Bệnh viêm xung huyết dạ dày là gì?
Nội dung bài viết
Viêm xung huyết dạ dày là bệnh khá phổ biến ở nước ta. Bởi nó xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi nơi không phân biệt giới tính. Bệnh không nguy hiểm nếu phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu kéo dài bệnh dễ chuyển sang mạn tính và gây các biến chứng khôn lường. Mời bạn cùng tìm hiểu về bệnh viêm xung huyết dạ dày thông qua bài viết sau đây do Thạc sĩ, Bác sĩ Thái Việt Nguyên biên soạn nhé.
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là gì?
Hang vị là vị trí nằm gần cuối dạ dày. Nơi đây giữ nhiệm vụ quan trọng của hệ thống tiêu hóa. Tuy nhiên, đây cũng là nơi thường nhiễm khuẩn nhất so với vị trí khác của dạ dày.
Viêm xung huyết hang vị dạ dày là tình trạng vùng hang vị bị viêm, làm các mạch máu giãn nở xung huyết vùng niêm mạc dạ dày.
Nguyên nhân viêm xung huyết hang vị dạ dày
Bệnh được gây ra bởi nhiều nguyên nhân:
- Nhiễm khuẩn: nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Đây là vi khuẩn làm mất chức năng chống axit của niêm mạc. Vi khuẩn này chui vào lớp nhầy và tiết chất gây hại cho dạ dày.
- Sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh thường xuyên: khi dùng thuốc giảm đau thường xuyên hay quá mức thì cơ thể có thể sẽ ngừng tổng hợp protaglandin. Đây là chất quan trọng để chống lại vi khuẩn có hại trong dạ dày.
- Ăn quá no hay để bụng đói, nhịn ăn: việc không dùng bữa vì bận công việc hay giảm cân đều có thể gây viêm loét dạ dày. Xuất hiện các cơn đau kéo dài từ 1h – 2h. Song song, nếu ăn quá no cũng gây hậu quả khôn lường.
- Uống rượu, bia quá mức: Thức uống có cồn làm kích ứng và xói mòn niêm mạc dạ dày. Tăng cơ hội cho dịch tiêu hóa làm tổn thương.
- Căng thẳng: tình trạng căng thẳng về thể chất cũng là nguyên nhân gây viêm dạ dày.
- Tuổi tác: Người càng lớn tuổi, lớp niêm mạc dạ dày có xu hướng mỏng đi. Nguy cơ nhiễm H. pylori và rối loạn miễn dịch cũng cao hơn người trẻ.
- Vấn đề sức khỏe khác: mắc các bệnh lý như HIV/AIDS, nhiễm ký sinh trùng,… tăng nguy cơ viêm dạ dày.
Triệu chứng bệnh viêm xung huyết dạ dày
Triệu chứng bệnh thường không rõ ràng và tùy vào mức độ viêm. Các dấu hiệu thường xuất hiện của bệnh:
- Đau vùng thượng vị (vùng trên rốn): đây là triệu chứng thường gặp nhất. Cơn đau xuất hiện âm ỉ hoặc dữ dội. Bệnh càng nặng thì mức độ đau và tần suất càng tăng.
- Ăn khó tiêu, cảm giác nặng bụng: thức ăn lâu được phân hủy gây cảm giác khó chịu trong bụng.
- Buồn nôn,ói mửa: thức ăn không được tiêu hóa hết cùng với dịch dạ dày gây trào ngược lên thực quản tao cảm giác buồn nôn hay nôn (nhất là sau khi ăn).
- Ợ hơi, ợ chua: thức ăn đọng lâu trong dạ dày sinh ra nhiều khí. Nó cũng kích thích tiết nhiều axit hơn khiến người bệnh ợ hơi, ợ chua.
- Sụt cân: bệnh kéo dài dẫn đến kém hấp thu chất dinh dưỡng khiến người bệnh giảm cân.
- Sốt: viêm dạ dày do nhiễm khuẩn thì triệu chứng sốt cũng có thể xảy ra.
- Ói ra máu hay đi ngoài phân đen: nếu tình trạng viêm loét dạ dày nặng, hiện tượng này có thể xuất hiện. Do thành mạch máu bị tổn thương khiến máu có thể ói ra ngoài qua ống tiêu hóa. Kèm với việc trộn lẫn thức ăn khiến phân đen và hôi bất thường.
Chẩn đoán
Chẩn đoán bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày, bác sĩ có thể dựa vào:
- Khám sức khỏe bệnh nhân
- Triệu chứng bệnh hiện tại và tiền sử bệnh
- Kiểm tra sự hiện diện của H. pylori bằng xét nghiệm máu, hơi thở hay phân.
- Chụp X-quang có sử dụng thuốc cản quang: phương pháp này có thể sử dụng. Tuy nhiên, nó không đánh giá mức độ nặng hay nhẹ của bệnh.
- Nội soi dạ dày: đây là tiêu chuẩn vàng trong việc đánh giá và chẩn đoán bệnh.
- Phương pháp huyết thanh miễn dịch: tìm kháng thể kháng vi khuẩn H. pylori trong máu.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể làm thêm các phương pháp khác nếu cần:
- Đánh giá chức năng thận, gan
- Kiểm tra bệnh thiếu máu,…
Bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày có nguy hiểm không?
