Những cách điều trị sỏi túi mật phổ biến hiện nay
Nội dung bài viết
Sỏi túi mật là bệnh lý phổ biến của đường tiêu hoá. Hiện nay, tỉ lệ mắc bệnh sỏi túi mật ngày càng gia tăng. Bệnh diễn tiến âm thầm và nhiều người nghĩ rằng bệnh sỏi túi mật không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng lúc thì bệnh có thể dẫn đến các biến chứng rất nguy hiểm. Chính vì thế, việc điều trị kịp thời và đúng lúc là rất quan trọng. Bài viết dưới đây của Bác sĩ Hứa Minh Luân sẽ cung cấp cho bạn thông tin về cách điều trị sỏi túi mật hiện nay. Nào chúng ta cùng tìm hiểu nhé!
Thông tin về bệnh sỏi túi mật
Trước khi tìm hiểu về cách điều trị sỏi túi mật, chúng ta hãy cùng tìm hiểu một vài thông tin về bệnh lý sỏi túi mật sau đây.
Sỏi túi mật là gì?
Túi mật là một túi nhỏ hình quả lê nằm ở dưới gan có tác dụng lưu trữ và cô đặc mật. Khi chúng ta ăn, đặc biệt là thức ăn chứa dầu mỡ, túi mật sẽ co bóp đẩy dịch mật vào ruột để tiêu hoá thức ăn.
Sỏi túi mật là một bệnh lý đường mật và là nguyên nhân chủ yếu gây viêm túi mật. Dạng sỏi thường gặp là sỏi cholesteron. Sỏi thường gặp ở những người ở độ tuổi trung niên và càng lớn tuổi thì nguy cơ mắc bệnh càng cao.
Các loại sỏi túi mật
Sỏi túi mật được chia làm 2 loại chính:
- Sỏi cholesteron: Chủ yếu được hình thành do chất cholesteron ứ đọng nhiều và lâu ngày trong túi mật. Theo các nghiên cứu ở Việt Nam, loại sỏi này chỉ chiếm khoảng 30% đến 35% các trường hợp. Loại sỏi này gặp ở những người phụ nữ nhiều hơn nam giới, những người béo phì…
- Sỏi sắc tố thường do một số nguyên nhân tạo ra như: những người mắc các bệnh thiếu máu tán huyết, bệnh lý về máu, bệnh xơ gan…
Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh sỏi túi mật
Phần lớn các trường hợp sỏi túi mật không có dấu hiệu hay triệu chứng gì điển hình. Tuy nhiên, khi sỏi làm tắc nghẽn đường mật hay viên sỏi nằm kẹt ở cổ túi mật bạn có thể có các triệu chứng sau:
- Triệu chứng sỏi túi mật thường gặp nhất là cơn đau quặn mật. Cơn đau thường xuất hiện ở vùng thượng vị hay vùng bụng trên bên phải. Các trường hợp đau thượng vị khiến cho chúng ta dễ nhầm lẫn với bệnh lý về dạ dày. Cơn đau thường xuất hiện từ 30 phút đến vài giờ. Đau âm ỉ liên, mức độ ngày càng tăng. Cơn đau thường xảy ra sau khi ăn khoảng vài tiếng và thường xuất hiện lúc ban đêm.
- Các triệu chứng khác như sốt, vàng da, buồn nôn và nôn… Các triệu chứng này thường xuất hiện khi sỏi đã gây ra các biến chứng.
Chẩn đoán sỏi túi mật
Khi bạn đến khám bệnh, bác sĩ sẽ khai thác về các triệu chứng của bạn cũng như tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng, sau đó sẽ cho bạn đi làm một số xét nghiệm cận lâm sàng như:
- Siêu âm bụng tổng quát: Đây là phương pháp phổ biến dùng đầu tay để phát hiện ra sỏi mật. Tuy nhiên nó có nhược điểm là còn phụ thuộc vào người siêu âm.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT-Scan) hay chụp cộng hưởng từ (chụp MRI): Đây là phương pháp chẩn đoán bệnh lý sỏi túi mật có độ chính xác cao.
- Nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP): Nếu sỏi mật được tìm thấy trong quá trình nội soi thì sẽ được can thiệp và gắp ra ngay.
- Các xét nghiệm máu thường quy, xét nghiệm chức năng gan, các xét nghiệm mỡ máu.
Biến chứng của sỏi túi mật
- Viêm túi mật cấp do sỏi túi mật: Đây là biến chứng thường gặp nhất. Nguyên nhân là do sỏi kẹt ở vị trí cổ túi mật. Điều này làm dịch mật ứ đọng lâu ngày trong túi mật dẫn đến nhiễm trùng gây viêm túi mật cấp.
- Nhiễm trùng đường mật do sỏi túi mật: Khi sỏi làm tắc nghẽn đường dẫn mật sẽ dẫn đến tình trạng nhiễm trùng đường mật. Biến chứng này khá nguy hiểm nên cần phải điều trị kịp thời.
- Sỏi túi mật gây viêm tụy cấp: Viêm tụy cấp xảy ra khi sỏi theo đường dẫn mật đến ngã 3 gây tắc nghẽn, làm ứ đọng dịch tụy.
- Ung thư túi mật do sỏi túi mật: Đây là biếm chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng. Các triệu chứng của ung thư túi mật thường không đặc hiệu nên khó xác định và chẩm đoán.
