YouMed

Cây Ổi: Không chỉ là loại trái cây quen thuộc để ăn

Bác sĩ PHẠM LÊ PHƯƠNG MAI
Tác giả: Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai
Chuyên khoa: Y học cổ truyền

Cây Ổi không chỉ là loài trái cây quen thuộc trong cuộc sống mà nó còn có rất nhiều tác dụng trị bệnh đặc biệt là hệ tiêu hóa. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đặc điểm, công dụng và cách dùng của vị thuốc này.

1. Giới thiệu cây Ổi

  • Tên gọi khác: Phan thạch lựu, Là ủi, Mù úi piếu, Mác ổi…
  • Tên khoa học: Psidium guajava L.
  • Họ: Sim (Myrtaceae).
  • Lá, quả Ổi xanh: Folium et Fructus Psidu Guajavae.

1.1. Đặc điểm sinh trưởng và thu hái

Cây Ổi được cho là có nguồn gốc ở miền nhiệt đớt châu Mỹ – Brazil, sinh trưởng và phát triển tốt tại những vùng có khí hậu ẩm. Riêng ở Việt Nam, loại cây này được trồng rất nhiều ở khắp các tỉnh thành. Ngoài dùng làm thực phẩm, nó còn được ứng dụng vào các bài thuốc dân gian. Ổi còn cung cấp các bộ phận sau làm thuốc, búp non, lá non, quả, vỏ rễ và vỏ thân, nhưng hay dùng nhất là búp non và lá non, dùng tươi hay sấy khô.

Lá, búp non, vỏ thân hay rễ có thể thu hái quanh năm. Còn quả thì chỉ thu hái khi đã chín. Sau khi thu hái thì rửa sạch và dùng trực tiếp hay phơi khô để dùng dần đều được.

Quả Ổi có vị chua ngọt, mùi thơm, dùng ăn tươi, làm nước giải khát...
Quả Ổi có vị chua ngọt, mùi thơm, dùng ăn tươi, làm nước giải khát…

1.2. Mô tả toàn cây Ổi

Ổi là một loại cây nhỡ, sống lâu năm, có chiều cao khoảng từ 3m đến 5m. Thân cây màu nâu vàng, trơn, nhẵn bóng, cứng rắn, khi già bong ra thành từng mảnh. Cành non vuông, có lông mềm, cành già hình trụ nhẵn. Rễ Ổi là rễ cọc. Các giống Ổi khi trồng bằng hạt thường có bộ rễ chính ăn sâu xuống đất. Bộ rễ của cây thích nghi tốt với sự thay đổi đột ngột độ ẩm trong đất.

Lá có hình bầu dục, dài 9 – 11cm, rộng 3 – 6cm, mọc đối nhau với phần cuống ngắn. Mặt trên nhẵn hoặc hơi có lông còn mặt dưới có lông mịn. Phiến lá nguyên, khi soi lên sẽ thấy có túi tinh dầu trong.

Cây rất sai hoa. Hoa Ổi nhỏ, lưỡng tính, mọc đơn bông hoặc chùm nhiều bông ở kẽ lá. Cuống có lông mịn, đài nhỏ có ống, 4 – 5 răng không đều. Tràng 5 cánh dày, có lông mềm. Nhị rất nhiều, xếp thành nhiều dãy. Chỉ nhị dài. Bao phấn trung đới rộng. Bầu hạ dính vào ống dài, 5 ô. Có 5 lá đài ôm gọn những tua hoa nhỏ mềm như pháo hoa, màu trắng tinh khôi, rất đẹp mắt.

Quả Ổi mọng có nhiều hình dáng tùy giống, chủ yếu là hình trứng, hình quả lê, hình cầu. Đầu quả có vết sẹo hình tròn do lá đài để lại. Thường có màu xanh đậm khi còn non và chuyển xanh nhạt pha trắng khi về già. Mỗi quả có chứa rất nhiều hạt, màu hơi hung, hình thân, không đều. Quả vị chua ngọt hay ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Có thể ăn tươi, làm mứt hay làm nước giải khát.

Mùa hoa tháng 3 – 4, quả tháng 8 – 9.

1.3. Bộ phận sử dụng

Các bộ phận của cây ổi như búp non, lá non, quả, vỏ rễ và vỏ thân đều được dùng để làm thuốc.

