hay bạn có bất cứ lo lắng nào, cần đưa trẻ đến khám Bác sĩ ngay nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Patent Ductus Arteriosushttps://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_patducar_car.htm
Ngày tham khảo: 05/12/2019
-
Patent Foramen Ovalehttps://www.abcdpediatrics.com/advisor/pa/pa_pfo_car.htm
Ngày tham khảo: 05/12/2019