YouMed

Cách bấm huyệt chữa đau đầu gối hiệu quả

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Thực tế, ta dễ dàng nhận thấy khớp gối phải nâng đỡ phần lớn trọng lượng của cơ thể. Chính vì vậy, chúng thường bị tổn thương bởi nhiều tác động từ bên trong lẫn bên ngoài, phổ biến là triệu chứng đau khớp. Với sự phát triển của Y học cổ truyền, bấm huyệt dần được chứng minh mang đến nhiều lợi ích trong việc giảm các triệu chứng đau đầu gối. Sau đây, mời bạn cùng bác sĩ Y học cổ truyền Phạm Lê Phương Mai tìm hiểu cách bấm huyệt chữa đau đầu gối đơn giản mà vẫn đạt hiệu quả cao.

Nguyên nhân gây đau đầu gối

Theo Y học hiện đại

Theo nhiều tài liệu, đau khớp thường xảy ra khi phần sụn khớp bị bào mòn, dịch khớp tiêu giảm. Điều này dẫn đến các đầu xương va chạm và cọ xát nhau gây lạo xạo, đau, sưng viêm…1 Một số yếu tố thúc đẩy tình trạng trên diễn ra như:

Nguyên nhân cơ giới:

  • Chấn thương như đứt dây chằng, gãy xương, rách sụn, trật khớp…
  • Dinh dưỡng kém, thiếu vi chất bổ xương khớp như canxi, photpho,…
  • Sử dụng các chất kích thích làm tăng nhanh quá trình bào mòn sụn khớp như rượu bia, thuốc lá…
  • Vận động không khoa học, động tác sai tư thế tạo áp lực lớn đến khớp gối như ngồi lâu, mang vác vật nặng,…
  • Béo phì, thừa cân khiến khớp phải chống đỡ trọng lượng cơ thể lớn.

Nguyên nhân do bệnh lý:

  • Các bệnh lý viêm khớp như viêm khớp dạng thấp, viêm bao hoạt dịch, bệnh Gout, nhiễm trùng,…2
  • Thoái hóa khớp gối nguyên nhân theo thời gian hệ thống xương khớp sẽ lão hóa dần. Lúc này, các lớp sụn đã mỏng, trở nên xơ cứng, khả năng bao phủ đầu xương giảm.1

Ngoài đau, khớp gối tổn thương có thể kèm theo triệu chứng như tê mỏi chân, sưng nóng khớp, tiếng lạo xạo hay cứng khớp, biến dạng khớp…

Đau đầu gối có thể gây ra cho người bệnh nhiều khó khăn khi vận động
Đau đầu gối có thể gây ra cho người bệnh nhiều khó khăn khi vận động

Theo Y học cổ truyền

Đau đầu gối được đông y mô tả chung trong chứng tý. Nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Tà khí bên ngoài (phong, hàn, thấp) nhân lúc vệ khí không vững chắc và chính khí suy yếu mà xâm phạm vào cơ biểu, kinh lạc, xương khớp. Điều này dẫn đến kinh lạc tắc trở, khí huyết ứ trệ; gây nên triệu chứng đau khớp, cơ, vận động co duỗi không linh hoạt.
  • Suy giảm chức năng của tạng Thận (chủ cốt tủy) và Can (chủ cân) lâu ngày. Cơn đau do lý do này thường âm ỉ, kéo dài, tái phát nhiều lần, mỏi yếu,… kèm theo các triệu chứng của rối loạn tạng phủ khác.

Xem thêm: Đau khớp gối: Nguyên nhân và lời khuyên dành cho người bị đau khớp gối

Cách bấm huyệt chữa đau đầu gối có hiệu quả?

Từ xưa đến nay, nhiều công trình nghiên cứu đã ghi nhận hiệu quả tuyệt vời mà bấm huyệt mang lại đối với bệnh lý cơ xương khớp. Đặc biệt, chúng dần trở thành sự lựa chọn ưu tiên trong điều trị bởi tính an toàn, không xâm lấn, dễ thực hiện.