Lá cây Ổi chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng điều trị bệnh
Lá Ổi chứa nhiều tinh dầu, có tác dụng điều trị bệnh

1.4. Bảo quản

Dược liệu tươi cần được sử dụng trong ngày hoặc bảo quản trong ngăn mát tử lạnh nhưng không để quá lâu. Còn nếu là dạng khô cần để trong túi kín bảo quản nơi khô thoáng, tránh ẩm mốc.

>> Càng cua cũng là loài rau quen thuộc có ích cho sức khỏe. Đọc thêm: Càng cua: Loại rau quen thuộc lợi hay hại?

2. Thành phần hóa học và tác dụng

2.1. Thành phần hóa học

Từng bộ phân của cây Ổi có những thành phần đặc trưng riêng:

Búp non và lá

  • Tinh dầu (0,31%), trong đó có dl-limonen.
  • Acid maslinic (acid cratagolic), acid guijavalic.
  • 7 – 10% tanin pyrogalic, khoảng 3% nhựa.

Quả

  • Chất axit hữu cơ chính: axit citric, 0,3% axit hữu cơ, axit malic.
  • Chất đường: 58,9% fructoza; 35,7% glucoza.
  • Vitamin: 0,03mg% vitamin B2; 0,03mg% vitamin B1; 0,2mg% vitamin PP; 50 – 60mg% vitamin C.
  • Chất dinh dưỡng khác: 77,9% nước; 0,5% tro; 0,9% protein; 0,3% lipit; 15% cacbohydrat.
  • Giàu vitamin C và pectin.

Nhựa cây

  • Acid d-galacturonic (72,03%), d-galactose (12,05%) và l-arabinose (4,40%).

Hạt

  • Tinh dầu với hàm lượng cao hơn trong lá (14% tinh dầu đặc sánh mùi thơm, 15% protein, 13% tinh bột).

Vỏ thân

  • Acid ellagic, 11 – 27% tannin được dung trong kỹ nghệ sản xuất tannin và nhuộm vải.

Rễ

  • Arjunolic acid, tanin và organic acid.

Tanin với hàm lượng cao khi quả còn xanh và giảm dần khi quả chín.

Carotenoid ở Ổi thường là beta carotene và xanthophyll. Loại Ổi màu hồng có nhiều beta carotene hơn.

Ổi là loại cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất bổ dưỡng
Ổi là loại cây chứa nhiều vitamin và khoáng chất bổ dưỡng

2.2. Tác dụng y học hiện đại

Nghiên cứu dược lý cho thấy dịch chiết các bộ phận của cây Ổi đều có khả năng kháng khuẩn, làm săn se niêm mạc và cầm tiêu chảy.

  • Cao lá, hoa và quả có tác dụng ức chế các vi khuẩn tụ cầu vàng và E. coli.
  • Cao quả có tác dụng ức chế các vi khuẩn đường ruột như Salmonella typhosa, Shigella dysenteria.
  • Tinh dầu từ lá ức chế sự phát triển của E. coli, Bacillus subtillis, tụ cầu vàng.
  • Quả Ổi chín chứa nhiều pectin nên có tác dụng nhuận tràng.
  • Do chứa nhiều tanin nên có tác dụng làm săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột. Ngoài ra còn còn có tác dụng kháng khuẩn.

Xem thêm: Tiểu đường thai kỳ nên ăn hoa quả gì và câu trả lời từ bác sĩ

Cao lá Ổi tươi ức chế sự co bóp mạnh của nhu động ruột nên trị tiêu chảy, đau bụng.

Dịch ép từ quả Ổi hỗ trợ hạ đường máu.

Nước sắc từ lá Ổi rửa đắp vết thương làm nhanh lành, sạch mủ, mất mồ hôi, làm tổ chức hạt phát triển tốt.

Vỏ Ổi chứa tannin giảm đau, sát khuẩn.

Ở Việt Nam, kinh nghiệm dân gian nhiều nơi đã dùng lá Ổi giã nát hoặc nước sắc lá Ổi để làm thuốc sát trùng, chống nấm, chữa các trường hợp lở loét lâu lành, làm giảm sốt, chữa đau răng, chữa ho, viêm họng.

 2.3. Tác dụng y học cổ truyền

Tính vị:

  • Lá Ổi có vị đắng, sáp, tính ấm.
  • Quả thì có vị ngọt, hơi chua, sáp và tính ấm.