Bệnh xung huyết dạ dày là một bệnh phổ biến hiện nay do sự chủ quan của người bệnh với những phương pháp điều trị không hợp lý. Bệnh kéo dài lâu ngày có thể gây ra:
- Ảnh hưởng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Do những cơ đau xuất hiện từ âm ỉ đến rầm rộ.
- Thậm chí gây loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày.
- Đặc biệt, bệnh còn tăng nguy cơ ung thư dạ dày, nhất là tác nhân vi khuẩn HP.
Nhưng bạn có biết, nếu bệnh được điều trị sớm và đúng cách thì bệnh sẽ không trở nên nguy hiểm. Chính vì vậy, khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ bệnh nên đi khám để phát hiện sớm bệnh cần đến bác sĩ ngay. Từ đó, bác sĩ sẽ giúp bạn tìm căn nguyên mà có phác đồ điều trị bệnh hợp lý và hiệu quả.
Điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày
Nguyên tắc điều trị
- Thăm khám kỹ lượng để đánh giá tình trạng bệnh chính xác.
- Nếu nguyên nhân là HP cần phải sử dụng kháng sinh diệt HP.
- Sử dụng thuốc để giảm tiết acid.
- Trong quá trình điều trị bằng thuốc cần kết hợp với chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý.
- Người bệnh điều trị tích cực theo chỉ định của bác sĩ, uống đúng liều, tránh bỏ thuốc.
- Cần tái khám sau khi kết thúc đợt điều trị.
Thuốc điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày
- Thuốc trung hòa acid: phosphalugel, gastropulgit,…
- Thuốc ức chế thụ thể H2 của histamin: giúp kìm hãm sự tạo thành acid HCl. Có thể kể đến các thuốc: Cimetidin, ranitidin…
- Thuốc ức chế bơm proton thuốc có tác dụng ức chế tế bào viền tiết HCl: lansoprazol, omeprazol,…
- Thuốc tác động lên hệ thần kinh trung ương: giúp giảm đau, an thần như diazepam,…
- Thuốc diệt vi khuẩn HP khi có HP dương tính: Amoxicillin, metronidazol, clarithromycin,…
Thay đổi thói quen sinh hoạt
Bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, thay đổi thói quen sinh hoạt cũng vô cùng quan trọng để điều trị viêm xung huyết hang vị dạ dày.
- Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Ăn đúng giờ, không bỏ bữa, không nhịn đói.
- Ăn đủ, tránh ăn quá no.
- Hạn chế ăn khuya.
- Nếu bị khó tiêu, bạn có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để giảm bớt tác động của axit dạ dày.
- Tránh ăn thực phẩm gây kích thích dạ dày: đồ cay nóng, đồ chiên nhiều dầu mỡ hay chất béo.
- Hạn chế rượu, bia, thức uống có cồn gây kích thích niêm mạc
- Duy trì đồng hồ sinh học hợp lý: Ngủ đủ giấc, đúng giờ và tránh thức khuya. Nên nghỉ ngơi điều độ, tránh tình trạng cơ thể kiệt sức.
- Hạn chế căng thẳng: Tình trạng lo lắng, áp lực làm bệnh viêm dạ dày càng thêm trầm trọng, nặng có thể gây xuất huyết, viêm loét.
- Vệ sinh thân thể và môi trường: giúp giảm nguy cư tác nhân gây bệnh từ bên ngoài và các biến chứng phát sinh.
- Kiểm soát cảm xúc: cảm xúc thay đổi thất thường (quá vui hay quá buồn) cũng là cơ hội viêm dạ dày tái phát.
- Nâng cao sức khỏe: tập luyện những bài tập vận động nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, ngồi thiền,… giúp tăng cường sức khỏe.
Cách phòng bệnh
- Xây dựng chế độ ăn hợp lý: bổ sung các vitamin và khoáng chất khác. Nên sử dụng các thức ăn dễ tiêu, ít dầu mỡ, cay, nóng.
- Không ăn quá nhanh, tránh vừa ăn vừa làm việc hay chú ý ti vi. Khi ăn nên nhai kĩ thức ăn.
- Hạn chế các chất kích thích: rượu, bia, thuốc lá, nước có gas,…
- Không nên ăn quá no, hạn chế ăn đêm, tránh vận động ngay sau khi ăn,…
- Ăn đúng thời gian, không bỏ bữa hay nhịn đói lâu.
- Thường xuyên tập thể dục hằng ngày với những động tác đơn giản: đi bộ, ngồi thiền,yoga,…
- Khi có dấu hiệu bất thường của bệnh nên đến thăm khám ở các cơ sở y tế để được tư vấn và chăm sóc kịp thời.
Trên đây là bài viết giới thiệu về tình trạng bệnh viêm xung huyết hang vị dạ dày. Nếu bạn phát hiện được dấu hiệu nào của bệnh cần đến các cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị hiệu quả. Ngoài ra, bạn hãy lập kế hoạch sinh hoạt, ăn uống khoa học để bệnh tiến triển tốt hơn.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Bắt bệnh viêm sung huyết hang vị dạ dàyhttps://suckhoedoisong.vn/bat-benh-viem-sung-huyet-hang-vi-da-day-n103016.html
Ngày tham khảo: 09/07/2021
-
Everything you need to know about gastritishttps://www.medicalnewstoday.com/articles/309046
Ngày tham khảo: 09/07/2021