Các cách điều trị nấm Candida tại nhà: Có an toàn và điều trị dứt điểm không?
Nội dung bài viết
Nấm Candida là một bệnh nhiễm trùng dễ lây và hiện khá phổ biến ở nước ta. Bệnh có thể ảnh hưởng tới da, miệng, âm đạo và một số cơ quan khác. Có nhiều cách điều trị nếu nhiễm nấm Candida, cách điều trị nấm Candida tại nhà cũng rất được nhiều người áp dụng. Vậy, những cách điều trị tại nhà này có an toàn và điều trị dứt điểm nấm Candida được không? Bài viết dưới đây của Bác sĩ Tô Hồng Phương Thanh sẽ giải đáp cho bạn thắc mắc này.
Những điều cơ bản về viêm nhiễm nấm Candida
Trước khi tìm hiểu các cách điều trị nấm Candida tại nhà, chúng ta cùng tìm hiểu tổng quan về bệnh nhiễm nấm Candida.
Nhiễm nấm Candida là gì?
Candida là một loại nấm men rất phổ biến. Chúng có thể được tìm thấy ở nhiều nơi trên cơ thể người như ở da, vùng miệng, đường tiêu hóa và vùng sinh dục. Bình thường, nấm Candida sẽ sống cân bằng với các vi sinh vật khác trên cơ thể mà không gây tác hại gì. Khi gặp các điều kiện thuận lợi, nấm Candida sẽ có cơ hội phát triển mạnh và gây bệnh ở nhiều bộ phận khác của cơ thể. Hầu hết các nhiễm trùng gây ra bởi Candida albicans.1
Triệu chứng nhiễm Candida1
Tùy vào vị trí bị nhiễm nấm mà các triệu chứng bệnh sẽ khác nhau. Các triệu chứng thường gặp nhất bao gồm tưa miệng, các vấn đề về tiêu hóa, các vấn đề về da, nhiễm nấm Candida ở cơ quan sinh dục.
- Nhiễm nấm Candida ở miệng: xuất hiện các mảng trắng trong miệng, má, lưỡi và cổ họng; đau khi ăn; đỏ hoặc đau nhức trong miệng.
- Nhiễm nấm Candida ở âm đạo: ngứa, tấy đỏ, nóng rát vùng âm đạo nhất là khi tiểu tiện. Đau và khó chịu khi quan hệ tình dục. Dịch tiết từ âm đạo bất thường, có khi trắng đục và vón cục.
- Nhiễm Candida ở đường tiêu hóa: các triệu chứng có thể xảy ra như: tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đầy hơi, khó tiêu.
- Nhiễm Candida ở da: thường là xung quanh bộ phận sinh dục, miệng, móng tay và các nếp gấp trên da. Các triệu chứng bao gồm: phát ban, nổi mụn nước, móng tay sưng đau, tách khỏi giường móng,..
Nguyên nhân nhiễm nấm Candida
Một số nguyên nhân dẫn đến sự phát triển và gây bệnh của nấm Candida là:1
- Sử dụng kháng sinh hoặc các thuốc chứa corticoid lâu ngày gây mất sự cân bằng hệ vi sinh vật tự nhiên trong cơ thể, tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển gây bệnh.
- Suy giảm miễn dịch, khả năng đề kháng giảm như ở các đối tượng: phụ nữ có thai, người mắc bệnh tiểu đường, người nhiễm HIV/AIDS,…
- Vùng sinh dục không được thông thoáng, bị ẩm sẽ tạo điều kiện cho nấm Candida phát triển, gây bệnh.
Để hiểu hơn về nấm Candida cũng như cách phòng ngừa bệnh, độc giả có thể xem thêm bài viết Nhiễm nấm Candida: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách phòng ngừa.
Có thể điều trị nấm Candida tại nhà không?
Ngoài điều trị bằng thuốc, người nhiễm nấm Candida có xu hướng quan tâm đến các cách điều trị nấm Candida tại nhà, cách trị nấm Candida dân gian hoặc chữa nấm Candida bằng tự nhiên.
Hiện nay, có một số phương pháp điều trị tại nhà để chữa nấm Candida. Hầu hết các phương pháp tại nhà này đều sử dụng những nguyên liệu tự nhiên như tỏi, sữa chua… Các nguyên liệu này là an toàn. Tuy nhiên, cách điều trị nấm Candida tại nhà không điều trị được tận gốc. Chữa nấm Candida tại nhà chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị và phù hợp với những trường hợp viêm nhiễm nhẹ. Trường hợp bệnh nặng thì cần điều trị tại cơ sở y tế.
Một số cách hỗ trợ điều trị nấm Candida tại nhà phổ biến hiện nay
1. Lá trầu không
Lá trầu không chứa nhiều tinh dầu, trong đó có hàm lượng lớn các loại kháng sinh, kháng viêm, giảm đau và kháng nấm. Chính vì vậy mà lá trầu không thường được sử dụng để điều trị nhiễm nấm Candida. Việc dùng lá trầu không chữa bệnh nấm Candida sẽ phát huy tốt công dụng nếu thực hiện đúng cách.
Dưới đây là một số cách hỗ trợ chữa nấm Candida bằng lá trầu không được áp dụng phổ biến:
- Xông hơi lá trầu không trị nấm Candida.