Tác dụng: cầm tiêu chảy, tiêu viêm, cầm máu, kiện tỳ vị, sát khuẩn…

Chủ trị: rối loạn tiêu hóa, viêm ruột cấp, kiết lỵ, tiêu chảy, ăn uống không tiêu, làm lành vết loét…

Nước ép Ổi là một loại nước giải khát ngon miệng
Nước ép Ổi là một loại nước giải khát ngon miệng, bổ dưỡng

3. Cách dùng và liều dùng

Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng các bộ phận cây Ổi ở dạng tươi hay phơi khô. Thường là sắc lấy nước uống hoặc có thể dùng đắp ngoài da trong một số trường hợp cụ thể. Liều dùng cho sắc uống được khuyến cáo khoảng 10 – 15g mỗi ngày. Còn đắp ngoài thì không kể liều lượng.

Trong dân gian, có thể dùng Ổi để giải độc Ba đậu.

4. Một số bài thuốc kinh nghiệm

4.1. Trị tiêu chảy

  • Búp Ổi 12g, vỏ thân Ổi, Tô mộc mỗi vị 8g, Gừng 2g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Búp Ổi 20g, lá Khổ sâm 12g, Gừng sống 8g. Băm nhỏ sắc uống 2 lần trong ngày.
  • Búp Ổi sao qua 20g, vỏ Quýt khô 10g, Gừng nướng chín 10g. Sắc uống ngày 1 thang.
  • Lá Ổi, vỏ quả Bòng khô mỗi vị 20g, lá Chè tươi 10g, Gừng tươi 2 lát. Sắc uống trong ngày.

4.2. Chữa thổ tả

Vỏ rộp Ổi sao đen, lá Phèn đen mỗi vị 40g. Hoài sơn sao đen, Liên nhục sao đen mỗi vị 20g. Trạch tả sao, Trư linh, Bạch truật sao vàng, Bạch linh, Hoắc hương mỗi vị 12g. Tất cả phơi khô, tán bột rây mịn. Mỗi lần uống 1 thìa cà phê, ngày 2 lần.

4.3. Dùng ngoài

Vỏ rễ và vỏ thân cũng được dùng để chữa đi ngoài và rửa vết thương, vết loét.

4.4. Giải độc Ba đậu

Quả Ổi 10g, Bạch truật 10g, sao hoàng thổ cùng 10g vỏ cây Ổi. Cho vào ấm sắc trên lửa nhỏ với 1 bát nước. Lấy nửa bát rồi chia làm vài lần uống trong ngày.

Cây Ổi không chỉ là loài cây ăn trái thân thuộc mà còn có thể dùng để trị bệnh trong dân gian. Nhờ có nhiều tác dụng quý mà vị thuốc này được dùng nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh cũng như cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, để có thể phát huy hết công dụng của vị thuốc đối với sức khỏe, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để kiểm soát rủi ro và những tác dụng không mong muốn.

Bác sĩ Phạm Lê Phương Mai

Đặt khám tiện lợi cùng YouMed

+25 Bệnh viện
+700 Bác sĩ
+89 Phòng khám
Đặt khám không chờ đợi

Đặt khám
không chờ đợi

Nhắn tin với bác sĩ

Nhắn tin
với bác sĩ

Gọi video với bác sĩ

Gọi video
với bác sĩ

Mua sản phẩm y tế giá tốt

Mua sản phẩm
y tế giá tốt

Lưu trữ hồ sơ y tế

Lưu trữ
hồ sơ y tế

Đọc tin y tế chính thống

Đọc tin y tế
chính thống

Tải ứng dụng YouMed

Nguồn tham khảo / Source

Trang tin y tế YouMed chỉ sử dụng các nguồn tham khảo có độ uy tín cao, các tổ chức y dược, học thuật chính thống, tài liệu từ các cơ quan chính phủ để hỗ trợ các thông tin trong bài viết của chúng tôi. Tìm hiểu về Quy trình biên tập để hiểu rõ hơn cách chúng tôi đảm bảo nội dung luôn chính xác, minh bạch và tin cậy.

  • Đỗ Huy Bích , Đặng Quang Chung , Bùi Xuân Chương , Nguyễn Thượng Dong , Đỗ Trung Đàm , Phạm Văn Hiền , Vũ Ngọc Lộ , Phạm Duy Mai , Phạm Kim Mãn , Đoàn Thị Nhu , Nguyễn Tập , Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội
  • Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học

Chia sẻ thông tin hữu ích này cho mọi người