Bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu?
Nội dung bài viết
Ung thư đại tràng là căn bệnh nguy hiểm chiếm tỉ lệ mắc phải cao tại nước ta. Sự phát hiện sớm ung thư đại tràng thông qua các triệu chứng giúp tăng tỉ lệ sống sót cho người bệnh. Khám sức khoẻ định kỳ cũng là một cách thức hiệu quả để phát hiện ung thư đại tràng không triệu chứng. Những đối tượng nào dễ mắc ung thư đại tràng? Mắc bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu? ThS.BS chuyên khoa Ngoại tiết niệu Trần Quốc Phong sẽ giải đáp rõ hơn qua bài viết sau.
Ai dễ bị ung thư đại tràng hơn?
Bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn phát hiện ra bệnh ở giai đoạn sớm hay muộn. Biết được những nhóm đối tượng dễ mắc ung thư đại tràng giúp bạn xác định tương đối chính xác khả năng mắc bệnh của mình. Một số yếu tố dưới đây có thể không thay đổi được. Tuy nhiên trong danh sách yếu tố dưới đây cũng có những yếu tố thay đổi được. Chúng bao gồm:
Những yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
- Tuổi già: ung thư đại tràng có thể được chẩn đoán ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên phần lớn những người được chẩn đoán ung thư đại tràng đều trên 50 tuổi. Mặc dù vậy, gần đây tỉ lệ mắc bệnh ở những người dưới 50 tuổi đã tăng lên. Các chuyên gia cũng không biết chắc lý do có sự gia tăng này. Sức đề kháng giảm khi về già cũng quyết định nhiều đến bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu.
- Chủng tộc người Mỹ gốc Phi. Người Mỹ gốc Phi có nguy cơ ung thư đại tràng cao hơn so với những người thuộc chủng tộc khác.
- Tiền sử bản thân có ung thư đại tràng hoặc polyp. Nếu bạn đã bị ung thư đại tràng hoặc polyp đại tràng không nhiễm trùng, bạn có nguy cơ ung thư đại tràng cao hơn trong tương lai.
- Tình trạng viêm đường ruột. Các bệnh viêm mạn tính của đại tràng, chẳng hạn như viêm loét đại tràng và bệnh Crohn, có thể làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng.
- Hội chứng di truyền làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. Một số đột biến gen di truyền qua các thế hệ trong gia đình làm tăng đáng kể nguy cơ ung thư đại tràng. Tuy nhiên chỉ một tỷ lệ nhỏ ung thư đại tràng được liên kết với gen di truyền.
- Tiền sử gia đình mắc ung thư đại tràng. Bạn có nhiều khả năng mắc ung thư đại tràng nếu bạn có người thân đã mắc ung thư đại tràng. Nếu nhiều hơn một thành viên trong gia đinh mắc ung thư đại trực tràng, nguy cơ mắc bệnh của bạn sẽ lớn hơn.
Những yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được
- Chế độ ăn ít chất xơ, nhiều chất béo. Ung thư đại trực tràng có liên quan đến chế độ ăn uống nhiều thịt, ít chất xơ.
- Lối sống ít vận động. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, vận động có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng. Những người không hoạt động có nhiều khả năng phát triển ung thư đại trực tràng.
- Bệnh tiểu đường. những người mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng.
- Béo phì. Những người béo phì có nhiều nguy cơ mắc ung thư đại tràng cao hơn bình thường. Thậm chí ở những người này còn tăng nguy cơ tử vong hơn khi mắc bệnh so với người bình thường khi mắc bệnh.
- Hút thuốc lá.
- Rượu.
- Xạ trị ung thư. Xạ trị nhắm vào bụng để điều trị các loại ung thư trước đó có thể gây đột biến gen tế bào làm tăng nguy cơ mắc ung thư đại tràng.
Ung thư đại tràng có chữa được không?
Những kỹ thuật bạn có thể được thực hiện để điều trị ung thư đại tràng bao gồm:
- Nếu khối u còn nhỏ bạn có thể được tiến hành điều trị thông qua mổ nội soi.
- Nếu khối u to hơn bạn có thể được điều trị thông qua mổ mở.
- Nếu khối u đã tiến triển ở giai đoạn khá xa và đã di căn thì bạn sẽ được tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u. Song song với đó bạn sẽ tiến hành thêm xạ trị và hoá trị.
- Ngoài ra còn một số biện pháp khác như: liệu pháp nhắm mục tiêu. Liệu pháp miễn dịch và chăm sóc hỗ trợ giảm nhẹ cũng là những biện pháp đang được sử dụng.
Bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu?
Khi bác sĩ kết luận bạn mắc ung thư đại tràng, điều đó có thể đáng lo ngại. Tuy nhiên ung thư này là một dạng ung thư có thể điều trị được. Đặc biệt là khi bạn mắc bệnh ở giai đoạn sớm. Tỷ lệ sống sót 5 năm cho tất cả các giai đoạn ung thư đại tràng được ước tính là khoảng 63%. Đối với ung thư trực tràng, tỷ lệ này cao hơn là 67%. Tỷ lệ sống sót 5 năm phản ánh tỷ lệ người sống sót ít nhất 5 năm sau khi chẩn đoán.
Các phương pháp điều trị hiện tại cũng tỏ ra hữu ích trong điều trị ung thư đại tràng. Theo trung tâm Y tế Tây Nam Đại học Texas, năm 2015, thời gian sống trung bình cho ung thư đại tràng giai đoạn 4 là khoảng 30 tháng.