Trong đó, cách thức bấm huyệt chữa đau đầu gối có cốt lõi là kích thích huyệt đạo bằng lực từ ngón tay. Với mục đích:3

  • Tăng cường khí huyết lưu thông, thư giãn cơ bị co cứng, xương khớp chuyển hóa dinh dưỡng dồi dào.
  • Phục hồi, cân bằng rối loạn tạng phủ, đào thải độc tố thuận lợi.
  • Tạo tín hiệu đến tế bào, tiết ra chất giảm đau tự nhiên như endorphin
  • Tăng sản xuất dịch khớp gối, thuận lợi cho quá trình tái tạo sụn khớp.
  • Cải thiện vận động khớp, ngăn ngừa cứng khớp, đề phòng tái phát.

Nhờ những hiệu quả kể trên mà kỹ thuật này sẽ giúp rút ngắn liệu trình điều trị, đồng thời hạn chế sử dụng nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm lâu dài. Từ đó, những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng được giảm thiểu tối đa.

Bấm huyệt chữa đau đầu gối có thể giúp giảm các triệu chứng do tình trạng này gây ra
Bấm huyệt chữa đau đầu gối có thể giúp giảm các triệu chứng do tình trạng này gây ra

Cách bấm huyệt chữa đau đầu gối

Chỉ định, chống chỉ định

Hầu hết các trường hợp có triệu chứng đau khớp gối đều có thể áp dụng phương pháp này. Bên cạnh đó, với mục đích như phục hồi vận động, giảm tê mỏi, cứng khớp, căng cơ… bấm huyệt vẫn là sự lựa chọn hàng đầu.

Thế nhưng, một vài trường hợp sau nên cẩn trọng khi chỉ định bấm huyệt chữa đau đầu gối:

  • Chấn thương tại khớp gối giai đoạn cấp như gãy xương, đứt dây chằng,…
  • Dấu hiệu sinh tồn bất thường, tri giác không tỉnh táo, bệnh lý cấp cứu ngoại khoa…
  • Vùng da tiến hành thao tác có vết thương hở, lở loét, mụn nhọt… Thao tác dễ làm tăng tình trạng viêm nhiễm, lây lan.
  • Cơ địa đặc biệt như phụ nữ có thai, trẻ em, người già gầy yếu… cần được chỉ định và theo dõi cẩn thận từ người có chuyên môn.

Quy trình bấm huyệt chữa đau đầu gối

Cách bấm huyệt trị đau đầu gối thường xây dựng phương huyệt dựa trên huyệt tại chỗ quanh khớp gối.4 Có thể kể đến như:

  • A thị huyệt: Huyệt tại chỗ, nơi bệnh nhân than phiền đau, khi thầy thuốc ấn vào.4
  • Hạc đỉnh: Nằm tại ví trí ngay giữa trên xương bánh chè (khớp gối).
  • Lương khâu: Từ huyệt Hạc đỉnh đo thẳng lên trên 2 thốn, rồi ra phía ngoài 1 thốn.
  • Huyết hải: Từ điểm giữa của khớp gối (Hạc đỉnh) đo thẳng lên 1 thốn rồi vào trong 2 thốn.
  • Độc tỵ: Nằm ngay tại lõm ngoài xương bánh chè.
  • Tất nhãn: Nằm ngay tại lõm trong xương bánh chè.
  • Âm lăng tuyền: Nằm ngay dưới mâm xương chày, sát bờ sau trong xương chày.
  • Dương lăng tuyền: Tại hõm trước và dưới đầu trên xương mác, đối diện với Âm lăng tuyền.
  • Ủy trung: Nằm chính giữa nếp lằn khoeo chân.
  • Túc tam lý: Từ hõm dưới ngoài khớp gối đo xuống 3 thốn.

Ngoài ra, thầy thuốc có thể gia thêm một số huyệt giúp bổ Can Thận, mạnh gân khớp hơn như: Thừa sơn, Thận du, Can du,…

Tùy tình trạng và mức độ đau của người bệnh mà thầy thuốc sẽ chỉ định liệu trình riêng biệt. Mỗi huyệt nên tác động khoảng 1 – 2 phút/lần, lặp lại 2 – 3 lần/ngày. Khi bệnh ổn định, bác sĩ sẽ ngưng điều trị hoặc có thể kéo dài đến 15 – 20 ngày nếu chưa đạt kết quả mong muốn.

