YouMed

Thuốc tránh thai và những nguy cơ, tác dụng phụ thường gặp

dược sĩ lương triệu vĩ
Tác giả: Dược sĩ Lương Triệu Vĩ
Chuyên khoa: Dược

Thuốc tránh thai hằng ngày là biện pháp tránh thai được sử dụng rất phổ biến. Ngoài tác dụng chính là ngăn ngừa mang thai, thuốc tránh thai còn có những lợi ích bất ngờ. Ví dụ như giúp điều hòa kinh nguyệt, ngăn ngừa mụn nội tiết, giảm nguy cơ bị loãng xương,… Tuy nhiên, bất kì một loại thuốc nào cũng là con dao hai lưỡi. Sử dụng thuốc tránh thai cũng sẽ xuất hiện những tác dụng không mong muốn. Bài viết này của Dược sĩ Lương Triệu Vĩ sẽ cung cấp cho bạn đọc những hiểu biết về khuyết điểm ấy của thuốc tránh thai.

1. Bất thường kinh nguyệt

Khi uống thuốc tránh thai hằng ngày hay thuốc khẩn cấp, bạn có thể bị chảy máu giữa chu kì kinh hoặc mất kinh.

Chảy máu giữa chu kì kinh là hiện tượng máu chảy ra từ tử cung (dạ con), xảy ra ở khoảng giữa của hai chu kì kinh. Lượng máu thường ít (spotting), có màu đỏ sậm hoặc nâu, trong khoảng thời gian ngắn. Hiện tượng này thường biến mất trong vòng 3 tháng kể từ khi bắt đầu uống thuốc. Bạn vẫn nên tiếp tục uống thuốc đúng liều, đúng thời gian để thuốc có hiệu quả. Trong trường hợp bạn chảy máu nhiều trong hơn 3 ngày, hoặc chảy máu dài hơn 5 ngày bạn nên đến gặp bác sĩ sản phụ khoa để kiểm tra và được tư vấn.

Trong quá trình uống thuốc, một số người sẽ không có kinh. Hiện tượng này có thể kéo dài vài tháng đầu khi uống thuốc hoặc kéo dài cho đến khi ngưng uống thuốc. Nếu tình huống này xảy ra, điều quan trọng nhất là bạn nên thử thai. Đảm bảo không mang thai trước khi bắt đầu vỉ tiếp theo. Ngoài ra một số yếu tố như căng thẳng, bất thường tuyến giáp cũng có thể làm bạn trễ hoặc mất kinh.

Xem thêm: “>Ra máu nâu khi mang thai

2. Buồn nôn, nôn

Một số người cảm thấy buồn nôn hoặc nôn trong những lần đầu uống thuốc. Tác dụng phụ này có thể giảm dần sau một thời gian. Bạn cũng có thể uống thuốc trong khi ăn hoặc trước khi đi ngủ để giảm sự khó chịu này. Bạn cần chú ý nếu bạn bị nôn trong vòng 2 giờ sau khi uống thuốc, bạn nên uống viên tiếp theo. Vì khi đó thuốc chưa được hấp thu vào cơ thể, và tác dụng tránh thai, tất nhiên, là sẽ không có. Hoặc nếu quan hệ tình dục vào thời điểm này, sử dụng thêm bao cao su sẽ là một lựa chọn khôn ngoan. 

Nếu sau 3 tháng, tình trạng buồn nôn, nôn tiếp tục xảy ra, bạn nên làm gì? Bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn biện pháp tránh thai khác, an toàn mà hiệu quả cao.

3. Căng cứng ngực

Nếu bạn để ý, bạn sẽ cảm nhận được cơ thể mình có sự thay đổi trước khi hành kinh. Bầu ngực của bạn sẽ trở nên căng đầy, thậm chí bị đau khi bị đè ép hoặc chuyển động với biên độ lớn. Đau có thể một bên hoặc hai bên. Có nhiều yếu tố tác động đến hiện tượng này. Trong số đó, sự mất cân bằng giữa progesteron và estrogen được nhắc tới nhiều.

Việc sử dụng thuốc nội tiết bổ sung vào cơ thể cũng làm ảnh hưởng đến sự cân bằng này. Và gây ra sự căng đau bầu vú. Tuy vậy, vấn đề thường được giải quyết một vài tuần sau khi bắt đầu uống thuốc.

4. Đau đầu và đau nửa đầu (migraine)

Các hooc-môn trong thuốc tránh thai có thể làm tăng nguy cơ đau đầu và làm nặng thêm tình trạng đau nửa đầu đã có trước đó.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố rằng với những người bị đau nửa đầu chỉ nên cân nhắc sử dụng thuốc tránh thai kết hợp được uống khi thỏa mãn TẤT CẢ các điều kiện sau:

  • < 35 tuổi.
  • đau nửa đầu không có tiền triệu.
  • không hút thuốc lá.
  •  không có bệnh lý khác. 

Tình trạng đau đầu liên quan đến thuốc tránh thai có thể sẽ được cải thiện nếu tiếp tục dùng. Tuy nhiên, nếu đau đầu nặng, kéo dài, hoặc khởi phát migraine, khi bắt đầu uống thuốc. Bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn lựa chọn tránh thai khác.