- Ngoài ra sỏi túi mật còn gây ra một số các biến chứng khác như: tắc ruột, xơ gan mật…
Xem thêm: Tắc mật: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Cách điều trị sỏi túi mật
Tuỳ theo từng trường hợp cụ thể, kích thước sỏi cũng như biểu hiện triệu chứng như thế nào, mà chúng ta có các phương pháp điều trị khác nhau cho mỗi trường hợp. Mỗi cách điều trị sỏi túi mật đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng của nó. Lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp giúp cho bạn loại bỏ sỏi một cách triệt để và ngăn ngừa tái phát về sau.
Cách điều trị sỏi mật bằng phẫu thuật can thiệp
Phương pháp điều trị sỏi túi mật bằng phẫu thuật cắt túi mật
- Phẫu thuật cát túi mật nội soi: Phương pháp này được áp dụng cho hầu hết các trường hợp cần phải cắt bỏ túi mật. Khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch trên bụng của người bệnh 3 lỗ, kích thước mỗi lỗ khoảng 1-2cm để đưa dụng cụ nội soi vào mổ. Phẫu thuật nội soi cắt túi mật là một cuộc phẫu thuật tương đối nhẹ nhàng, ít đau, hồi phục nhanh chóng và có tính thẩm mỹ cao.
- Phẫu thuật mổ hở: Phương pháp này được áp dụng khi người bệnh có chỉ định cắt túi mật. Nhưng họ không thích hợp để mổ nội soi như: người thừa cân, phụ nữ ở 3 tháng cuối của thai kỳ, mổ nội soi thất bại hoặc túi mật viêm dính nhiều không thể mổ nội soi được… Phương pháp này tạo ra vết sẹo dài, không có tính thẩm mỹ cao. Thời gian phục hồi lâu hơn. Nguy cơ biến chứng nhiều hơn so với mổ nội soi.
Nội soi mật tuỵ ngược dòng (ERCP)
Phương pháp này được dùng để chẩn đoán và lấy sỏi trong ống mật chủ hoặc đặt stent để giải quyết tắc nghẽn đường mật để tránh nhiễm trùng đường mật. Phương pháp này có ưu điểm là thời gian thực hiện nhanh. Người bệnh phục hồi sớm và có thể xuất viện sau khi thực hiện.
Dẫn lưu đường mật xuyên gan qua da
Đây là phương pháp điều trị sỏi túi mật được áp dụng khi người bệnh chưa thể phẫu thuật. Đây là biện pháp can thiệp tạm thời để tránh ứ dịch mật, giảm tình trạng nhiễm trùng.
Tán sỏi bằng tia laser hoặc sóng siêu âm
Phương pháp này hiện nay ít được áp dụng vì hiệu quả không cao và còn nhiều hạn chế.
Cách điều trị sỏi túi mật bằng phương pháp nội khoa
Sử dụng thuốc nội khoa điều trị sỏi túi mật giúp người bệnh không phải trải qua một cuộc phẫu thuật, tránh gây đau đớn. Tuy nhiên, đa số các trường hợp hiệu quả điều trị không cao và không triệt để. Các loại thuốc điều trị sỏi túi mật gồm:
- Thuốc giảm đau, giảm co thắt như: Thuốc paracetamol, alverin, atropin…
- Thuốc tan sỏi như: Acid ursodeoxycholic, acid chonodeoxycholic… Các thuốc này giúp làm cân bằng các chất trong dịch mật và làm tan sỏi từ từ nhưng hiệu quả không cao.
- Thuốc kháng sinh: giúp điều trị các trường hợp nhiễm trùng.
Các biện pháp giúp phòng ngừa sỏi túi mật
Bên cạnh các cách điều trị sỏi túi mật, bạn cũng nên tìm hiểu một số biện pháp dưới đây giúp phòng ngừa bệnh lý này. Các biện pháp bao gồm:
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Ăn nhiều các thực phẩm có chất xơ trong bữa ăn như rau, hoa quả…
- Duy trì cân nặng tránh béo phì: Béo phì cũng có nguy cơ gây nên sỏi túi mật.
- Chế độ sinh hoạt phù hợp: Thường xuyên tập thể dục và luôn giữ tinh thần thoải mái.
- Ăn uống đúng bữa, không nên bỏ bữa.
Xem thêm: Nguyên nhân sỏi túi mật và những điều bạn cần biết
Tóm lại, sỏi túi mật là một bệnh lý phổ biến. Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị khác nhau tuỳ từng trường hợp cụ thể nhưng phương pháp phổ biến nhất là phẫu thuật cắt túi mật nội soi. Hi vọng bài viết trên đây của Bác sĩ Hứa Minh Luân đã cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về bệnh lý sỏi túi mật, cũng như các cách điều trị sỏi túi mật hiện nay. Nếu các bạn có thắc mắc hay vấn đề cần tư vấn thì hãy liên hệ với chúng tôi nhé!
Nguồn tham khảo / Source
Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.
-
Gallstoneshttps://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gallstones/symptoms-causes/syc-20354214
Ngày tham khảo: 06/08/2021
-
Tokyo Guidelines 2018: diagnostic criteria and severity grading of acute cholecystitis (with videos)https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/29032636/
Ngày tham khảo: 06/08/2021