Chẩn đoán ung thư đại tràng
Như đã nói, bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào việc phát hiện bệnh sớm. Chẩn đoán sớm ung thư đại trực tràng mang đến cho bạn cơ hội chữa khỏi tốt hơn cho bạn. Ung thư đại tràng có thể xuất hiện mà không gây ra bất cứ triệu chứng nào. Vì vậy tầm soát bệnh sau tuổi 50 là việc làm cần thiết. Sau đó họ sẽ tiến hành thăm khám ổ bụng của bạn.
Mục đích là tìm những khối u cục bất thường có thể sờ được nhằm xác định tổn thương. Tuy nhiên việc làm này là chưa đủ để chẩn đoán bệnh. Bác sĩ phải tiến hành các xét nghiệm khác để khẳng định được tình trạng của bạn. Các xét nghiệm có thể là:
1. Xét nghiệm phân
Xét nghiệm phân có thể là xét nghiệm đầu tiên bạn được bác sĩ yêu cầu thực hiện. Tuy đơn giản nhưng nó lại tỏ ra tương đối hiệu quả. Phát hiện bệnh sớm, bạn sẽ được điều trị triệt để.
Xét nghiệm phân được sử dụng để phát hiện máu ẩn trong phân. Thứ nhất là xét nghiệm máu ẩn trong phân dựa trên Guaiac (gFOBT). Thứ hai là Xét nghiệm hoá miễn dịch phân (FIT). Các xét nghiệm cần được tiến hành mỗi năm hoặc 2 năm một lần.
2. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu có thể giúp bác sĩ hiểu rõ hơn nguyên nhân gây ra các triệu chứng của bạn. Xét nghiệm thêm một vài thông số khác còn giúp bác sĩ loại trừ các bệnh lý khác. Việc rút ngắn thời gian trong chẩn đoán sẽ giúp bạn có cơ hội điều trị tốt hơn.
3. Nội soi đại tràng
Nội soi đại tràng là một thủ thuật xâm lấn. Nó có liên quan đến việc sử dụng một ống dài với máy ảnh nhỏ gắn vào. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong đại tràng của bạn. Việc làm này cho bác sĩ một cái nhìn trực tiếp, khách quan về tình trạng trong lòng đại tràng của bạn.
Trong quá trình nội soi đại tràng, bác sĩ có thể tiến hành loại bỏ mô khỏi vùng bất thường. Mẫu mô này sau đó sẽ được sinh thiết mô học để biết rõ bản chất của nó.
4. X – quang
Bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiến hành chụp x – quang tương phản bằng dung dịch tương phản phóng xạ có chứa bari. Bình thường việc chụp x quang này sẽ được tiến hành hai thì. Bác sĩ sẽ tiến hành bơm dung dịch tương phản này vào lòng đại tràng của bạn sau đó tiến hành chụp x quang.
Sau đó họ sẽ rút hết thuốc bari ra, sau đó bơm khí vào và tiến hành chụp lần 2. Việc chụp hai lần như vậy cho chất lượng hình ảnh rõ ràng và cải thiện chất lượng hình ảnh x quàn so với chụp x quang truyền thống.
5. Chụp CT – scan
Chụp CT – scan cung cấp cho bác sĩ một hình ảnh chi tiết về đại tràng. Tình trạng thâm nhiễm, khối u xâm lấn cũng sẽ được phát hiện trên CT – scan. CT – scan còn tỏ ra là một xét nghiệm hữu hiệu trong việc giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác. CT – scan còn giúp phát hiện những vị trí di căn trong ung thư đại trực tràng.
Việc phát hiện tất cả những thương tổn do ung thư đại trực tràng giúp bác sĩ định hướng điều trị cho bạn. Vì vậy bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu cũng phụ thuộc vào kết quả CT- scan trả lời.
Phòng ngừa ung thư đại tràng
Thay vì tìm hiểu câu trả lời cho câu hỏi bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu, bạn nên có những biện pháp phòng ngừa chúng ngay từ khi chúng chưa hình thành. Phòng bệnh hơn chữa bệnh thông qua một số việc sau:
- Giảm lượng thịt đỏ ăn vào.
- Tránh thịt chế biến như xúc xích, pate,…
- Ăn nhiều chất xơ, rau, củ, quả.
- Giảm chất béo.
- Tập thể dục hàng ngày.
- Giảm cân.
- Bỏ thuốc lá, rượu bia, chất kích thích.
- Giảm căng thẳng.
- Quản lý bệnh tiểu đường có từ trước.
Một việc làm cần thiết nữa trong phòng ngừa là đảm bảo bạn nội soi hoặc tầm soát định kỳ ung thư đại trực tràng sau tuổi 50.
Như vậy bệnh ung thư đại tràng sống được bao lâu phụ thuộc rất nhiều vào việc chẩn đoán sớm bệnh. Ung thư được phát hiện càng sớm, kết quả điều trị sẽ càng tốt. Vì vậy việc nắm vững những dấu hiệu thường gặp của ung thư đại tràng là việc bạn nên biết. Đồng thời thường xuyên khám sức khoẻ định kỳ 2 lần trên năm để biết rõ tình trạng sức khoẻ của mình. Bảo vệ sức khoẻ thông qua một lối sống lành mạnh là chìa khoá giúp bạn phòng chống ung thư đại tràng.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Colon Cancer (Symptoms and causes) https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/colon-cancer/symptoms-causes/syc-20353669
Ngày tham khảo: 02/05/2021
-
Colon Cancer (Diagnosis and treatment)https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/colon-cancer/diagnosis-treatment/drc-20353674
Ngày tham khảo: 02/05/2021
-
Colorectal Cancerhttps://www.healthline.com/health/colon-cancer
Ngày tham khảo: 02/05/2021