- Chữa nấm Candida tại nhà bằng cách ngâm rửa với lá trầu không.
- Kết hợp lá trầu không với một số nguyên liệu khác để trị nấm Candida.
2. Tỏi2
Nhiều người bệnh thường thắc mắc, liệu có thể chữa nấm Candida bằng tỏi không?
Đã có nghiên cứu cho thấy tỏi cũng có thể giúp tiêu diệt nấm Candida.3 Nước cốt tỏi có hiệu quả trong điều trị vết loét miệng và có thể giúp hạn chế sự phát triển của nấm Candida. Để dùng tỏi điều trị nhiễm trùng nấm men, bạn chỉ cần thêm nhiều tỏi vào chế độ ăn uống của mình.
Không nên nhét tỏi trực tiếp vào âm đạo để trị nhiễm Candida âm đạo. Vì các hợp chất hoạt động trong tỏi có thể gây bỏng và đau khi thoa lên da hoặc niêm mạc âm đạo.
3. Sữa chua2
Men vi sinh (probiotics) có thể có hiệu quả chống lại C. Albicans.4 Sữa chua cũng được coi là một loại men vi sinh và chứa lợi khuẩn sống, chẳng hạn như Lactobacillus acidophilus. Những lợi khuẩn này giúp thúc đẩy một môi trường lành mạnh trong âm đạo và có thể giúp cân bằng lại hệ vi sinh trong cơ thể.
Khi nói đến việc sử dụng sữa chua để điều trị nhiễm nấm Candida, bạn nên chọn sữa chua Hy Lạp (Greek Yogurt) nguyên chất. Hãy chắc chắn rằng sữa chua không chứa thêm đường, hương liệu hoặc trái cây vì những thành phần có thể thúc đẩy sự phát triển thêm của Candida.
Bạn có thể sử dụng sữa chua để trị nấm Candida bằng cách:
- Ăn sữa chua.
- Bôi vào âm hộ xung quanh âm đạo.
- Sử dụng dụng cụ tampon sạch hoặc ngón tay phết trong âm đạo.
4. Giấm táo2
Một cách điều trị nấm Candida tại nhà phổ biến là tắm bằng giấm táo. Thêm nửa cốc giấm táo vào bồn tắm nước ấm và ngâm mình trong 20 phút, thành phần axit của giấm có thể giúp loại bỏ một số vi sinh vật có hại bao gồm cả nấm men.
5. Trà xanh
Trong lá trà xanh có rất nhiều dưỡng chất tốt như kaempferol và các loại vitamin B2, vitamin B3, vitamin B5,… Những thành phần có khả năng cung cấp các dưỡng chất thiết yếu giúp cho vùng kín nhanh làm lành vết thương khi nhiễm nấm Candida.
Ngoài ra, trong lá trà xanh cũng chứa rất nhiều chất có khả năng sát khuẩn. Vì vậy, đây là một nguyên liệu an toàn và sẽ rất hiệu quả để điều trị nấm Candida.
Những lưu ý khi điều trị Candida tại nhà
Khi áp dụng các cách điều trị nấm Candida tại nhà, bạn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Lựa chọn các nguyên liệu sạch sẽ, không chứa chất bảo quản.
- Công đoạn chuẩn bị nguyên liệu hay thực hiện đều phải hợp vệ sinh, đảm bảo an toàn.
- Không bôi hoặc thụt rửa sâu vào bên trong âm đạo làm trầm trọng hơn tình trạng nấm.
- Nên xây dựng thói quen ăn uống dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý và vận động khoa học. Điều này giúp tăng cường sức đề kháng.
- Hiệu quả của các phương pháp trị nấm tại nhà phụ thuộc nhiều vào cơ địa của mỗi người. Tốt nhất bạn nên thăm khám bác sĩ trước để nhận được sự tư vấn về cách điều trị tốt nhất.
Những cách điều trị nấm Candida tại nhà đều sử dụng những nguyên liệu tự nhiên khá an toàn cho người bệnh. Tuy nhiên, chúng chỉ có tác dụng hỗ trợ điều trị và không diệt được nấm tận gốc. Do đó, khi có những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh, bệnh nhân cần phải tới cơ sở y tế để được thăm khám để được bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
What Are the Symptoms of Candida Infection?https://www.verywellhealth.com/symptoms-of-candida-5205172
Ngày tham khảo: 14/02/2023
-
11 Home Remedies for Vaginal Yeast Infectionshttps://www.healthline.com/health/womens-health/yeast-infection-home-remedy
Ngày tham khảo: 14/02/2023
-
Garlic alters the expression of putative virulence factor genes SIR2 and ECE1 in vulvovaginal C. albicans isolateshttps://www.nature.com/articles/s41598-020-60178-0?utm_medium=affiliate&utm_source=commission_junction&utm_campaign=CONR_PF018_ECOM_GL_PHSS_ALWYS_DEEPLINK&utm_content=textlink&utm_term=PID100090071&CJEVENT=09306866aba411ed836171a80a18b8fa
Ngày tham khảo: 14/02/2023
-
Application of Probiotic Yeasts on Candida Species Associated Infectionhttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7711718/
Ngày tham khảo: 14/02/2023