Một số huyệt đạo thường dùng trong bấm huyệt chữa đau đầu gối
Một số huyệt đạo thường dùng trong bấm huyệt chữa đau đầu gối

Lưu ý khi bấm huyệt chữa đau đầu gối

Đáp ứng của đối tượng phụ thuộc lớn vào tính chất và mức độ bệnh lý. Thực tế, phương pháp này chỉ hỗ trợ giảm đau gối ở mức độ nhẹ, trung bình. Nếu trường hợp nặng hơn, có biến chứng hoặc không đáp ứng trị liệu sau một thời gian; thầy thuốc sẽ phối hợp thêm nhiều liệu pháp khác của cả tây y và đông y, thậm chí là phẫu thuật.

Điều quan trọng không kém là sự tin tưởng và kiên trì của người bệnh đối với kỹ thuật này. Bởi lẽ, tác dụng của thao tác cần có thời gian mới phát huy tối đa.

Thực tế, kỹ thuật này hoàn toàn có thể được tiến hành tại nhà. Tuy nhiên cần phải trao đổi kỹ với thầy thuốc về cách bấm huyệt chữa đau đầu gối, đặc biệt là vị trí huyệt chính xác, lực tác động sao cho hợp lý… Vì nếu bấm sai huyệt cùng với động tác quá thô bạo có thể làm vùng gối tổn thương nhiều hơn mà không đạt được lợi ích.3

Tạo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học, hợp lý luôn mang đến sự tích cực cho khớp gối:2

  • Bổ sung các thực phẩm chứa chondroitin, glucosamine, canxi… Đây là những thành phần quan trọng của dịch và xương khớp gối, tái tạo sụn khớp, chậm quá trình thoái hóa.
  • Kiểm soát cân nặng chặt chẽ giúp giảm tải trọng mà khớp gối phải chịu đựng.
  • Thực hiện các bài tập lợi cho khớp gối như bơi lội, đạp xe đạp trên không…

Những phương pháp đông y khác điều trị đau đầu gối

Xoa bóp

Thủ thuật xoa bóp thường được tiến hành kết hợp với bấm huyệt trong trị đau đầu gối. Mục đích của việc này là phát huy tối đa kỹ thuật từ bàn tay, tăng lưu thông khí huyết, thư giãn vùng cơ, hạn chế cứng khớp, đẩy lùi cơn đau,… Các thao tác như xoa, miết, day, nắn bóp được thực hiện xen kẽ, đồng thời vận động khớp nhẹ nhàng, kéo dài 30 phút/ngày/lần.4

Châm cứu

Nhiều nghiên cứu đều ghi nhận kỹ thuật châm cứu có tác động tích cực đến khớp gối. Chúng cải thiện chức năng khớp, phục hồi vận động… Các thủ thuật như hào châm, điện châm, ôn châm, thủy châm… với phương huyệt tương tự như cách bấm huyệt chữa đau đầu gối. Khuyến cáo lưu kim khoảng 30 phút/lần/ngày, đến khi bệnh ổn định hoặc kéo dài 20 ngày/liệu trình.4

Xem thêm: Châm cứu chữa đau khớp gối: công dụng, cách châm cứu và lưu ý

Phương pháp điện châm giúp giảm đau và tăng lưu thông khí huyết
Phương pháp điện châm giúp giảm đau và tăng lưu thông khí huyết

Quả thực, đau khớp gối có thể khiến chúng ta bị hạn chế khả năng lao động và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Để phòng ngừa cũng như cải thiện, cách bấm huyệt chữa đau đầu gối là liệu pháp nên được cân nhắc. Bởi trị liệu này đã được chứng minh là hiệu quả trong việc phục hồi chức năng vận động của hệ cơ xương khớp. Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin bổ ích về liệu pháp này. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé.

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Bộ Y tế (2016), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh cơ xương khớp. Nhà xuất bản Y học.

  2. Tác hại của đau khớp gốihttps://suckhoedoisong.vn/tac-hai-cua-dau-khop-goi-169134635.htm

    Ngày tham khảo: 29/10/2021

  3. Cách bấm huyệt chữa đau khớp gối hiệu quả, dễ dùng

    https://ihr.org.vn/bam-huyet-chua-dau-khop-goi-7678.html

    Ngày tham khảo: 29/10/2021

  4. Bộ Y tế (2013). Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành y học cổ truyền.

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người