Nâng tầm sức khỏe bằng cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản
Nội dung bài viết
Ngưng thở khi ngủ được xem là bệnh lý khá phổ biến có thể gặp ở mọi đối tượng. Rối loạn này có thể dẫn đến những vấn đề sức khỏe hết sức nghiêm trọng như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, rối loạn giấc ngủ,… Bài viết sau đây của bác sĩ chuyên khoa Nội tổng quát Nguyễn Lâm Giang sẽ cung cấp cho bạn một số cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản và hiệu quả. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Khái niệm ngưng thở khi ngủ
Hội chứng ngưng thở khi ngủ là tình trạng ngừng thở và bắt đầu thở lại xuất hiện trong giấc ngủ. Có nhiều loại ngưng thở khi ngủ nhưng loại thường gặp nhất do nguyên nhân tắc nghẽn. Kiểu ngưng thở này xảy ra khi cơ vùng cổ họng thư giãn tối đa. Điều này ngăn chặn đường thở trong khi ngủ.
Chứng ngưng thở khi ngủ gặp ở 3% người có cân nặng bình thường, nhưng lại tăng hơn 20% ở người thừa cân – béo phì.1 Bên cạnh đó, tình trạng này thường gặp ở nam giới và phụ nữ tiền mãn kinh.
Bệnh lý này có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ ngắn hạn, ảnh hưởng tâm trạng. Nghiêm trọng hơn, nó có thể làm bạn thiếu tỉnh táo khi làm việc hay khi lái xe. Đây là bệnh lý cần được phát hiện và điều trị kịp thời.
Biểu hiện của hội chứng ngưng thở khi ngủ
Những biểu hiện của chứng bệnh này khá đa dạng tùy theo những nguyên nhân khác nhau. Nếu như nguyên nhân xuất phát từ các cơ vùng cổ họng, lưỡi và vòm miệng; đây chính là chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn. Trong khi đó, chứng ngưng thở khi ngủ trung ương là do não bộ không kiểm soát hơi thở khi ngủ. Những nguyên nhân này có thể chồng lấp lên nhau khó xác định.
Dẫu vậy, vẫn có những triệu chứng chung phổ biến nhất của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và trung ương bao gồm:
- Ngủ ngáy to thường do người thân phát hiện.2
- Thở mạnh, hổn hển khi ngủ.
- Cảm giác khô miệng khi thức dậy.
- Buồn ngủ nhiều thậm chí quá mức vào ban ngày.
- Mất ngủ.
- Khả năng tỉnh táo, tập trung kém.
- Nhức đầu vào buổi sáng.
- Tâm trạng hay cáu gắt.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn nên gặp bác sĩ tư vấn ngay. Tránh tình trạng kéo dài dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng; gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và cuộc sống của người bệnh.
Cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản
Tùy theo từng mức độ bệnh, mà phương pháp điều trị sẽ thay đổi. Đối với những trường hợp ngưng thở khi ngủ mức độ nhẹ, điều trị tối ưu hơn cả là những giải pháp bảo tồn, không can thiệp thủ thuật.
Cách chữa ngưng thở khi ngủ không cần can thiệp thủ thuật
Đây là phương pháp người bệnh nên thực hiện càng sớm càng tốt. Tuy cách chữa ngưng thở khi ngủ khá đơn giản nhưng sẽ mang lại sự cải thiện rõ ràng.
Giảm cân
Như đã nói, những người thừa cân – béo phì thường tăng nguy cơ mắc chứng ngưng thở khi ngủ. Vì thế, các chuyên gia y tế thường khuyên rằng giảm 10% trọng lượng cơ thể sẽ giúp bệnh nhân giảm sự diễn tiến của bệnh. Ngoài ra, việc giảm cân còn giúp giảm các bệnh lý chuyển hóa khác như đái tháo đường,…
Thay đổi lối sống
Nếu như bạn mắc chứng ngưng thở khi ngủ thì bạn không nên dùng rượu, chất gây nghiện cùng một số loại thuốc ngủ. Bởi vì chúng là những chất làm đường thở giảm thông khí và kéo dài thời gian ngưng thở.Thay vì sử dụng những chất gây hại trên, bạn có thể sử dụng những thức uống lành mạnh khác như một ly sữa ấm, trứng gà luộc… trước khi ngủ.