Đau nửa đầu migraine là một cơn đau dữ dội, thường kèm theo cảm giác buồn nôn hay sợ tiếp xúc ánh sáng. Cơn đau như một nỗi ám ảnh luôn khiến người bệnh mệt mỏi và lo lắng.

5. Tăng cân

Một trong những lo ngại nhiều nhất của chị em phụ nữ khi uống thuốc tránh thai là tăng cân. Tăng cân có thể do nhiều nguyên nhân: tăng giữ nước, tăng tích mỡ, tăng khối lượng cơ. Cho đến hiện tại, nhiều nghiên cứu được thực hiện nhưng vẫn chưa thể tìm ta mối liên hệ giữa việc sử dụng thuốc và thay đổi cân nặng. Nói vậy nghĩa là, một người uống thuốc bị tăng cân, không có nghĩa người khác cũng bị tăng cân.

Thế nhưng, có một sự thật là thuốc tránh thai có thể gây giữ nước. Bạn có để ý rằng ở nửa sau của chu kì kinh, cơ thể mình có vẻ “nặng nề” hơn không? Theo một nghiên cứu những người uống thuốc tránh thai chỉ có progestin tăng trung bình 2 kg sau 6-12 tháng dùng thuốc.

6. Tăng nguy cơ các vấn đề tim mạch

Sử dụng thuốc ngừa thai có thể làm tăng nguy cơ các vấn đề sức khỏe lâu dài.

Một trong số đó là các tác động của thuốc lên hệ tim-mạch, có thể gây tử vong như:

Các loại thuốc tránh thai khác nhau sẽ có những nguy cơ khác nhau. Nhìn chung thì thuốc chỉ chứa progestin có ảnh hưởng lên hệ tim mạch ít hơn so với thuốc viên phối hợp.

Bất cứ ai có tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị các bệnh lý trên. Hoặc bản thân bị tăng huyết áp không kiểm soát được. Nên gặp bác sĩ sản phụ khoa để được tư vấn biện pháp tránh thai phù hợp.

7. Tăng nguy cơ bị ung thư vú và ung thư tử cung

Như đã nói, dùng thuốc tránh thai có thể giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Tác dụng này là nhờ estrogen. Estrogen làm giảm khả năng mắc ung thư buồng trứng và nội mạc tử cung.

Tuy vậy, ung thư vú, ung thư cổ tử cung là hai loại ung thư phụ khoa thường gặp. Và trên nhóm đối tượng dùng thuốc tránh thai có chứa estrogen, khả năng mắc hai bệnh này cao hơn một chút.

Ung thư vú

Tác động của thuốc tránh thai lên khả năng mắc bệnh, phụ thuộc vào kiểu sử dụng thuốc. Đặc biệt là sử dụng thuốc sớm, trước năm 25 tuổi, thời gian sử dụng thuốc kéo dài. Tuy nhiên, nguy cơ ở mắc bệnh ở mỗi phụ nữ là khác nhau, vì còn dựa vào nhiều yếu tố khác:

  • Độ tuổi hiện tại, Tuổi bắt đầu dậy thì, mãn kinh, tuổi sinh con.
  • Tiền sử bản thân hoặc gia đình có người mắc ung thư vú.
  • Hút thuốc lá.
  • Uống rượu.
  • Tình trạng sức khỏe chung.

Do đó, nếu bạn đã từng mắc ung thư vú, bạn nên lựa chọn một biện pháp tránh thai khác an toàn hơn.

Ung thư cổ tử cung

Sử dụng thuốc trong thời gian dài có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người chưa bao giờ dùng thuốc. Tuy nhiên, hầu hết các loại ung thư cổ tử cung là do vi rút HPV gây ra. Liệu HPV có liên quan đến việc sử dụng thuốc tránh thai đường uống hay không vẫn chưa được xác nhận.

Ung thư cổ tử cung

Xem thêm: Virus HPV và nguy cơ ung thư cổ tử cung

Lợi ích và nguy cơ của thuốc tránh thai luôn được cân nhắc xem xét trên từng cá nhân cụ thể. Chúng ta không thể phủ nhận được vai trò to lớn của thuốc tránh thai. Đây là biện pháp tránh thai an toàn, có hiệu quả cao. Ngoài việc ngăn ngừa mang thai ngoài ý muốn, thuốc còn giúp kiểm soát một số tình trạng khác. Tuy nhiên, trên một số đối tượng đặc biệt, thuốc cần được xem xét kĩ lưỡng, để hạn chế tối đa các tác dụng phụ. Các chị em nên được tư vấn các biện pháp kế hoạch hóa gia đình. An tâm sử dụng, hiệu quả tối ưu.

Video chia sẻ thông tin chi tiết về thuốc tránh thai hàng ngày:

Biên tập bởi: Dược sĩ Lương Triệu Vĩ

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  1. Long-term effectshttps://www.medicalnewstoday.com/articles/290196#long-term-effects

    Ngày tham khảo: 15/06/2020

  2. Factors Effecting Mastalgiahttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4960349/

    Ngày tham khảo: 15/06/2020

  3. Hormonal Contraceptive Options for Women With Headache: A Review of the Evidencehttps://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2938905/

    Ngày tham khảo: 15/06/2020

  4. Do Hormonal Contraceptives Increase Breast Cancer Risk?https://www.breastcancer.org/research-news/do-hormonal-contraceptives-increase-risk

    Ngày tham khảo: 15/06/2020

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người