Xem thêm: Uống gì để ngủ ngon giấc và lời khuyên từ bác sĩ
Bên cạnh đó, bạn có thể thử tư thế ngủ sao cho phù hợp. Một số trường hợp ngưng thở xảy ra chỉ khi nằm ngửa. Vì thế, để giải quyết vấn đề này, bạn nên chuyển sang tư thế nằm nghiêng trên một chiếc gối mềm sao cho thoải mái. Đây là một cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản có thể thực hiện ngay tại nhà.
Thuốc trị nghẹt mũi
Phương pháp này ưu tiên dùng cho những người bệnh có vấn đề về xoang mũi. Thuốc xịt mũi sẽ giúp cải thiện luồng không khí, mang lại cảm giác dễ chịu. Từ đó, chức năng thở ổn định và giảm ngáy.
Một lưu ý quan trọng là những người mắc chứng bệnh này cần tránh việc thiếu ngủ, đặc biệt là với những bệnh nhân có rối loạn giấc ngủ.
Cách chữa ngưng thở khi ngủ có can thiệp thủ thuật
Nếu như tình trạng ngưng thở khi ngủ tái diễn và trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh sẽ cần đến điều trị can thiệp chuyên sâu hơn như sau:
CPAP
Đây là phương pháp máy thông khí áp lực dương liên tục. Liệu pháp này phổ biến nhất và đạt được hiệu quả nhất cho những bệnh nhân mức độ vừa và nặng.1 Chiếc máy này sẽ được đặt cạnh giường ngủ của bạn. Đi cùng máy là một ống nhựa nối máy với chiếc mặt nạ. Về mặt kỹ thuật, máy sẽ đẩy không khí có áp suất dương hỗ trợ đường thở cho bạn thông qua chiếc mặt nạ. Từ đó, nó ngăn việc đóng đường thở.
Có nhiều bệnh nhân thích nghi dễ dàng với cách chữa ngưng thở khi ngủ bằng CPAP. Nhưng một số người bệnh khác lại khó ngủ. Vì thế, nếu có bất kỳ trở ngại nào trong việc sử dụng máy, bạn cần liên hệ chuyên gia y tế để được giải đáp kịp thời.
Cấy thiết bị kích thích hệ thần kinh hạ thiệt
Phương pháp này còn khá mới mẻ trên thế giới và đặc biệt tại Việt Nam. Tuy vậy, phương pháp này vẫn đạt được hiệu quả cao. Phương pháp này chủ yếu tác động vào thần kinh hạ vị chi phối hoạt động của lưỡi. Máy kích thích sẽ được cấy dưới da vùng ngực phải cùng với các điện cực nằm dưới da đến dây thần kinh hạ vị ở cổ và các cơ liên sườn ở ngực. Dây thần kinh hạ vị sẽ được kích thích với từng nhịp thở. Lưỡi di chuyển về phía trước và mở thông đường thở tối đa.
Phẫu thuật
Phẫu thuật thường dành cho những bệnh nhân bị cản trở đường thở qua mũi hoặc họng. Ví dụ như người bệnh có vách ngăn mũi bị lệch, amidan to, vùng hàm dưới bị chèn ép,… làm cổ họng hẹp lại. Đồng thời, phẫu thuật có thể dành cho những người mắc chứng ngưng thở khi ngủ đã điều trị những phương thức kể trên nhưng không hiệu quả.
Xem thêm: Vẹo vách ngăn mũi là gì? Khi nào cần phẫu thuật?
Có thể thấy, chứng ngưng thở khi ngủ có thể điều trị hiệu quả bằng nhiều phương pháp khác nhau từ đơn giản đến chuyên sâu. Hy vọng bài viết trên của bác sĩ Nguyễn Lâm Giang đã mang lại cho bạn những thông tin bổ ích về cách chữa ngưng thở khi ngủ đơn giản. Để điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất, bạn nên đến bác sĩ để được thăm khám và đưa ra những phương pháp điều trị phù hợp nhé.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Is Sleep Apnea?https://www.sleepapnea.org/learn/sleep-apnea/#
Ngày tham khảo: 19/11/2021
-
Sleep Apneahttps://my.clevelandclinic.org/health/diseases/8718-sleep-apnea
Ngày tham khảo: 19/11/2021